TỔNG ÔN VỀ LỰC TỪ - CẢM ỨNG TỪ
I. TÓM TẮT LÝ THUYẾT
1. Lực từ
a) Từ trường đều
- Từ trường đều là từ trường mà đặc tính của nó giống nhau tại mọi điểm; các đường sức từ là những đường thẳng song song, cùng chiều và cách đều nhau.
- Từ trường đều có thể được tạo thành giữa hai cực của một nam châm hình chữ U.
b) Lực từ do từ trường đều tác dụng lên một đoạn dây dẫn mang dòng điện
Lực từ tác dụng lên một đoạn dây dẫn mang dòng điện đặt trong từ trường đều có phương vuông góc với các đường sức từ và vuông góc với đoạn dây dẫn, có độ lớn phụ thuộc vào từ trường và cường độ dòng điện chạy qua dây dẫn.
2. Cảm ứng từ
a) Cảm ứng từ
Cảm ứng từ tại một điểm trong từ trường là đại lượng đặc trưng cho độ mạnh yếu của từ trường và được đo bằng thương số giữa lực từ tác dụng lên một đoạn dây dẫn mang dòng điện đặt vuông góc với đường cảm ứng từ tại điểm đó và tích của cường độ dòng điện và chiều dài đoạn dây dẫn đó.
\(B = \frac{F}{{Il}}\)
b) Đơn vị cảm ứng từ
Trong hệ SI, đơn vị cảm ứng từ là tesla (T)
\(1T = \frac{{1N}}{{1A.1m}}\)
c) Vectơ cảm ứng từ
Vec tơ cảm ứng từ \(\vec B\) tại một điểm:
+ Có hướng trùng với hướng của từ trường tại điểm đó.
+ Có độ lớn là : \(B = \frac{F}{{Il}}\)
d) Biểu thức tổng quát của lực từ
Lực từ \(\vec F\) tác dụng lên đoạn dây dẫn l mang dòng điện I đặt trong từ trường đều, tại đó có cảm ứng từ là :
+ Có điểm đặt tại trung điểm của l .
+ Có phương vuông góc với \(\vec B\) và \(\vec I\).
+ Có chiều tuân theo quy tắc bàn tay trái
+ Có độ lớn là F = IlBsinα với α là góc tạo bởi \(\vec B\) và \(\vec I\)
II. TRẮC NGHIỆM VẬN DỤNG
Câu 1: Một dây dẫn rất dài căng thẳng, ở giữa dây được uốn thành vòng tròn bán kính R = 6 (cm), tại chỗ chéo nhau dây dẫn được cách điện. Dòng điện chạy trên dây có cường độ 4 (A). Cảm ứng từ tại tâm vòng tròn do dòng điện gây ra có độ lớn là
A. 7,3.10-5 T
B. 6,6.10-5 T
C. 5,5.10-5 T
D. 4,5.10-5 T
Câu 2: Hai dòng điện có cường độ I1 = 6 A và I2 = 9 A chạy trong hai dây dẫn thẳng, dài song song cách nhau 10 cm trong chân không I1 ngược chiều I2. Cảm ứng từ do hệ hai dòng điện gây ra tại điểm M cách I1 một khoảng 6 cm và cách I2 một khoảng 8 cm có độ lớn là
A. 2,0.10-5 T
B. 2,2.10-5 T
C. 3,0.10-5 T
D. 3,6.10-5 T
Câu 3: Hai dây dẫn thẳng dài song song cách nhau 10 cm trong không khí, dòng điện chạy trong hai dây có cùng cường độ 5 A ngược chiều nhau. Cảm ứng từ tại điểm M cách đều hai dòng điện một khoảng 10 cm có độ lớn là
A. 10-5 T
B. 2.10-5 T
C. 1,5.10-5 T
D. 3.10-5 T
Câu 4: Phát biểu nào sau đây không đúng?
A. Lực tương tác giữa hai dòng điện thẳng song song có phương vuông góc với hai dòng điện.
B. Hai dòng điện thẳng song song cùng chiều hút nhau, ngược chiều đẩy nhau.
C. Hai dòng điện thẳnh song song ngược chiều hút nhau, cùng chiều đẩy nhau.
D. Lực tương tác giữa hai dòng điện thẳng song song tỉ lệ thuận với tích của hai cường độ dòng điện.
Câu 5: Khi tăng đồng thời cường độ dòng điện trong cả hai dây dẫn thẳng song song lên 3 lần thì lực từ tác dụng lên một đơn vị dài của mỗi dây sẽ tăng lên
A. 3 lần
B. 6 lần
C. 9 lần
D. 12 lần
----------
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Tổng ôn về Lực từ và Cảm ứng từ môn Vật Lý 11 năm 2020, để theo dõi nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác vui lòng đăng nhập vào hệ thống Chúng tôi chọn chức năng xem online hoặc tải về máy!
Chúc các em học tập thật tốt!