THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI Ở ĐÔNG NAM BỘ
A. Lý thuyết
1. Vị trí kinh tế: Là vùng có nền kinh tế phát triển nhất cả nước
a) Dẫn đầu về tỉ trọng GDP
- GDP chiếm tỉ trọng lớn nhất (36,7%).
- So sánh: gấp 1,7 lần Đồng bằng sông Hồng, 2 lần Đồng bằng sông Cửu Long.
b) Có nhiều ngành phát triển nhất
- Công nghiệp phát triển nhất (chứng minh bằng số lượng, quy mô các trung tâm công nghiệp và các ngành công nghiệp).
- Nông nghiệp
+ Là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước.
+ Tỉ lệ diện tích gieo trồng cây công nghiệp lớn nhất nước ta, chuyên canh cây cao su lớn nhất nước.
+ Mức độ tập trung hoá đất đai lớn nhất nước ta.
- Thuỷ sản: phát triển đánh bắt, đặc biệt ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Giao thông vận tải
+ Đầu mối giao thông vận tải lớn nhất nước ta.
+ Tập trung các tuyến giao thông huyết mạch.
+ Cơ sở vật chất kĩ thuật tốt nhất
+ Sân bay lớn nhất (Tân Sơn Nhất), cảng lớn nhất (Sài Gòn).
- Thương mại
+ Nội thương: tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ lớn nhất nước (chứng minh) ; tổng số người kinh doanh dịch vụ vào loại lớn trong cả nước.
+ Ngoại thương: nhộn nhịp nhất cả nước ; xuất, nhập khẩu phát triển mạnh nhất ở TP Hồ Chí Minh.
- Du lịch: Có các trung tâm du lịch lớn (TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu...).
2. Trong công nghiệp: Thực hiện công cuộc phát triển theo chiều sâu
a) Thế nào là khai thác lãnh thổ theo chiều sâu?
Khai thác theo chiều sâu là việc nâng cao hiệu quả khai thác lãnh thổ trên cơ sở đẩy mạnh đầu tư vốn, khoa học công nghệ, nhằm khai thác tốt nhất các nguồn lực tự nhiên và kinh tế - xã hội, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.
b) Các biện pháp
- Đông Nam Bộ chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu công nghiệp của cả nước, nổi bật với các ngành công nghệ cao như: luyện kim, điện tử, chế tạo máy, tin học, hoá chất, hoá dược, thực phẩm.
- Chú trọng giải quyết vấn đề năng lượng bằng cách phát triển nguồn điện và mạng lưới điện.
+ Một số nhà máy thuỷ điện được xây dựng trên hệ thống sông Đồng Nai (Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn...).
+ Các nhà máy điện tuôc bin chạy bằng khí tự nhiên được xây dựng và mở rộng (Phú Mỹ, Bà Rịa...).
+ Một số nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu phục vụ cho các khu chế xuất được đầu tư xây dựng.
+ Đường dây siêu cao áp 500 kV Hoà Bình - Phú Lâm được đưa vào sử dụng đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu năng lượng cho vùng.
+ Các trạ biến áp 500 kV và một số mạch 500 kV được tiếp tục xây dựng (tuyến Phú Mỹ - Nhà Bè, Nhà Bè - Phú Lâm).
+ Hàng loạt công trình 220 kV, các công trình trung và hạ thế được xây dựng.
- Sự phát triển công nghiệp của vùng không tách rời xu thế mở rộng quan hệ đầuu tư với nước ngoài.
- Phát triển công nghiệp phải quan tâm đến những vấn đề môi trường và cần tránh làm tổn hại đến ngành du lịch.
c. Sự phát triển 1 số ngành công nghiệp
Ngành Dầu khí
* Tiềm năng dầu khí.
- Dầu khí tập trung ở thềm lục địa; các bể dầu lớn: Cửu Long, Nam Côn Sơn, Thổ Chu - Mã Lai...
- Trữ lượng lớn: Khoảng vài tỉ tấn dầu mỏ và hàng trăm tỉ m3 khí.
* Sự phát triển của công nghiệp khai thác dầu khí.
- Hình thành từ năm 1986, khai thác ở mỏ Bạch Hổ, sản lượng 4 vạn tấn/năm.
- Hiện nay:
+ Đã khai thác ở nhiều mỏ: Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Đại Hùng...
+ Sản lượng liên tục tăng và đạt hơn 18,5 triệu tấn năm 2005.
+ Dầu thô khai thác phục vụ cho xuất khẩu và nhà máy lọc dầu ở Dung Quất (Quảng Ngãi).
+ Khí tự nhiên đã được khai thác và dùng cho sản xuất điện, đạm (ở Phú Mỹ, Cà Mau).
* Tác động của công nghiệp khai thác dầu khí đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Nam Bộ.
- Sự phát triển của công nghiệp khai thác dầu khí đã tác động mạnh đến sự phát triển của Đông Nam Bộ:
+ Tăng GDP của vùng, đặc biệt GDP của công nghiệp; nâng cao vị thế của vùng trong nền kinh tế của cả nước.
+ Thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
+ Làm thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế, nhất là ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Trước đây, Vũng Tàu là nơi nghỉ mát lí tưởng cho vùng Đông Nam Bộ và cả nước, nay còn là cơ sở dịch vụ lớn về khai thác dầu khí. Ngoài phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ cao và nông nghiệp, dịch vụ, Đông Nam Bộ hiện nay còn phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ khai thác dầu khí.
+ Làm thay đổi sự phân hoá lãnh thổ: Hoạt động công nghiệp có công nghệ cao, nông nghiệp, khai thác và dịch vụ khai thác dầu khí phát triển mạnh ở những khu vực khác nhau.
- Việc phát triển công nghiệp khai thác dầu khí đã đặt ra các vấn đề về môi trường, đòi hỏi phải chú ý giải quyết vấn đề ô nhiễm trong quá trình khai thác, vận chuyển và chế biến dầu mỏ.
Các ngành khác: Công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm rất phát triển
Lí do:
- Nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú (dẫn chứng).
- Thị trường tiêu thụ rộng lớn (dẫn chứng).
- Các yếu tố khác (lao động, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kĩ thuật, chính sách...).
d. Các trung tâm công nghiệp và sự phân hóa
- Trung tâm công nghiệp rất lớn là TP. Hồ Chí Minh: Luyện kim đen, luyện kim màu, nhiệt điện, cơ khí, điện tử, sảnxuất ô tô; hoá chất, phân bón; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt, may; chế biến nông sản; sản xuất giấy, xenlulô.
- Trung tâm công nghiệp lớn:
+ Biên Hoà: Luyện kim đen, luyện kim màu, cơ khí, điện tử; hoá chất, phân bón; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt, may; sản xuất giấy, xenlulô.
+ Vũng Tàu: Luyện kim đen, nhiệt điện, cơ khí; hoá chất, phân bón; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt, may; chế biến nông sản.
2. Nông nghiệp
a. Vấn đề phát triển nông nghiệp theo chiều sâu
* Trong nông nghiệp:
- Thuỷ lợi là vấn đề có ý nghĩa hàng đầu.
+ Do khí hậu có một mùa khô sâu sắc, nên thuỷ lợi có ý nghĩa hàng đầu trong việc sử dụng hợp lí tài nguyên nông nghiệp của Đông Nam Bộ.
+ Nhiều công trình thuỷ lợi đã được xây dựng và phát huy hiệu quả.
Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng trên thượng lưu sông Sài Gòn (tỉnh Tây Ninh) là công trình thuỷ lợi lớn nhất nước ta hiện nay đảm bảo tưới tiêu cho hơn 170 nghìn ha đất thường xuyên bị thiếu nước về mùa khô của tỉnh Tây Ninh và huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh).
Dự án thuỷ lợi Phước Hoà (Bình Dương - Bình Phước) được thực hiện sẽ giúp chia một phần nước của sông Bé cho sông Sài Gòn, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất.
+ Ý nghĩa : Việc giải quyết nước tưới cho các vùng khô hạn về mùa khô và tiêu nước cho các vùng thấp dọc sông Đồng Nai và sông La Ngà sẽ làm tăng diện tích đất trồng trọt, tăng hệ số sử dụng đất trồng hằng năm và khả năng đảm bảo lương thực, thực phẩm của vùng cũng khá hơn.
- Thay đổi cơ cấu cây trồng; từ đó nâng cao vị trí của vùng như là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn của cả nước.
+ Thay các vườn cây cao su già cỗi bằng các giống cho năng suất cao và ứng dụng công nghệ trồng mới.
+ Trở thành vùng sản xuất chủ yếu cà phê, hồ tiêu, điều. Cây mía và đậu tương chiếm vị trí hàng đầu trong các cây công nghiệp ngắn ngày.
* Trong lâm nghiệp:
- Bảo vệ vốn rừng trên vùng thượng lưu của các sông, các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển.
- Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn.
b. Thực trạng: ĐNB là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước
3. Trong phát triển tổng hợp kinh tế biển
a. Thực trạng
- Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản:
+ Có ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu giàu tài nguyên sinh vật biển; nhiều bãi triều, cửa sông thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
+ Ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản đều phát triển.
- Khai thác khoáng sản vùng thềm lục địa:
+ Dầu khí có trữ lượng lớn với các bể Nam Côn Sơn, Cửu Long...
+ Sản lượng khai thác tăng liên tục, đạt gần 19 triệu tấn (năm 2005) dùng cho xuất khẩu, nhiệt điện (Phú Mỹ...) và lọc dầu; khí dùng cho sản xuất phân đạm (Phú Mỹ...).
+ Khai thác dầu khí đã tác động mạnh đến sự phát triển của vùng, nhất là ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế và sự phân hóa lãnh thổ vùng Đông Nam Bộ.
+ Trong quá trình khai thác, vận chuyển dầu mỏ, cần đặc biệt chú ý giải quyết vấn đề môi trường.
- Du lịch biển:
+ Có nhiều bãi biển (Vũng Tàu, Bà Rịa...), vườn quốc gia (Côn Sơn), khu dự trữ sinh quyển (Cần Giờ), nước khoáng (Bình Châu) và đảo (Côn Sơn) hấp dẫn khách du lịch...
+ Phát triển nhiều loại hình du lịch, co trung tâm du lịch Vũng Tàu.
- Giao thông vận tải biển:
+ Có nhiều nơi lí tưởng để xây dựng cảng biển (Vũng Tàu, Bà Rịa...), vùng biển rộng, nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế.
+ Cụm cảng biển Sài Gòn - Vũng Tàu - Thị Vải và các tuyến đường biển trong nước và với nước ngoài hoạt động tấp nập.
b. Ý nghĩa: phát triển tổng hợp kinh tế biển ở vùng Đông Nam Bộ đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của vùng
* Khai thác phát triển kinh tế vùng biển sẽ thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển theo làm phong phú cơ cấu ngành kinh tế.
- Khai thác dầu khí:
+ Việc khai thác dầu khí (từ năm 1986) đang được phát triển cung cấp nguồn hàng xuất khẩu có giá trị đã thúc đẩy sự phát triển của thương mại.
+ Khí đốt được khai thác cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện tuốc-bin khí: Phú Mỹ 1, 2, 3, 4, Bà Rịa-Vũng Tàu và nguyên liệu sản xuất phân đạm Phú Mỹ.
+ Tạo điều kiện cho sự phát triển nhiều ngành công nghiệp mới đặc biệt là công nghiệp hoá lọc dầu. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các ngành nông nghiệp, dịch vụ phát triển mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế và sự phân hoá lãnh thổ của vùng Đông Nam Bộ.
- Khai thác thủy hải sản phát triển sẽ tạo điều kiện cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy hải sản được đẩy mạnh.
- Các ngành kinh tế phát triển đã thúc đẩy ngành du lịch biển càng phát triển và trở thành ngành kinh tế quan trọng của vùng.
- Giao thông vận tải biển phát triển, làm xuất hiện nhiều cảng biển mới và những ngành sửa chữa và đóng tàu biển được phát triển theo.
* Khai thác tổng hợp kinh tế biển ĐNB làm thay đổi cơ cấu lãnh thổ kinh tế, thành phần kinh tế của vùng.
- Lãnh thổ kinh tế mở rộng, hướng chuyên môn hóa rõ nét.
- Xuất hiện các thành phần kinh tế càng đa dạng.
4. Thu hút đầu tư nước ngoài:
a. Thành tựu: Số 1 cả nước
- Tổng số vốn:
- Số dự án:
- Lĩnh vực:
b. Nguyên nhân
- Vùng có vị trí địa lí thuận lợi: Phía tây giáp CPC với các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát. Phía đông giáp biển, gần với đường hàng hải quốc tế, với cụm cảng Sài Gòn- Vũng Tàu... Đây là cửa ngõ ra vào quan trọng cho vùng và các vùng lân cận.
- Vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, tiêu biểu là nguồn dầu, khí với trữ lượng lớn nhất nước ta, đã và đang thu hút đầu tư nước ngoài trong khai thác, tương lai gần là chế biến dầu, khí.
- Dân cư, lao động dồi dào, với đội ngũ lao động lành nghề chiếm tỉ lệ cao so với các vùng khác trong cả nước, đáp ứng được cơ bản sự đầu tư cho các ngành công nghiệp, dịch vụ có trình độ kĩ thuật cao.
- ĐNB đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại bậc nhất cả nước với Tp. HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
c. Ý nghĩa
- Đầu tư hơn về KHKT, nâng cao trình độ sản xuất
- Mở rộng quy mô sản xuất
- Tăng năng suất, sản lượng, khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường…
- Ý nghĩa xã hội khác
- Kết quả: Nhờ có nguồn vốn đầu tư lớn, ĐNB trở thành vùng công nghiệp phát triển nhất nước ta hiện nay.
B. Bài tập
Câu 1: Biểu hiện nào không thể hiện được Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển nhất?
A. Có tổng GDP lớn nhất
B. Có giá trị snar xuất công nghiệp cao nhất
C. Có GDP bình quân đầu người lớn nhất
D. Có mật độ dân số lớn nhất
Đáp án: D
Giải thích: Đồng bằng sông Hồng là vùng có mật độ dân số lớn nhất cả nước. Mật độ dân số nhiều hay ít không phải biểu hiện cho phát triển kinh tế.
Câu 2: Vấn dề tiêu biểu nhất của Đông Nam Bộ so với các vùng khác trong cả nước là
A. Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu
B. Phát triển nghề cá
C. Hình thành các vùng chuyên canh
D. Thu hút đầu tư
Đáp án: A
Câu 3: Nhà máy thủy điện nào dưới đây thuộc vùng Đông Nam Bộ
A. Yaly B. Sông Hinh
C. Thác Bà D. Trị An
Đáp án: D
Câu 4: Vấn đề cần giải quyết khi khai thác lãnh thổ theo chiều sâu trong công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ là
A. Tăng cường cơ sở năng lượng
B. Bổ sung lực lượng lao động
C. Đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải
D. Hỗ trợ vốn
Đáp án: A
Câu 5: Vấn đề không đặt ra đối với việc phát triển công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ hiện nay là
A. Mở rộng quan hệ đầu tư với nước ngoài
B. Quan tâm tới vấn đề môi trường
C. Hạn chế phát triển các khu công nghiệp
D. Tránh làm tổn hại đến ngành du lịch
Đáp án: C
Câu 6: Vấn đề năng lượng của vùng Đông Nam Bộ sẽ được giải quyết theo hướng
A. Phát triển nguồn điện và mạng lưới điện
B. Nhập điện từ nước ngoài
C. Sử dụng điện nguyên tử
D. Sử dụng nguồn địa nhiệt
Đáp án: A
Câu 7: Cây trồng chính của vùng Đông Nam Bộ là
A. Cao su
B. Cây công nghiệp nhiệt đới lâu năm
C. Cây công nghiệp nhiệt đới
D. Lúa gạo
Đáp án: B
Câu 8: Cây công nghiệp có vị trí quan trọng nhất đối với vùng Đông Nam Bộ
A. Cà phê B. Cao su
C. Hồ tiêu D. Chè
Đáp án: B
Câu 9: Công trình thủy lợi Dầu Tiếng ở vùng Đông Nam Bộ thuộc tỉnh
A. Tây Ninh B. Bình Dương
C. Bình Phước D. Bà Rịa – Vũng Tàu
Đáp án: A
Câu 10: Vấn đề cần giải quyết khi khai thác lãnh theo chiều sâu trong nông nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ
A. Thủy lợi B. Thị trường
C. Lao động D. Vốn
Đáp án: A
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Kiến thức trọng tâm về thực trạng phát triển kinh tế xã hội ở Đông Nam Bộ môn Địa lí 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
- 32 Câu hỏi trắc nghiệm ôn tập chủ đề Khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam Bộ Địa lí 12 có đáp án
- Câu hỏi tự luận ôn tập Kinh tế vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên Địa lý 12 có đáp án
Chúc các em học tập tốt !