Phương pháp giải dạng Câu hỏi phân tích lát cắt, vẽ lát cắt địa hình Địa lí 12

PHÂN TÍCH LÁT CẮT, VẼ LÁT CẮT ĐỊA HÌNH

A. Lý thuyết

- Lập lát cắt địa hình: Lát cắt địa hình là một loại sơ đồ được sử dụng trong dạy học địa lí, nhằm làm rõ hình thái địa hình theo một hướng nhất định trên bản đồ địa hình, hoặc bản đồ địa lí tự nhiên. Thông thường, vẽ lát cắt địa hình được tiến hành theo các bước sau:

- Chuyển hình thái địa hình theo lát cắt cần vẽ từ bản đồ lên giấy theo tỉ lệ yêu cầu:

+ Dùng bút chì kẻ trên bản đồ đường thẳng AB dọc theo lát cắt cần vẽ. Áp rìa của một băng giấy trắng sát đường cắt AB, đánh dấu hai điểm A,B và tất cả các điểm cần chuyển lên lát cắt (các đường bình độ, hoặc ranh giới độ cao bằng màu sắc, các dạng địa hình, các con sông, đỉnh núi), ghi kèm theo độ cao của chúng. Chú ý đường cắt AB có thể đi qua nhiều đối tượng, ví dụ sông, hồ. Để tránh cho lát cắt khỏi rườm rà, không nên đánh dấu tất cả, chỉ cần chọn một số đối tượng nổi bật có tác dụng như những mốc định hướng khi phân tích lát cắt.

+ Chọn tỉ lệ: việc chọn tỉ lệ cần phải đảm bảo cho hình vẽ lát cắt vừa với khổ giấy được dùng để vẽ lát cắt, làm nổi bật được đô cao, thấp của địa hình và tương đối đúng so với thực tế. Cần phải chọn cả tỉ lệ đứng và tỉ lệ ngang. Tỉ lệ ngang có thể giữ nguyên theo tỉ lệ của bản đồ. Tỉ lệ đứng, thông thường được tăng lên nhiều lần so với tỉ lệ ngang để thể hiện rõ độ cao thấp của địa hình. Muốn tăng hoặc giảm tỉ lệ của lát cắt, có thể dựa vào tam giác đồng dạng.

VD: trên bản đồ, đường AB đo được bằng 15cm. Bây giờ muốn rút gọn lại chỉ còn 7,5cm trên lát cắt có thể làm như sau: Kẻ đường AB (15cm) với tất cả các điểm chấm đã ghi lại được. Vẽ đường A’B’ (7,5cm) nằm phía dưới và song song với AB. Nối AA’ và BB’ đồng thời kéo dài, hai đường này sẽ gặp nhau tại O. Tam giác AOB và A’OB’ đồng dạng. Nối O với các điểm C, D, E, F, G, H, I sẽ có A’B’, A’C’…. theo tỉ lệ mới, nhỏ bằng ½ tỉ lệ cũ.

- Tiến hành vẽ: Đặt áp rìa băng giấy đã chỉnh lí theo tỉ lệ trên vào đường kẻ AB trên bản vẽ, đánh dấu vào bản vẽ các điểm chấm đã ghi trên rìa băng giấy. Từ các điểm chấm đó, kẻ các đoạn thẳng đứng với AB có độ cao như đã ghi dưới các dấu chấm ở băng giấy (vẽ theo tỉ lệ đứng đã thực hiện ở trên). Nối các mút trên của các đoạn thẳng đứng đó lại với nhau sẽ được lát cắt địa hình cần vẽ. Sau khi vẽ xong, ghi chữ vào các đối tượng địa lí được biểu hiện trên lát cắt, ghi tên lát cắt, tỉ lệ đứng và tỉ lệ ngang của lát cắt.

B. Bài tập

Câu 1: Dựa vào Atlat địa lí Việt Nam và kiến thức đã học hãy:

a. Nêu ý nghĩa của lát cắt địa hình A-B từ sơn nguyên Đồng Văn đến cửa Thái Bình.

b. Phân tích sự phân hóa địa hình dọc theo lát cắt.

Hướng dẫn giải

a. Ý nghĩa của lát cắt địa hình A-B:

- Phản ánh những đặc điểm tiêu biểu của địa hình miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ:

+ Độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam

+ Độ cắt xẻ cũng giảm dần theo hướng nghiêng của địa hình (Tây Bắc- Đông Nam)

- Thể hiện sự chuyển tiếp của địa hình từ miền núi sang vùng đồi thấp tới đồng bằng.

- Thể hiện sự phân hóa phức tạp của địa hình khu vực.

b. Phân tích sự phân hóa địa hình dọc lát cắt:

- Khái quát: Lát cắt A-B có tổng chiều dài 330km (dựa vào tỉ lệ ngang của lát cắt) chạy từ sơn nguyên Đồng Văn đến cửa Thái Bình, theo hướng TB-ĐN hoặc BTB-NĐN. Chỉ trên một tuyến ngắn nhưng lát cắt đã thể hiện rõ sự phân hóa địa hình miền Bắc và Đông bắc bắc bộ với 3 dạng địa hình chính là núi, vùng đồi chuyển tiếp và đồng bằng.

- Hướng nghiêng địa hình: cao ở Tây Bắc, thấp dần về phía Đông nam

- Độ cao: nhìn chung đây là khu vực có địa hình thấp dưới 1000m, nhưng phân thành nhiều bậc khác nhau:

+ Từ 0-50m: bao chiếm toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng mà lát cắt chạy qua (tổng chiều dài lát cắt khoảng 102km).

+ Từ 50-200m: chiếm tỉ lệ nhỏ thuộc bộ phận chuyển tiếp giữa địa hình đồi núi sang đồng bằng.

+ Từ 200-500m: đây là bậc địa hình của vùng đồi thấp nằm giữa các cánh cung Ngân Sơn, Bắc Sơn.

+ Từ 500-1000m: là bậc địa hình của các cánh cung Ngân Sơn, Bắc Sơn.

+ Từ 1000-1500m: gồm có sơn nguyên Đồng Văn, khu vực núi nằm giữa sông Gâm và sông Năng.

+ Trên 1500m: đỉnh Phia Booc (1578m).

-  Đặc điểm hình thái: có sự khác biệt rõ rệt giữa các khu vực.

+ Từ sơn nguyên Đồng Văn đến thung lũng sông Cầu (khu Việt Bắc) với tổng chiều dài lát cắt khoảng 150km. Đây là khu vực địa hình có độ dốc, độ chia cắt, độ cao lớn nhất trên toàn lát cắt. Ban đầu, lát cắt chạy trên một nền địa hình khá bằng phẳng với độ cao khoảng 1500m của sơn nguyên Đồng Văn, sau đó độ cao đột ngột hạ thấp xuống còn khoảng 500m và lại tiếp tục được nâng lên đến độ cao khoảng 1400m, địa hình đột ngột hạ thấp xuống độ cao còn 200m (sông Gâm). Sau đó địa hình lại được nâng cao thành nhiều bậc khác nhau: 500-1000m và cao nhất là 1400m. Đến thung lũng sông Năng, độ cao lại hạ thấp xuống còn 50m rồi đột ngột nâng lên 1578m (đỉnh Phia Booc). Từ đây độ cao lại hạ thấp dần xuống còn khoảng 50m khi cắt hai lần chạy qua sông Cầu và đây cũng là ranh giới với khu Đông Bắc.

+ Từ sông Cầu đến sông Thượng (khu Đông Bắc) dài khoảng 78km. Nền địa hình thấp hơn so với khu Việt Bắc, độ cắt xẻ của địa hình giảm dần. Bắt đầu từ độ cao khoảng hơn 50m của thung lũng sông Cầu, độ cao dần được nâng lên đến khoảng 700m khi lát cắt chạy qua cánh cung Ngân Sơn. Sau đó lát cắt chạy qua vùng đồi thấp với độ cao khoảng 200m nằm giữa hai cánh cung Ngân Sơn và Bắc Sơn. Sau khi vượt qua cánh cung Bắc Sơn (độ cao 600m), lát cắt còn chạy qua các dải đồi bát úp với độ cao trung bình 200m trước khi đến thung lũng sông Thương. Đây cũng là ranh giới với khu đồng bằng sông Hồng.

+ Từ sông Thương đến cửa Thái Bình (khu đồng bằng sông Hồng) dài 102km. Đây là khu vực tương đối bằng phẳng, địa hình thấp nhất mà lát cắt chạy qua, độ dốc không đáng kể, độ cao trung bình dưới 50m. Chỉ có bộ phận rìa phía Bắc, địa hình mang tính chuyển tiếp nên độ cao có chỗ lên đến 200m.

- Các dạng địa hình chủ yếu: dọc theo lát cắt, các dạng địa hình có sự thay đổi nhanh chóng từ vùng núi đến vùng đồi chuyển tiếp và vùng đồng bằng, trong đó  đồi núi chiếm 2/3 diện tích. Trong mỗi dạng địa hình lại phân thành nhiều kiểu khác nhau: sơn nguyên đá vôi, núi trung bình, núi thấp, đồi trung du, đồng bằng châu thổ…Không chỉ đi qua các dạng địa hình lớn, lát cắt còn đi qua nhiều thung lũng sông: sông Gâm, sông Năng, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Kinh Thầy, sông Thái Bình. Điều đó chứng tỏ mật độ sông ngòi khu vực này rất lớn.

- Kết luận: sự phân hóa địa hình dọc theo lát cắt A-B là biểu hiện của sự phân hóa địa hình miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ thành 3 khu có địa hình khác biệt nhau rõ rệt:

+ Khu Việt Bắc: đây là khu vực núi cao nhất của miền, có cấu trúc sơn văn dạng khối vòm và các cánh cung bao bọc ở phía Đông (về hình thái biểu hiện trên lát cắt là đặc điểm địa hình từ sơn nguyên Đồng Văn đến thung lũng sông Cầu)

+ Khu Đông Bắc: địa hình chủ yếu là núi trung bình và thấp, có cấu trúc là các dãy núi hình cánh cung mở rộng về phía biên giới Việt-Trung và thấp dần từ Tây bắc xuống Đông Nam(biểu hiện trên lát cắt thông qua đặc điểm địa hình đoạn từ sông Cầu đến sông Thương).

+ Khu đồng bằng sông Hồng: là đồng bằng châu thổ tam giác châu được bồi đắp bởi 2 hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Thái Bình (biểu hiện trên lát cắt thông qua đặc điểm địa hình từ sông Thương đến cửa Thái Bình).

Câu 2: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, hãy phân tích đặc điểm tự nhiên dọc theo lát cắt C-D, từ biên giới Việt-Trung qua Phanxipang, núi Phuphaphong đến sông Chu.

Hướng dẫn giải

a. Khái quát

- Lát cắt C-D từ biên giới Việt-Trung qua núi Phanxipang, núi Phuphaphong đến sông Chu có tổng chiều dài khoảng 360km.

- Lát cắt chạy theo hướng TB-ĐN.

- Chạy qua các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa. Toàn bộ lát cắt nằm trong miền tự nhiên Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, qua 3 khu là khu Hoàng Liên Sơn, khu Tây Bắc và khu Hòa Bình-Thanh Hóa, nên đặc điểm tự nhiên dọc lát cắt C-D sẽ mang đầy đủ những đặc điểm tự nhiên của miền này.

b. Phân tích đặc điểm tự nhiên dọc theo lát cắt:

* Đặc điểm địa hình:

- lát cắt đi qua nhiều dạng địa hình: núi cao, núi trung bình, núi thấp, cao nguyên, đồng bằng. Trong đó địa hình núi, cao nguyên chiếm phần lớn diện tích và phân bố ở phía tây bắc. Đồng bằng chỉ chiếm diện tích rất nhỏ ở phía đông nam.

- Hướng nghiêng chung: Tây bắc- Đông Nam.

- Hình thái: là khu vực núi cao, đồ sộ, địa hình bị cắt xe mạnh, nhiều núi cao, vực sâu, đỉnh nhọn, sườn dốc đứng.

- Có sự phân bậc rõ rệt từ: 0-200m, từ 200-500m, từ 500-1000m, từ 1500-2000m, từ 2000-2500m, từ 2500-3000m và trên 3000m.

- Có sự khác biệt giữa các khu vực:

+ Từ biên giới Việt Trung tới bờ trái thung lũng sông Đà (khu Hoàng Liên Sơn) với chiều dài lát cắt đia qua khoảng 205km. Lát cắ chạy trên một nền địa hình núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn với độ cao trung bình trên 2500m, độ chia cắt sâu lớn. Lát cắt chạy qua 2 đỉnh núi cao của nước ta là Phan xipang (3143m) và núi Phu Luông (2985m). Qua dãy Hoàng Liên Sơn, độ cao địa hình hạ thấp dần xuống còn khoảng 500m khi lát cắt chạy đến bờ trái thung lũng sông Đà.

+ Đoạn từ bờ trái sông Đà đến hết cao nguyên Mộc Châu (khu Tây Bắc), chiều dài khoảng 48km. Độ cao thấp hơn khu Hoàng Liên Sơn (trung bình 500-1000m), độ cắt xẻ địa hình cũng nhỏ hơn. Bề mặt cao nguyên Mộc Châu khá bằng phẳng, độ chia cắt sâu nhỏ hơn. Khu Tây Bắc kết thúc ở rìa phía nam cao nguyên Mộc Châu.

+ Đoạn từ rìa phía Nam cao nguyên Mộc Châu đến sông Chu (khu Hòa Bình- Thanh Hóa) chiều dàu 102km. Đây là khu vực có địa  hình thấp nhất mà lát cắt chạy qua. Từ độ cao trên 1000m của cao nguyên Mộc Châu, lát cắt đột ngột hạ thấp độ cao xuống còn 250m trước khi nâng lên độ cao 1587m của núi Phuphaphong. Sau khi qua núi Phuphaphong, lát cắt chạy qua thung lũng sông Mã nên hạ thấp độ cao xuống còn 50m. Sau khi qua sông Mã, lát cắt chạy qua dạng địa hình đồi núi chuyển tiếp trước khi đến dạng địa hình đồng bằng độ cao dưới 50m và sông Chu.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Phương pháp giải dạng Câu hỏi phân tích lát cắt, vẽ lát cắt địa hình Địa lí 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?