A. PHƯƠNG PHÁP GIẢI
Các câu hỏi hóa học với thực tế cuộc sống thường liên quan đến một số vấn đề:
- Vấn đề môi trường: Nước, không khí, đất,… đang được con người nhắc đến rất nhiều, đặc biệt là các hiện tượng thường gặp như: Ô nhiễm nước thải sinh hoạt, nước thải của các nhà máy xí nghiệp,… Khói bụi của các phương tiện giao thông, của các khu công nghiệp,…
- Vấn đề kinh tế: năng lượng, nhiên vật liệu,… đang cạn kiệt.
- Vấn đề xã hội: sản xuất, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm, dược phẩm, sức khỏe con người…
Một số lưu ý khi làm các bài tập về hóa học với thực tế cuộc sống:
- Biết cách sử dụng kiến thức về trạng thái tự nhiên, tính chất, điều chế, ứng dụng các chất vào giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống.
- Nghiên cứu kỹ các bài học về hóa học học và vấn đề xã hội, môi trường, phát triển kinh tế trong SGK Hóa học lớp 12.
- Thường xuyên cập nhật tin tức về: Vấn đề biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của mưa axit,… để có thông tin mới nhất về vấn đề hóa học với thực tế cuộc sống.
B. BÀI TẬP MINH HỌA
Bài 1. Một trong những nguyên nhân gây tử vong trong nhiều vụ cháy là do nhiễm độc khí X. Khi vào cơ thể, khí X kết hợp với hemoglobin, làm giảm khả năng vận chuyển oxi của máu. Khí X là
A. N2.
B. CO.
C. He.
D. H2.
Hướng dẫn giải:
Cacbon monoxit, công thức hóa học là CO, là một chất khí không màu, không mùi, bắt cháy và có độc tính cao. Nó là sản phẩm chính trong sự cháy không hoàn toàn của cacbon và các hợp chất chứa cacbon.
Do CO là khí không màu, không mùi và không gây kích ứng nên rất nguy hiểm vì người ta không cảm nhận được sự hiện diện của CO trong không khi. Khí CO kết hợp với hemoglobin, làm giảm khả năng vận chuyển oxi của máu.
Triệu chứng ngộ độc CO thường bắt đầu bằng cảm giác nhức đầu, khó thở,… sau đó hôn mê từ từ, ngưng thở và từ vong.
Đáp án B.
Bài 2. Biết rằng mùi tanh của cá (đặc biệt là cá mè) là do hỗn hợp một số amin (nhiều nhất là trimetylamin) và một số chất khác gây nên. Để khử mùi tanh của cá trước khi đem nấu, ta có thể rửa cá với
A. nước cất.
B. giấm.
C. nước mưa.
D. nước đường.
Hướng dẫn giải:
Để khử mùi tanh của cá trước khi đem nấu, ta có thể rửa cá với giấm.
Vì giấm có tính axit yếu, amin có tính bazơ, khi rửa cá bằng giấm sẽ xảy ra phản ứng:
Như vậy lượng amin trong cá giảm bớt và mùi tanh của cá giảm bớt.
Đáp án B.
Bài 3. Axit fomic có trong nọc kiến. Khi bị kiến cắn, nên chọn chất nào sau đây bôi vào vết thương để giảm sưng tấy?
A. Vôi tôi.
B. Giấm ăn.
C. Nước.
D. Muối ăn.
Hướng dẫn giải:
Axit fomic có trong nọc kiến. Khi bị kiến cắn, nên chọn vôi tôi bôi vào vất thương để giảm sưng tấy.
Vì axit fomic có tính axit, vôi tôi có tính bazơ. Khi bị kiến cắn bôi vôi vào vết thương sẽ xảy ra phản ứng:
\(2HCOOH + Ca{\left( {OH} \right)_2} \to Ca{\left( {HCOO} \right)_2} + 2{H_2}O\)
Như vậy lượng axit fomic giảm bớt và vết thương sẽ giảm sưng tấy.
Đáp án A.
Bài 4: Vì sao ta để muối thô trong lọ không có nắp dễ bị chảy nước?
Hướng dẫn giải:
Muối ăn có thành phần chính là natri clorua ngoài ra còn có một số muối khác như magie clorua (MgCl2). Chính MgCl2 rất ưa nước, nó hấp thụ nước trong không khí và cũng rất dễ tan trong nước.
Bài 5: Tại sao khi cho vôi sống vào nước, ta thấy khói bóc lên mù mịt, nước vôi như bị sôi lên và nhiệt độ hố vôi rất cao có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người và động vật. Do đó cần tránh xa hố đang tôi vôi hoặc sau khi tôi vôi ít nhất 2 ngày ?
Hướng dẫn giải:
Khi tôi vôi đã xảy ra phản ứng tạo thành canxi hiđroxit:
CaO + H2O → Ca(OH)2
Phản ứng này tỏa rất nhiều nhiệt nên làm nước sôi lên và bốc hơi đem theo cả những hạt Ca(OH)2 rất nhỏ tạo thành như khói mù trắng. Do nhiệt tỏa ra nhiều nên nhiệt độ của hố vôi rất cao. Do đó, người và động vật cần tránh xa hố vôi để tránh rơi xuống hố vôi tôi sẽ gây nguy hiểm đến tánh mạng.
Bài 6: "Hiện tượng mưa axit" là gì ? Tác hại như thế nào ?
Hướng dẫn giải:
- Khí thải công nghiệp và khí thải của các động cơ đốt trong (ô tô, xe máy) có chứa các khí SO2, NO, NO2,¼Các khí này tác dụng với oxi O2 và hơi nước trong không khí nhờ xúc tác oxit kim loại (có trong khói, bụi nhà máy) hoặc ozon tạo ra axit sunfuric H2SO4 và axit nitric HNO3.
2SO2 + O2 + 2H2O → 2H2SO4
2NO + O2 → 2NO2
4NO2 + O2 + 2H2 O → 4HNO3
Axit H2SO4 và HNO3 tan vào nước mưa tạo ra mưa axit. Vai trò chính của mưa axit là H2SO4 còn HNO3 đóng vai trò thứ hai.
Hiện nay, mưa axit là nguồn ô nhiễm chính ở một số nơi trên thế giới. Mưa axit làm mùa màng thất thu và phá hủy các công trình xây dựng, các tượng đài làm từ đá cẩm thạch, đá vôi, đá phiến (các loại đá này thành phần chính là CaCO3):
CaCO3 + H2SO4 → CaSO4 + CO2 + H2O
CaCO3 + 2HNO3 → Ca(NO3)2 + CO2 + H2O
Bài 7: Axit clohiđric có vai trò như thế nào đối với cơ thể ?
Hướng dẫn giải:
Axit clohiđric có vai trò rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể. Trong dịch dạ dày của người có axit clohiđric với nồng độ khoảng chừng 0,0001 đến 0,001 mol/l (có độ pH tương ứng với là 4 và 3). Ngoài việc hòa tan các muối khó tan, nó còn là chất xúc tác cho các phản ứng phân hủy các chất gluxit (chất đường, bột) và chất protein (đạm) thành các chất đơn giản hơn để cơ thể có thể hấp thụ được.
Lượng axit trong dịch dạ dày nhỏ hơn hay lớn hơn mức bình thường đều gây bệnh cho người. Khi trong dịch dạ dày có nồng độ axit nhỏ hơn 0,0001 mol/l (pH>4,5) người ta mắc bệnh khó tiêu, ngược lại nồng độ axit lớn hơn 0,001 mol/l (pH<3,5) người ta mắc bệnh ợ chua. Một số thuốc chữa đau dạ dày chứa muối hiđrocacbonat NaHCO3 (còn gọi là thuốc muối) có tác dụng trung hòa bớt lượng axit trong dạ dày.
NaHCO3 + HCl → NaCl + CO2 + H2O
Bài 8: Vì sao không nên đổ nước vào axit sunfuric đậm đặc mà chỉ có thể đổ axit sunfuric đậm đặc vào nước ?
Hướng dẫn giải:
Trong bất kì quuyển sách hóa học nào cũng ghi câu sau để cảnh báo bạn đọc: " Trong bất kì tình huống nào cũng không được đổ nước vào axit sunfuric đậm đặc, mà chỉ được đổ từ từ axit sunfuric đặc vào nước". Vì sao vậy ?
Khi axit sunfuric gặp nước thì lập tức sẽ có phản ứng hóa học xảy ra, đồng thời sẽ tỏa ra một nhiệt lượng lớn. Axit sunfuric đặc giống như dầu và nặng hơn trong nước. Nếu bạn cho nước vào axit, nước sẽ nổi trên bề mặt axit. Khi xảy ra phản ứng hóa học, nước sôi mãnh liệt và bắn tung tóe gây nguy hiểm.
Trái lại khi bạn cho axit sunfuric vào nước thì tình hình sẽ khác: axit sunfuric đặc nặng hơn nước, nếu cho từ từ axit vào nước, nó sẽ chìm xuống đáy nước, sau đó phân bố đều trong toàn bộ dung dịch. Như vậy khi có phản ứng xảy ra, nhiệt lượng sinh ra được phân bố đều trong dung dịch, nhiệt độ sẽ tăng từ từ không làm cho nước sôi lên một cách quá nhanh. Một chú ý thêm là khi pha loãng axit sunfuric bạn luôn luôn nhớ là " phải đổ từ từ " axit vào nước và không nên pha trong các bình thủy tinh. Bởi vì thủy tinh sẽ dễ vở khi tăng nhiệt độ khi pha.
Bài 9: Vì sao khi ăn trái cây không nên đánh răng ngay ?
Hướng dẫn giải:
Vì chất chua (tức axit hữu cơ) có trong trái cây sẽ kết hợp với những thành phần trong thuốc đánh răng theo bàn chải sẽ tấn công các kẽ răng và gây tổn thương cho lợi. Bởi vậy người ta đợi đến khi nước bọt trung hòa lượng axit trong trái cây, nhất là táo, cam, nho, chanh..
Bài 10: Vì sao khi vắt chanh vào nước luộc rau muống thì chuyển sang trong suốt?
Hướng dẫn giải:
Có một số chất hóa học gọi là chất chỉ thị màu, chúng làm cho dung dịch thay đổi khi độ axit thay đổi. Trong rau muống (và vài loại rau khác) có chất chỉ thị màu này, trong chanh có 7% axit xitric. Vắt chanh vào nước rau làm thay đổi độ axit, do đó làm thay đổi màu của nước rau. Khi chưa vắt chanh, nước rau muống màu xanh là chứa chất kiềm.
Bài 11: Vì sao bôi vôi vào chỗ ong, kiến đốt sẽ đỡ đau ?
Hướng dẫn giải:
Do trong nọc của ong, kiến, nhện (và một số con khác) có axit hữu cơ tên là axit fomic (HCOOH). Vôi là chất bazơ nên trung hòa axit làm ta đỡ đau.
Bài 12: Tại sao khi tô vôi lên tường thì lát sau vôi khô và cứng lại ?
Hướng dẫn giải:
Vôi là canxi hiđroxit, là chất tan ít trong nước nên khi cho nước vào tạo dung dịch trắng đục, khi tô lên tường thì Ca(OH)2 nhanh chóng khô và cứng lại vì tác dụng với CO2 trong không khí theo phương trình:
Ca(OH)2 + CO2 → CaCO3 + H2O
Bài 13: Tại sao khi nấu nước giếng ở một số vùng, lâu ngày thấy xuất hiện lớp cặn ở đáy ấm? Cách tẩy lớp cặn này như thế nào ?
Hướng dẫn giải:
Trong tự nhiên, nước ở một số vùng là nước cứng tạm thời, là nước có chứa các muối axit như: Ca(HCO3)2 và Mg(HCO3)2. Khi nấu nước lâu ngày thấy xảy ra phương trình hóa học:
Ca(HCO3)2 → CaCO3 + CO2 + H2O
Mg(HCO3)2 → MgCO3 + CO2 + H2O
Do CaCO3 và MgCO3 là chất kết tủa nên lâu ngày sẽ đóng cặn. Để tẩy lớp cặn này thì dùng giấm (dung dịch CH3COOH 5%) cho vào ấm đun sôi để nguội khoảng một đêm rồi rửa sạch.
C. LUYỆN TẬP
Câu 1: Sau khi đổ bê tông được 24h, người ta thường phun hoặc ngâm nước để bảo dưỡng bê tông? Giải thích việc làm đó? Viết phương trình hóa học của phản ứng?
Câu 2: Trên bề mặt hố nước tôi vôi lâu ngày thường có lớp màng chất rắn. Hãy giải thích hiện tượng này? Viết phương trình hóa học?
Câu 3: Thủy tinh trung tính được sử dụng rộng rãi trong việc chế tạo các ống nghiệm và dụng cụ thủy tinh chịu nhiệt ở các phòng thí nghiệm. Vì sao người ta không dùng thủy tinh kiềm cho ứng dụng này?
Câu 4: Hidro xianua (HCN) là chất lỏng không màu, dễ bay hơi, cực độc. Những người bị say hay chết vì say sắn là do trong sắn có một lượng nhỏ HCN. Lượng HCN còn tập trung khá nhiều ở vỏ sắn. Để không nhiễm độc xianua do ăn sắn, khi luộc sắn cần lưu ý điều gì?
Câu 5: Vì sao người ta phảI tạo ra các hàng lỗ rỗng trong các viên than tổ ong?
Câu 6: Giải thích quá trình hình thành thạch nhũ trong các hang động? Tại sao càng đi sâu vào trong hang động ta càng thấy khó thở?
Câu 7: Cùng được tạo bởi nguyên tố cacbon, vì sao kim cương cứng nhất trong tất cả các chất còn than chì lại rất mềm có thể tách thành lớp dễ dàng?
Câu 8: Tại sao than đá chất thành đống có thể tự bốc cháy?
Câu 9: Giải thích câu tục ngữ “ nước chảy đá mòn”
Câu 10: Tại sao CO2 được dùng để dập tắt đám cháy ( trừ đám cháy Mg, Al)
Câu 11: Nước đá khô là gì ? Ứng dụng của nước đá khô?
Câu 12 : Tại sao CO cháy được còn CO2 không cháy được trong khí quyển oxi
Câu 13: Khi cơm bị khê, người ta thường cho vào nồi cơm 1 mẩu than củi. Tác dụng của việc làm đó.
Câu 14: Tại sao trong y học dùng NaHCO3 làm thuốc để giảm đau dạ dày?
Câu 15: Vì sao tro bếp lại được sử dụng như 1 loại phân bón hóa học? Tro bếp thích hợp để bón cho vùng đất chua hay mặn? Giải thích.
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Phương pháp giải dạng bài tập về Hóa học với thực tế cuộc sống năm 2021. Để xem toàn bộ nội dung các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !