Đề tham khảo HK2 năm 2020 môn Ngữ Văn 11 - Trường THPT Lê Quý Đôn (Đề số 2)

TRƯỜNG THPT LÊ QUÝ ĐÔN                                                                   ĐỀ THAM KHẢO HỌC KÌ 2

                                                                                                                        NĂM HỌC: 2019 – 2020

                                                                                                                           MÔN: NGỮ VĂN 11

Phần I. Đọc-hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi

"… Thật vậy, Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc từng viết: “Sách vở đầy bốn vách/ Có mấy cũng không vừa”. Đáng tiếc, cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha. Sách in nhiều nơi không bán được, nhiều nhà xuất bản đóng cửa vì thua lỗ, đặc biệt sách bị cạnh tranh khốc liệt bởi những phương tiện nghe nhìn như ti vi, Ipad, điện thoại Smart, và hệ thống sách báo điện tử trên Internet. Nhiều gia đình giàu có thay tủ sách bằng tủ ... rượu các loại. Các thư viện lớn của các thành phố hay của tỉnh cũng chỉ hoạt động cầm chừng, cố duy trì sự tồn tại.

... Bỗng chợt nhớ khi xưa còn bé, với những quyển sách giấu trong áo, tôi có thể đọc sách khi chờ mẹ về, lúc nấu nồi cơm, lúc tha thẩn trong vườn, vắt vẻo trên cây, lúc chăn trâu, lúc chờ xe bus... Hay hình ảnh những công dân nước Nhật mỗi người một quyển sách trên tay lúc ngồi chờ tàu xe, xem hát, v.v... càng khiến chúng ta thêm yêu mến và khâm phục. Ngày nay, hình ảnh ấy đã bớt đi nhiều, thay vào đó là cái máy tính hay cái điện thoại di động. Song sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay...”

(Trích “Suy nghĩ về đọc sách”, Trần Hoàng Vy, Báo Giáo dục & Thời đại)

Câu 1. (0,5 điểm) Văn bản được trình bày theo phương thức biểu đạt nào?

Câu 2. (0,5 điểm) Hãy ghi lại câu văn nêu chủ đề của văn bản trên?

Câu 3. (1,0 điểm) Hãy giải thích vì sao tác giả lại cho rằng: “cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha”?

Câu 4. (1,0 điểm) Anh/chị hãy nêu ít nhất 02 tác dụng của việc đọc sách (Trả lời trong khoảng 3-5 dòng)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

 

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

để thấy được nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, chia lìa xa cách và tình người, tình đời của tác giả.

 (Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục, 2007)

.................HẾT..............

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. PHẦN ĐỌC – HIỂU:(3 điểm)

Câu 1:

Phương thức biểu đạt nghị luận

Câu 2:

  • Câu văn nêu chủ đề của văn bản:
  • Song sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay...

Câu 3:

Tác giả cho rằng “cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha” vì ở thời đại công nghệ số, con người chỉ cần gõ bàn phím máy tính hoặc điện thoại di động đã có thể tiếp cận thông tin ở nhiều phương diện của đời sống, tại bất cứ nơi đâu, trong bất kì thời gian nào, nên việc đọc sách đã không còn phổ biến

Câu 4:

Học sinh nêu được hai tác dụng của việc đọc sách, câu trả lời hợp lí, thuyết phục và đảm bảo đúng chuẩn mực đạo đức và pháp luật

II. LÀM VĂN (7 điểm):

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Nỗi sầu của một tâm hồn cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, chia lìa xa cách. Trong đó thấm đượm tình người, tình đời và lòng yêu nước thiết tha…

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các yêu cầu sau:

Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả Huy Cận, bài thơ Tràng Giang, đoạn thơ cần phân tích

Thân bài:

Giới thiệu sơ lược hoàn cảnh sáng tác bài thơ

Khổ 1:

  • Tràng giang hiện lên với nhiều hình ảnh đẹp trong cổ thi: dòng sông, con thuyền, gợn sóng,…Nhưng cảnh đẹp mà lại thấm đượm một nỗi buồn da diết bâng khuâng.  
  • Hai chữ “điệp điệp”  gợi hình ảnh những con sóng từng gợn nhẹ nhấp nhô hòa mình vào. Sóng của dòng sông, của thiên nhiên trong phút ấy cũng hóa thành con sóng lòng của thi nhân với từng nỗi buồn cứ thế trùng điệp ở trong lòng..
  • Xưa nay, thuyền – nước vốn là hai sự vật không thể tách rời thế mà nay chúng lại hững hờ như không ăn nhập vào nhau.
  • Thi nhân bắt gặp cành củi khô đơn độc “Củi một cành khô lạc mấy dòng” là hình ảnh ẩn dụ để biểu tượng cho kiếp người như thi nhân đang nổi trôi, bơ vơ, vô định giữa dòng chảy của cuộc đời, giữa cuồng phong của một đất nước mất chủ quyền?

   =>Tác giả buồn về sự chia li, tách biệt của sự vật, buồn về kiếp người nhỏ bé, vô định giữa cuộc đời.

Khổ 2:

  • Câu thơ đầu: Huy Cận tâm sự rằng ông học được ý từ hai câu thơ của Chinh phụ ngâm: “Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo/ Bến phì gió thổi đìu hiu mấy gò”.
  • Từ láy “lơ thơ” diễn tả sự rời rạc, thưa thớt của những cồn đất nhỏ nhoi mọc lên giữa dòng sông gợi cảm giác hoang vắng, cô tịch, tiêu điều, xơ xác.
  • Hai chữ “đìu hiu” như càng khắc sâu thêm nỗi buồn hiu hắt làm câu thơ chùng xuống như một tiếng thở dài man mác. 
  • Là thứ âm thanh mơ hồ của một phiên chợ đã vãn theo làn gió lan xa mãi càng gợi thêm sự vắng vẻ, quạnh hiu.
  • Không gian ba chiều rộng lớn “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu”-> Đó chính là sự rợn ngợp của hồn người trước cái vô cùng của vũ trụ.

  => Nhà thơ đã cảm được một nỗi buồn cô đơn đến rợn ngợp, thấy mình nhỏ bé trước vũ trụ bao la, lạc lõng giữa cuộc đời.

Đánh giá: 

  • Nội dung: Hai khổ thơ đầu là Nỗi sầu của một tâm hồn cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, chia lìa xa cách. Trong đó thấm đượm tình người, tình đời và lòng yêu nước thiết tha…
  • Nghệ thuật:
    • Sự kết hợp hài hòa giữa sắc thái cổ điển và hiện đại (Cổ điển: thể thơ thất ngôn; những hình ảnh thơ quen thuộc trong văn học trung đại. Hiện đại: sự xuất hiện của những cái tưởng như tầm thường, vô nghĩa; cảm xúc buồn mang dấu ấn “cái tôi” cá nhân…)
    • Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm.

Kết bài: Đánh giá về giá trị của bài thơ, tài năng của tác giả.

Trên đây là trích dẫn một phần đề tham khảo HK2 năm 2020 môn Ngữ Văn 11 - Trường THPT Lê Quý Đôn (Đề số 2). Để xem được đầy đủ nội dung đề kiểm tra, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi thật tốt để có một kết quả cao.

 ---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?