Bộ 2 đề thi giữa HK2 lớp 11 năm 2018-2019 môn Ngữ văn

BỘ 2 ĐỀ THI GIỮA KÌ 2 LỚP 11 NĂM 2018-2019 MÔN NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

ĐỀ 1:

Câu 1: (3 điểm) Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Chúng ta đang sống trong một thế giới số, nơi mọi hoạt động từ những sinh hoạt thường ngày đến những sự kiện đặc biệt, từ công việc đến vui chơi giải trí, chúng ta đều tự gắn chặt với thế giới số.

F.A (Forever Alone) là một khái niệm ám chỉ những người hướng nội, ít hoặc không có bạn bè, thích tận hưởng cảm giác cô đơn một mình.

Bởi vì rất dễ hiểu, tự thoả hiệp với bản thân bao giờ cũng dễ hơn thoả hiệp với những người khác. Biểu hiện của những người F.A là luôn kêu ca về tình trạng độc thân của mình nhưng lại luôn gắn chặt cuộc sống với môi trường “ảo ” internet, bất kể ngày hay đêm, bất kể ngày thường hay lễ tết.

Cuộc sống của chúng ta đang diễn ra trên Facebook, Twitter, Youtube... chúng ta đang tự cô lập mình với thế giới thực, chúng ta đang tự biến mình thành F.A.

Trung bình, hằng ngày mỗi người Việt Nam tiêu tốn 2h đồng hồ vào mạng xã hội, nhưng có lẽ phải nhiều hơn như vậy. Tôi đã từng tự thách thức mình không sử dụng điện thoại, máy tính, internet trong một tuần, và tôi thất bại ở ngày thứ năm. Dường như tôi đã bị phụ thuộc quá nhiều vào những tin nhắn, vào những cuộc gọi, vào những cập nhật về bạn bè, xã hội xung quanh tôi. Tôi “phát điên” khi không biết mọi việc đang diễn ra xung quanh mình như thế nào, ai cần đang cần liên lạc với mình và hơn hết, tôi có cảm giác mình đang bị “lãng quên” khi tôi tách mình ra khỏi thế giới số. Còn bạn thì sao?

Một người bạn Nhật Bản nói với tôi: “Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người giao tiếp qua smartphone, từ văn phòng xuống tàu điện ngầm, và thậm chí là ở trong nhà”. Việc này có vẻ như không chỉ xảy ra ở riêng Nhật Bản.

Ở Việt Nam hiện nay, vợ gọi chồng xuống ăn cơm qua Facebook, hai người hẹn nhau đi ăn tối, mỗi người dán mắt vào một cái smartphone, bạn bè hội họp, lại mỗi người ôm khư khư một cái smartphone.

Chúng ta mất dần nhu cầu giao tiếp thực tế. Nếu trẻ con lớn lên trong một môi trường mà nơi đó người ta không có nhu cầu giao tiếp thực tế, chúng sẽ trở thành những người lớn không còn khả năng giao tiếp thực tế.

Điều này đang xảy ra. Càng ngày chúng ta càng giấu mình đằng sau bàn phím và tự đánh mất khả năng giao tiếp của mình. Hằng ngày, thiên hạ kết bạn, tán chuyện với nhau qua các trang mạng xã hội, nhưng lại không thể nói chuyện khi gặp mặt nhau. [...]

Khái niệm F.A đã dịch chuyển từ những người cô đơn sang cả những người có đôi, có cặp. Với tình trạng hai người hẹn hò nhau mà mỗi người tự nói chuyện với cái smartphone của mình thì thực ra cũng chẳng khác nào F.A.

Nguy hiểm hơn nữa là khi chính người lớn chúng ta làm lây lan tình trạng này sang cho trẻ em. Khi các bậc phụ huynh còn đang mải mê với thế giới riêng của mình và bỏ mặc con cái với những chiếc máy tính bảng thì hoàn toàn dễ hiểu khi con trẻ cũng tự thu mình vào thế giới riêng của chúng. Và điều sau đây hoàn toàn có thể xảy ra: Một thế hệ F.A mới sẽ ra đời thừa kế lại chính hội chứng F.A của cha mẹ chúng.

Vì vậy, các thanh niên hãy thôi phàn nàn hay đề cập đến tình trạng F.A của mình. Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại. Các bạn sẽ hết F.A.

(Dẫn theo http://www.vnexpress.net)

1. Văn bản trên đề cập đến vấn đề gì trong xã hội hiện đại? Đặt tên cho văn bản.

2. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản?

3. Người viết cho rằng: “Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại. Các bạn sẽ hết F.A”. Ý kiến của anh chị?

Câu 2: (7 điểm) Cái mới của thơ Xuân Diệu qua đoạn trích:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

(Trích Vội Vàng - Xuân Diệu)

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

------------------------HẾT-----------------------

ĐỀ 2:

Câu 1: (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

(...) Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

(Nguyễn Bính - Tương tư)

1. Nêu thể loại của văn bản.(0,5 điểm)

2. Theo anh (chị), hình ảnh “trầu” - “cau” trong văn bản trên có ý nghĩa gì? (1,0 điểm)

3. Chỉ ra và nêu ý nghĩa của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ thứ 3. (1,0 điểm)

4. Hoài Thanh cho rằng, trong thơ của Nguyễn Bính có “hồn xưa của đất nước”. Qua văn bản trên, anh (chị) có đồng ý với nhận xét đó không? Vì sao? (0,5 điểm)

Câu 2: (7 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Vội vàng” của Xuân Diệu. Qua đó, hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) để những bạn thanh niên đang buồn chán nhận ra rằng cuộc sống thật đáng yêu, đáng sống.

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si;

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,

Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân. (...)

(Xuân Diệu - Vội vàng)

 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

------------------------HẾT-----------------------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

ĐỀ 1:

Câu 1:

1.

  • Văn bản trên đề cập đến vấn đề:
    • Trong xã hội hiện đại, tình trạng lạm dụng công nghệ khiến con người ngày càng trở nên cô đơn, mất đi nhu cầu giao tiếp trong cuộc sống thực.
  • Có thể đặt tên cho văn bản dựa trên nội dung được trình bày:
    • Công nghệ số và tình trạng F.A của con người
    • Những vấn đề nảy sinh trong thời đại công nghệ

2. Xác định các phương thức biểu đạt sử dụng trong văn bản:

  • Thuyết minh
  • Nghị luận

3. Người viết cho rằng: “Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại. Các bạn sẽ hết F.A”. HS có thể có các ý kiến khác nhau:

  • Đồng ý vì: cuộc sống thực sinh động, hấp dẫn hơn thế giới ảo.
  • Phản đối vì: xã hội hiện đại không thể thiếu công nghệ. Phát minh công nghệ nâng cao chất lượng sống
  • Phân tích lí giải cụ thể hơn, cuộc sống hiện đại cần công nghệ nhưng không nên lạm dụng mà cần có thời gian và cách thức sử dụng hợp lí, hài hòa.
  • Khi học sinh đưa ý kiến và bảo vệ được ý kiến thì vẫn cho điểm kĩ năng nhưng chỉ ý kiến 3 mới cho điểm tối đa.

Câu 2 (7 điểm): Cái mới của thơ Xuân Diệu qua đoạn trích:

  • Giới thiệu về Xuân Diệu, bài thơ Vội Vàng và vấn đề cần nghị luận:
    • Cái mới của thơ Xuân Diệu qua đoạn thơ thứ hai trong Vội Vàng.
  • Giải quyết vấn đề 
    • Giải thích sơ lược: “Cái mới trong thơ”: Những cách tân trong thơ trên hai phương diện nội dung và hình thức.
    • Cái nhìn mới về thế giới: 
      • Người xưa chỉ nhìn thiên nhiên để “xúc cảnh sinh tình” 
      • Thế giới mùa xuân không mới nhưng Xuân Diệu đã phát hiện mùa xuân với cái nhìn mới: “Cái nhìn của Xuân Diệu về thiên nhiên là cái nhìn tình tứ nên thiên nhiên thường hiện ra với vẻ đẹp xuân tình” (SGV Ngữ văn 11 Nâng cao, NXB Giáo dục 2007), thế giới thiên nhiên quen thuộc trở nên mới lại, hấp dẫn, mời gọi.
    • Cảm nhận mới về thế giới 
      • Thơ xưa chủ yếu cảm nhận thế giới bằng thị giác, thính giác, từ đó gợi hứng làm thơ 
      • Xuân Diệu cảm nhận thế giới mùa xuân khi “thức nhọn giác quan” thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác... khiến cho mùa xuân hiện lên tràn ngập sắc màu, thanh âm, tràn trề ánh sáng, hương thơm: “của ong bướm này đây tuần tháng mật... lá của cành tơ phơ phất... Yến anh, khúc tình si... tháng giêng ngon như một cặp môi gần”...
    • Quan điểm thẩm mĩ mới 
      • Thơ cổ lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp của con người 
      • Xuân Diệu lấy sự sống của con người giữa tuổi trẻ và tình yêu làm chuẩn mực cho mọi vẻ đẹp trên thế gian này: “Ánh sáng chớp hàng mi, tháng giêng ngon như một cặp môi gần... ”.
    • Nghệ thuật thơ có sự cách tân 
      • Hình ảnh táo bạo: “Anh sáng chớp hàng mi, tháng giêng ngon như một cặp môi gần. ”. 
      • Thể thơ tự do với những câu thơ vắt dòng, cách biểu đạt táo bạo tạo nhịp thơ hăm hở, sôi trào mãnh liệt
  • Kết thúc vấn đề: 
    • Đoạn thơ hay trong bài thơ, bày tỏ tình yêu say đắm của Xuân Diệu với cuộc đời, con người
    • Cái mới mà Xuân Diệu mang đến qua những vần thơ của mình đã góp phần thay đổi hẳn diện mạo của thơ ca dân tộc
  • Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng phải nêu đủ các ý trên, đạt được yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, diễn đạt rõ ràng thì mới được điểm tối đa.        

ĐỀ 2:

Câu 1: (3,0 điểm)

1. Văn bản thuộc thể thơ lục bát.

2. Hình ảnh “trầu - cau” thể hiện ước muốn được chung đôi, sánh duyên với nhau.

3.

  • Biện pháp hoán dụ
    • “Thôn Đoài”: người thôn Đoài.
    • “Thôn Đông”: người thôn Đông.
  • Chàng trai sử dụng cách nói bóng gió để bày tỏ nỗi nhớ mong.

4. “Hồn xưa của đất nước” thể hiện ở thể thơ lục bát truyền thống, hình ảnh trầu cau quen thuộc trong ca dao về tình yêu đôi lứa; vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân lao động trong tình yêu...

Câu 2: (7,0 điểm)

  • Yêu cầu về kĩ năng:
    • Biết cách làm bài văn nghị luận văn học kết hợp với nghị luận xã hội. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Yêu cầu về kiến thức:
    • Trên cơ sở hiểu biết về tác giả, tác phẩm, học sinh phân tích sâu sắc để làm sáng tỏ nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Từ đó, bàn luận về giá trị, ý nghĩa, vẻ đẹp của cuộc sống. Điều quan trọng để xác định chất lượng bài làm là ở chiều sâu của sự cảm nhận, của lí lẽ phân tích chứ không phải ở số lượng ý.
    • Nội dung chính cần thể hiện:
      • Mở bài:
        • Nêu vấn đề nghị luận: Giới thiệu tác giả Xuân Diệu, tác phẩm Vội vàng, đoạn thơ cần phân tích. Từ đó, liên hệ thực tế: cuộc sống tươi đẹp, đáng yêu và đáng sống.
      • Thân bài
        • Nêu xuất xứ của bài thơ, vị trí và nội dung của đoạn trích.
        • Phân tích đoạn thơ:
          • Nội dung:
            • Tình yêu cuộc sống mãnh liệt của Xuân Diệu thể hiện qua ước muốn “tắt nắng, buộc gió”, vui sướng khám phá vẻ đẹp cuộc sống, vội vàng tận hưởng.
            • Quan điểm thẩm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu.
          • Nghệ thuật: Phép điệp, liệt kê, thể thơ tự do, giọng điệu sôi nổi.
        • Liên hệ vấn đề xã hội:
          • Biểu hiện của vẻ đẹp, giá trị, ý nghĩa của cuộc sống từ những điều bình dị, thân thương.
          • Thanh niên cần có lối sống đẹp, có lý tưởng, yêu đời, yêu cuộc sống, cống hiến tài đức để tô đẹp cho đời.
          • Phê phán những thanh niên dễ nản lòng, buông xuôi trước khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
      • Kết bài: Nhận xét, đánh giá chung về vấn đề nghị luận
  • Thang điểm
    • 7 điểm: nắm vững vấn đề, trình bày bài viết theo từng luận điểm rõ ràng, triển khai sâu sắc luận điểm trọng tâm, lập luận logic, lý lẽ thuyết phục, hành văn tốt, không mắc lỗi chính tả.
    • 5-6 điểm: Hiểu vấn đề, trình bày bài viết theo từng luận điểm, lập luận và lý lẽ phù hợp với vấn đề nghị luận, hành văn mắc một số lỗi diễn đạt, chính tả.
    • 3-4 điểm: Triển khai vấn đề nghị luận còn sơ sài, bố cục không rõ ràng, mắc một số lỗi diễn đạt, chính tả.
    • 1-2 điểm: Bài viết quá sơ sài.
    • 0 điểm: Bài làm lạc đề

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?