Đề KSCL học sinh giỏi môn GDCD lớp 11 năm 2020 có đáp án Trường THPT Ngô Gia Tự

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK

Trường THPT Ngô Gia Tự

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH GIỎI

Môn: GDCD 11 – Lần thứ nhất

Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

Năm học: 2019 – 2020

 

Câu 1: (4 điểm) Anh (chị) hãy trình bày các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất? Trong các yếu tố trên, yếu tố nào giữ vai trò quyết định? Tại sao?

Câu 2: (4 điểm) Sau khi học xong bài 2: “Hàng hóa - Tiền tệ - Thị trường” (Giáo dục công dân 11).

Hằng nói: Mọi sản phẩm của lao động đều là hàng hóa.

Vân lại cho rằng: Mọi hàng hóa đều là sản phẩm của lao động.

a. Theo em, ai nói đúng? Vì sao?

b. Phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa?

Câu 3: (4 điểm) Em hiểu thế nào là công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Tại sao ở nước ta công nghiệp hóa phải gắn với hiện đại hóa? Trình bày tác dụng to lớn và toàn diện của công nghiệp hóa, hiện đại hóa? Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, em phải làm gì để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước? 

 Câu 4: (4 điểm) Em hãy làm rõ ý nghĩa của phát triển kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội? Để góp phần phát triển kinh tế gia đình, em cần phải làm gì?

 Câu 5: (4 điểm) Tại sao giá trị hàng hóa không do thời gian lao động cá biệt quyết định, mà do thời gian lao động xã hội cần thiết quyết định. Liên hệ của bản thân em về vấn đề này đối với thực tế cuộc sống.

 

ĐÁP ÁN ÁN ĐỀ KHẢO SÁT MÔN GDCD

Câu 1 (4 điểm)

Các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất

a. Sức lao động (1.0 điểm)

Sức lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần của con người được vận dụng vào quá trình sản xuất.

Sức lao động khác với lao động. Sức lao động mới chỉ là khả năng của lao động, còn lao động là sự tiêu dùng sức lao động trong hiện thực.

Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người làm biến đổi những yếu tố của tự nhiên cho phù hợp với yêu cầu của con người.

Lao động là hoạt động bản chất nhất của con người, là tiêu chuẩn để phân biệt con người với con vật. Hoạt động tự giác, có ý thức, có mục đích, biết chế tạo ra công cụ lao động là sản phẩm đặc biệt của con người.

b. Đối tượng lao động (1.0 điểm)

Đối tượng lao là những yếu tố của tự nhiên mà lao động của con người tác động vào nhằm biến đổi nó cho phù hợp với mục đích của con người.

Đối tượng lao động được chia thành hai loại:

Loại có sẵn trong tự nhiên như gỗ trong rừng, quặng trong lòng đất, tôm cá dưới sông, biển… mà con người chỉ cần khai thác là dùng được. Loại này thường là đối tượng lao động của ngành công nghiệp khai thác.

Loại đã trải qua tác động của lao động, được cải biến ít nhiều như sợi để dệt vải, sắt thép để chế tạo máy… gọi là nguyên liệu. Loại này thường là đối tượng lao động của ngành công nghiệp chế biến.

Cùng với sự phát triển của lao động sản xuất và khoa học - kĩ thuật, đối tượng lao động ngày càng đa dạng, phong phú; con người ngày càng tạo ra nhiều nguyên vật liệu nhân tạo, có tính năng, tác dụng theo ý muốn. Tuy nhiên, những nguyên vật liệu nhân tạo đó cũng điều có nguồn gốc từ tự nhiên.

c. Tư liệu lao động (1.0 điểm)

Tư liệu lao động là một vật hay hệ thống những vật làm nhiệm vụ truyền dẫn sự tác động của con người lên đối tượng lao động, nhằm biến đổi đối tượng lao động thành sản phẩm thỏa mãn nhu cầu của con người.

Tư liệu lao động được chia làm 3 loại:

Công cụ lao động hay công cụ sản xuất: cày, cuốc, máy móc,…

Hệ thống bình chứa của sản xuất: ống, thùng, hộp…

Kết cấu hạ tầng của sản xuất: đường sá, bến cảng, sân bay…

Trong các yếu tố cấu thành tư liệu lao động thì công cụ lao động là yếu tố quan trọng nhất. Nó là một trong những yếu tố cơ bản để phân biệt các thời đại kinh tế.

Một vật nào đó là tư liệu lao động hay là đối tượng lao động tùy thuộc vào mục đích sử dụng gắn với chức năng mà nó đảm nhận.

Đối tượng lao động và tư liệu lao động kết hợp lại thành tư liệu sản xuất. Vì vậy, quá trình lao động là sự kết hợp giữa sức lao động với tư liệu sản xuất.

Trong các yếu tố của quá trình sản xuất, yếu tố giữ vai trò quyết định nhất là: sức lao động.

Trong các yếu tố của quá trình sản xuất, tư liệu lao động và đối tượng lao động bắt nguồn từ tự nhiên. Còn sức lao động với tính sáng tạo, giữ vai trò quan trọng và quyết định nhất. Suy đến cùng, trình độ phát triển của tư liệu sản xuất là sự phản ánh sức lao động, sáng tạo của con người. Một quốc gia không giàu về tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn có thể trở thành một cường quốc kinh tế (Nhật Bản), nếu ở đó sức lao động có chất lượng cao. Một xã hội muốn có nhiều của cải vật chất phải thường xuyên chăm lo phát triển nguồn lực con người; khôi phục và bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường; sử dụng các yếu tố của quá trình sản xuất hợp lý và hiệu quả nhất.

Vì vậy, việc thường xuyên rèn luyện, học tập để nâng cao hiệu quả lao động và góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường là trách nhiêm của mọi công dân.

Câu 2 (4 điểm)

a. Theo em Vân nói đúng.

Vì: - Hàng hóa là sản phẩm của lao động có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi mua - bán.

- Sản phẩm chỉ trở thành hàng hóa khi có đủ ba điều kiện:

+ Do lao động tạo ra;

+ Có công dụng nhất định để thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người;

+ Trước khi đi vào tiêu dùng phải thông qua mua - bán.

Như vậy: Mọi hàng hóa đều là sản phẩm của lao động.

Ví dụ: ......

b. Phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa: hàng hóa có 2 thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị

- Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của sản phẩm có thể thõa mãn nhu cầu nào đó của con người.

- Giá trị sử dụng của hàng hóa được phát hiện dần và ngày càng đa dạng, phong phú cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất và khoa học kĩ thuật.

- Giá trị của hàng hóa được biểu hiện thông qua giá trị trao đổi của nó. Giá trị trao đổi là một quan hệ về số lượng, hay tỉ lệ trao đổi giữa các hàng hóa có giá trị sử dụng khác nhau.

- Giá trị hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa.

Tóm lại, hàng hóa là sự thống nhất của hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị. Đó là sự thống nhất của hai mặt đối lập mà thiếu một trong hai thuộc tính thì sản phẩm không thể trở thành hàng hóa.

Câu 3 (4 điểm)

- Khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Là quá trình chuyển đồi căn bản, toàn diện các hoạt động kinh tế và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao. (Học sinh có thể nêu riêng từng khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa)

- Chúng ta phải tiến hành CNH gắn liền với hiện đại hóa vì:

+ Nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, lạc hậu, kém phát triển, lao động thủ công là chủ yếu, cái thiếu của chúng ta là một nền đại công nghiệp. Để đạt được những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải tạo ra được một lực lượng sản xuất khổng lồ. Từ đó tạo ra một năng suất lao động cao hơn các chế độ trước và tạo điều kiện để phát triển tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi ta tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước.

+ Đồng thời, ở nước ta hiện nay, chúng ta phải tiến hành công nghiệp hóa nhưng phải gắn với quá trình hiện đại hóa. Nguyên nhân là do quá trình công nghiệp hóa của nước ta diễn ra muộn nên việc gắn liền với hiện đại hóa là nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách lạc lậu so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Khi gắn với hiện đại hóa, quá trình công nghiệp hóa sẽ cho phép nước ta đi tắt đón đầu trong áp dụng những thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lí kinh tế - xã hội nhằm nhanh chóng đuổi kịp trình độ của các nước phát triển.

- Tác dụng:

+ Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội.

+ Tiền đề cho việc củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa (tăng cường vai trò của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, tăng cường mối liên hệ liên minh giữa công nhân - nông dân - trí thức).

+ Tạo tiền đề hình thành và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đạm đà bản sắc dân tộc.

+ Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, củng cố và tăng cường quốc phòng và an ninh.

Trách nhiệm của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT phải làm gì để góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa:

Phần này học sinh tự liên hệ bản thân, nhưng phải nêu được các ý chính sau:

- Có nhận thức đúng đắn về tính tất yếu khách quan và tác dụng to lớn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

- Thường xuyên học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng hiện đại, đáp ứng nguồn lao động có kĩ thuật cho sự nghiệp CNH - HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức.

- Nếu bản thân tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì cần lựa chọn ngành, mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước; tiếp thu và ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp, có khả năng chiếm lĩnh thị trường nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Câu 4 (4.0 điểm)

* Phát triển kinh tế là sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với cơ cấu kinh tế hợp lí, tiến bộ và công bằng xã hội.

* Ý nghĩa

- Đối với cá nhân.

Phát triển kinh tế tạo điều kiện cho mỗi người có việc làm và thu nhập ổn định ....

+ Ví dụ (HS tự cho ví dụ)

- Đối với gia đình .

Phát triển kinh tế là tiền đề, là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt các chức năng của gia đình......

+ Ví dụ (HS tự cho ví dụ)

- Đối với xã hội .

+ Phát triển kinh tế làm tăng thu nhập quốc dân và phúc lợi xã hội...

+ Phát triển kinh tế tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm, giảm thất nghiệp...

+ Phát triển kinh tế là tiền đề vật chất để phát triển văn hóa, giáo dục...

+ Phát triển kinh tế tạo điều kiện vật chất để củng cố an ninh quốc phòng...

+ Đối với nước ta phát triển kinh tế còn là điều kiện tiên quyết để khắc phục sự tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước tiên tiến trên thế giới...

+ Ví dụ (HS tự cho ví dụ)

* Để góp phần phát triển kinh tế gia đình cần:

+ Tham gia làm kinh tế gia đình vào thời gian nhàn rỗi.

+ Tích cực học tập để nâng cao trình độ.

+ Cùng với bố mẹ tìm kiếm, xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp với gia đình mình.

+ Cùng với bố mẹ tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại vào mô hình kinh tế gia đình đã lựa chọn.

Câu 5 (4.0 điểm)

Trong sản xuất và lưu thông hàng hóa khi trao đổi trên thị trường thì lượng giá trị của hàng hóa được tính bằng thời gian lao động xã hội cần thiết.

- Thời gian lao động cá biệt là thời gian hao phí để sản xuất ra hàng hóa của từng người.

- Ví dụ đúng

- Thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra hàng hóa là thời gian cần thiết cho bất cứ lao động nào với trình độ thành thạo trung bình, một cường độ trung bình, trong những điều kiện trung bình so với hoàn cảnh xã hội nhất định.

- Ví dụ đúng

Từ các khái niệm trên thì ta có thể kết luận khi trao đổi hàng hóa trên thị trường người ta không thể trao đổi hàng hóa theo thời gian lao động cá biệt bởi nếu như vậy sẽ triệt tiêu sự cạnh tranh qua đó dẫn đến nhiều hệ lụy sẽ xảy ra như chất lượng hàng hóa, các công dụng, mẫu mã…

Như vậy để sản xuất có lãi và dành được nhiều ưu thế trong sản xuất kinh doanh thì đòi hỏi người sản xuất phải tìm mọi cách giảm giá trị cá biệt càng thấp càng tốt so với giá trị xã hội của hàng hóa.

Liên hệ: (HS tự liên hệ)

Trên thị trường các hàng hóa cùng chủng loại với chức năng và công dụng như nhau nhưng lại có giá cả khác nhau qua đó phản ảnh giá trị không giống nhau. Nhìn qua chúng ta dễ tưởng các hàng hóa đó được trao đổi theo giá trị cá biệt.

Tuy nhiên xem xét kỹ thì vấn đề không phải thế mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như. Xuất xứ của sản phẩm, nguồn gốc của sản phẩm, chất lượng của sản phẩm, uy tín - thương hiệu của sản phẩm.

Ví dụ: Xe máy thời giá năm 1996.

Xuất xứ

Giá cả

Nhãn hiệu

Thái Lan

29.000.000

Dream

Trung Quốc

18.000.000

Dream

Như vậy trong sản suất và lưu thông hàng hóa giá trị của hàng hóa phải luôn tiệm cận với thời gian lao động xã hội cần thiết. Có như vậy người sản xuất mới duy trì và mở rộng được sản xuất. Ngược lại nếu theo thời gian lao động cá biệt khi trao đổi hàng hóa mà thời gian đó lại cao hơn thời gian lao động xã hội thì sẽ phá sản.

...

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Đề KSCL học sinh giỏi môn GDCD lớp 11 năm 2020 có đáp án Trường THPT Ngô Gia Tự. Để xem toàn bộ nội dung và đáp án đề thi các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính. 

Hy vọng đề thi này sẽ giúp các em trong học sinh lớp 11 ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong kì thi sắp tới.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?