Qua bài giảng Chính tả Nghe - viết: Họa sĩ Tô Ngọc Vân , giúp các em nghe viết lại đúng chính tả bài Họa sĩ Tô Ngọc Vân. Đồng thời, làm đúng các bài tập 2 và 3 SGK.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Hướng dẫn viết chính tả
a. Tìm hiểu nội dung bài
Câu 1. Hoạ sĩ Tô Ngọc Vân tốt nghiệp trường nào và vào thời gian nào?
- Trường Cao đẳng Mĩ Thuật Đông Dương vào 1931.
Câu 2. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ ông đã làm gì?
- Ông đi cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến, vẽ nhiều tranh và kí họa về họ.
Câu 3. Em hãy nêu một số các bức tranh nổi tiếng của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân?
- Ánh mặt trời, Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen,…
Câu 4. Bài văn này nói lên điều gì?
- Bài văn ca ngợi Tô Ngọc Vân là một hoạ sĩ tài hoa, ông đã tham gia các công cuộc cách mạng bằng tài năng hội hoạ của mình.
b. Hướng dẫn viết từ khó
- tốt nghiệp, chiến thắng, hoả tuyến, tiếc.
1.2. Học sinh nghe - viết chính tả
Câu 1 (trang 56 sgk Tiếng Việt 4): Nghe viết bài: Họa sĩ Tô Ngọc Vân.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân
Tô Ngọc Vân là một nghệ sĩ tài hoa. Ông tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mĩ thuật Đông Dương năm 1931 và sớm nổi danh từ Cách mạng tháng Tám với các bức tranh Ánh mặt trời, Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ bên hoa sen,... Nước nhà độc lập, ông hăng hái tham gia công tác Cách mạng bằng tài năng hội họa của mình. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đi cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến, vẽ nhiều tranh và kí họa về họ. Đáng tiếc, chỉ trước ngày chiến thắng gần một tháng, người nghệ sĩ tài năng đã ngã xuống khi chưa đầy 50 tuổi.
Theo TỪ ĐIỂN CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM
- Bạn đọc em viết, em đọc bạn viết
- Tự kiểm tra cho nhau.
1.3. Hướng dẫn làm bài tập chính tả
Câu 2 (trang 56 sgk Tiếng Việt 4):
a) Điền truyện hay chuyện vào ô trống?
Kể ..... phải trung thành với ....., phải kể đúng tình tiết của câu ....., các nhân vật có trong ....... Đừng biến giờ kể ..... thành giờ đọc ........
b) Đặt dấu hỏi hay dấu ngã?
- Mơ hộp thịt ra chỉ thấy toàn mơ.
- Nó cứ tranh cai mà không lo cai tiến công việc.
- Anh không lo nghi ngơi. Anh phải nghi đến sức khỏe chứ!
Gợi ý:
a) Điền truyện hay chuyện vào ô trống?
- Kể chuyện phải trung thành với truyện, phải kể đúng tình tiết của câu chuyện, các nhân vật có trong truyện. Đừng biến giờ kể chuyện thành giờ đọc truyện.
b) Đặt dấu hỏi hay dấu ngã?
- Mở hộp thịt ra chỉ thấy toàn mỡ.
- Nó cứ tranh cãi mà không lo cải tiến công việc.
- Anh không lo nghỉ ngơi. Anh phải nghĩ đến sức khỏe chứ!
Câu 3 (trang 56-57 sgk Tiếng Việt 4): Em đoán xem đây là những chữ gì?
a) Để nguyên - loại quả thơm ngon
Thêm hỏi - co lại chỉ còn bé thôi
Thêm nặng mới thật lạ đời
Bỗng nhiên thành vết xoong nồi nhọ nhem
b) Bình thường dùng gọi chân tay
Muốn có bút vẽ thêm ngay dấu huyền
Thêm hỏi - làm bạn với kim
Có dấu nặng, đúng người trên mình rồi
Gợi ý:
a) Giải đáp: Đó là các chữ nho, nhỏ, nhọ.
b) Giải đáp: Đó là các chữ chi, chì, chỉ, chị.
- Thông qua bài giảng Chính tả Nghe - viết: Họa sĩ Tô Ngọc Vân, các em cần nắm được:
- Nghe viết lại đúng bài chính tả: Họa sĩ Tô Ngọc Vân.
- Biết trình bày đúng, đẹp.
- Rèn kĩ năng nghe, viết và dùng từ có chứa truyện/chuyện, dấu hỏi/dấu ngã.
- Ngoài ra, các em tham khảo thêm bài giảng Luyện từ và câu: Câu kể Ai là gì? để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.