ĐỀ 1:
I. Phần dành chung cho tất cả các thí sinh (4 điểm)
Câu 1: “Có người yêu văn chương, có người lại say mê khoa học. Còn em…?”
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 200-300 từ) để sẻ chia những suy nghĩ đó của mình.
II. Phần riêng – học sinh học chương trình nào làm theo chương trình đó (6 điểm)
Câu 2a - Dành cho học sinh học theo chương trình cơ bản (các lớp tự nhiên)
Phân tích đoạn thơ sau:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(trích Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
Câu 2b - Dành cho học sinh học theo chương trình nâng cao (các lớp xã hội)
Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
(trích Tương tư – Nguyễn Bính)
ĐỀ 2:
Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm
Kháng chiến thắng lợi muôn năm
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946
Hồ Chí Minh
Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? (0.5đ)
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính là gì? (0.5đ)
Câu 3. Văn bản trên đề cập đến nội dung gì? Biện pháp tu từ chính được sử dụng trong đoạn “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”là gì? (1.0 đ)
Câu 4. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 8-10 câu) kể về những hành động của bản thân để thể hiện lòng yêu nước trong giai đoạn hiện nay? (1.0 đ)
Phần 2: Làm văn (7,0 điểm):
Học sinh chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1: Cảm nhận của em về khổ thơ sau trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử:
… “ Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”…
(“Đây thôn Vĩ Dạ” - Hàn Mặc Tử)
Đề 2: Phân tích bài thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh.
Chiều tối
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
(Trích “Nhật ký trong tù” - Hồ Chí Minh)
ĐỀ 3:
Phần 1: Đọc - hiểu (5,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
“Trong đời sống chúng ta, thứ tài sản thường bị hủy hoại, lãng phí nhiều nhất là nước. Trong ý thức nhiều người, nước là thứ trời sinh, có thể sử dụng “vô tư”, “xả láng”, không cần giữ gìn gì hết! Nhưng đó là một nhầm lẫn lớn của một tầm mắt hạn hẹp.
Các nhà khoa học đã cho biết nước ngọt trên trái đất này có hạn. Tổng số nước ngọt trên trái đất ước tính chỉ có chưa đến một tỉ ki-lô-met khối. Số nước đó được coi là đủ cho năm 1990 khi nhân loại có ba tỉ người. Dự kiến đến năm 2025 nhân loại sẽ thêm ba tỉ người nữa, thành sáu tỉ người thì nguồn nước lấy đâu cho đủ?
Thế giới không phải nước nào cũng may mắn được trời cho đủ nước ngọt để dùng(...). Trong khi đó công nghiệp càng phát triển thì lượng nước dùng trong công nghiệp càng nhiều, nước thải công nghiệp càng làm cho sông ngoài, ao hồ bị ô nhiễm, làm giảm lượng nước ăn, chăn nuôi và trồng trọt....”.
(Theo Thanh Ba, báo nhân dân chủ nhật)
Câu 1: Đoạn trích diễn đạt theo phương thức biểu đạt nào là chính? Nêu nội dung của đoạn trích? (1.5đ)
Câu 2: Xác định câu văn thể hiện sự bác bỏ của tác giả trước ý thức của nhiều người “ nước là thứ trời sinh, có thể sử dụng “vô tư”, “xả láng”, không cần giữ gìn gì hết.” (0.5đ)
Câu 3: Theo tác giả, nguyên nhân nào làm cho nguồn nước bị hủy hoại? (1đ)
Câu 4: Theo anh(chị), cần có những biện pháp nào để bảo vệ nguồn nước? (2đ)
(Trình bày thành một đoạn văn ngắn)
Phần 2: Làm văn (5,0 điểm):
Trình bày cảm nhận của anh(chị) về đoạn thơ trong “Vội vàng” - Xuân Diệu.
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua.
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt...
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...
ĐỀ 4:
Phần 1: Đọc - hiểu (4,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 3:
“Một ngày nọ, con lừa của một ông chủ trang trại sảy chân rơi xuống một cái giếng. Lừa kêu la tội nghiệp hàng giờ liền. Người chủ trang trại cố nghĩ xem nên làm gì. Cuối cùng ông quyết định: chắc hẳn con lừa đã già, dù sao thì cái giếng cũng cần được lấp lại và không ích lợi gì trong việc cứu con lừa lên cả. Ông nhờ vài người hàng xóm sang giúp mình. Họ xúc đất và đổ vào giếng. Ngay từ đầu, lừa đã hiểu chuyện gì đang xảy ra và nó kêu la thật thảm thiết. Nhưng sau đó lừa trở nên im lặng. Sau một vài xẻng đất, ông chủ trang trại nhìn xuống giếng và vô cùng sửng sốt. Mỗi khi bị một xẻng đất đổ lên lưng, lừa lắc mình cho đất rơi xuống và bước chân lên trên. Cứ như vậy, đất đổ xuống, lừa lại bước lên cao hơn. Chỉ một lúc sau mọi người nhìn thấy chú lừa xuất hiện trên miệng giếng và lóc cóc chạy ra ngoài.”
(Trích “Hạt giống tâm hồn”)
Câu 1: (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt của văn bản?
Câu 2: (1,0 điểm): Tìm và phân tích nghĩa tình thái trong đoạn văn trên?
Câu 3: (2,5 điểm):
a. Em hãy nêu nội dung của đoạn văn trên? (1,0 điểm)
b. Từ câu chuyện trên, em hãy rút ra bài học cho bản thân? (1,5 điểm)
Phần 2: Làm văn (6,0 điểm):
Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp thiên nhiên và con người xứ Huế trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử)? Qua đó, nêu ra quan niệm sống cho bản thân?
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Ngữ văn 11, tập hai, NXBGD 2007)
ĐỀ 5:
Câu 1: (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời theo câu hỏi:
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
(Hồ Chí Minh)
a. Anh/chị hãy xác định nội dung chính của đoạn văn trên.
b. Biện pháp nghệ thuật nào được tác giả sử dụng thành công trong đoạn văn? Chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của nó.
c. Cảm nhận về đoạn văn, một học sinh đã viết như sau:
Qua đoạn văn đã cho ta thấy niềm yêu quý tha thiết đất nước và lòng căm thù dặc sâu sắc của Bác.
Theo anh/chị, với cách viết như vậy, bạn học sinh đã mắc những lỗi nào? Hãy nêu cách chữa.
Câu 2: (3 điểm)
Ngạn ngữ có câu: “Gieo thói quen, gặt tính cách”. Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.
Câu 3: (4 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
(Vội vàng - Xuân Diệu)
ĐỀ 6:
Phần 1: Đọc - hiểu (4,0 điểm)
Đọc đoạn văn dưới đây và trả lời các câu hỏi 1, 2, 3, 4, 5:
Nằm lại bên trận địa ác liệt, các anh đã chiến đấu và hy sinh, những người con ưu tú của đất nước vẫn luôn nhận được hơi ấm từ nhân dân và đồng đội. Hàng nghìn chiến sĩ quên mình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, nay đã an nghỉ tại những nghĩa trang trang trọng của thành phố Điện Biên Phủ. Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập, Nghĩa trang liệt sĩ Him Lam, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ phần lớn là những ngôi mộ “chưa biết tên”. Nhưng lòng yêu nước của người Điện Biên năm xưa vẫn còn đó, để thế hệ tiếp sau không bao giờ quên những chiến công phải đổi bằng xương máu và tuổi thanh xuân. Các anh hy sinh để đất nước còn mãi, còn gì cao quý hơn sự hy sinh ấy!
(Trích Các anh đã bất tử trong lòng Điện Biên - Hữu Nghị;
dantri.com.vn ngày 04 tháng 05 năm 2014)
Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn?
Câu 2: Đoạn văn đề cập đến nội dung gì?
Câu 3: Chỉ ra và nêu hiệu quả của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn?
Câu 4: Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa câu văn: Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập, Nghĩa trang liệt sĩ Him Lam, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ phần lớn là những ngôi mộ “chưa biết tên”?
Câu 5: Từ nội dung của đoạn văn bản, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 10 dòng) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về sự hi sinh của những chiến sỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Phần 2: Làm văn (6,0 điểm):
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hai đoạn thơ sau:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
(Trích Vội vàng - Xuân Diệu, Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục, Tr 22)
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
(Trích Từ ấy - Tố Hữu, Ngữ văn 11, tập 2, NXB Giáo dục, Tr 44)
ĐỀ 7:
Phần 1: Đọc - hiểu (4,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
“Những kẻ ở vườn thấy quan sang, quan quyền, cũng bén mùi làm quan. Nào lo cho quan, nào lót cho lại, nào chạy ngược nào chạy xuôi, dầu cố ruộng dầu bán trâu cũng vui lòng, chỉ cần được lấy một chức xã trưởng hoặc cai tổng, đặng ngồi trên, đặng ăn trước, đặng hống hách thì mới thôi. Những kẻ như thế mà vẫn không ai khen chê, không ai khinh bỉ, thật cũng lạ thay! Thương ôi! Làng có một trăm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lí cả. Đó là nói người trong một làng đối với nhau, chí như đối với dân kiều cư kí ngụ thì lại càng hà khắc hơn nữa. Ôi! Một dân tộc như thế thì tư tưởng cách mạng nảy nở trong óc chúng làm sao được! Xã hội chủ nghĩa trong nước Việt Nam ta không có là cũng là vì thế”.
(SGK Ngữ văn 11, tập 2)
Câu 1. Đoạn trích trên trích từ tác phẩm nào? Ai là tác giả của tác phẩm ấy?
Câu 2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên? Đọc đoạn văn anh/chị liên tưởng đến thực trạng nào của xã hội hiện nay?
Câu 3. Tác giả đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Ý nghĩa sử dụng của những biện pháp ấy?
Câu 4. Từ nội dung đoạn trích trên, anh chị hãy viết một đoạn văn (5 - 7 dòng) trình bày suy nghĩ của mình về việc thực hiện pháp luật Nhà nước của giới trẻ hiện nay?
Phần 2: Làm văn (6,0 điểm):
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của hai đoạn thơ sau:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
(Tràng Giang - Huy Cận, SGK Ngữ văn 11, tập 2)
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”.
(Đây Thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, SGK Ngữ văn 11, tập 2).
ĐỀ 8:
Phần 1: Đọc - hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi:
Nắng Ba Đình mùa thu
Thắm vàng trên lăng Bác
Vẫn trong vắt bầu trời
Ngày tuyên ngôn Độc lập.
Ta đi trên quảng trường
Bâng khuâng như vẫn thấy
Nắng reo trên lễ đài
Có bàn tay Bác vẫy.
Ấm lòng ta biết mấy
Ánh mắt Bác nheo cười
Lồng lộng một vòm trời
Sau mái đầu của Bác...
(Nắng Ba Đình - Nguyễn Phan Hách)
Câu 1: Văn bản trên được trình bày theo các phương thức biểu đạt nào? (0,5 điểm)
Câu 2: Hãy chỉ ra biện pháp tu từ và cho biết hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ: (1,0 điểm)
Ta đi trên quảng trường
………………………..
Có bàn tay Bác vẫy.
Câu 3: Đoạn thơ trên gợi nhớ đến sự kiện lịch sử nào của nước ta? (0,5 điểm)
Câu 4: Trình bày cảm xúc của mình về sự kiện trọng đại được nhắc đến trong đoạn thơ trên bằng một đoạn văn khoảng 5 -7 dòng. (1,0 điểm)
Phần 2: Làm văn (7,0 điểm):
Câu 1: (2,0 điểm) Trong bức tâm thư gửi các bậc cha mẹ học sinh của trường Lương Thế Vinh nhân ngày khai trường năm học 2013-2014, thầy Hiệu trưởng Văn Như Cương có viết: “Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút.”
Anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Câu 2: (5,0 điểm)
Phân tích khổ đầu bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” - Hàn Mặc Tử - (Ngữ văn 11, tập hai, NXB Giáo dục, 2009)
-------HẾT-------
Học sinh không được sử dụng tài liệu; Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm./.
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐÁP ÁN:
ĐỀ 1:
Câu 1: “Có người yêu văn chương, có người lại say mê khoa học. Còn em…?”. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 200-300 từ) để sẻ chia những suy nghĩ đó của mình.
- Là dạng đề nghị luận theo hướng mở nhằm giúp học sinh bày tỏ những suy nghĩ và quan điểm của mình → đáp án chỉ mang tính định hướng:
- Thuyết minh về vấn đề → những biểu hiện cụ thể (người yêu văn chương, người say mê khoa học…)
- Nguyên nhân (do sở thích, sở trường; cách nhìn nhận; xu hướng; thực tiễn đời sống…);
- Những suy nghĩ và giải pháp:
- Phân tích để thấy được những mặt mạnh/mặt yếu của từng bộ môn để từ đó nêu lên những suy nghĩ của bản thân trong quan niệm về học tập;
- Những giải pháp cụ thể (khích lệ với những người có tình yêu và đam mê để tìm kiếm tài năng nhưng đồng thời cũng phải thay đổi cách nhìn, quan niệm, thói quen… ở những người mang tư tưởng học lệch);
- Bài học: Tôn trọng sở thích, sở trường của bản thân nhưng cũng cần phải biết kết hợp các môn học khác nhau nhằm hoàn thiện trí tuệ và nhân cách của con người.
Câu 2a:
Phân tích khổ thơ đầu trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử
- Mở bài: Học sinh nêu được vài nét về Hàn Mặc Tử, hoàn cảnh sáng tác của bài thơ và khái quát được luận đề (nội dung và nghệ thuật của khổ thơ đầu).
- Thân bài:
- Câu thơ đầu: học sinh phân tích để thấy được sắc thái biểu cảm phong phú kết hợp với cách dùng từ có chủ ý: về chơi → là duyên cớ để khơi dậy trong tâm hồn nhà thơ bao kỉ niệm sâu sắc, bao hình ảnh đẹp đẽ đáng yêu về xứ Huế - nơi có người mà nhà thơ thương mến;
- Điệp từ “nắng” ở câu thơ thứ hai: nắng hàng cau/ nắng mới lên như muốn gợi đặc trưng (miền trung) trong khoảng trời hồi tưởng của thi nhân cùng với lối ngắt nhịp song đôi gợi sự hài hòa, tha thướt…;
- Biện pháp nghệ thuật so sánh kết hợp lời cảm thán mang sắc thái ngợi ca của câu 3 đã mang đến cho thôn Vĩ một vẻ đẹp tươi tốt, đầy sức sống;
- Nét tinh tế của Hàn thể hiện qua sự xuất hiện của con người ở câu thứ tư làm cho bức tranh thôn Vĩ thêm phần sinh động: khuôn mặt chữ điền gợi sự phúc hậu song hành cùng nét xinh xắn của thiên nhiên thôn Vĩ → vẻ đẹp hài hòa trong sự kín đáo, dịu dàng → chất Huế.
- Kết bài: Khổ thơ đã thể hiện một tình yêu thiết tha với thiên nhiên, với cuộc sống; sự ân tình sâu sắc, đậm đà với thôn Vĩ của chàng thi sĩ họ Hàn → đã khuôn đúc, lưu giữ trong tâm trí những hình ảnh sống động và đẹp đẽ đến thế.
Câu 2b:
Cảm nhận về 4 câu thơ đầu trong bài Tương tư của Nguyễn Bính
- Mở bài: Học sinh giới thiệu được vài nét về Nguyễn Bính, xuất xứ bài thơ và luận đề (người viết có cảm nhận như thế nào đối với đoạn thơ đó?)
- Thân bài:
- Biện pháp hoán dụ; điệp từ; nghệ thuật tổ chức số từ độc đáo nhằm tạo lập hình ảnh giàu sắc thái biểu cảm: một người chín nhớ mười mong một người…→ hai câu thơ đầu đã thể hiện căn nguyên của nỗi nhớ thương da diết bởi không gian xa cách thăm thẳm, diệu vợi;
- Với nghệ thuật so sánh (bệnh nắng mưa/ bệnh tương tư) → hai câu thơ cuối như là một định nghĩa cụ thể về nỗi tương tư; kết hợp cùng điệu kể của thể lục bát → ý thơ như gợi cảm giác cho người đọc về một khổ chủ đang bị hành hạ, dày vò bởi những nhớ và mong.
- Kết bài: Khổ thơ chân quê như hồn thơ Nguyễn Bính: với cái Tôi vừa như một tình nhân đắm đuối vừa như một nạn nhân tự nguyện rước bệnh, rước khổ vào thân…
- Hành văn mạch lạc, lưu loát; văn viết cảm xúc, giàu hình ảnh; bài làm sạch sẽ, ít mắc lỗi chính tả…
ĐỀ 2:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ chính luận
Câu 2: Nghị luận
Câu 3:
- Kêu gọi toàn quốc kháng chiến
- Điệp cấu trúc
Câu 4:
- Giáo viên linh động
- (học sinh viết được đoạn văn có nói lên hành động phù hợp với lứa tuổi học sinh…)
II. PHẦN TỰ LUẬN (7,0 điểm)
Đề 1:
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Bài viết đủ 3 phần (MB-TB-KB)
- Nắm vững phương pháp làm văn nghị luận văn học
- HS biết cách phân tích một tác phẩm kết hợp thêm các thao tác nghị luận khác.
- Có luận điểm, luận cứ rõ ràng
- Bố cục chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức:
- Trên cơ sở nắm vững tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử; Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được những nội dung cơ bản sau:
- Mở bài: Giới thiệu về tác giả Hàn Mặc Tử. Giới thiệu vẻ đẹp bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” (vẻ đẹp về cảnh vật và tâm trạng), dẫn dắt đến khổ thơ 2 cần phân tích .
- Thân bài:
- Cảm nhận chung về bài thơ và đặt đoạn thơ trong mạch kết cấu của văn bản.
- Hoàn cảnh sáng tác.
- Âm điệu, giọng điệu: buồn, trầm lắng, tha thiết.
- Giới thiệu ngắn gọn nội dung khổ 1: Vẻ đẹp cảnh ban mai thôn Vĩ và tình người tha thiết.
- Đặc sắc riêng của khổ thơ cần tìm hiểu: Cảnh sông nước, mây trời đêm trăng xứ Huế mênh mang, huyền ảo, đượm buồn. Qua đó thể hiện nỗi buồn, nỗi khát khao giao cảm với đời và niềm dự cảm về số phận mong manh của nhân vật trữ tình.
- Cảm nhận về khổ thơ
- Về cảnh:
- Cảnh thực mà như mơ đượm nỗi u buồn.
- Cảnh thực: dòng sông, bờ bãi, ánh trăng, con thuyền gợi thần thái của xứ Huế trầm lắng, mông mơ.
- Cảnh ảo mộng: dòng sông trăng, thuyền chở trăng, bến sông trăng.
- Cảnh u buồn: Sự vật li tán, xa cách, chia lìa, phiêu tán; nhạt nhòa, rời rạc, buồn tẻ. (Kết hợp phân tích nhịp điệu, từ ngữ, hình ảnh, các biệp pháp tu từ... )
- Cảnh thực mà như mơ đượm nỗi u buồn.
- Tâm trạng của nhân vật trữ tình:
- Nỗi buồn cô đơn.
- Mong mỏi, đợi chờ, khát khao giao cảm với đời, giàu mộng tưởng (hình ảnh dòng sông trăng và thuyền chở trăng)
- Ẩn chứa mặc cảm day dứt, biểu lộ nỗi niềm lo lắng của một số phận ngắn ngủi, mong manh, không có tương lai.
- → Cảnh vật hài hòa... nhuốm màu tâm trạng của chủ thể trữ tình. (Kết hợp phân tích nhịp điệu, từ ngữ, hình ảnh, các biệp pháp tu từ... )
- Về cảnh:
- Giới thiệu khổ còn lại: Cảnh sương khói và hình bóng khách đường xa nhạt nhòa, xa xôi, hư ảo. Qua đó thể hiện sự mơ tưởng, hoài nghi của chủ thể trữ tình về tình đời tình người.
- Cảm nhận chung về bài thơ và đặt đoạn thơ trong mạch kết cấu của văn bản.
- Kết bài:
- Khái quát giá trị nổi bật từ vấn đề bàn luận.
- Gợi liên tưởng sâu xa trong lòng người đọc.
Đề 2:
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Bài viết đủ 3 phần (MB-TB-KB)
- Nắm vững phương pháp làm văn nghị luận văn học
- HS biết cách phân tích một tác phẩm kết hợp thêm các thao tác nghị luận khác.
- Có luận điểm, luận cứ rõ ràng
- Bố cục chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức:
- Trên cơ sở nắm vững tác phẩm thơ “Chiều tối” của Hồ Chí Minh; Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được những nội dung cơ bản sau:
- Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Hồ Chí Minh.
- Hoàn cảnh sáng tác, giá trị chung của bài thơ “Chiều tối”.
- Thân bài:
- Làm nổi bật các ý:
- Bức tranh thiên nhiên (2 câu đầu)
- Bức tranh cuộc sống, con người (2 câu sau)
- (Những nội dung này được thể hiện qua hệ thống các từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp tu từ ... mà tác giả sử dụng trong văn bản. Học sinh lồng vào trong quá trình phân tích đi từ nghệ thuật ra nội dung)
- Đánh giá:
- Nội dung: Qua đó, ta cảm nhận được về con người Hồ Chí Minh: tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của một người nghệ sĩ yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, con người; bản lĩnh, ý chí kiên cường của người chiến sĩ biết vượt lên hoàn cảnh, làm chủ hoàn cảnh, ung dung, tự tại và hoàn toàn tự do về tinh thần... Hai con người nghệ sĩ và chiến sĩ, chất thơ và chất thép làm nên vẻ đẹp Hồ Chí Minh
- Đánh giá về nghệ thuật: cổ điển mà hiện đại….
- Làm nổi bật các ý:
- Kết bài:
- Khái quát giá trị nổi bật từ vấn đề nghị luận.
- Gợi liên tưởng sâu xa trong lòng người đọc.
- Lưu ý: GV linh động cho điểm. Chỉ cho điểm tối đa nếu bài viết đạt được những yêu cầu về kĩ năng và kiến thức nêu trên
ĐỀ 3:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (5,0 điểm)
Câu 1: (1,5 điểm)
- Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
- Nội dung chính: Nguồn nước là thứ tài sản thường bị hủy hoại, lãng phí nhiều nhất; nước ngọt trên trái đất này có hạn.
Câu 2: (0,5 điểm)
- Câu văn thể hiện sự bác bỏ của tác giả trước ý thức của nhiều người “nước là thứ trời sinh, có thể sử dụng “vô tư”, “xả láng”, không cần giữ gìn gì hết”: Nhưng đó là một nhầm lẫn lớn của một tầm mắt hạn hẹp.
Câu 3: (1,0 điểm) Theo tác giả, nguyên nhân làm cho nguồn nước bị hủy hoại:
- Trong ý thức nhiều người, nước là thứ trời sinh, có thể sử dụng “vô tư”, “xả láng”, không cần giữ gìn gì hết!
- Công nghiệp càng phát triển thì lượng nước dùng trong công nghiệp càng nhiều, nước thải công nghiệp càng làm cho sông ngoài, ao hồ bị ô nhiễm, làm giảm lượng nước ăn, chăn nuôi và trồng trọt...”.
Câu 4: (2,0 điểm)
- Nội dung của đoạn văn: những biện pháp để bảo vệ nguồn nước.
- Kết hợp các thao tác nghị luận: bác bỏ, bình luận...
- Cách viết đoạn văn nghị luận.
II. PHẦN TỰ LUẬN (5,0 điểm)
- Kĩ năng: Câu hỏi này yêu cầu HS:
- Vận dụng các kiến thức về văn nghị luận để tạo lập văn bản (kết hợp được các thao tác bình luận, bác bỏ, phân tích, bình luận, chứng minh, so sánh... trong bài nghị luận).
- Văn viết có cảm xúc, kết cấu chặt chẽ, không mắc lỗi chính tả, diễn đạt, trình bày sạch đẹp, rõ ràng.
- Kiến thức: HS có thể linh hoạt trình bày theo nhiều cách khác nhau, song cần thể hiện được các ý sau:
- Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Vị trí của đoạn thơ trong tác phẩm.
- Thân bài:
- Sự trôi chảy nhanh chóng của thời gian.
- Cuộc đời của con người ngắn ngủi so với dòng chảy của thời gian.
- Thời gian mang hương vị của sự chia phôi.
- → Sự tiếc nuối của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt trước qui luật của thiên nhiên.
- Kết bài:
- Đoạn thơ như một lời giục giã: hãy sống có ý nghĩa, đừng phí hoài tuổi trẻ.
- Tác phẩm Vội vàng đã khẳng định vị trí của Xuân Diệu trong phong trào Thơ mới.
- Mở bài:
ĐỀ 4:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt của văn bản : Tự sự.
Câu 2: Tìm và phân tích nghĩa tình thái có trong đoạn văn:
- Chắc hẳn: phỏng đoán sự việc với độ tin cậy thấp.
- Thật thảm thiết: khẳng định tính chân thực của sự việc.
Câu 3:
a. Nội dung của đoạn văn trên: sự già yếu, vô dụng của con lừa bị ông chủ bỏ rơi nhưng sau đó lừa đã biết vươn lên hoàn cảnh và số phận khắc nghiệt để vực dậy trong cuộc sống.
b. Bài học cho bản thân: Trong cuộc sống dù trong hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm, cần phải biết vươn lên và vượt qua, đừng bao giờ đầu hàng để tiến tới thành công.
Câu 4: Bày tỏ tình cảm chân thành, sâu sắc với ngày lễ tuyên bố nền độc lập, tự do của dân tộc: tự hào, sung sướng, xúc động,…
II. PHẦN TỰ LUẬN (6,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng: HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên cần đảm bảo một số yêu cầu về kĩ năng:
- Biết viết một bài văn nghị luận văn học (phân tích một bài thơ).
- Biết vận dụng kết hợp các thao tác nghị luận.
- Lập luận thuyết phục, luận điểm rõ ràng, phong phú, đúng đắn. Diễn đạt có cảm xúc.
- Trình bày chữ viết rõ ràng, sạch đẹp, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Yêu cầu về kiến thức: HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng sau đây là vài gợi ý:
- Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Thân bài: Phân tích nội dung:
- Khổ 1: Cảnh ban mai thôn Vĩ và tình người tha thiết:
- Câu đầu: là câu hỏi tu từ mang nhiều sắc thái: một câu hỏi hay lời trách móc nhẹ nhàng, lời mời mọc ân cần.
- Ba câu sau gợi lên vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên thôn Vĩ trong khoảnh khắc hừng đông. Đằng sau bức tranh phong cảnh là tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, con người tha thiết cùng nỗi niềm băn khoăn, day dứt của tác giả.
- Khổ 2: Cảnh hoàng hôn thôn Vĩ và niềm đau cô lẻ, chia lìa.
- Hai câu đầu bao quát toàn cảnh với hình ảnh gió, mây chia lìa đôi ngả; “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay” gợi nỗi buồn hiu hắt.
- Hai câu sau tả dòng Hương trong đêm trăng lung linh, huyền ảo, vừa thực vừa thơ mộng. Đằng sau cảnh vật là tâm trạng vừa đau đớn, khắc khoải vừa khát khao cháy bỏng của nhà thơ.
- Khổ 3: Nỗi niềm thôn Vĩ
- Hai câu đầu: bóng dáng người xa hiện lên mờ ảo, xa vời trong “sương khói mờ nhân ảnh” trong cảm nhận của khách đường xa.
- Hai câu cuối: mang chút hoài nghi mà lại chan chứa niềm thiết tha với cuộc đời.
- Nghệ thuật: trí tưởng tượng phong phú, nghệ thuật so sánh, nhân hóa; thủ pháp lấy động tả tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ…; hình ảnh sáng tạo, có sự hòa quyện giữa thực và ảo.
- Khổ 1: Cảnh ban mai thôn Vĩ và tình người tha thiết:
- Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề.
- Quan niệm sống cho bản thân: yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước; cần biết quý trọng từng giây từng phút trong cuộc đời…
ĐỀ 5:
Câu 1: (3 điểm)
- Mỗi ý trả lời đúng 1 điểm.
- Nội dung chính: Thực dân Pháp gây ra nhiều tội ác đối với phong trào yêu nước của nhân dân ta.
- Biện pháp nghệ thuật: Lặp từ, lặp cấu trúc tạo nên những câu văn đồng dạng, liên tiếp tăng tiến dồn dập; vừa có tác dụng nhấn mạnh ý vừa tạo nhịp điệu, âm hưởng…
- Xác định lỗi: Ngữ pháp: câu thiếu chủ ngữ; sai chính tả.
- Chữa lỗi:
- Ngữ pháp: bỏ “qua” hoặc bỏ “đã cho” thêm dấu phẩy,…
- Lỗi chính tả: “dặc” → giặc
- Đoạn văn đã cho ta thấy niềm yêu quý tha thiết đất nước và lòng căm thù giặc sâu sắc của Bác.
- Chữa lỗi:
- Lưu ý: Hs có thể có nhiều cách chữa lỗi, miễn là đúng ngữ pháp giáo viên linh động khi chấm.
Câu 2:
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết kết hợp các thao tác nghị luận để làm bài văn nghị luận xã hội.
- Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, lưu loát.
- Yêu cầu về nội dung:
- Nêu được vấn đề nghị luận (0,5)
- Giải thích: (0,5)
- Thói quen: những biểu hiện bề ngoài trong ứng xử được lặp đi lặp lại…
- Tính cách: đặc điểm tâm lí ổn định dựa trên các biểu hiện bề ngoài và nội tâm bên trong,…
- Gieo - gặt chỉ quan hệ nhân quả
- ⇒ Ý cả câu: đề cập đến mối quan hệ nhân quả giữa thói quen (biểu hiện nhất thời, bề ngoài) với tính cách (biểu hiện chiều sâu ổn định bên trong) của con người.
- Bàn luận: (1,5)
- Thói quen tốt… (dẫn chứng)
- Thói quen xấu… (dẫn chứng)
- Mối quan hệ giữa thói quen và tính cách… (dẫn chứng)
- Bài học và liên hệ bản thân: (0,5)
- Nhận rõ mối quan hệ, chi phối…
- Hình thành, rèn luyện thói quen tốt,…
- Hạn chế, khắc phục, loại bỏ thói quen xấu…
Câu 3:
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận văn học
- Bố cục chặt chẽ, văn lưu loát, có cảm xúc.
- Yêu cầu về nội dung:
- Vài nét về tác giả, tác phẩm và đoạn trích (0,5)
- Cảm nhận:(3,0)
- Bức tranh thiên nhiên, cuộc sống:
- Gần gũi, thân quen…; Tươi đẹp, tràn đầy sức sống…; Tình tứ, quyến rũ…
- Thiên nhiên được diễn tả bằng những hình ảnh mới lạ; ngôn ngữ gợi cảm,… biện pháp tu từ…
- Cái tôi trữ tình:
- Là cái tôi có ý thức cá nhân mạnh mẽ, đầy lòng ham sống: cách nhìn đời trẻ trung,…; tình cảm vừa tha thiết, rạo rực,…vừa vội vàng, quyến luyến…
- Được thể hiện bằng giọng điệu say mê, nhịp điệu gấp gáp,…
- Bức tranh thiên nhiên, cuộc sống:
- Đánh giá: (0,5)
- Lưu ý:
- Học sinh có thể làm bài bằng nhiều cách khác nhau miễn là chuyển tải được vấn đề cần làm rõ một cách thuyết phục, nắm vững kỉ năng làm bài mới cho điểm tối đa.
- Trân trọng những bài làm sáng tạo.
ĐỀ 6:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2:
- Nội dung chính của đoạn văn:
- Tác giả bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn... trước sự hi sinh của các chiến sỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
- Lưu ý:
- Điểm 0,5: Trả lời đúng đầy đủ nội dung trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí.
- Điểm 0,25: Trả lời chưa thật rõ ý.
- Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3:
- Học sinh trả lời một trong các biện pháp tu từ và nêu tác dụng :
- Biện pháp tu từ:
- Liệt kê: Nghĩa trang liệt sĩ Độc Lập, Nghĩa trang liệt sĩ Him Lam, Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ
- Ẩn dụ: tuổi thanh xuân
- Hoán dụ: xương máu
- Nói giảm nói tránh: hy sinh, quên mình, an nghỉ, liệt sĩ
- Tác dụng:
- Với trường hợp chỉ ra BPTT Ẩn dụ hoặc Nói giảm nói tránh
- Làm giảm đi nỗi đau thương, mất mát
- Thể hiện sự trân trọng biết ơn với những hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sỹ.
- Với trường hợp chỉ ra BPTT Hoán dụ hoặc Liệt kê
- Nhấn mạnh những đau thương, mất mát, những cống hiến lớn lao của các liệt sĩ
- Thể hiện sự trân trọng biết ơn với những hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sỹ.
- Với trường hợp chỉ ra BPTT Ẩn dụ hoặc Nói giảm nói tránh
- Điểm 1,0: Trả lời đúng hai biện pháp tu từ và nêu tác dụng.
- Điểm 0,5: Trả lời đúng và nêu được tác dụng biểu đạt một biện pháp tu tư hoặc chỉ ra được hai biện pháp tu từ nhưng không nêu được hiệu quả biểu đạt.
- Điểm 0,25: Đúng biện pháp tu từ nhưng không chỉ ra ngữ liệu và không chỉ ra tác dụng.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.
- Lưu ý:
- Học sinh có thể trả lời riêng tác dụng của từng biện pháp hoặc trả lời gộp tác dụng của hai biện pháp đều cho điểm.
- Nếu học sinh nêu đúng tên biện pháp tu từ nhưng chỉ ra sai thì không cho điểm.
Câu 4:
- HS nêu cách hiểu của bản thân về ý nghĩa của câu văn (Có thể viết thành câu hoặc gạch đầu dòng)
- Gợi ý:
- Sự mất mát lớn lao của dân tộc
- Sự tàn khốc của chiến tranh
- Tình yêu đất nước ...
- Những cống hiến, hi sinh thầm lặng nhưng cao cả
- Sự nối tiếp truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông ta từ xa xưa
- * Lưu ý: Học sinh có thể trả lời theo nhiều cách khác nhau, chỉ cần trình bày được 2 ý hướng vào ý nghĩa của câu văn đều cho điểm tối đa.
Câu 5:
- Có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Học sinh hướng vào những nội dung sau:
- Đánh giá vai trò về sự hi sinh của người chiến sĩ: anh dũng, cao cả...
- Bày tỏ thái độ quan điểm của sự hi sinh ấy...
- Bài học
- Điểm 1,0: Nắm được đầy đủ nội dung cũng như kĩ năng viết đoạn văn nghị luận, diễn đạt tốt, có sức thuyết phục.
- Điểm 0,75: Đáp ứng được các yêu cầu trên song một số ý còn chưa đầy đủ hoặc cách trình bày, diễn đạt chưa thật rõ ràng, thuyết phục.
- Điểm 0,5: Trình bày 1/3 ý và diễn đạt chưa thuyết phục.
- Điểm 0,25: Chưa đáp ứng được dung lượng của bài viết, nội dung chưa rõ ràng.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
II. PHẦN TỰ LUẬN (6,0 điểm)
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:
- Trình bày đầy đủ các phần, đoạn: Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài, biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài, biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của hai đoạn thơ trong bài.
- Triển khai vấn đề
- Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn thơ cần phân tích
- Phân tích vẻ đẹp nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ.
- Đoạn thơ trong bài Vội Vàng
- Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được
- Về nội dung:
- Vội vàng là tuyên ngôn sống của một thi nhân đắm say với cuộc đời, tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác trước cách mạng tháng Tám của Xuân Diệu. ( bài thơ viết năm 1938).
- Đoạn thơ thuộc khổ đầu, thể hiện ước muốn của nhà thơ. Từ đó thấy được vẻ đẹp của lòng yêu đời, cái tôi khao khát, giao cảm, tận hưởng cuộc sống...
- Về nghệ thuật: Điệp ngữ, động từ mạnh, thể thơ ngũ ngôn, nhịp ngắn...
- Về nội dung:
- Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được
- Đoạn thơ trong đoạn trích Từ ấy
- Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
- Về nội dung:
- Từ ấy là tuyên ngôn sống của một người chiến sĩ cộng sản được sáng tác khi nhà thơ gặp được lý tưởng cách mạng (1939).
- Đoạn thơ thuộc khổ 2 của bài thơ thể hiện sự thay đổi về tư tưởng, tình cảm khi gặp được lí tưởng cách mạng... Từ đó ta thấy được thái độ sẵn sàng, tự nguyện, gắn kết, khát vọng cống hiến đầy nhiệt huyết của tác giả.
- Về nghệ thuật: Sử dụng động từ, điệp từ, ẩn dụ, Hình ảnh “hồn tôi”, “hồn khổ”...
- Về nội dung:
- Thí sinh có thể có những cách trình bày khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
- Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt để thấy được vẻ đẹp riêng của mỗi đoạn
- Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
- Sự tương đồng:
- Ra đời cùng thời (1938).
- Nhân vật trữ tình: Cái tôi tác giả đắm say khao khát sống hướng tới cuộc đời và con người bằng tình yêu chân thành mãnh liệt.
- Giọng thơ say mê, cảm hứng lãng mạn. Dùng động từ mạnh.
- Sự khác biệt:
- Đoạn thơ trong bài Vội vàng
- Khát vọng của thi sĩ thơ mới: lãng mạn đắm say, cuống quýt vội vàng....
- Đối tượng hướng tới là: Tất cả sự cống hiến ở trần gian.
- Mục đích: Chiếm lĩnh và hưởng thụ → đó là cái tôi tận hưởng
- Đọan thơ trong Từ ấy
- Khát vọng của một thi sĩ, một chiến sĩ cộng sản được hiến dâng cho lý tưởng cách mạng cho nhân loại cần lao.
- Đối tượng: tầng lớp quần chúng nhân dân lao khổ.
- Mục đích: chia sẻ, đồng cảm: tạo khối đời vững chắc → đó là cái tôi tận hiến.
- Đoạn thơ trong bài Vội vàng
- Lí giải sự khác biệt (Thời đại, xuất thân của tác giả, đặc điểm sáng tác...)
- Khẳng định lại vấn đề (KB)
- Sự tương đồng:
- Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
- Sáng tạo
- Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu
- Đảm bảo đúng quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
ĐỀ 7:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Câu 1 (0,5 điểm). Đoạn văn trích từ đoạn trích Về luận lí xã hội ở nước ta/ tác phẩm Đạo đức và luân lí Đông Tây của Phan Châu Trinh.
Câu 2 (0,5 điểm). Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận. Đoạn văn gợi liên tưởng đến hiện tượng chạy chức, chạy quyền của xã hội hiện nay.
Câu 3 (1.0 điểm). Các biện pháp tu từ: Ẩn dụ, điệp cấu trúc, câu cảm thán. Tác dụng nhấn mạnh thái độ căm ghét cao độ của tác giả đối với tầng lớp quan lại lúc bấy giờ.
Câu 4 (1.0 điểm). Học sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng đảm bảo tính logic chặt chẽ trong lập luận, nội dung phù hợp với đạo lí và pháp luật. (Gợi ý: viết được những ưu điểm và hạn chế của việc thực hiện pháp luật của giới trẻ).
II. PHẦN TỰ LUẬN (6,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và hai đoạn thơ
- Phân tích vẻ đẹp của hai đoạn thơ:
- Phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ trong Tràng giang của Huy Cận.
- Vẻ đẹp nội dung: Cảnh sông Hồng và tâm trạng của thi nhân.
- 3 câu đầu mang đậm màu sắc cổ điển, vẽ lên hình ảnh con thuyền nhỏ nhoi lênh đênh, trôi dạt trên sông rộng lớn, mênh mong gợi cảm giác buồn, cô đơn, xa vắng, chia lìa...
- Câu thơ 4 mang nét hiện đại với hình ảnh rất đời thường: cành củi khô trôi nổi gợi cảm nhận về những thân phận, kiếp người nhỏ bé, bơ vơ giữa dòng đời.
- → Đằng sau bức tranh thiên nhiên là tâm trạng của cái tôi bơ vơ, lạc lõng trước vũ trụ; là niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời.
- Vẻ đẹp nghệ thuật: Bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, tả cảnh ngụ tình, ẩn dụ, thể thơ, nhịp điệu... vừa mang tính cổ điển vừa hiện đại....
- Vẻ đẹp nội dung: Cảnh sông Hồng và tâm trạng của thi nhân.
- Phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ trong Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
- Vẻ đẹp nội dung:
- 2 câu đầu: bao quát toàn cảnh với hình ảnh gió, mây, chia lìa đôi ngả; “dòng nước buồn thiu” gợi nỗi buồn hiu hắt.
- 2 câu sau: tả dòng sông Hương trong đêm trăng lung linh, huyền ảo, vừa thực vừa mộng.
- → Đằng sau cảnh vật là tâm trạng vừa đau đớn, khắc khoải vừa khao khát cháy bỏng của thi nhân.
- Vẻ đẹp nghệ thuật: Hình ảnh thơ vừa thực vừa ảo, có tính tượng trưng, giàu sức gợi. Phối hợp tả cảnh ngụ tình với trực tiếp biểu cảm; dùng cấu trúc đối lập, phép nhân hóa, câu hỏi tu từ...
- Vẻ đẹp nội dung:
- Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của hai đoạn thơ.
- Sự tương đồng: 2 đoạn thơ tiêu biểu cho Thơ mới, đều là những bức tranh tâm cảnh. Hình ảnh ngôn ngữ giản dị, gần gũi; mượn cảnh sông, nước, con thuyền... để gợi sự chia lìa, cô đơn. Tâm trạng thi nhân: buồn, cô đơn, bế tắc trước cuộc sống... nhưng thiết tha yêu đời, yêu người.
- Sự khác biệt:
- Tràng giang của Huy Cận sáng tác trong hoàn cảnh: cảm xúc trước sông Hồng mênh mông, ngậm ngùi về thân phận nhỏ bé của mình trước trời đất vô cùng. Trong thời gian: buổi chiều. Và vẻ đẹp cái tôi trữ tình: nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà tha thiết. Thơ Huy cận mang đậm yếu tố Đường thi qua ngôn ngữ, hình ảnh.
- Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử được gợi cảm hứng từ 1 mối tình, khi nhà thơ mắc bệnh sắp lìa cõi đời. Trong thời gian, không gian nghệ thuật: từ chiều đến đêm trăng, sông Hương. Và vẻ đẹp cái tôi trữ tình:đoạn thơ bộc lộ thế giới nội tâm đầy uẩn khúc, khát khao mãnh liệt tình yêu nhưng vô vọng, mơ tưởng tình người, tình đời; nỗi niềm lo âu cho hạnh phúc, khát khao được sống... Thơ Hàn Mặc Tử mang dấu ấn của thơ tượng trưng, siêu thực qua ngôn ngữ, hình ảnh).
- Lí giải: Hai đoạn thơ viết về hai không gian và hai thời điểm khác nhau. Hai tác giả có hai phong cách khác nhau.
- Phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ trong Tràng giang của Huy Cận.
- Đánh giá, nâng cao vấn đề
ĐỀ 8:
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1: Phương thức miêu tả và biểu cảm
Câu 2:
- Biện pháp tu từ : nhân hóa nắng reo
- Hiệu quả: thể hiện không khí vui tươi, phấn khởi và niềm hạnh phúc lớn lao của cả dân tộc trong ngày vui trọng đại.
Câu 3: Sự kiện lịch sử được gợi ra là: Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945
Câu 4: Bày tỏ tình cảm chân thành, sâu sắc với ngày lễ tuyên bố nền độc lập, tự do của dân tộc: tự hào, sung sướng, xúc động,…
II. PHẦN TỰ LUẬN (7,0 điểm)
- Đảm bảo cấu trúc của đoạn văn nghị luận
- Có đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
- Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút.
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động
- Giải thích ý kiến: Trẻ em càng được nhận nhiều thì sự biết ơn càng giảm sút.
- Làm rõ khái niệm “nhận”: được người khác đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi của bản thân về tinh thần, vật chất.
- Sự biết ơn: cảm kích và muốn được đền đáp cách ứng xử tốt đẹp của người khác với mình.
- Câu nói cho thấy sự tỷ lệ nghịch giữa nhận và biết ơn, đó là nghịch lí có thê xuất hiện khi con người thường xuyên được đáp ứng mọi yêu cầu, đòi hỏi, dù là vô lí nhất
- Bàn luận ý kiến:
- Nêu những hiện tượng thường gặp trong cuộc sống.
- Khi trẻ luôn được thoả mãn, nuông chiều mọi yêu cầu, đòi, các em sẽ coi việc nhận là bốn phận đương nhiên của gia đình, xã hội đối với mình; sự thoả mãn vô điều kiện khiến trẻ ngày càng không biết quí trọng những giá trị nhận được, cũng không biết quí trọng công sức và tấm lòng mọi người dành cho mình qua những quan tâm, chăm sóc.
- Từ sự vô ơn, trẻ sẽ ngày càng lười biếng, ích kỉ và vô cảm trong cách hành xử với mọi người xung quanh.
- Tuy nhiên, cần có giới thuyết về chữ “nhận” trong ý kiến của đề bài - trẻ luôn cần, luôn phải được nhận tình yêu thương đế học cách yêu thương!
- Bài học nhận thức và hành động cho bản thân:
- Biết trân trọng tình yêu thương, sự chăm sóc của gia đình và xã hội dành cho mình; hiểu sâu sắc ý nghĩa và mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc đời.
- Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ
- Thân bài:
- Luận điểm 1: Hoài niệm về thôn Vĩ:
- Câu thơ thứ nhất: Câu hỏi tu từ “Sao anh...thôn Vĩ” mang nhiều sắc thái ý nghĩ: là lời trách móc, lời mời mọc, lời nhắc nhở... do tác giả tự phân thân để giãi bày lòng mình. -> Khao khát trở về thôn Vĩ của nhà thơ.
- Luận điểm 2: Bức tranh thôn Vĩ (3 câu tiếp)
- Vẻ đẹp của cảnh
- Vẻ đẹp của con người
- Luận điểm 3: Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người và khao khát được trở về thôn Vĩ của nhà thơ
- Luận điểm 1: Hoài niệm về thôn Vĩ:
- Kết bài
- Khái quát nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ
- Qua đoạn thơ ta thấy rõ một tình yêu đến đau đớn hướng tới cuộc sống trần thế của nhà thơ
- Lưu ý: Đáp án chỉ mang tính chất gợi ý, GV nên linh hoạt cho điểm để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh