Tập đọc: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Qua bài giảng Tập đọc: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ  giúp các em biết cách đọc lưu loát trôi chảy toàn bài, ngắt nghỉ hơi đúng, phù hợp với âm điệu, vần nhịp của từng câu thơ. Đọc bài với giọng nhẹ nhàng, trầm lắng. Đồng thời, hiểu được ý nghĩa của bài thơ.

Tóm tắt lý thuyết

1.1. Hướng dẫn luyện đọc

a. Luyện đọc

  • Đọc thành tiếng
  • Đọc đúng các tiếng, từ khó: a-kay, lún sân, Ka-lưi
  • Đọc diễn cảm
    • Đọc trôi chảy được toàn bài, ngắt nghỉ hơi đúng nhịp thơ, nhấn giọng ở các từ ngữ gợi tả, gợi cảm. Chú ý toàn bài đọc với giọng nhẹ nhàng, tình cảm, trầm lắng, pha lẫn niềm tự hào.

Mẹ giã gạo / mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng,/ giấc ngủ em nghiêng.

Mồ hôi mẹ rơi / má em nóng hổi

Vai mẹ gầy / nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời

b. Đọc - hiểu

  • Từ khó
    • Lưng đưa nôi: lưng người mẹ đu đưa như chiếc nôi ru cho con ngủ.
    • Tim hát thành lời: lời bài hát cất lên từ trái tim yêu thương của mẹ.
    • A-kay (tiếng dân tộc Ta-ôi): con.
  • Nội dung, ý nghĩa
    • Ca ngợi tình yêu nước, yêu con sâu sắc của người phụ nữ Tà-ôi trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi

Câu 1 (trang 49 sgk Tiếng Việt 4): Em hiểu thế nào là "những em bé lớn trên lưng mẹ”?

Gợi ý:

  • Phụ nữ miền núi đi đâu, làm gì cũng thường địu con theo trên lưng kể cả lúc bé ngủ cũng nằm trên lưng mẹ. 

Câu 2 (trang 49 sgk Tiếng Việt 4): Người mẹ làm các công việc gì? Các việc ấy có ý nghĩa như thế nào?

Gợi ý:

  • Người mẹ giã gạo nuôi bộ đội, tỉa bắp trên núi. Đó là công việc có ý nghĩa tốt đẹp: vừa là sản xuất ra lương thực để phục vụ cuộc sống vừa là nuôi quân đánh giặc, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến của dân tộc.

Câu 3 (trang 49 sgk Tiếng Việt 4): Tìm các hình ảnh đẹp nói lên tình yêu thương và niềm hi vọng của người mẹ đối với con?

Gợi ý:

  • Những hình ảnh đẹp nói lên tình yêu thương và niềm hi vọng của người mẹ đối với con:
    • Ngủ ngon a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
    • Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
    • Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
    • Mai sau con lớn vung chày lún sân.

Câu 4 (trang 49 sgk Tiếng Việt 4): Theo em, cái đẹp thể hiện trong bài thơ này là gì?

Gợi ý:

  • Cái đẹp trong bài thơ này là những hình ảnh độc đáo, sáng tạo, mang tính nghệ thuật cao:
    • Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng
    • Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối / Lưng đưa nôi và tim hát thành lời
    • Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần / Mai sau con lớn vung chày lún sân
    • Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ
    • Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi / Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.
  • Cái đẹp của bài thơ này còn là tình cảm sâu xa của người phụ nữ miền núi luôn gắn bó với núi rừng, nương rẫy, luôn yêu thương con cái và yêu thương bộ đội; một lòng theo cách mạng, sẵn sàng góp gạo nuôi quân để đánh thắng quân thù. Tình cảm gia đình ở đây đã gắn kết với tình yêu đất nước.

Câu 5 (trang 49 sgk Tiếng Việt 4): Học thuộc lòng khổ thơ em thích.

  • Thông qua bài học các em cần nắm được những nội dung kiến thức trọng tâm và rèn luyện những kĩ năng cơ bản như:
    • Kiến thức
      • Hiểu ý nghĩa nội dung: Ca ngợi tình yêu nước, yêu con sâu sắc của người phụ nữ Tà-ôi trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
      • Học thuộc lòng bài thơ.
    • Kĩ năng
      • Đọc đúng các tiếng, từ khó, dễ lẫn lộn.
      • Học sinh đọc trôi chảy lưu loát toàn bài thơ, ngắt nghỉ hơi đúng, phù hợp với âm điệu, vần nhịp của từng câu thơ .
      • Hiểu các từ ngữ khó trong bài.
  • Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng 
    Tập làm văn: Luyện tập miêu tả các bộ phận của cây cối cho tiết học tiếp theo.

 

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?