Bộ 3 đề thi giữa HK2 lớp 11 năm 2018-2019 môn Ngữ văn

BỘ 3 ĐỀ THI GIỮA KÌ 2 LỚP 11 NĂM 2018-2019 MÔN NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

ĐỀ 1:

Câu 1: (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

“Gươm mài đá, đá núi cùng mòn.

Voi uống nước, nước sông phải cạn,

Đánh một trận, sạch không kình ngạc,

Đánh hai trận, tan tác chim muông.

Nổi gió to trút sạch lá khô,

Thông tổ kiến phá toang đê vỡ.”

(Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo)

a) Xác định phương thức biểu đạt trong đoạn trích.

b) Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ đó.

Câu 2: (7.0 điểm)

Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận.

Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài

H.C

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng,

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ; bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Huy Cận - Tràng giang)

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

------------------------HẾT-----------------------

ĐỀ 2:

Câu 1: (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội có rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh.

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi...”

(Nguyễn Du - Truyện Kiều)

a) Xác định phương thức biểu đạt trong đoạn trích.

b) Xác định biện pháp tu từ và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ đó.

Câu 2: (7,0 điểm)

Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

(Hàn Mặc Tử - Đây thôn Vĩ Dạ)

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

------------------------HẾT-----------------------

Đề 3:

Câu 1: (3 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

“Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau  rạn vỡ”.

(Xuân Quỳnh – Thuyền và biển)

a. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên.

b. Chỉ ra 2 biện pháp tu từ được sử dụng và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ đó.

Câu 2: (7.0 điểm) Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

 

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

 

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

 

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa,

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(SGK Ngữ văn 11 – CB – NXB GD)

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

------------------------HẾT-----------------------

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

ĐỀ 1:

Câu 1: (3,0 điểm)

a) Biện pháp tu từ:

  • Nói quá: gươm mài đá – đá núi mòn; Voi uống nước - nước sông phải cạn.

b) Tác dụng: Đoạn văn khẳng định sức mạnh và ca ngợi sức tiến công như vũ bão của quân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược.

Câu 2: Phân tích bài thơ Tràng giang của Huy Cận.

  • Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm. (0,5 điểm)
  • Thân bài: (6,0 điểm)
    • Nhan đề bài thơ và lời đề từ (0,5 điểm)
      • Nhan đề
        • Từ Hán Việt “Tràng giang” (sông dài) gợi không khí cổ kính.
        • Điệp vần “ang”: tạo dư âm vang xa, trầm lắng, mênh mang.
        • Gợi không khí cổ kính, khái quát  nỗi buồn mênh mang, rợn ngợp.
      • Lời đề từ
        • Thể hiện nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác giả.
          • Nỗi buồn trước cảnh vũ trụ bao la bát ngát.
          • Hình ảnh thiên nhiên rộng lớn, tâm sự của cái tôi cô đơn mang nhiều nỗi niềm.
    • Bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của nhà thơ
      • Khổ 1 (1,75 điểm)
        • Hình ảnh: sóng gợn, thuyền, nước song song cảnh sông nước mênh mông, vô tận, bóng con thuyền xuất hiện càng làm cho nó hoang vắng hơn.
        • Củi một cành khô >< lạc trên mấy dòng nước sự chìm nổi cô đơn, biểu tượng về thân phận con người lênh đênh, lạc loài giữa dòng đời.
        • Tâm trạng: buồn điệp điệp từ láy gợi nỗi buồn thương da diết, miên man không dứt.
        • Khổ thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu và cách gieo vần nhịp nhàng và dùng nhiều từ láy, khổ thơ đã diễn tả nỗi buồn trầm lắng của tác giả trước thiên nhiên.
      • Khổ 2: cảnh có thêm đất, thêm người nhưng càng buồn hơn. (1,75 điểm)
        • Cảnh sông: cồn nhỏ lơ thơ, gió đìu hiu gợi lên cái vắng lặng, lạnh lẽo cô đơn đến rợn ngợp.
        • Âm thanh: Tiếng chợ chiều gợi lên cái mơ hồ, âm thanh yếu ớt gợi thêm không khí tàn tạ, vắng vẻ tuy thoáng chút hơi người.
        • Hình ảnh: “Trời sâu chót vót” cách dùng từ tài tình, ta như thấy bầu trời được nâng cao hơn, khoáng đãng hơn.
        • Sông dài, trời rộng >< bến cô liêu: Sự tương phản giữa cái nhỏ bé và cái vô cùng gợi lên cảm giác trống vắng, cô đơn.
        • Với cách gieo vần tài tình, âm hưởng trầm bổng, Huy Cận như muốn lấy âm thanh để xoá nhoà không gian buồn tẻ hiện hữu nhưng không được. Nhà thơ cố tìm sự giao cảm với vũ trụ cao rộng nhưng tất cả đều đóng kín.
      • Khổ 3 (1,75 điểm)
        • Hình ảnh ước lệ: “bèo” để diễn tả thân phận, kiếp người chìm nổi.
        • Câu hỏi: “về đâu” gợi cái bơ vơ, lạc loài của kiếp người vô định.
        • Không cầu, không đò: không có sự giao lưu kết nối, không có dấu hiệu của sự sống -> tình cảnh cô độc.
        • ⇒ Ba khổ thơ là một bức tranh thiên nhiên thấm đượm tình người, mang nặng nỗi buồn bâng khuâng, nỗi bơ vơ của kiếp người.
      • Nghệ thuật. (0,25 điểm)
        • Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại.
        • Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm.
  • Kết bài: Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của bài thơ. (0,5 điểm)

ĐỀ 2:

Câu 1: (3, 0 điểm)

  • Biện pháp tu từ: điệp từ: “buồn trông” (1,5 điểm)
  • Tác dụng: nhấn mạnh nỗi buồn của Thúy Kiều. (1,5 điểm)

Câu 2:  Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.

  • Mở bài: Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm. (0,5 điểm)
  • Thân bài: (6,0 điểm)
    • Khổ thơ 1: Cảnh và người thôn Vĩ (2,0 điểm)
      • Câu hỏi tu từ: “Sao anh....” gợi cảm giác trách cứ nhẹ nhàng cũng là lời mời gọi tha thiết.
      • Cảnh thôn Vĩ: đẹp trữ tình,thơ mộng.
      • Con người: bóng dáng con người xuất hiện kín đáo sau chiếc lá trúc với khuôn mặt chữ điền, gợi lên vẻ đẹp phúc hậu.
      • Cảnh và người thôn Vĩ hiện lên với vẻ đẹp kín đáo, nhẹ nhàng.
    • Khổ thơ 2: Cảnh sông nước đêm trăng và nỗi lòng của tác giả. (2,0 điểm)
      • - Hình ảnh: Gió lối gió, mây đường mây biểu hiện của sự chia cách.
      • - Nhân hóa: Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay: làm nổi lên bức tranh thiên nhiên chia lìa buồn bã, sự chuyển biến về trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình.
      • Bến sông trăng: hình ảnh lạ, gợi lên vẻ đẹp lãng mạn, nhẹ nhàng, tất cả đang đắm chìm trong bồng bềnh mơ mộng, như thực như ảo.
      • Câu hỏi: Có chở trăng về kịp tối nay? sáng lên hi vọng gặp gỡ nhưng lại thành ra mông lung, xa vời.
      • Tâm trạng lo âu, đau buồn, thất vọng khi tác giả nhớ và mặc cảm về số phận bất hạnh của mình. Ở đó ta còn thấy được sự khao khát tha thiết đợi chờ một cách vô vọng.
    • Khổ thơ 3. Tâm trạng của nhà thơ. (1,75 điểm)
      • Mơ khách đường xa khách đường xa: Khoảng cách về thời gian, không gian, tình cảm.
      • Áo em trắng quá nhìn không ra: hư ảo, mơ hồ, hình ảnh người xưa xiết bao thân yêu nhưng xa vời, không thể tới được nên tác giả rơi vào trạng thái hụt hẫng, bàng hoàng, xót xa.
      • Ai biết tình ai có đậm đà: biểu lộ nỗi cô đơn trống vắng trong tâm hồn của tác giả đang ở thời kì đau thương nhất. Lời thơ bâng khuâng, hư thực gợi nỗi buồn xót xa trách móc.
      •  Khi hoài niệm về quá khứ xa xôi hay ước vọng về những điều không thể nhà thơ càng thêm đau đớn. Điều đó chứng tỏ tình yêu tha thiết cuộc sống của một con người luôn có khát vọng yêu thương và gắn bó với cuộc đời.
    • Nghệ thuật (0,25 điểm)
      • Trí tưởng tượng phong phú.
      • Nghệ thuật so sánh nhân hóa, thủ pháp lấy động gợi tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ.
      • Hình ảnh sáng tạo, có sự hòa quyện giữa thực và ảo.
  • Kết bài: Khái quát lại nội dung, nghệ thuật của bài thơ. (0,5 điểm)

ĐỀ 3:

Câu 1:

  • Phương thức biểu đạt: Biểu cảm
  • 02 biện pháp tu từ:
    • Ẩn dụ: Thuyền - Biển:
      • Tác dụng: tượng trưng cho tình yêu của chàng trai và cô gái.
    • Nhân hóa: hiểu, biết, đi, về, không gặp nhau, lòng thuyền đau  rạn vỡ, biển bạc đầu thương nhớ.
      • Tác dụng:  Biện pháp này gắn cho những vật vô tri những trạng thái cảm xúc giống như con người, giúp người đọc hình dung rõ hơn tâm trạng của đôi lứa khi yêu.

Câu 2

  • Yêu cầu chung:
    • Học sinh cần nắm vững cách làm bài phân tích bài thơ.
    • Bài viết có bố cục chặt chẽ, rõ ràng.
    • Biết chọn một vài dẫn chứng hay, tiêu biểu để minh họa cho bài viết.
    • Đặt câu, dùng từ chính xác, hạn chế sai chính tả, ngữ pháp.
  • Yêu cầu cụ thể:
    • Mở bài:
      • Giới thiệu tác giả, tác phẩm, dẫn dắt được vấn đề.
    • Thân bài
      • Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm:
        • Huy Cận là nhà thơ lớn, một trong những đại biểu xuất sắc của phong trào thơ mới với hồn thơ ảo não.
        • Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng triết lí
        • Tác phẩm:
          • Xuất xứ: rút từ tập Lửa thiêng (1939)
          • Nhan đề: so sánh tên gọi Tràng giang với Trường giang.
      • Lời đề từ: Cảm hứng chủ đạo được tác giả nói rõ: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài (H.C)
      • Toàn bộ cảm xúc chi phối cảm hứng sáng tác của tác giả chìa khoá để hiểu bài thơ.
      • Khổ thơ 1: 
        • Mở đầu bài thơ bằng cảnh sông nước mênh mông bất tận “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”
          • Điệp vần “ang” gợi lên sự mênh mông bất tận.
          • Buồn “Điệp điệp”: từ láy  gợi nỗi buồn miên man trải dài vô tận, không dứt.
          •  Câu thơ không chỉ nói sông, nước mà nói một nỗi buồn bất tận.
        • “Con thuyền xuôi mái nước song song”
          • Con thuyền là hình ảnh tượng trưng cho cuộc đời lênh đênh, trôi nổi, vô định. Thuyền và nước chỉ song song với nhau mà không gắn bó với nhau. Thuyền đi với dòng để rồi chia li với dòng.
          • Hình ảnh gợi sự chia lìa, rồi lại “củi một cành khô lạc mấy dòng”
          • Hình ảnh nhỏ bé mong manh, trôi nổi trên dòng sông, gợi liên tưởng đến kiếp người trôi nổi trên dòng đời vô định.
          • Khổ thơ vẽ lên một không gian bao la, vô định, rời rạc, hờ hững với một con thuyền, một nhánh củi lênh đênh gợi cảm giác buồn mênh mông, mang tâm trạng thời đại.
      • Khổ thơ 2:
        • Bổ sung vào bức tranh sông nước các hình ảnh bé bỏng trong trạng thái tàn rụi “lơ thơ cồn nhỏ, gió đìu hiu, làng xa vãng chợ chiều” - xuất hiện âm thanh cuộc sống nhưng không làm cho cảnh vật bớt vắng vẻ mà càng làm cho bức tranh thiên nhiên càng mênh mang, hiu quạnh hơn (âm hưởng của các từ láy lơ thơ, đìu hiu )- gợi một không gian tâm tưởng: “Nắng xuống trời lên sâu chót vót / Sông dài, trời rộng, bến cô liêu…”
        • Câu thơ có giá trị tạo hình đặc sắc: mở ra một không gian đa chiều, ta như thấy sông thêm dài, trời thêm cao và rộng hơn, bến sông ấy như thêm cô liêu, con người càng thêm cô đơn, bé nhỏ, rợn ngợp trước vũ trụ rộng lớn, vĩnh hằng.
      • Khổ thơ 3:
        • Hình ảnh “bèo dạt về đâu hàng nối hàng” ⇒ càng khắc sâu nỗi buồn về sự vô định, phó mặc, bất lực trước cuộc đời. Đây cũng là tâm trạng chung của các nhà thơ mới trong những năm ngột ngạt dưới thời thuộc Pháp.
        • Điệp từ “không” (không cầu, không chuyến đò): gợi sự thiếu vắng, trống trãi, không có tín hiệu của sự giao hòa, thân mật Dường như Huy Cận muốn phủ nhận tất cả những gì thuộc về con người - khắc sâu ấn tượng về sự chia lìa, tan tác.
        • “Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” thiên nhiên đẹp nhưng thiếu vắng hình dáng con người.
        • Nỗi buồn ở bài thơ này không chỉ là nỗi buồn mênh mang trước trời rộng sông dài mà còn là nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn trước cuộc đời.
      • Khổ thơ 4:
        • Nhà thơ mượn một số cách diễn đạt của thơ Đường mà vẫn giữ được nét riêng biệt của thơ mới và hồn thơ Huy Cận.
        • “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” tạo ấn tượng về sự hùng vĩ của thiên nhiên.
        • “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa” - thời gian đã biến chuyển, hoàng hôn buông xuống và cánh chim đơn lẻ trong buổi chiều tà dễ gợi nỗi buồn xa vắng - nỗi buồn nhớ quê hương: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. So sánh với hai câu thơ của Thôi Hiệu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
        • Ta thấy với Huy Cận không cần có khói sóng trên sông vẫn nhớ quê nhà da diết -> Tình cảm quê hương sâu nặng, thường trực, cháy bỏng.
        • Đứng trước cảnh sông nước bao la, những đợt sóng xa bờ tít tắp, thi nhân như đang soi mình xuống dòng sông, thấm thía một nỗi buồn bơ vơ, lặng lẽ thả hồn mình về với quê hương.
        • Nét cổ điển mà hiện đại trong thơ Huy Cận. Nỗi nhớ da diết của một cái tôi lãng mạn. Đó chính là lòng yêu nước thầm kín của Huy Cận trước cảnh ngộ đất nước mất chủ quyền.
      • Nghệ thuật:
        • Sự kết hợp hài hòa giữa sắc thái cổ điển và hiện đại (sự xuất hiện của cái tưởng như tầm thường, vô nghĩa và cảm xúc buồn mang dấu ấn cái tôi cá nhân...)
        • Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm (lơ thơ, đìu hiu, chót vót..)
    • Kết bài:
      • Khái quát lại vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khát khao hòa nhập với cuộc đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?