ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN
Câu 13. Hãy nêu ảnh hưởng của biển Đông đến khí hậu, địa hình và các hệ sinh thái vùng biển nước ta.
Trả lời
- Khí hậu
- Biển Đông đã mang lại cho nước ta một lượng mưa lớn, làm giảm tính chất khắc nghiệt của thời tiết lạnh, khô trong mùa đông và làm dịu bớt thời tiết nóng bức trong mùa hạ.
- Khí hậu mang nhiều đặc tính của khí hậu hải dương, điều hòa hơn.
- Địa hình và các hệ sinh thái vùng ven biển
- Thành tạo các dạng địa hình đặc trưng của vùng biển nhiệt đới ẩm như vịnh cửa sông, các bờ biển mài mòn, các tam giác châu thổ với bãi triều rộng lớn, các bãi cát phẳng, các vũng vịnh nước sâu, các đảo ven bờ và những rạn san hô...
- Các hệ sinh thái vùng ven biển rất đa dạng và giàu có: hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nước ta vốn có diện tích tới 450.000 ha, (riêng Nam Bộ là 300.000 ha). Các hệ sinh thái trên đất phèn, đất mặn... và hệ sinh thái rừng trên các đảo cũng rất đa dạng và phong phú.
Câu 14. Hãy nêu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thiên tai ở vùng biển nước ta.
Trả lời
Nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển nước ta rất phong phú và đa dạng, thể hiện qua tài nguyên khoáng sản và thủy sản.
- Tài nguyên khoáng sản:
- Khoáng sản có trữ lượng lớn và giá trị nhất là dầu khí. Dầu khí tập trung ở các bể trầm tích: Nam Côn Sơn Cửu Long, Thổ Chu - Mã Lai và sông Hồng.
- Các bãi cát ven biển có trữ lượng lớn ti tan là nguồn nguyên liệu quý cho ngành công nghiệp.
- Vùng ven biển nước ta còn thuận lợi cho nghề làm muối, nhất là ven biển Nam Trung Bộ.
- Tài nguyên hải sản:
- Trong Biển Đông có trên 2.000 loài cá, hơn 100 loài tôm, khoảng vài chục loài mực, hàng nghìn loài sinh vật phù du và sinh vật đáy khác.
- Ven các đảo, nhất là tại hai quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa có nguồn tài nguyên quý giá là các rạn san hô cùng đông đảo các loài sinh vật khác.
Thiên tai
- Bão: Mỗi năm trung bình có 3 - 4 cơn bão qua biển Đông trực tiếp đổ vào nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là với cư dân sống ở vùng ven biển.
- Sạt lở bờ biển: Hiện tượng sạt lở đã và đang đe dọa nhiều đoạn bờ biển nước ta, nhất là dải bờ biển Trung Bộ.
- ở vùng ven biển miền Trung còn chịu tác hại của hiện tượng cát bay, cát chảy lấn chiếm ruộng vườn, làng mạc và làm hoàng hóa đất đai.
Câu 15. Tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm của khí hậu nước ta được biểu hiện như thế nào? Nhân tố nào tạo nên tính chất đó?
Trả lời
a)Tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm của khí hậu nước ta được biểu hiện
* Tính nhiệt đới:
- Tổng bức xạ lớn, cân bằng bức xạ luôn dương.
- Tổng nhiệt độ (8000 - 10.000oC) và nhiệt độ trung bình năm đều cao, vượt tiêu chuẩn khí hậu nhiệt đới.
- Nhiệt độ trung bình năm trên toàn quốc đều lớn hơn 20oC (trừ vùng núi cao)
- Tổng số giờ nắng tùy nơi từ 1400 - 3000 giờ.
* Tính gió mùa:
Có 2 mùa gió chính:
- Gió mùa ĐB: thổi vào mùa đông ( lạnh và khô hanh)
- Gió mùa TN: thổi vào mùa hạ ( nóng ẩm, mưa nhiều)
* Tính ẩm:
- Mưa nhiều từ 1500 – 2000mm
- Mưa phân bố không đều
- Độ ẩm cao 80 %
b) Nhân tố: địa hình, vị trí, hình dạng lãnh thổ……
Câu 16. Hãy trình bày hoạt động của gió mùa ở nước ta và hệ quả của nó đối với sự phân chi mùa khác nhau giữa các khu vực.
Trả lời
Có 2 loại gió mùa chủ yếu hoạt động luân phiên trong năm.
a) Gió mùa mùa đông
Gió mùa đông bắc
- Nguồn gốc: Khối không khí lạnh xuất phát từ trung tam áp cao Xibia di chuyển qua lục địa vào nước ta.
- Hướng gió: đông bắc.
- Phạm vi hoạt động: từ 16oB trở ra bắc.
- Thời gian:
- Vào đầu mùa đông (tháng 11, 12, 1) khối không khí lạnh di chuyển qua lục địa châu á mang lại cho thời tiết miền Bắc lạnh và khô.
- Nửa cuối mùa đông (tháng 2, 3, 3), khối không khí lạnh di chuyển về phía đông qua biển vào nước ta gây nên thời tiết lạnh ẩm, mưa phùn cho vùng ven biển và đồng bằng ở miền Bắc.
- Tính chất: Gió mùa đông bắc chỉ hoạt động từng đợt, không kéo dài liên tục, cường độ mạnh nhất trong mùa đông, ở miền Bắc hình thành một mùa đông kéo dài 2 - 3 tháng. Khi chuyển xuống phía nam loại gió mây suy yếu dần bởi “bức chắn” là dãy Bạch Mã, vĩ tuyến 16oB.
Gió tín phong ở phía nam
- Nguồn gốc: xuất phát từ trung tâm cao áp trên biển Thái Bình Dương - Tm, thổi về xích đạo.
- Hướng đông bắc.
- Phạm vi hoạt động: từ Đà Nẵng, vĩ tuyến 16oB trở vào nam.
b) Gió mùa mùa hạ.
Gió mùa tây nam
- Nguồn gốc: xuất phát từ trung tâm ấp thấp ấn Độ - Mianma hút gió từ Bắc ấn Độ Dương qua vịnh Ben - gan vào vước ta (khối khí nhiệt đới Ben - gan - TBg)
- Hướng gió: hai luồng gió cùng hướng tây nam thổi vào Việt Nam.
- Hướng di chuyển và tính chất:
- Đầu mùa hạ, trong các tháng 5 - 7 khối không khí TBg di chuyển theo hướng tây nam gây mưa lớn cho đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên. Vượt dãy Trường Sơn khối không khí trở nên nóng khô, tràn xuống đồng bằng ven biển Trung Bộ và phần nam của khu vực Tây Bắc. Thời tiết do gió phơn tây nam mang lại rất nóng và khô, nhiệt độ lên tới 37oC và độ ẩm xuống dưới 50%.
- Vào giữa và cuối mùa hạ từ tháng 6, gió mùa tây nam xuất phát từ áp cao cận chí tuyến nửa cầu Nam hoạt động, hình thành gió mùa hạ chính thức ở Việt Nam. Vượt qua biển vùng xích đạo khối không khí trở nên nóng ẩm, thường gây mưa lớn và kéo dài cho các vùng đón gió ở Nam Bộ, Tây Nguyên.
- Hoạt động của khối khí cùng với đường hội tụ nhiệt đới là nguyên nhân chủ yếu gây mưa vào mùa hạ cho cả hai miền Nam, Bắc va mưa tháng 9 ở Trung Bộ.
Sự luân phiên của các khối khí hoạt động theo mùa khác nhau cả về hướng và tính chất đã tạo nên sự phân mùa khí hậu nước ta.
- Miền Bắc có mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hạ nóng, mưa nhiều; hai mùa chuyển tiếp là mùa xuân và mùa thu.
- Miền Nam có một mùa mưa và một mùa khô rõ rệt.
Câu 17. Hãy nêu biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa qua các thành phần địa hình, sông ngòi ở nước ta.
Trả lời
Biểu hiện của thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa qua các thành phần địa hình, sông ngòi nước ta:
a) Địa hình:
- Xâm thực mạnh ở miền đồi núi
- Trên các sườn dốc mất lớp phủ thực vật, bề mặt địa hình bị cắt xẻ, đất bị xói mòn, rửa trôi, nhiều nơi trơ sỏi đá.
- Địa hình xâm thực mạnh còn biểu hiện là những hiện tượng đất trượt, đá lở, các hang động ngầm, suối cạn, thung khô.
- Tại các vùng thềm phù sa cổ, địa hình bị chia cắt thành các đồi thấp xen thung lũng rộng.
- Bồi tụ nhanh ở đồng bằng hạ lưu sông.
b) Sông ngòi
- Mạng lưới sông ngòi dày đặc: chỉ tính những con sông có chiều dài trên 10km thì nước ta đã có 2360 sông. Dọc bờ biển cứ 20km lại gặp một cửa sông.
- Sông ngòi nhiều nước, giàu phù sa.
- Chế độ nước theo mùa: nhịp điệu dòng chảy của sông ngòi nước ta theo sát nhịp điệu mưa.
Câu 18. Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa biểu hiện qua các thành phần đất, sinh vật và cảnh quan thiên nhiên như thế nào?
Trả lời
Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa biểu hiện qua các thành phần đất, sinh vật và cảnh quan thiên nhiên:
a) Đất
- Feralit là quá trình hình thành đất đặc trưng cho khí hậu nhiệt đới ẩm.
- Đất dễ bị thoái hóa: là hệ quả của khí hậu nhiệt ẩm cao, mưa theo mùa, địa hình nhiều đồi núi.
b) Sinh vật
- Hệ sinh thái rừng nguyên sinh đặc trưng cho khí hậu nóng ẩm là rừng rậm nhiệt đới ẩm lá rộng thường xanh.
- Trong giới sinh vật, thành phần các loài nhiệt đới chiếm ưu thế. Thực vật phổ biến là các loài thuộc các họ cây nhiệt đới như: Đậu, Vang, Dâu tằm, Dầu. Động vật trong rừng là các loài chim thú nhiệt đới, nhiều nhất là công, trĩ, gà lôi, vẹt, khỉ, vượn, nai, hoẵng... Ngoài ra, các loài bò sát, ếch nhái, côn trùng cũng rất phong phú.
- Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm, gió mùa phát triển trên đất feralit là cảnh quan tiêu biểu cho thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa ở nước ta.
{---Nội dung đề và đáp án từ câu 19-27 của tài liệu Hướng dẫn giải chi tiết 15 câu hỏi tự luận về Địa lí tự nhiên Địa lí 12 năm 2020 vui lòng xem online hoặc tải về---}
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
Chúc các em học tập tốt !