Bộ 5 đề thi chọn đội tuyển HSG môn Lịch Sử 11 năm 2021 có đáp án Trường THPT Phan Văn Trị

TRƯỜNG THPT PHAN VĂN TRỊ

ĐỀ THI CHỌN HSG NĂM 2021

MÔN LỊCH SỬ 11

THỜI GIAN 45 PHÚT

 

ĐỀ SỐ 1

Câu 1: Nêu những sự kiện chính của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai từ tháng 9-1939 đến tháng 6-1941 và tác động của chúng đến Việt Nam trong thời gian này.

Câu 2: Có hay không sự đối lập giữa xu hướng bạo động và xu hướng cải cách trong phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX? Vì sao?

Câu 3: Phân tích nguyên nhân thất bại của phong trào nông dân Yên Thế (1884 - 1913).

Câu 4: Nêu và làm sáng tỏ công lao to lớn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của cá nhân kiệt xuất trong lịch sử.

Câu 5: Khái quát và nhận xét về phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam giai đoạn 1926 - 1929.

Câu 6: Dựa vào bảng dữ liệu sau:

Giai đoạn

Hoạt động của tư sản Việt Nam

1919 – 1926

Tổ chức cuộc tẩy chay tư sản Hoa kiều; cuộc vận động người Việt Nam chỉ mua hàng của người Việt Nam; đấu tranh chống tư bản Pháp độc quyền cảng Sài Gòn, độc quyền xuất cảng lúa gạo Nam Kì; thành lập Đảng Lập hiến...

1927 – 1930

Thành lập Việt Nam Quốc dân đảng; tổ chức ám sát trùm mộ phu người Pháp; phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái.

 

1. Nêu mục tiêu và hình thức - phương pháp đấu tranh của giai cấp tư sản Việt Nam trong hai giai đoạn trên.

2. Cho biết kết cục của khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản ở Việt Nam và nhận xét về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Câu 7. Hội nghị Ianta (2-1945) được triệu tập trong bối cảnh lịch sử như thế nào? Trình bày và nhận xét về sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại hội nghị này.

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

Câu 1: Nêu những sự kiện chính của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai từ tháng 9-1939 đến tháng 6-1941 và tác động của chúng đến Việt Nam trong thời gian này.

1. Những sự kiện chính của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai từ tháng 9-1939 đến tháng 6-1941

- Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Ngày 3-9-1939, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đức đánh chiếm các nước Tây Âu, trong đó có nước Pháp. Tháng 6-1940 tư sản phản động Pháp đầu hàng Đức. Tháng 6-1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô. (0,5 điểm)

- Khi chiến tranh nổ ra, quân Nhật đẩy mạnh xâm lược Trung Quốc. Tháng 9-1940, Nhật vào Đông Dương từng bước biến Đông Dương thành thuộc địa. (0,5 điểm)

2. Tác động đến Việt Nam

- Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Pháp tăng cường chính sách thống trị ở Đông Dương làm cho mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Đông Dương với thực dân Pháp trở nên sâu sắc. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra cấp thiết. (0,5 điểm)

- Trước yêu cầu của lịch sử, tháng 11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập, quyết định giương cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thực hiện chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất... đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng của Đảng. (0,5 điểm)

- Pháp - Nhật câu kết đàn áp và bóc lột nhân dân Đông Dương, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp - Nhật phát triển gay gắt. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. (0,5 điểm)

- Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5-1941) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã xác định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, tiếp tục chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thành lập Mặt trận Việt Minh... hoàn chỉnh trương được đề ra tại Hội nghị tháng 11-1939 nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là độc lập dân tộc... (0,5 điểm)

Câu 2: Có hay không sự đối lập giữa xu hướng bạo động và xu hướng cải cách trong phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX? Vì sao?

1. Không có sự đối lập giữa xu hướng bạo động và xu hướng cải cách trong phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỉ XX. (0,5 điểm)

2. Nguyên nhân

- Cả hai xu hướng bạo động và cải cách đều có chung động cơ là yêu nước, đều kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc. (0,5 điểm)

- Mục tiêu đấu tranh của hai xu hướng đều là cứu nước, cứu dân, kết hợp việc giành độc lập dân tộc với xây dựng một xã hội tiến bộ theo hướng tư bản chủ nghĩa. (0,5 điểm)

- Sự xuất hiện của hai xu hướng bạo động và cải cách trong phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX đều dựa trên sự tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản. (0,5 điểm)

- Hai xu hướng bạo động và cải cách có thể chuyển hóa, kết hợp với nhau và cùng tồn tại trong một khuynh hướng cứu nước. (0,5 điểm)

Câu 3: Phân tích nguyên nhân thất bại của phong trào nông dân Yên Thế (1884 - 1913).

Cần phân tích được các ý sau:

- Do tương quan lực lượng chênh lệch giữa nghĩa quân và thực dân Pháp; Pháp sử dụng nhiều thủ đoạn để đàn áp phong trào... (0,75 điểm)

- Phong trào nông dân Yên Thế thiếu sự lãnh đạo của một lực lượng xã hội tiên tiến và hệ tư tưởng tiến bộ dẫn đường... (0,75 điểm)

- Phong trào có những hạn chế về mục tiêu và chiến thuật... (0,75 điểm)

- Phong trào mang tính địa phương nhỏ hẹp... (0,75 điểm)

Câu 4: Nêu và làm sáng tỏ công lao to lớn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của cá nhân kiệt xuất trong lịch sử.

1. Công lao to lớn đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam là khẳng định con đường giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam (tìm ra con đường cứu nước mới - con đường cách mạng vô sản) 

2. Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định con đường giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam

- Sự thất bại của các phong trào yêu nước theo tư tưởng phong kiến, sự không thành công của phong trào yêu nước theo tư tưởng dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX do các sĩ phu tiến bộ khởi xướng chứng tỏ sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam đang lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. (0,25 điểm)

- Trước yêu cầu của lịch sử, từ năm 1911 Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đã đến nhiều nước, nhiều châu lục khác nhau khảo sát các con đường cứu nước... (0,25 điểm)

- Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, khẳng định muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. (0,25 điểm)

- Tháng 12-1920, tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành ra nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành đảng viên cộng sản. (0,25 điểm)

- Như vậy, sau khoảng 10 năm tìm đường cứu nước (1911 - 1920), Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản, mở đường để giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỷ XX. (0,25 điểm)

3. Suy nghĩ của anh/chị về vai trò của cá nhân kiệt xuất trong lịch sử

Thí sinh có thể trình bày những suy nghĩ khác nhau về vai trò của cá nhân kiệt xuất trong lịch sử song phải làm rõ được hai vai trò sau:

- Cá nhân kiệt xuất giữ vai trò quan trọng trong lịch sử (0,25 điểm)

- Ở những bước ngoặt của lịch sử, đôi khi cá nhân kiệt xuất giữ vai trò quyết định. (0,25 điểm)

Câu 5: Khái quát và nhận xét về phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam giai đoạn 1926 - 1929.

1. Phong trào đấu tranh của công nhân Việt Nam giai đoạn 1926 - 1929

- Trong hai năm 1926 - 1927, đã nổ ra 27 cuộc đấu tranh của công nhân. (0,5 điểm)

- Dưới tác động của phong trào "vô sản hóa" (1928), phong trào công nhân phát triển mạnh trở thành nòng cốt của phong trào dân tộc trong cả nước. (0,5 điểm)

- Trong những năm 1928 - 1929 có 40 cuộc đấu tranh của công nhân. Đấu tranh của công nhân đã nổ ra tại các trung tâm kinh tế, chính trị, không chỉ giới hạn trong phạm vi một nhà máy, một địa phương, một ngành mà đã bắt đầu có sự liên kết thành phong trào chung... (0,5 điểm)

- Sự phát triển của phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã đặt ra yêu cầu cần thành lập một Đảng cộng sản. Yêu cầu đó tác động vào các tổ chức tiền cộng sản (Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân Việt cách mạng đảng) làm cho các tổ chức này bị phân hóa, dẫn đến sự xuất hiện của các tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản đảng (6-1929) An Nam Cộng sản đảng (8-1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9/1929)... (0,5 điểm)

2. Nhận xét

- Phong trào công nhân Việt Nam trong những năm 1926 - 1929 có bước phát triển mới. Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng giác ngộ về chính trị, ý thức giai cấp ngày càng rõ rệt, đang đi dần vào cuộc đấu tranh có tổ chức. (0,5 điểm)

- Phong trào công nhân đang chuyển biến mạnh mẽ từ tự phát sang tự giác, có sức quy tụ và dẫn đầu phong trào yêu nước. (0,5 điểm)

Câu 6: Nêu mục tiêu và hình thức - phương pháp đấu tranh của giai cấp tư sản Việt Nam trong hai giai đoạn trên.

a. Về mục tiêu (1,0 điểm)

- Giai đoạn 1919-1926: chủ yếu đấu tranh đòi quyền lợi về kinh tế.

- Giai đoạn 1927-1930: chủ yếu đấu tranh về chính trị, giải phóng dân tộc

b. Về hình thức - phương pháp đấu tranh (1,0 điểm)

- Giai đoạn 1919-1926: đấu tranh công khai, hợp pháp

- Giai đoạn 1927-1930: đấu tranh bí mật, bất hợp pháp, khởi nghĩa vũ trang

- Cho biết kết cục của khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản ở Việt Nam và nhận xét về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam

Kết cục: thất bại. (0,5 điểm)

- Sự thất bại của khuynh hướng cứu nước dân chủ tư sản ở Việt Nam chứng tỏ hệ tư tưởng tư sản không đủ khả năng giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi kiếp nô lệ, độc lập dân tộc không gắn với chủ nghĩa tư bản.

Câu 7: Hội nghị Ianta (2-1945) được triệu tập trong bối cảnh lịch sử như thế nào? Trình bày và nhận xét về sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại hội nghị này.

1. Hoàn cảnh

- Đầu năm 1945, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra trước các cường quốc Đồng minh. Đó là: 1- Nhanh chóng đánh bại hoàn toàn các nước phát xít; 2 - Tổ chức lại thế giới sau chiến tranh; 3 - Phân chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận. (0,5 điểm)

- Trong bối cảnh đó, tháng 2-1945 một hội nghị quốc tế được triệu tập tại Ianta (Liên Xô) với sự tham gia của nguyên thủ ba nước là Liên Xô, Mĩ, Anh. (0,5 điểm)

2. Trình bày và nhận xét về sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại hội nghị Ianta

a. Sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại hội nghị Ianta

- Ở Châu Âu: quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Đông nước Đức, Đông Béclin và các nước Đông Âu; quân đội Mĩ, Anh và Pháp chiếm đóng miền Tây nước Đức, Tây Béclin và các nước Tây Âu. Vùng Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô; vùng Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ. (0,5 điểm)

- Ở Châu Á: Trả lại Liên Xô miền Nam đảo Xakhalin và các đảo xung quanh, Liên Xô chiếm 4 đảo thuộc quần đảo Curin, Liên Xô chiếm đóng Bắc Triều Tiên; Quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản và Nam Triều Tiên. Trừ Trung Quốc, những vùng còn lại ở châu Á thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây. (0,5 điểm)

b. Nhận xét

- Sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại Hội nghị Ianta đã tạo ra khuôn khổ của trật tự thế giới mới, Trật tự hai cực Ianta. (0,5 điểm)

- Sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng tại hội nghị Ianta chủ yếu là sự phân chia giữa hai cường quốc Liên Xô và Mĩ; sự phân chia này dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng Xô - Mĩ, Đông - Tây. (0,5 điểm)

ĐỀ SỐ 2

Câu 1: Hãy trình bày hoàn cảnh, nội dung và kết quả cuộc cải cách Minh Trị 1868 ở Nhật Bản? (5 điểm)

Câu 2: Cách mạng Tân Hợi (1911): Hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, tính chất và ý nghĩa? (5 điểm)

---(Nội dung đầy đủ, chi tiết phần đáp án của đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

ĐỀ SỐ 3

Câu 1: Cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX có điểm khác biệt gì về kẻ thù, tiềm lực đất nước, đường lối kháng chiến so với các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta cuối thế kỷ X - XIII?

Câu 2: Cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta ở Bắc kì đã diễn ra như thế nào trong những năm 1873 - 1883? Tại sao cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của quân dân ta cuối thế kỉ XIX chưa giành được thắng lợi?

Câu 3: Những nét chính về phong trào chống Pháp của nhân dân Lào và Căm-pu-chia giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1919 - 1938)?

Câu 4: Cuộc khởi nghĩa nào điển hình nhất trong phong trào Cần Vương (1885 - 1896)? Vì sao?

Câu 5: Những hoạt động cứu nước của Phan Bội Châu đầu thế kỷ XX? Tác động những hoạt động đó tới phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam? Tại sao phong trào yêu nước và cách mạng ở Việt Nam những năm đầu thế kỉ XIX có sự xuất hiện của xu hướng bạo động và cải cách?

---(Nội dung đầy đủ, chi tiết phần đáp án của đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

ĐỀ SỐ 4

Câu 1: Con đường thống nhất Đức và I-ta-li-a nửa sau thế kỷ XIX có gì khác nhau? Vì sao nói cuộc đấu tranh thống nhất Đức và I-ta-li-a được coi là Cách mạng tư sản?

Câu 2: Tình hình kinh tế Mĩ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX phát triển như thế nào? Nguyên nhân của sự phát triển đó?

Câu 3: Em hãy chứng minh: Phong trào cách mạng thế giới bước sang một thời kì phát triển mới từ sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự kết thúc của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Câu 4: Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 đã để lại những hậu quả gì? Vì sao nói cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 lại dẫn đến nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới?

Câu 5: Bằng những kiến thức lịch sử đã học, hãy chứng minh rằng nửa sau thế kỉ XIX, canh tân đất nước là một yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam.

Câu 6: Phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX có ý nghĩa như thế nào đối với lịch sử dân tộc? Các cuộc khởi nghĩa vũ trang trong phong trào Cần vương có những hạn chế gì?

---(Nội dung đầy đủ, chi tiết phần đáp án của đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

ĐỀ SỐ 5

Câu 1: Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bùng nổ của các cuộc cách mạng tư sản? Cách mạng tư sản có ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển của lịch sử?

Câu 2: Thế kỉ XIX được gọi là thế kỉ của than, sắt thép và động cơ hơi nước, nhưng đến đầu thế kỉ XX, diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà tư bản về dầu mỏ. Hãy giải thích những hiện tượng trên.

Câu 3: Hòa ước Vécxai – Oasinhtơn đã tác động đến tình hình nước Đức như thế nào? Đức đã làm gì để phá bỏ trật tự đó trong những năm 1933 – 1939.

Câu 4: Trình bày bối cảnh lịch sử và đặc điểm cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta từ năm 1858 đến năm 1884.

Câu 5: Những điều kiện lịch sử làm nảy sinh khuynh hướng cứu nước mới trong phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam đầu thế kỉ XX? Đóng góp của khuynh hướng này đối với lịch sử dân tộc trong thời gian trên.

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

Câu 1

* Nguyên nhân sâu xa: Sức sản xuất tư bản chủ nghĩa đang trên đà phát triển nhưng bị chế độ phong kiến và các thế lực bảo thủ cản trở. Vì vậy, giai cấp tư sản lãnh đạo quần chúng đấu tranh để xóa bỏ các thế lực đó, mở đường cho sức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển. 0,5

* Tích cực

- Lật đổ được chế độ phong kiến, xóa bỏ các thế lực bảo thủ cản trở, thiết lập hệ thống nhà nước tư sản. 0,25

- Thúc đẩy nền sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển. 0,25

- Tạo điều kiện cho sự phát triển của tư tưởng tự do dân chủ tư sản, văn hóa, nghệ thuật, khoa học – kĩ thuật và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. 0,25

* Hạn chế: Cách mạng tư sản chỉ thay thế hình thức bóc lột này (phong kiến) bằng hình thức bóc lột khác (tư sản), người lao động vẫn chưa được giải phóng. 0,25

Câu 2

- Cuộc cách mạng công nghiệp ở thế kỉ XVIII, đặc biệt là phát minh động cơ hơi nước của Giêm Oát đã làm thay đổi hoạt động sản xuất. Nguyên lí động cơ hơi nước được ứng dụng rộng rãi... Công nghiệp nặng trở thành ngành kinh tế then chốt. 0,5

- Việc sản xuất và ứng dụng động cơ hơi nước đã thúc đẩy sự phát triển sức sản xuất TBCN, đặc biệt của công nghiệp khai mỏ, luyện kim. Than đá – nguồn năng lượng cơ bản, sắt thép là nguyên vật liệu quan trọng nhất...0,25

- Đầu thế kỉ XX, các nhà tư bản chuyển sang cạnh tranh quyết liệt trên lĩnh vực dầu mỏ. Có hiện tượng này là do thời gian này Điegien đã cải tiến động cơ đốt trong. Với ưu thế vượt trội, động cơ đốt trong đã nhanh chóng phổ biến, ứng dụng rộng rãi và dần thay thế động cơ hơi nước. 0,5

- Dầu mỏ trở thành nhiên liệu đốt số 1 để vận hành tất cả các loại động cơ. Vì vậy, các nhà tư bản đổ xô vào ngành kinh tế đưa lại lợi nhuận cao – có ảnh hưởng lớn đến các ngành kinh tế khác. 0,25

Câu 3

* Hòa ước Vécxai – Oasinhtơn đã tác động nặng nề đến tình hình nước Đức:

- Với hòa ước Vécxai Đức mất 1/8 diện tích đất đai, 1/12 dân số, 1/3 mỏ than, sắt .... Chịu khoản chiến phí khổng lồ... Làm cho nước Đức vốn kiệt quệ sau chiến tranh càng thêm suy sụp. 0,5

- Địa vị quốc tế của Đức bị giảm sút...0,25

- Tâm lí người dân Đức rất bất mãn với hiệp ước Vécxai – Oasinhtơn, từ đó tư tưởng phục thù dân tộc đã nảy sinh, phát triển. 0,25

* Trong những năm 1933 – 1939, Đức tìm cách phá bỏ trật tự Vécxai – Oasinhtơn.

- 1/1933, Đức đưa thế lực phát xít lên nắm chính quyền, ủng hộ cuộc chạy đua vũ trang đòi phát động chiến tranh thế giới....(TT Hin – đen – bua chỉ định Hitle làm thủ tướng). 0,5

- 10/1933, Đức tuyên bố rút khỏi Hội quốc liên để được tự do hành động... 0,25

- 1935, ban hành lệnh Tổng động viên và triển khai các hoạt động quân sự ở châu Âu, can thiệp vào Tây Ban Nha...0,25

- 1936, chiếm đóng khu phi quân sự sông Ranh và kí với Nhật Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản, hình thành phe Trục, chuẩn bị cho chiến tranh thế giới...0,25

- 3/1938 – 3/1939: bành trướng ở châu Âu, chiếm Áo, Tiệp Khắc ...1/9/1939, phát động chiến tranh. 0,25

Câu 4

* Bối cảnh lịch sử

- Chủ nghĩa tư bản đã xác lập được sự thắng thế, hoàn thành cách mạng công nghiệp thúc đẩy sự phát triển của nền đại công nghiệp TBCN => Nhu cầu về thuộc địa tăng. Các nước đua nhau xâm chiếm thuộc địa, mở rộng thị trường, những nước tiên phong là Anh, Pháp, Tây Ban Nha ...0,25

- Từ giữa thế kỉ XIX, hầu hết các quốc gia châu Á đang trong chế độ phong kiến lạc hậu, đều bị thực dân phương Tây xâm chiếm và trở thành thuộc địa (trừ Nhật, Xiêm). 0,25

- Nửa cuối TK XIX, chế độ phong kiến Việt Nam cũng ở vào tình trạng khủng hoảng, suy yếu về kinh tế, chính trị, xã hội. Triều đình phong kiến do vua Tự Đức đứng đầu đã đi từ chủ chiến đến chủ hòa, từng bước đầu hàng thực dân Pháp. 0,25

- Cuộc kháng chiến của nhân dân chống triều đình phong kiến và thực dân Pháp liên tục nổ ra... 0,25

* Đặc điểm

- Chủ động, kịp thời: Pháp đánh đến đâu, phong trào kháng chiến diễn ra đến đó kể cả lúc triều đình mất vai trò lãnh đạo. 0,25

- Đúng đối tượng: Các cuộc kháng chiến của nhân dân hướng tới mục tiêu cao nhất là chống Pháp để bảo vệ độc lập dân tộc (thực dân Pháp – kẻ thù chính). 0,25

- Quyết tâm cao, chiến đấu dũng cảm: Nhân dân đã nêu cao tinh thần xả thân vì nghĩa lớn – vì chủ quyền dân tộc với tinh thần "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây". 0,25

- Chiến đấu mưu trí, sáng tạo: Không có quân đội chính quy, vũ khí thô sơ, cha ông ta đã sáng tạo những cách đánh hiệu quả, phát huy lối đánh du kích linh hoạt, dựa vào địa thế từng vùng để diệt giặc.. nhằm giảm sức mạnh tiến công của kẻ thù. 0,25

- Đã hình thành một liên minh chống Pháp tự nhiên giữa các dân tộc ở Đông Dương. Cuộc kháng chiến của nhân dân Đông Dương cùng chống một kẻ thù chung là thực dân Pháp như Cuộc khởi nghĩa Acha Xoa, Pu-côm-bô ở Campuchia đều lấy căn cứ ban đầu xây dựng lực lượng ở trên đất Việt Nam (Châu Đốc – An Giang; Tây Ninh...)...0,5

Câu 5

* Điều kiện lịch sử

- Con đường yêu nước theo hệ tư tưởng phong kiến cuối thế kỉ XIX thất bại đã đặt ra yêu cầu phải tìm kiếm một con đường cứu nước mới. 0,25

- Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của thực dân Pháp làm cho cơ cấu kinh tế, xã hội Việt Nam có nhiều chuyển biến. 0,25

- Các trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản từ bên ngoài du nhập vào Việt Nam đã ảnh hưởng đến các sĩ phu yêu nước bấy giờ khiến họ nhận thấy muốn phát triển đất nước thì phải duy tân, cải cách (Phong trào duy tân của Khang Hữu Vy và Lương Khải Siêu; cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc; tư tưởng Triết học Ánh sáng của cách mạng Pháp, Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản). 0,25

- Nhiều nước phương Đông như Ấn Độ, Inđônêxia, Philippin... cũng bùng nổ phong trào đòi duy tân, cải cách theo khuynh hướng tư sản, gia nhập trào lưu "Châu Á thức tỉnh". 0,25

* Đóng góp của khuynh hướng...

- Góp phần làm chuyển biến tư tưởng yêu nước của nhân dân Việt Nam từ lập trường phong kiến sang lập trường dân chủ tư sản. 0,5

- Đem lại cho phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX nhiều hình thức đấu tranh mới: bạo động, cải cách, kết hợp bạo động với cải cách,... 0,25

- Tạo nên sự thay đổi trong tư duy kinh tế, văn hóa. Từ đó tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ chức cách mạng về sau này. 0,25

 

Trên đây là một phần trích dẫn nội dung Bộ 5 đề thi chọn đội tuyển HSG môn Lịch Sử 11 năm 2021 có đáp án Trường THPT Phan Văn Trị. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số tư liệu cùng chuyên mục tại đây:

Chúc các em học tốt!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?