Câu hỏi tự luận ôn tập chủ đề Trao đổi nước ở thực vật Sinh học 11 mức độ vận dụng thấp

TRAO ĐỔI NƯỚC Ở THỰC VẬT

 Câu 1. Cây xanh đã thích ứng như thế nào giúp giảm bớt sự mất nước do quá trình thoát hơi nước?

Hướng dẫn giải

- Cây trong môi trường khô hạn có lá nhỏ, cutin dày, khí khổng ít và tập trung ở mặt dưới lá tránh ánh nắng trực tiếp.

- Rụng lá vào mùa khô hoặc thân làm nhiệm vụ quang hợp

- Khí khổng đóng vào ban ngày và mở vào ban đêm

- Các khí khổng của lá ở vùng khô hạn được giấu kín và che phủ bằng lông tơ mịn tạo thành các túi chống lại sự bốc hơi nước tăng nhanh khi không khí chuyển động.

Câu 2. Một tế bào nhân tạo có màng thấm chọn lọc đựng 0.03M sacarozo và 0,02M glucozo đặt vào  trong 1 cốc đựng các dung dịch khác nhau: 0,01M saccarozo; 0,01M glucozo và 0,01M fructozo. Điều gì sẽ xảy ra?

a. Chất tan nào khuếch tán vào trong tế bào?

b. Chất tan nào khuếch tán ra ngoài tế bào?

c. Dung dịch nào là ưu trương so với dung dịch kia?

d. Nước sẽ di chuyển theo hướng nào?

e. Sau khi đặt tế bào vào cốc, tế bào nhân tạo có thay đổi kích thước không?

Hướng dẫn giải

Màng của tế bào nhân tạo chỉ thấm nước và đường đơn glucozo, fructozo

a. Fructozo khuếch tán vào trong

b. Glucozo khuếch tán ra ngoài

c. [Dịch bào] là ưu trương so với môi trường

d. Nước di chuyển từ ngoài vào trong tế bào

e. Tế bào nhân tạo trương căng lên.   

Câu 3. Một  tế bào thực vật có áp suất thẩm thấu 1,9 atm và áp suất trương nước 0,7 atm đem ngâm vào các dung dịch đường có astt: 0,6; 0,8; 1,0; 1,2; 1,4; 1,6; Nêu những hiện tượng vận chuyển nước đối với tế bào trong các dung dịch nêu trên?

Hướng dẫn giải

Sức hút nước của tế bào thực vật : S=P-T=1,9-0,7=1,2 atm

→ Xảy ra 3 trường hợp :

- TH 1 : dung dịch đường có astt = 1,2 : tế bào không hút nước, thể tích không thay đổi.

- TH 2 : dung dịch đường có astt<1,2: tế bào hút nước, thể tích tăng.

- TH 3 : dung dịch có astt>1,2 : tế bào mất nước, co lại.

Câu 4. Giải thích vì sao các loài cây trên cạn bị ngập úng lâu sẽ chết?

Hướng dẫn giải

Cây trên cạn khi bị ngập úng → rễ thiếu oxi → hô hấp kị khí sinh ra các sản phẩm độc hại → tế bào lông hút chết và không hình thành được lông hút mới → không hấp thụ được nước, cân bằng nước trong cây bị phá vỡ và cây chết. 

Câu 5. Nếu 1 ống mạch gỗ bị tắc, dòng nhựa nguyên trong ống đó có thể tiếp tục đi lên được không? Vì sao hiện tượng ứ giọt chỉ xảy ra ở cây thân bụi và thân thảo?

Hướng dẫn giải

Nước vẫn tiếp tục đi lên được bằng cách chuyển ngang qua các lỗ bên vào ống bên cạnh và tiếp tục đi lên trên.

Câu 6. Người ta trồng cây trong 1 hộp kim loại. Khi cây lớn, người ta không tưới nước. Mặt trên hộp đậy nắp kín để nước không bị bốc hơi. Vậy khi nào cây héo? Lấy 5,16g đất sấy khô ở 1000C còn được 4,8g. Xác định hệ số héo?

Hướng dẫn giải

- Cây sẽ héo khi không lấy được nước từ đất mặc dù nước trong đất vẫn còn, do nước liên kết với các phân tử keo đất và chủ yếu là do cây không thoát được nước nên động lực trên bằng không. Đây là hiện tượng hạn sinh lí.

- Hệ số héo chính là lượng nước còn lại trong đất khi cây bị héo :

            Hệ số héo=5,16-4,8=0,36 (g).

Câu 7. Khi xác định hệ số héo bằng phương pháp trên, hình như tất cả thực vật cùng trồng trên 1 loại đất cho 1 kết quả như nhau, chúng không phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của cây. Vậy giải thích điều này như thế nào?

Hướng dẫn giải

Cây cần nước liên tục trong suốt quá trình sống của nó. Vấn đề là khả năng hút nước của cây có thắng được lực liên kết của nước trong đất hay không. Vì vậy, hệ số héo ít phụ thuộc vào loại cây mà phụ thuộc chủ yếu vào loại đất.

Câu 8. Trong điều kiện đồng ruộng, trên cùng một loại đất, người ta trồng lanh và lúa mì. Đã xác định: lanh bị héo khi đất có độ ẩm 15%, lúa mì là 18%. Sự khác nhau này có liên quan đến đặc điểm gì của cây?

Hướng dẫn giải

Phụ thuộc vào khả năng hút nước của cây. Có thể cây lanh có khả năng thoát hơi nước tốt hơn, có bộ rễ lớn hơn, do đó có khả năng hấp thụ nước tốt hơn cây lúa mì.

Câu 9. Trong canh tác, để cây hút nước được dễ dàng cần chú ý những biện pháp kĩ thuật gì? Tại sao không nên tưới nước cho cây vào buổi trưa?

Hướng dẫn giải

- Hút nước chủ động của rễ cần tiêu thụ ATP. Sự tổng hợp và tiêu thụ ATP liên quan đến các quá trình sinh lí, đặc biệt là quá trình hô hấp.

- Biện pháp :

            + Xới đất : đất thoáng khíàrễ hô hấp tốt hơn sẽ cung cấp nhiều năng lượng.

            + Làm cỏ : giảm sự cạnh tranh của cỏ                     

            + Sục bùn : phá vỡ tầng oxi hóa khử của đất, hạn chế sự mất đạm của đất.

            - Không nên tưới nước cho cây vào buổi trưa vì ;

            + Buổi trưa, ánh sáng và nhiệt độ cao àCây hô hấp mạnh và cần nhiều oxi. Nếu tưới nướcàđất sẽ bị nén chặt nên cây không lấy được oxi phải hô hấp kị khí, năng lượng giảm, đông thời sinhh ra các sản phẩm độc làm cây không hút được nước trong khi lá cây vẫn thoát nước mạnh.

            + Mặt khác, những giọt nước đọng lại trên lá như 1 thấu kính hấp thụ NLASMT đốt nóng cây → cây héo.

            + Nhiệt độ cao trên mặt đất làm nước tưới bốc thành hơi nóng làm héo lá.

Câu 10. Hai bình có thể tích như nhau, 1 bình chứa cát, 1 bình chứa đất sét có khối lượng như nhau. Cả 2 bình đều rót nước cho đến khi bão hòa. Hỏi:

a. Bình nào sẽ cung cấp cho cây nhiều nước hơn?

b. Bình nào có nước dự trữ nhiều hơn?

Hướng dẫn giải

a. Dựa theo hệ số héo, bình chứa cát cung cấp nước cho cây nhiều hơn vì khả năng giữ nước của cát kém, rất ít nước liên kết trong bình này.

b. Bình chứa đất sét có nước dự trữ nhiều hơn vì nước liên kết với các keo đất lớn hơn nhưng nước này cây không sử dụng được.

Câu 11. Sau cơn mưa dầm, quá trình thoát hơi nước của cây biến đổi như thế nào? Các cơ chế nào đã làm biến đổi quá trình thoát hơi nước của cây trong điều kiện trên?

Hướng dẫn giải

Sau cơn mưa dầm, quá trình thoát hơi nước của cây giảm do :

- Sau cơn mưa nhiệt độ giảm, độ ẩm không khí tăng lên.

- Các tế bào biểu bì xung quanh khí khổng trương nước, tăng thể tích, ép lên các tế bào làm khe khí khổng khép lại bị động (phản ứng đóng thủy bị động).

Câu 12. Khi nghiên cứu về cân bằng nước và vấn đề tưới nước hợp lí cho cây trồng

a. Người ta căn cứ vào áp suất thẩm thấu (P) để xác định cây chịu hạn và cây kém chịu hạn. Hãy nêu nguyên tắc xác định P.

b. Thử nêu một vài phương pháp xác định khả năng thoát hơi nước của cây.

c. Thử nêu một vài phương pháp xác định mật độ khí khổng ở hai mặt lá.

d. Khi xác định cường độ thoát hơi nước (mg H2O/dm2 lá/giờ) theo các giờ trong ngày (7, 10, 12, 15, 17) qua bề mặt lá và qua khí khổng của một cây, người ta thu được nhiều số liệu. Có thể phân biệt các số liệu của hai con đường thoát hơi nước được không?

Hướng dẫn giải

a. Áp suất thẩm thấu được xác định bằng công thức: P =R.T.C.i .

- Như vậy, để tính P ta phải xác định C.

- Đó là nồng độ dịch tế bào.

- Nguyên tắc xác định P chính là nguyên tắc xác định nồng độ dich tế bào.

- Nguyên tắc đó là: Không thể xác định trực tiếp nồng độ dịch tế bào mà phải xác định gián tiếp bằng cách so sánh nó với một dung dich đã biết nồng độ. Thường người ta dùng phương pháp co nguyên sinh và phương pháp tỉ trọng dung dịch.

b. Có thể xác định khả năng thoát hơi nước của cây bằng phương pháp cân nhanh hoặc bằng phương pháp sử dụng giấy tẩm clorua côban. Giấy tẩm clorua côban khi ướt có màu hồng, khi khô không màu. Như vậy, khi giấy khô áp vào lá cây, theo thời gian, giấy sẽ chuyển màu hồng. Căn cứ vào thời gian chuyển từ màu trắng sang màu hồng của giấy, có thể xác định khả năng thoát hơi nước của cây.

c. Có thể nêu hai phương pháp xác định mật độ khí khổng ở hai mặt lá:

- Dùng một loại keo nhớt trong suốt phủ lên hai mặt lá một lớp mỏng. Khi lớp keo khô, bóc lớp màng keo ra khỏi lá, soi dưới kính hiển vi, ta sẽ thấy hình của các khí khổng in rõ trên lớp màng keo và có thể xác định được mật độ khí khổng ở mặt trên và mặt dưới lá, thậm chí có thể tính được số lượng khí khổng/mm2.

- Dùng phương pháp áp giấy clorua côban vào mặt trên và mặt dưới lá, rồi tính thời gian làm hồng giấy, ta có thể xác định gián tiếp mật độ khí khổng. Bởi vì thoát hơi nước chủ yếu bằng con đường khí khổng.

d. Có thể được, vì con đường thoát hơi nước qua khí khổng có cường độ lớn và thường giảm vào ban trưa. Như vậy, nếu căn cứ vào số liệu thu được để vẽ các đồ thì có trục tung là cường độ thoát hơi nước, trục hoành là thời gian thì đồ thị có hai đỉnh sẽ là đồ thị chỉ sự thoát hơi nước qua khí khổng, còn đồ thị thấp hơn, có một đỉnh là đồ thị của con đường thoát hơi nước qua bề mặt lá.

Câu 13. Cho 1 tế bào thực vật đã phát triển đầy đủ vào 1 dung dịch. Hãy cho biết:

a. Khi nào sức căng trương nước T xuất hiện và tăng?

b. Khi nào T cực đại và khi T cực đại bằng bao nhiêu?

c. Khi nào T giảm và khi nào T giảm đến 0?

d. Trong công thức: S=P-T, S luôn ≤ P. Có khi nào S>P ? Giải thích, nếu có?

e. Một cây được tưới nước và bón phân bình thường. Hãy nêu những trường hợp T có thể tăng?

Hướng dẫn giải

a. Khi tế bào bắt đầu hút nước thì sức căng T xuất hiện, tế bào tiếp tục hút nước thì T tăng dần.

b. Tmax khi tế bào bão hòa nước và khi đó T=P

c. Khi tế bào mất nước à T giảm, T giảm đến 0 khi tế bào bắt đầu co nguyên sinh.

d. Có, khi đó S=P+T tức S>P àkhi xảy ra hiện tượng xitori: tế bào mất nước 1 cách đột ngột, không bào co lại nhưng nguyên sinh chất không kịp tách rời khỏi thành tế bào làm thành tế bào lõm vào trong và T xuất hiện với chiều ngược lại, mang dấu -

e. T chỉ có thể tăng khi tế bào nhận nước mà không thoát được nướcàT tăng trong các trường hợp sau:

- Đưa cây vào trong bóng tối

- Bão hòa hơi nước trong không gian trồng cây

- Tăng hàm lượng AAB làm khí khổng đóng.

Câu 14. Khi nghiên cứu áp suất thẩm thấu của dịch tế bào của một số loài cây người ta thu được số liệu sau:

Rong đuôi chó: 3,14 atm                               Bèo hoa dâu: 3,49 atm

Cây đậu leo:    10,23 atm                              Cây bí ngô:     9,63 atm

Phi lao:           19,68 atm                                Cây sơn:        24,08 atm

a. Em có thể rút ra kết luận gì? Giải thích?

b. Có thể sắp xếp các cây vào các nhóm ST khác nhau như thế nào, tại sao có sự sắp xếp đó?

Hướng dẫn giải

a.

- Kết luận:

+ Áp suất thẩm thấu là một đại lượng biến đổi.

+ Những nhóm cây sinh thái khác nhau thì có P khác nhau.

+ Cây mọc ở đất khô cằn thì có áp suất thẩm thấu của dịch bào lớn, cây thủy sinh thì có áp suất thẩm thấu nhỏ.

- Giải thích:ở những môi trường sinh thái khác nhau, thế nước trong đất khác nhau, cây muốn hút được nước thì phải tạo ra một tiềm năng thẩm thấu lớn hơn tiềm năng thẩm thấu trong đất (P dịch bào > P dịch đất). Vì ở môi trường nước, P môi trường nhỏ => P dịch bào thấp, còn ở môi trường đất khô cằn, P dịch đất lớn => P dịch bào lớn.

b. Sắp xếp vào các nhóm sinh thái khác nhau:

- Nhóm cây ẩm sinh: rong đuôi chó, bèo hoa dâu.

- Nhóm cây trung sinh: bí ngô, đậu leo.

- Nhóm cây hạn sinh: phi lao, sơn.     

Câu 15. Một cây thuộc loài thực vật ẩm sinh mọc trong đất có nồng độ muối cao, mặc dù đã được tưới nước nhưng cây vẫn bị héo.

a. Cho biết 3 giá trị đo được về thế nước của cây trên là: -5atm, -1atm, -8atm. Hãy sắp xếp các giá trị trên tương ứng với thế nước ở lá, rễ và đất?

b. Để cây không bị héo có thể sử dụng phương pháp nào trong các phương pháp sau là hiệu quả nhất? Giải thích tại sao?

- Tăng độ ẩm không khí

- Tưới nước tiếp tục cho cây

- Phủ 1 lớp sáp trên bề mặt lá

- Đưa cây vào bóng râm

Hướng dẫn giải

a. Nước đi từ nơi có thế nước cao đến nơi có thế nước thấp, cây đang bị héo nên thế nước ở rễ, thân và lá lần lượt là: -8; -5; -1.

b. Sử dụng phương pháp tiếp tục tưới nước cho cây để tăng thế nước cho đất, rửa mặn.

{-- Để xem nội dung đề và đáp án từ cấu 16-20 của tài liệu các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

Trên đây là trích dẫn một phần nội dung tài liệu Câu hỏi tự luận ôn tập chủ đề Trao đổi nước ở thực vật Sinh học 11 mức độ vận dụng thấp. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

​Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?