ĐỊA HÌNH VÙNG NHIỆT ĐỚI ẨM GIÓ MÙA – TÁC ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI ĐẾN ĐỊA HÌNH
A. Lý thuyết
1. Địa hình của vùng nhiệt đới ẩm gió mùa
Dưới tác động của nhiệt độ cao, lượng mưa lớn, các quá trình ngoại lực diễn ra mạnh mẽ làm biến đổi địa hình hiện tại. Các quá trình đóng vai trò quan trọng nhất đó là xâm thực mạnh ở kv đồi núi và bồi tụ nhanh ở đồng bằng ven biển.
Quá trình xâm thực: Dưới tác động của nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, bề mặt địa hình bị công phá tạo nên lớp vỏ phong hóa dày, có nơi tới 10-15m. Trên cùng của lớp vỏ phong hóa là tầng đất mềm (thổ nhưỡng) và rừng cây che phủ bảo vệ. Lớp vỏ phong hóa ở nước ta có đặc tính thấm nước, vụn bở, dễ dàng bị phá hủy, xói mòn và rửa trôi, nhất là ở những nơi địa hình dốc, lớp phủ thực vật và thổ nhưỡng bị tàn phá.
Quá trình phong hóa hóa học cũng diễn ra mạnh mẽ, hòa tan đá vôi tạo nên những hang động lớn và sông suối ngầm (kaxto).Các hiện tượng đất trượt và sụt lở, lũ bùn, lũ quét diễn ra phổ biến trên bề mặt địa hình. Hiện tượng kết von và đá ong hóa xảy ra trong lớp vỏ phong hóa và thổ nhưỡng diễn ra khá mạnh.
Quá trình bồi tụ: Các đồng bằng phía Đông và Đông nam được bồi tụ và mở rộng từ vài chục đến trăm m (Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long).
2. Địa hình chịu tác động mạnh mẽ của con người:
Là nơi diễn ra mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Trong quá trình tổ chức lãnh thổ của mình, từ thế hệ này sang thế hệ khác, con người đã tạo nên những dạng địa hình nhân tạo, tô điểm cho thiên nhiên và cũng làm cho bề mặt địa hình thay đổi.
Ngoài ra những cảnh quan nhân tạo như cánh đồng, làng mạc, đường sá, cầu cống, các công trình xây dựng đê điều, đập thủy điện, hồ chứa nước xuất hiện ngày càng nhiều làm thay đổi địa hình Việt Nam hiện tại.
B. Bài tập
Câu 1: Tính chất nhiệt đới của khí hậu nước ta được quy định bởi
A. vị trí địa lí.
B. vai trò của biển Đông.
C. sự hiện diện của các khối khí.
D. hình dạng lãnh thổ.
Đáp án: Tính chất nhiệt đới của khí hậu nước ta được quy định bởi vị trí địa lí nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 2: Biểu hiện tính chất nhiệt đới của khí hậu nước ta là
A. Hằng năm, nước ta nhận được lượng nhiệt từ Mặt Trời lớn.
B. Trong năm, Mặt trời luôn đứng cao trên đường chân trời.
C. Trong năm, có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh.
D. Tổng bức xạ lớn, cân bằng bức xạ dương quanh năm.
Đáp án: Biểu hiện tính chất nhiệt đới của khí hậu nước ta là tổng bức xạ lớn, cân bằng bức xạ dương quanh năm khiến cho nhiệt độ trung bình năm cao, vượt tiêu chuẩn khí hậu nhiệt đới.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 3: Hằng năm, lãnh thổ nước ta nhận được lượng bức xạ mặt trời lớn là do:
A. Góc nhập xạ lớn và có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh.
B. Phần lớn diện tích nước ta là vùng đồi núi.
C. Có nhiệt độ cao quanh năm.
D. Quanh năm trời trong xanh ít nắng.
Đáp án: Nước ta nằm hoàn toàn trong vùng nội chí tuyến Bắc bán cầu nên góc chiếu tia sáng Mặt Trời lớn dẫn đến góc nhập xạ lớn; mặt khác vị trí nước ta có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh nên lãnh thổ nhận được lượng nhiệt lớn từ mặt trời (số giờ nắng là 1400-3000 giờ/năm).
Đáp án cần chọn là: A
Câu 4: Nguyên nhân nào làm tăng cường độ ẩm ở nước ta là?
A. các khối khí di chuyển qua biển.
B. lượng mưa trung bình năm cao.
C. nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến.
D. lãnh thổ kéo dài, hẹp ngang.
Đáp án: Các khối khí di chuyển qua biển (trong đó có biển Đông) đã mang lại cho nước ta lượng mưa lớn, độ ẩm không khí cao, trên 80%.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 5: Ở nước ta, những nơi có lượng mưa lớn nhất là:
A. Các đồng bằng châu thổ.
B. Các đồng bằng ven biển miền Trung.
C. Các sườn núi đón gió biển và các khối núi cao.
D. Các thung lung giữa núi.
Đáp án: Các khối khí di chuyển qua biển (trong đó có biển Đông) đã mang lại cho nước ta lượng mưa lớn, đặc biệt là các khu vực có sườn núi đón gió biển, các khối núi cao,… và độ ẩm không khí cao, trên 80%.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 6: Nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai khối khí hoạt động theo mùa là:
A. Tín phong Bắc bán cầu và gió mùa mùa đông.
B. Gió mùa mùa đông và gió mùa đông nam.
C. Gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.
D. Gió mùa Đông Bắc và gió Tây khô nóng.
Đáp án: Nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai khối khí hoạt động theo mùa là: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 7: Gió thổi vào nước ta mang lại thời tiết lạnh, khô vào đầu mùa đông và lạnh ẩm vào cuối mùa đông cho miền Bắc là
A. Gió Tín phong Bắc bán cầu.
B. Gió mùa Đông Nam.
C. Gió mùa Đông Bắc.
D. Gió Tây Nam từ vịnh Tây Bengan.
Đáp án: Gió mùa Đông Bắc tạo nên một mùa đông lạnh ở miền Bắc: nửa đầu mùa đông thời tiết lạnh khô, nửa cuối mùa đông thời tiết lạnh ẩm, có mưa phùn.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 8: Gió mùa mùa đông ở miền Bắc nước ta có đặc điểm:
A. Hoạt động liên tục từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với thời tiết lạnh khô.
B. Hoạt động liên tục từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với thời tiết lạnh khô và lạnh ẩm.
C. Xuất hiện từng đợt từ tháng 11 - tháng 4 năm sau với thời tiết lạnh khô hoặc lạnh ẩm.
D. Kéo dài liên tục suốt 3 tháng với nhiệt độ trung bình dưới 200C.
Đáp án: Gió mùa mùa đông thổi đến nước ta theo hướng Đông Bắc, đem lại một mùa đông lạnh ở miền Bắc. Gió thổi theo từng đợt từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau với thời tiết lạnh khô vào nửa đầu mùa đông, còn nửa sau mùa đông thời tiết lạnh ẩm do gió đi qua biển.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 9: Gió Tây khô nóng (gió Lào) là hiện tượng thời tiết đặc trưng nhất cho khu vực
A. Đông Bắc.
B. Tây Bắc.
C. Bắc Trung Bộ.
D. Nam Trung Bộ.
Đáp án: Gió tây nam khi vượt qua dãy Trường Sơn và các dãy núi chạy dọc biên giới Việt – Lào, tràn xuống vùng đồng bằng ven biển Trung Bộ và phía nam Tây Bắc ⇒ gây nên hiệu ứng phơn khô nóng cho khu vực này, đặc biệt là vùng Bắc Trung Bộ.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 10: Bắc Trung Bộ là khu vực trực tiếp chịu ảnh hưởng mạnh nhất của gió nào?
A. Gió mùa đông Bắc
B. Gió Tín phong bán cầu Bắc
C. Gió mùa Tây Nam
D. Gió Tây khô nóng
Đáp án: Gió tây nam khi vượt qua dãy Trường Sơn và các dãy núi chạy dọc biên giới Việt – Lào, tràn xuống vùng đồng bằng ven biển Trung Bộ và phía nam Tây Bắc gây nên hiệu ứng phơn khô nóng cho khu vực này, đặc biệt là vùng Bắc Trung Bộ.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 11: Hệ quả của quá trình xâm thực, bào mòn mạnh mẽ bề mặt địa hình ở miền đồi núi là:
A. sự bồi tụ mở mang các đồng bằng hạ lưu sông.
B. sự hình thành các đồng bằng giữa núi.
C. sự hình thành các vùng đồi núi thấp.
D. sự hình thành các bán bình nguyên xen đồi.
Đáp án: Dòng chảy sông ngòi vận chuyển các vật liệu bào mòn ở miền đồi núi ⇒ bồi đắp chúng, hình thành nên các đồng bằng hạ lưu sông.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 12: Căn cứ vào atlat địa lí Việt Nam trang 10, hệ thống sông lớn duy nhất ở nước ta có dòng chảy đổ sang Trung Quốc là
A. Sông Hồng
B. Sông Kì Cùng- Bằng Giang
C. Sông Mê Công
D. Sông Thái Bình
Đáp án: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 10:
B1. Xác định được ranh giới lãnh thổ giữa nước ta với Trung Quốc.
B2. Quan sát để nhận biết con sông nào ỏ nước ta có dòng chảy đổ sang Trung Quốc (chảy về phía Bắc)
⇒ xác định được sông Kì Cùng – Bằng Giang với hướng chảy Nam – Bắc → dòng chảy đổ sang Trung Quốc.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 13: Loại đất chiếm diện tích lớn nhất ở vùng đồi núi nước ta là
A. đất phù sa cổ.
B. đất phù sa mới.
C. đất feralit.
D. đất mùn alit.
Đáp án: Quá trình feralit diễn ra mạnh ở vùng đồi núi thấp trên đá mẹ axit ⇒ đất feralit là loại đất chủ yếu ở đồi núi nước ta.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 14: Nơi diễn ra sự bào mòn, rửa trôi đất đai mạnh nhất là ở
A. đồng bằng.
B. trung du.
C. miền núi.
D. ven biển.
Đáp án: Vùng đồi núi có địa hình dốc, quá trình phong hóa đất diễn ra mạnh mẽ kết hợp mưa lớn nên sự bào mòn, rửa trôi đất đai mạnh nhất.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 15: Căn cứ vào Atalat Địa lí Việt Nam trang 10, hãy cho biết sông nào sau đây không thuộc chín hệ thống sông lớn của nước ta?
A. Sông Hồng.
B. Sông Mã.
C. Sông Thu Bồn.
D. Sông Gianh.
Đáp án: Căn cứ vào Atlat ĐLVN trang 10:
B1. Quan sát bảng chú giải để nhận biết tên của 9 hệ thống sông lớn.
B2. Xác định được:
- Các hệ thống sông lớn là sông Hồng, sông Mã, sông Thu Bồn.
⇒ Loại đáp án A, B, C
- Sông nhỏ là: sông Gianh
Đáp án cần chọn là: D
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục: