Bộ 7 đề kiểm tra 1 tiết HK1 môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2018-2019

TRƯỜNG THPT NGUYỄN BỈNH KHIÊM                               Bài thi: NGỮ VĂN

         ĐỀ THI THAM KHẢO                         Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

ĐỀ 1:

Phần 1: Đọc - hiểu (4.0 điểm)

Đọc và trả lời những câu hỏi sau:

Đối với ông già, bà già, thanh niên phải có thái độ kính nhường và hết lòng giúp đỡ, bởi vì một lẽ dễ hiểu là có ông già, bà già thì mới có chúng ta...

Khi đi tàu, đi xe, thanh niên không được chen lấn phụ nữ. Trong trường hợp phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai, chưa có chỗ ngồi, thanh niên phải nhường chỗ của mình cho họ...

Trong xã hội ta, nhiều thanh niên biết tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân bằng hành động dũng cảm và hào hiệp; lúc chiến tranh xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào; lúc bình thường cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần người đi đường bị ốm đau,...

Thanh niên phải luôn có tinh thần xung phong, gương mẫu; bất cứ việc gì tập thể cần thì thanh niên phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất; song phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương, dối trá...

Thanh niên cũng phải dành thì giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình” ...

(Con đường tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của thanh niên, Ngữ văn 12, tập một,
NXBGD 2013, trang 37)

Câu 1: Đoạn văn trên sử dụng thao tác lập luận chính nào?

Câu 2: Nội dung của đoạn trích là gì? Nêu phương thức biểu đạt của đoạn văn?

Câu 3: Qua đoạn văn trên, em thấy phẩm chất cần có nhất của thanh niên là gì?

Câu 4: Ngoài những phẩm chất cần có trên, theo em thanh niên thời đại hiện nay cần có thêm những phẩm chất gì? Viết 1 đoạn văn (từ 7 đến 10 dòng) trình bày ý kiến của mình?

Phần 2: Làm văn (6.0 điểm)

Vẻ đẹp của người nghĩa sĩ Cần Giuộc trong đoạn văn sau:

Khá thương thay!

Vốn chẳng phải quân cơ quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.

Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, không chờ bày bố.

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Chi nhọc quan quản gióng trống kì trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.

Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ.

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc -  Nguyễn Đình Chiểu, Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)

ĐỀ 2:

Phần 1. Đọc - hiểu (4.0 điểm)

Đọc và trả lời những câu hỏi sau:

Đến với Thu ẩm, chúng ta cũng không thấy những hình ảnh ước lệ, tượng trưng, văn hoa, sang trọng như "rèm châu, lầu ngọc, chén vàng" mà thay vào đó là sự bình dân, thanh sơ và giản dị, với “Năm gian nhà cỏ thấp le te - Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè”. Hình ảnh ngôi nhà, vừa là tả thực, vừa khái quát tầm vóc của một làng quê vùng đồng chiêm trũng. Từ láy “le te” đã khắc hoạ hình dáng của ngôi nhà cỏ trong không gian, nó là nơi thu hút, hội tụ sự ấm áp, dung dị của đời sống nông thôn đất Việt. Đối lập với những "lầu son, gác tía", "lồng ngọc, rèm châu" xa lạ, ngôi nhà cỏ như đang nâng đỡ trên mình một giá trị văn hoá đáng quý. Yêu quê hương, yêu đất nước, yêu cảnh thu, yêu con người, Nguyễn Khuyến với hình ảnh thơ mộc mạc ấy đã đặt mốc cho quá trình phát triển nội dung thơ dân tộc. Quả thực, hình ảnh ngôi nhà cỏ đã đem đến cái nhìn khác hẳn so với câu thơ ước lệ về sự phù hoa: “Bên hoa triệu ngọc ngồi ngơ ngẩn - Dưới nguyệt rèm châu đứng thẩn thơ” (Thu ngâm - Nữ sĩ Ni Tần).

(Cảnh thu trong thơ Trung đại Việt Nam - PGS.TS. Nguyễn Huy Quát;
Chu Thị Thúy Hằng - Khoa Ngữ văn, ĐHSP Thái Nguyên)

Câu 1: Đoạn văn trên sử dụng thao tác lập luận chính nào?

Câu 2: Nội dung của đoạn trích là gì? Nêu phương thức biểu đạt của đoạn văn?

Câu 3: Tại sao tác giả lại viết “Đối lập với những "lầu son, gác tía", "lồng ngọc, rèm châu" xa lạ, ngôi nhà cỏ như đang nâng đỡ trên mình một giá trị văn hoá đáng quý.

Câu 4: Viết 1 đoạn văn từ 7 đến 10 dòng bày tỏ cảm nhận của anh/chị về tác giả Nguyễn Khuyến.

Phần 2. Làm văn (6.0 điểm)

Vẻ đẹp của người nghĩa sĩ Cần Giuộc trong đoạn văn sau:

Khá thương thay!

Vốn chẳng phải quân cơ quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh; chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ.

Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, không chờ bày bố.

Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu bầu ngòi; trong tay cầm một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gõ.

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Chi nhọc quan quản gióng trống kì trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.

Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ.

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc -  Nguyễn Đình Chiểu, Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam)

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

ĐỀ 1:

Phần 1: Đọc - hiểu (3.0 điểm)

Câu 1: Đoạn văn sử dụng thao tác lập luận phân tích.

Câu 2:

  • Nội dung: Bàn luận về vấn đề thanh niên cần rèn luyện và tu dưỡng đạo đức trong xã hội ta hiện nay.
  • Phương thức biểu đạt: nghị luận.

Câu 3:

  • Học sinh có thể lựa chọn những phẩm chất khác nhau song cần đưa ra lí lẽ thuyết phục: kính trên nhường dưới, thương quý nhân dân, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu…

Câu 4:

  • Học sinh có thể diễn đạt nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo 1 số nội dung sau:
    • Đưa ra 1 phẩm chất cụ thể: dũng cảm, trung thực, trách nhiệm, cống hiến...
    • Lí giải vì sao thanh niên cần có phẩm chất đó.

ĐỀ 2:

Phần 1: Đọc - hiểu (3.0 điểm)

Câu 1: Đoạn văn sử dụng thao tác lập luận phân tích.

Câu 2:

  • Nội dung của đoạn trích: muốn chứng minh trong bài thơ Thu ẩm, chúng ta cũng không thấy những hình ảnh ước lệ, tượng trưng, văn hoa, sang trọng như "rèm châu, lầu ngọc, chén vàng" mà thay vào đó là sự bình dân, thanh sơ và giản dị.
  • Phương thức biểu đạt: nghị luận.

Câu 3:

  • Tại sao tác giả lại viết “Đối lập với những "lầu son, gác tía", "lồng ngọc, rèm châu" xa lạ, ngôi nhà cỏ như đang nâng đỡ trên mình một giá trị văn hoá đáng quý.
  • Bởi vì:
    • Hình ảnh ngôi nhà cỏ là vẻ đẹp quen thuộc, bình dị trong đời sống của người Việt Nam, gắn bó với hình ảnh của làng quê từ ngàn xưa.
    • Ngôi nhà cỏ không chỉ kết tinh sự khéo léo, giỏi giang của những người thợ Việt nam mà còn thể hiện mong ước được sống hòa hợp với thiên nhiên của người Việt.
    • Trong thơ ca Việt Nam trung đại, Nguyễn Khuyến là một trong số ít tác giả đã ngợi ca và làm nổi bật vẻ đẹp riêng biệt và mang đậm hồn cốt trong văn hóa người Việt Nam đến thế.
  • Lưu ý: Học sinh chỉ cần làm 2/3 ý trên có thể cho 1 điểm, làm được 1 ý: 0,5 điểm.

Câu 4:

  • Học sinh có thể diễn đạt nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo 1 số nội dung sau:
    • Nguyễn Khuyến là nhà thơ tài năng, nổi bật trong nền văn học Trung đại Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX.
    • Thơ ông giản dị, chân thực, đi vào ngợi ca vẻ đẹp gần gũi, thanh sơ, giản dị của làng quê Bắc bộ cũng như bày tỏ tình yêu nước sâu sắc trong giai đoạn lịch sử có nhiều biến động của dân tộc.
    • Ông có nhiều đóng góp trong việc đổi mới nội dung trong thơ văn Trung đại Việt Nam....

Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)

  • Yêu cầu về kĩ năng:
    • Nắm vững kiểu bài văn nghị luận văn học.
    • Trình bày ngăn gọn, đủ ý, diễn đạt lưu loát.
    • Bố cục rõ ràng. Văn có cảm xúc.
    • Không sai lỗi chính tả, lỗi diễn đạt.
  • Yêu cầu về kiến thức.
    • Mở bài:
      • Về tác giả, Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn lớn, là ngọn cờ đầu của thơ văn yêu nước thế kỷ XIX.
      • Về tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là bức tượng đài bi tráng về người anh hùng nghĩa sĩ tuy thất bại nhưng vẫn hiên ngang bất khuất.
      • Giới thiệu về đoạn trích, nội dung khắc họa vẻ đẹp hào hùng của đội quân áo vải trong trận đánh công đồn.
    • Thân bài
      • Khái quát bối cảnh thời đại và quá trình chuyển hóa của hình tượng người nông dân trở thành nghĩa sĩ.
        • Bối cảnh thời đại: diễn ra hết sức căng thẳng và ác liệt thể hiện tình hình nguy nan của dân tộc. "Súng giặc đất rền – Lòng dân trời tỏ".
      • Nguồn gốc xuất thân của những người nghĩa sĩ:
        • Là những người nông dân cần cù lao động, vất vả, cuộc sống gắn liền với đồng ruộng
        • Hoàn toàn xa lạ với những vũ khí như khiên, súng, mác....
        • Họ đã trở thành những người chiến sĩ vì có tấm lòng yêu nước.
        • ⇒ Chính lòng căm thù giặc đã tạo nên ý chí chiến đấu chống ngoại xâm của người nghĩa sĩ là ý thức tự gánh lấy trách nhiệm cứu nước thật cao đẹp.
      • Phân tích đoạn trích để làm nổi rõ vẻ đẹp hào hùng của đội quân áo vải:
        • Điều kiện chiến đấu: thiếu thốn, dùng vũ khí thô sơ
        • Động cơ đánh giặc: lòng yêu nước, căm thù giặc
      • Nghệ thuật đối lập: dụng cụ đánh giặc thô sơ >< vũ khí hiện đại. Tuy dụng cụ thô sơ nhưng ta thắng trên cơ sở đoàn kết một lòng của nhân dân cùng lòng yêu nước. ⇒ tinh thần chiến đấu hùng tráng, tuyệt vời.
      • ⇒ Khí thế của ta mạnh như vũ bão, làm cho giặc kinh hoàng ⇒ xông trận với khí thế oai hùng, gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, chiến đấu bằng cả trái tim yêu nước của mình.
        • Sử dụng động từ mạnh liên tiếp, cách ngắt nhịp dồn dập, ngắn gọn, giọng văn hào hùng mang tính sử thi.
      • ⇒ Nghệ thuật tả thực kết hợp với trữ tình, phép tương phản giàu nhịp điệu tác giả đã dựng nên tượng đài nghệ thuật về người nông dân nghĩa sĩ bình dị mà phi thường.
      • Bình luận - Đánh giá
        • Người nông dân trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” hiện lên bằng tất cả những gì chân chất, giản dị nhất mà họ có nhưng họ vô cùng kiên quyết, dũng cảm khi đứng trước kẻ thù.
        • Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên bức tượng đài về người anh hùng nghĩa sĩ bằng những nét vẽ mộc mạc, giản dị, gần gũi nhưng tương xứng với những phẩm chất ngoài đời của họ.
    • Kết luận.
      • Nêu nhận xét, khẳng định vấn đề.
      • Mở rộng vấn đề bằng bày tỏ suy nghĩ và cảm nhận của bản thân.
  • Thang điểm.
    • Điểm 5-6: Đáp ứng tất cả các yêu cầu trên, và còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
    • Điểm 4-5: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
    • Điểm 2-3: Đáp ứng một phần các yêu cầu trên, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả.
    • Điểm 1: Không đáp ứng được các yêu cầu trên, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.
    • Điểm 0: Không làm bài

 

   TRƯỜNG THPT BÙI DỤC TÀI                                           Bài thi: NGỮ VĂN

       ĐỀ THI THAM KHẢO                             Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

Phần 1: Đọc - Hiểu (4.0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm

(Lê Bá Dương, Lời người bên sông)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt trong bài thơ và cho biết đâu là phương thức biểu đạt chủ yếu nhất. (0.5 điểm)

Câu 2: Hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ trong hai câu thơ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm. (1.5 điểm)

Câu 3: Tác giả đã thể hiện những tâm tư, tình cảm già khi đứng trước dòng sông Thạch Hãn. (1.0 điểm)

Câu 4: Từ bài thơ anh/chị hãy viết đoạn văn (8 - 12  dòng) trình bày suy nghĩ về trách nhiệm của học sinh thanh niên hiện nay đối với đất nước? (1,0 điểm)

Phần 2: Làm văn (6.0 điểm)

Phân tích bức tranh phố huyện lúc về đêm cho đến khi đoàn tàu đi qua trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

Phần 1: Đọc - Hiểu (4.0 điểm)

Câu 1:

  • Các phương thức biểu đạt: biểu cảm, tự sự, miêu tả. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.

Câu 2:

  • Biện pháp nghệ thuật:
    • Hoán dụ: có tuổi hai mươi gợi tuổi trẻ, phần đời sôi nổi, nhiệt huyết, ý nghĩa nhất của mỗi người.
    • Ẩn dụ: sóng nước: chỉ sự hóa thân của những người lính đã hi sinh; bờ: gợi hình dung về quê hương, Tổ Quốc → ca ngợi ý nghĩa sự hi sinh của những người lính với dân tộc.
  • Tác dụng: Bài thơ gợi hình, gợi cảm, gợi sự xúc động với người đọc.

Câu 3:

  • Thể hiện sự xúc động, xót thương và trân trọng những đồng đội đã hi sinh.
  • Ca ngợi sự cống hiến, hi sinh của các anh hùng liệt sĩ để làm nên nền hòa bình, độc lập của dân tộc. Những người lính đã ngã xuống nhưng tuổi hai mươi của họ sẽ bất tử cùng Tổ Quốc.

Câu 4:

  • Đảm bảo đúng hình thức của một đoạn văn, quy tắc chính tả, dùng từ, viết câu.
  • Trách nhiệm của học sinh thanh niên hiện nay với đất nước:
    • Sống, học tập và cống hiến cho đất nước
    • Rèn luyện nhân cách, tu dưỡng đạo đức, bồi đắp lòng yêu nước
    • Trách nhiệm nghĩa vụ với đất nước phải gắn liền với những việc làm thiết thực, ý nghĩa...

Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)

  • Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề.
  • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
    • Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
  • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
    • Không gian phố  huyện lúc đêm khuya: Bóng tối tối dày đặc bao trùm lên phố huyện đối lập với ánh sáng nhỏ nhoi, mong manh. Thế giới bóng tối cũng chính là cuộc sống tăm tối và tù túng đang bao phủ con người
    • Cuộc sống của con người nghèo khó, bấp bênh, bế tắc. Nhịp sống cứ lặp đi lặp lại một cách đơn điệu, quẩn quanh, tẻ nhạt, mỏi mòn, buồn chán. “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.
      • Phố huyện lúc chuyến tàu đêm đi qua:
        • Khi tàu đến:
          • Từ xa: sự xuất hiện của người gác ghi. Ngọn lửa xanh biếc, một làn khói bừng sáng. Tiếng còi vang lại, tiếng xe rít mạnh vào ghi, tiếng hành khách ồn ào khe khẽ
          • Đến gần:Tiếng còi rít lên, tàu rầm rộ đi tới; lố nhố những người, các cửa kính sang trọng. các toa đèn sáng trưng, sang trọng, đồng và kền lấp lánh.
          • → Tâm trạng vui mừng, hân hoan, hạnh phúc. Chuyến tàu tới làm cho phố huyện bừng sáng. Ánh sáng và âm thanh náo nhiệt của đoàn tàu đã phá vỡ màn đêm mênh mông và tịch mịch của phố huyện.
        • Tàu đi qua:
          • Những đốm than đỏ, chiếc đèn xanh… khuất sau rặng tre. Phố huyện tịch mịch và đầy bóng tối
          • → Nuối tiếc, lặng theo mơ tưởng về Hà Nội.
        • Đoàn tàu là biểu tượng về một thế giới tươi sáng và tốt đẹp hơn trong ước mơ của những người dân nơi phố huyện nghèo.      
      • Tâm trạng của Liên:
        • Gần gũi với thiên nhiên, với phố huyện
        • Nhớ những kỉ niệm về Hà Nội  - “một vùng sáng rực và lấp lánh”
        • Cảm thông, dõi theo cuộc sống của những mảnh đời nghèo khổ  nơi phố huyện
        • Cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua – sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya
        • Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu. Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, đôn hậu.
        • Chờ đợi đoàn tàu trong niềm nuối tiếc về quá khứ, về Hà Nội, những ngày tháng hạnh phúc, ấm áp, sung túc khi xưa; ước mơ về một thế giới khác đi qua, rực rỡ, vui tươi, tràn đầy âm thanh và ánh sáng.
      • Nghệ thuật: Nghệ thuật đối lập, miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu…
      • Kết thúc vấn đề: qua nhân vật  Liên nhà văn  bày tỏ sự xót thương sâu sắc với những kiếp người nhỏ bé, cơ cực; sự đồng cảm, trân trọng với ước mơ, khát vọng của con người.
  • Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
  • Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

  TRƯỜNG THPT NGUYÊN BÌNH                                           Bài thi: NGỮ VĂN

           ĐỀ THI THAM KHẢO                         Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

ĐỀ 1:

Phần 1: Đọc - Hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh

Vần thơ của Bác, vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

(Trích Đọc thơ Bác, Hoàng Trung Thông)

Câu 1: Chỉ ra biện pháp tu từ về từ trong câu thơ: Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh. (0,5 điểm)

Câu 2: Xác định các từ láy trong đoạn thơ. (0,5 điểm)

Câu 3: Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (1,0 điểm)

Câu 4: Theo anh/chị câu chất thép và chất tình mà nhà thơ Hoàng Trung Thông nói đến ở trong thơ Bác đó là điều gì? (1,0 điểm)

Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)

Phân tích bức tranh tâm cảnh trong hai khổ thơ sau:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay;

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

(Trích Đây thôn Vĩ Dạ, Hàn Mặc Tử, Tr 39, SGK Ngữ văn 11,Tập II, NXBGD 2007)

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

Phần 1: Đọc - Hiểu (3.0 điểm)

Câu 1: Biện pháp tu từ về từ trong câu thơ là ẩn dụ: ánh đèn (chỉ thơ Bác); mái đầu xanh (chỉ người đọc, trong đó có tuổi trẻ).

Câu 2: Có 2 từ láy trong đoạn thơ: mênh mông; bát ngát.

Câu 3: Nội dung chính của đoạn thơ:

  • Đoạn thơ là cảm nghĩ của nhà thơ Hoàng Trung Thông sau khi đã đọc thơ Bác.
  • Khẳng định sức lan toả và sức sống mạnh mẽ của thơ Bác với tâm hồn người đọc.

Câu 4:

  • Chất thép và chất tình mà nhà thơ Hoàng Trung Thông nói đến ở trong thơ Bác:
    • Thép ở đây là ý chí, là nghị lực, là dũng khí lớn để vượt qua hoàn cảnh và khắc phục hoàn cảnh của một con người vĩ đại.
    • Tình chính là tình cảm với thiên nhiên, con người, với đất nước và tinh thần quốc tế vô sản thể hiện trong thơ Bác.

Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)

  • Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận văn học. Mở bài giới nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
  • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bức tranh tâm cảnh trong hai khổ thơ đầu của “Đây thôn Vĩ Dạ”.
  • Triển khai các luận điểm nghị luận: sử dụng các thao tác lập luận, chú trọng thao tác phân tích, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ, dẫn chứng.
    • Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.
    • Bức tranh tâm cảnh trong hai khổ thơ đầu của “Đây thôn Vĩ Dạ”
      • Bức tranh tâm cảnh ở khổ thơ đầu có gam màu tươi sáng hơn cả, Vĩ Dạ thuộc thành phố Huế nơi có phong cảnh hữu tình.
        • Tâm trạng của con người thể hiện qua câu thơ đầu của khổ thơ với sự phân thân hay lời trách nhẹ nhàng, lời mời mọc ân cần.
        • Cảnh vật thôn Vĩ ở ba câu thơ sau của khổ thơ gợi lên vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên trong khoảnh khắc hừng đông. Đằng sau bức tranh phong cảnh là tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, con người tha thiết cùng niềm băn khoăn day dứt của nhà thơ.
      • Bức tranh tâm cảnh ở khổ thơ thứ hai gợi lên sự chia lìa tan tác của con người và cảnh vật nơi thôn Vĩ.
        • Hình ảnh “Gió theo lối gió, mây đường mây” gợi cảm giác chia lìa, gợi nỗi buồn cách biệt. Bức tranh chuyển từ thực sang ảo. Dường như Hàn Mặc Tử giấu đi nỗi đau của riêng mình mà gửi vào trần thế cái ngọt ngào đằm thắm.
        • Cảnh càng đẹp thì nỗi buồn càng trào dâng, nỗi nhớ càng mãnh liệt. Trong giây phút thăng hoa cả vô thức và ý thức hòa quyện trong cõi mộng - đêm trăng.
    • Đánh giá chung:
      • Bằng trí tưởng tượng phong phú cùng với nghệ thuật so sánh, nhân hóa, hình ảnh sáng tạo có sự hòa quyện giữa thực và ảo, Hàn Mặc Tử đã khắc họa thành công bức tranh tâm cảnh.
      • Hai khổ thơ đầu nói riêng và bài thơ nói chung là bức tranh phong cảnh Vĩ Dạ và lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khúc của nhà thơ.
  • Sáng tạo: bài viết có cách diễn đạt độc đáo, thể hiện suy nghĩ, mới mẻ, sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, văn viết có cảm xúc...
  • Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

TRƯỜNG THPT NGUYỄN CÔNG TRỨ                                Bài thi: NGỮ VĂN

            ĐỀ THI THAM KHẢO                    Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

Phần 1: Đọc - Hiểu (2.0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”

(Trích Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên? (0,5 điểm)

Câu 2: Nhân vật trữ tình đã gửi gắm cảm xúc, tâm tư gì vào đoạn thơ? (0,5 điểm)

Câu 3: Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ? (0,5 điểm)

Câu 4: Đoạn thơ mang đến cho người đọc nhận thức gì về Tổ quốc xưa và nay? (0,5 điểm)

Phần 2: Làm văn (8.0 điểm)

Câu 1: (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

[...] Trên các cột đèn tín hiệu ở Bờ hồ Hoàn Kiếm, người ta đã lắp đặt thiết bị mà khi người đi bộ bấm vào nút thì xe cộ sẽ dừng lại để mình đi qua. Thế nhưng, thiết bị ấy hình như chỉ có người nước ngoài sử dụng, còn người mình thì cứ thế mà băng qua đường. Phóng viên đứng quan sát một lúc lâu và tưởng chừng như đã có thể đưa ra nhận xét cuối cùng về thử nghiệm kia, thì một nhóm 9X đã dùng nút bấm đó. Nhà báo vui mừng nhận xét: “Tương lai, 9X sẽ có ý thức giao thông tốt...”

(Bài tập Ngữ văn 11, Tập một, trang 81)

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị sau khi đọc mẩu chuyện trên.

Câu 2: (5,0 điểm)

Phân tích hình ảnh chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam).

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

Phần 1: Đọc - Hiểu (3.0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt: Biểu cảm.

Câu 2: Nhân vật trữ tình đã gửi gắm những suy ngẫm, tự hào về lịch sử dân tộc, nhìn từ góc độ công cuộc giữ gìn biển đảo, trách nhiệm của mỗi con người trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Câu 3:

  • Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ là: phép điệp cú pháp (Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát). Hiệu quả nhấn mạnh cảm xúc tự hào, suy ngẫm lắng đọng về lịch sử đau thương mà hùng tráng của dân tộc.

Câu 4:

  • Đoạn thơ mang đến cho người đọc nhận thức về Tổ quốc xưa và nay: Một đất nước luôn phải đối đầu với nạn ngoại xâm, nhân dân phải hi sinh máu xương để bảo vệ từng tấc đất, thước biển nhưng vẫn bất khuất, hiên ngang.

Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1:

  • Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận:
    • Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
  • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:
    • Đây là dạng đề mở nên thí sinh có thể lựa chọn các vấn đề khác nhau để bàn luận nhưng cần gắn với văn bản đã cho.
    • Gợi ý một số vấn đề: Ý thức về tham gia giao thông của người Việt Nam hiện nay (trong đó có thế hệ 9X); Một tương lai mới mở ra với thế hệ 9X biết kỉ luật, chấp hành tốt các quy định; ...
  • Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động:
    • Giải thích: Từ mẩu chuyện, giải thích vấn đề đã nêu ra ở mở bài. (0,25 điểm)
    • Bàn luận:
      • Thí sinh trình bày nhận định, đánh giá ý nghĩa, tác dụng của vấn đề đề bằng cách lập luận và phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề. (Ví dụ: Tình trạng giao thông ở Việt Nam hiện nay và ý thức của người tham gia giao thông; Vì sao lại có những tình trạng như vậy; Biểu hiện; Ý thức của 9X; Thế hệ 9X ngày nay biết kỉ luật tốt; Tương lai đất nước phụ thuộc vào các thế hệ mai sau;.)
      • Bày tỏ thái độ, suy nghĩ của bản thân.
      • Bài học nhận thức và hành động: Rút ra bài học phù hợp cho bản thân.
  • Sáng tạo:
    • Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
  • Chính tả, dùng từ, đặt câu:
    • Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2:

  • Yêu cầu về kĩ năng:
    • Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học, kết cấu hợp lí, phân tích được ý nghĩa của hình tượng chuyến tàu đêm như một biểu tượng của vẻ đẹp tâm hồn và tình cảm yêu thương vô hạn của Thạch Lam với những người nghèo; diễn đạt trôi chảy; cách dùng từ, đặt câu mạch lạc; văn viết đúng chính tả.
  • Yêu cầu về kiến thức:
    • Trên cơ sở những hiểu biết về nhà văn Thạch Lam và truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
  • Nêu được vấn đề cần nghị luận.
    • Chuyến tàu đi qua phố huyện mang đến ánh sáng, làm huyên náo trong chốc lát rồi lại chìm vào bóng tối.
    • Tâm trạng chị em Liên: hân hoan hạnh phúc khi tàu đến, bâng khuâng lúc tàu đi qua.
    • Con tàu mang theo ước mơ về một thế giới khác sáng sủa hơn và đánh thức trong Liên những hồi ức về Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực và huyên náo.
    • Chuyến tàu đêm là biểu tượng về một thế giới thật đáng sống với sự giàu sang và rực rỡ. Nó đối lập với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh của người dân phố huyện.
    • Tác giả sử dụng bút pháp tương phản, đối lập: giọng điệu thủ thỉ thấm đượm chất thơ, chất trữ tình sâu lắng.
    • Đánh giá chung về ý nghĩa hình ảnh đã phân tích: “Hình tượng chuyến tàu đêm như một biểu tượng của vẻ đẹp tâm hồn và tình cảm yêu thương vô hạn của Thạch Lam với những người nghèo”.
  • Cách cho điểm:
    • Điểm 5: Bài làm đáp ứng tốt những yêu cầu trên, có sáng tạo, phát hiện mới mẻ đáng trân trọng, có thể có một số sai sót không đáng kể.
    • Điểm 4: Bài làm đáp ứng tương đối tốt những yêu cầu trên, mắc ít lỗi diễn đạt, chính tả.
    • Điểm 3: Bài làm đáp ứng được các yêu cầu trên, mắc ít lỗi diễn đạt, chính tả.
    • Điểm 2: Bài làm còn sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
    • Điểm 1: Bài làm còn sơ sài, mắc rất nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
    • Điểm 0: Bài làm hoàn toàn lạc đề.

 

   TRƯỜNG THPT THÁI BÌNH                                             Bài thi: NGỮ VĂN

       ĐỀ THI THAM KHẢO                        Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

Phần 1: Đọc - Hiểu (3.0 điểm)

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Vịnh khoa thi Hương

(Trần Tế Xương)

“Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm ọe quan trường miệng thét loa.

Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,

Váy lê quét đất mụ đầm ra.

Nhân tài đất Bắc nào ai đó,

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

Câu 1: Xác định bối cảnh giao tiếp rộng và bối cảnh giao tiếp hẹp trong bài thơ “Vịnh khoa thi hương”? (0,5 điểm)

Câu 2: Hai câu thơ đầu cho thấy kì thi có gì đặc biệt? (0,5 điểm)

Câu 3: Nhận xét hình ảnh sĩ tử và quan trường? (0,5 điểm)

Câu 4: Chỉ ra đặc sắc nghệ thuật trong hai câu thơ 5, 6? Nêu tác dụng? (0,5 điểm)

Câu 5: Viết đoạn văn phân tích tâm trạng, thái độ của nhà thơ trong hai câu thơ kết. (1.0 điểm)

Phần 2: Làm văn (7.0điểm)

Những cảm nhận sâu sắc của em về đoạn văn sau trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu:

Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc thấy lại thêm buồn. Sống làm chi ở lính Mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì nghe càng thêm hổ.

Thà thác mà đặng câu địch khái về theo tổ phụ cũng vinh, hơn còn mà chịu chữ đầu tây ở với man di rất khổ.

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

Phần 1: Đọc - Hiểu (3.0 điểm)

Câu 1:

  • Bối cảnh giao tiếp rộng: xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX.
  • Bối cảnh giao tiếp hẹp: Kì thi năm Đinh Dậu (1897) toàn quyền Pháp Pôn-đu-me cùng vợ đến dự.

Câu 2:

  • Kì thi có sự xáo trộn thiếu nề nếp quy củ trường thi ở Nam Định thi lẫn với trường thi Hà Nội.
  • Nhà nước tổ chức chứ không phải triều đình.

Câu 3:

  • Sĩ tử lôi thôi, luộm thuộm, nhếch nhác.
  • Quan trường ậm ọe âm thanh ú ớ, nói không rõ tiếng, la lối hách dịch, vênh váo.

Câu 4:

  • Đối: lọng cắm rợp trời >< váy lê quét đất; quan sứ đến >< mụ đầm ra.
  • Tác dụng: tác giả châm biếm mạnh mẽ hình ảnh quan sứ được đón tiếp trọng thể, mụ đầm ăn mặc diêm dúa, điệu đáng. Tất cả đều phô trương hình thức.

Câu 5:

  • Học sinh cần nêu được nội dung sau:
    • Hai câu kết tác giả thức tỉnh các sĩ tử và nỗi xót xa của nhà thơ trước cảnh mất nước.
    • Thấy được tấm lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc của nhà thơ.

Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)

  • Yêu cầu về kỹ năng
    • Biết cách trình bày một bài làm văn nghị luận văn học.
    • Trình bày ngắn gọn, đủ ý, diễn đạt lưu loát.
    • Bố cục rõ ràng. Văn có cảm xúc.
  • Yêu cầu về kiến thức. Học sinh có thể có những cách trình bày khác nhau nhưng bài viết cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
    • Hiểu và giải thích được nghĩa của những từ ngữ
      • Sống làm chi theo quân tả đạo: Câu hỏi nhưng khẳng định không bao giờ sống với giặc.
      • Quăng vùa hương, xô bàn độc: Quăng đi bát hương, bàn thờ tổ tiên, gia tộc.
      • Sống làm chi ở lính mã tà: Hỏi nhưng khẳng định: Không theo lính tây, không làm tay sai cho giặc.
      • Uống rượu, ăn bánh mỳ nghe càng thêm hổ: sinh hoạt cùng với tây, nhưng lương tâm hổ thẹn, cắn dứt.
      • Thà thác mà đặng câu địch khái: Thà chết đi mà thể hiện sự khẳng khái, ý chí tinh thần giống nòi.
      • Về theo tổ phụ cũng vinh: Chết về với tổ tiên cũng cảm thấy vinh dự.
      • Hơn còn chịu chữ đầu tây, ở với man di rất khổ: Không chịu đầu hàng giặc, theo giặc... là khổ nhục.
    • Hiểu ý nghĩa đoạn văn:
      • Lòng quyết tâm không theo giặc. Quan niệm rằng nếu đầu hàng giặc, theo giặc là tự chà đạp lên tổ tiên, nòi giống; hổ thẹn với lương tâm.
      • Thà chết về theo tổ tiên còn hơn chịu đầu hàng giặc, sống theo cuộc sống của Tây thì khổ nhục vô cùng.
      • Quan niệm sống đẹp của người nông dân nghĩa sĩ: chết vinh còn hơn sống nhục. Phẩm chất cao đẹp, đạo lý sáng ngời của người nông dân Nam Bộ nói riêng, con người Việt Nam nói chung trong kháng chiến chống Pháp nửa đầu thế kỷ XIX.
    • Mở rộng, liên hệ
      • Phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam trong chiến tranh từ ngàn xưa.
      • Tiếp nối truyền thống đạo lý sáng ngời của dân tộc.
  • Thang điểm
    • Điểm 7: Đáp ứng tất cả các yêu cầu trên. Bài viết còn mắc một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
    • Điểm 5-6: Đáp ứng được 2/3 các yêu cầu trên. Bài viết còn mắc một số lỗi chính tả, diễn đạt.
    • Điểm 3-4: Đáp ứng được 1-2 nội dung yêu cầu trên. Bài mắc quá nhiều lỗi chính tả, diễn đạt.
    • Điểm 1-2: Trình bày thiếu ý hoặc còn sơ sài ý, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.
    • Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.

 

TRƯỜNG THPT NGUYÊN BÌNH                               Bài thi: NGỮ VĂN

       ĐỀ THI THAM KHẢO                      Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

Phần 1: Đọc - Hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

(1) Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ mất hơn 40 năm nữa để vượt qua mốc thu nhập trung bình. 40 năm nữa nghĩa là chúng ta, những người đang đọc bài viết này đều đã già, rất già. Thậm chí, có những người có thể đã ở thế giới bên kia. Nhưng điều nguy hiểm là không chỉ từng cá nhân, mà ngay cả đất nước này khi ấy cũng đã già nua.

... (2) Cũng giống như một đời người, thời điểm dân số già là lúc quốc gia sẽ phải tiêu tốn tiền bạc đã tích lũy được trong suốt “thời trẻ khỏe” để phục vụ cho giai đoạn không còn hoặc suy giảm khả năng sản xuất. Chẳng hạn, năm 2009 cứ hơn bảy người đi làm mới phải “nuôi” một người già. Nhưng đến năm 2049, cứ hai người làm việc đã phải gánh một người già (chưa kể còn trẻ em). Khi ấy, nếu chúng ta chưa tạo dựng được một nền kinh tế đủ mạnh, cùng nền tảng khoa học kỹ thuật phát triển thì gánh nặng an sinh xã hội cũng như nguy cơ tụt hậu là rất lớn.

(3) Hành động vì tương lai ngay từ lúc này, theo tôi, là điều cần thiết với cả xã hội. Với những người có thẩm quyền, cần cân nhắc và trân trọng từng đồng tiền ngân sách. Nợ công được khẳng định vẫn trong giới hạn an toàn. Nhưng cần tính toán trước rằng, 10-20 năm nữa, khoản nợ ấy sẽ dồn lên vai một cộng đồng dân số đã già, chưa chắc nuôi nổi bản thân, huống hồ là trả nợ. Từng giọt dầu, từng mẩu tài nguyên... cũng cần được tiết kiệm. Bởi đó chính là “của để dành” khi đất nước về già, năng suất lao động đã sụt giảm.

(Phan Tất Đức, Già trước khi giàu, Vn.Express,Thứ sáu, 26/9/2014)

Câu 1: Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt nào? (0.5 điểm)

Câu 2: Xác định thao tác lập luận chính trong đoạn (2) của đoạn trích? (0.5 điểm)

Câu 3: Nêu tác dụng của thao tác lập luận mà anh/chị đã xác đinh ở đoạn (2). (1.0 điểm)

Câu 4: Theo tác giả, đất nước chúng ta cần làm gì để không rơi vào hoàn cảnh già trước khi kịp giàu? (1.0 điểm)

Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh/ chị về vẻ đẹp khí phách hiên ngang của nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ THI

Phần 1: Đọc - Hiểu (3.0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt: nghị luận.

Câu 2: Thao tác lập luận chính: So sánh.

Câu 3:

  • Tác dụng của thao tác lập luận này:
    • Giúp người đọc dễ hình dung hơn về những khó khăn của thời điểm dân số già đối với một đất nước, đặc biệt là nước đang phát triển.
    • Từ đó, mỗi người có nhận thức và hành động đúng để Việt Nam không bị già trước khi giàu.

Câu 4:

  • Theo tác giả, đất nước chúng ta cần làm gì để không rơi vào hoàn cảnh già  trước khi kịp giàu:
    • Với những người có thẩm quyền, cần cân nhắc và trân trọng từng đồng tiền ngân sách, biết tiết kiệm tài nguyên.
    • Tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ cần tranh thủ từng phút, từng giờ để học hỏi, phấn đấu, làm việc.

Phần 2: Làm văn (7.0 điểm)

  • Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp khí phách hiên ngang của nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
    • Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận văn học. Mở bài giới nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
    • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp khí phách hiên ngang của nhân vật Huấn Cao.
    • Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
      • Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.
      • Vẻ đẹp khí phách hiên ngang của nhân vật Huấn Cao.
        • Không sợ lao tù:
          • Huấn Cao mang ý chí “chọc trời khuấy nước” nên đã cầm quân chống lại triều đình phong kiến thối nát, khi bị bắt thì “bẻ khóa, vượt ngục” để tiếp tục thực hiện lí tưởng.
          • Điều này cũng thể hiện rõ qua ý nghĩ của Quản ngục về Huấn Cao “những kẻ chọc trời khuấy nước đến trên đầu người ta cũng chẳng biết có ai nữa”. Như vậy Huấn Cao rõ ràng là một trang anh hùng nghĩa liệt có lí tưởng, có dũng khí, có chí lớn, yêu công bằng và tự do.
        • Không sợ quyền uy:
          • Khí phách hiên ngang của Huấn Cao còn hiện rõ ở tinh thần “uy vũ bất năng khuất” (không sợ gông xiềng, đòn roi, cường quyền). Vừa đến nhà ngục, bất chấp việc lính giơ roi dọa dẫm, Huấn Cao vẫn điềm nhiên chỉ huy những người tù dỗ cái gông nặng đến bảy, tám tạ xuống nền đá làm rơi ra một trận mưa rệp.
          • Lúc viên quản ngục cho người đem rượu thịt đến, Huấn Cao đã điềm nhiên ăn uống như cái lúc còn tung hoành ngoài đời... Đặc biệt, khi Huấn Cao tưởng viên quản ngục đến để mua chuộc mình, ông đã tỏ ra “khinh bạc đến điều” và nói: “Ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.
        • Không sợ chết:
          • Khi đối mặt với cái chết, họ thường tỏ ra khiếp sợ. Vậy mà, khi được tin cái chết đã đến, Huấn Cao vẫn thanh thản “mỉm cười”.
          • Hơn thế, Huấn Cao vẫn ung dung, chủ động sắp xếp kế hoạch để cho chữ viên quản ngục sau khi đã nhận ra tấm lòng yêu quý cái đẹp của ông ta
      • Đánh giá chung:
        • Xây dựng nhân vật Huấn Cao với vẻ đẹp thiên lương ngời sáng, Nguyễn Tuân đã thể hiện rõ tài hoa độc đáo trong phong cách sáng tác của mình. Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống éo le, bút pháp lãng mạn, tương phản đối lập.
        • Qua vẻ đẹp thiên lương nói riêng và nhân vật Huấn Cao nói chung, Nguyễn Tuân muốn khẳng định cái đẹp là bất diệt, cái tài và cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời; đồng thời thể hiện sự trân trọng những giá trị tinh thần của dân tộc.
    • Sáng tạo
      • Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
    • Chính tả, dùng từ, đặt câu
      • Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Mời các em làm bài thi trực tuyến tại:

Đề kiểm tra 1 tiết HK1 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2018-2019, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?