PHƯƠNG PHÁP GIẢI NHANH BÀI TẬP VỀ DI TRUYỀN TƯ VẤN 2 BỆNH
A. Phương pháp
Khi bài toán có hai bệnh thì có 2 trường hợp: - Nếu hai bệnh di truyền phân li độc lập với nhau thì chúng ta xét riêng từng bệnh, sau đó nhân lại. - Nếu hai bệnh di truyền liên kết với nhau thì phải dựa vào tần số hoán vị gen để suy ra tổ hợp của hai bệnh. |
B. Bài tập
Câu 1: Ở người, bệnh bạch tạng do gen lặn a nằm trên NST thường quy định; Bệnh phenylketo niệu do alen lặn b nằm trên NST thường quy định; Các alen trội tương ứng quy định không bị bệnh. Một cặp vợ chồng đều không bị hai bệnh này nhưng có bố của chồng bị bạch tạng, em trai của chồng bị bệnh phenylketo niệu; em gái của vợ bị cả hai bệnh này, những người khác đều không bị bệnh.
a. Xác suất để có đứa con đầu lòng bị cả hai bệnh là bao nhiêu?
b. Xác suất để đứa con đầu lòng là con trai và không bị bệnh là bao nhiêu?
Hướng dẫn giải
Bước 1: Tìm xác suất kiểu gen của cặp vợ chồng.
Theo điều kiện bài toán, ta có: a bị bạch tạng, b bị bệnh phenylketo niệu.
Các gen trội A và B quy định bình thường.
- Về bệnh bạch tạng:
Vợ không bị bệnh nhưng em gái của vợ bị bạch tạng nên xác suất kiểu gen của vợ là: \(\frac{1}{3}AA:\frac{2}{3}Aa\)
Bố của chồng bị bị bạch tạng nên kiểu gen của chồng là Aa
- Về bệnh phenylketo niệu
Vợ không bị bệnh nhưng em gái của vợ bị bệnh phenylketo niệu nên xác suất kiểu gen của vợ là: \(\frac{1}{3}BB:\frac{2}{3}Bb\)
Chồng không bị bệnh nhưng có em trai của chồng bị bệnh phenylketo niệu nên xác suất kiểu gen của chồng là: \(\frac{1}{3}BB:\frac{2}{3}Bb\)
Bước 2: Tiến hành các phép tính theo yêu cầu của bài toán.
a. Xác suất để có đứa con đầu lòng bị cả hai bệnh
- Xác suất bị cả hai bệnh = Xác suất bị bệnh 1 × Xác suất bị bệnh 2
Về bệnh bạch tạng, kiểu gen của vợ chồng là \(\frac{1}{3}AA:\frac{2}{3}Aa\) × Aa nên xác suất sinh con bị bệnh = 2/3 × ¼ = 1/6
Về bệnh phenylketo niệu, kiểu gen của vợ chồng là \(\left( {\frac{1}{3}BB:\frac{2}{3}Bb} \right) \times \left( {\frac{1}{3}BB:\frac{2}{3}Bb} \right)\) nên xác suất sinh con bị bệnh phenylketo niệu = 2/3 × 2/3 × ¼ = 1/9
- Xác suất bị cả hai bệnh = 1/6 × 1/9 = 1/54
b. Xác suất để đứa con đầu lòng là con trai và không bị bệnh
- Vì cả hai bệnh đều không liên kết giới tính (phân li độc lập với giới tính) nên xác suất con trai không bị bệnh = Xác suất con trai × Xác suất không bị bệnh 1 × Xác suất không bị bệnh 2.
Về bệnh bạch tạng, xác suất sinh con bị bệnh = 2/3 × ¼ = 1/6
→ Xác suất sinh con không bị bạch tạng = 1 – 1/6 = 5/6
Về bệnh phenylketo niệu, xác suất sinh con bị bệnh phenylketo niệu = 1/9
→ Xác suất sinh con không bị phenylketo niệu = 1 – 1/9 = 8/9
- Xác suất sinh con không bị bệnh = 5/6 × 8/9 = 20/27
- Xác suất sinh con trai không bị bệnh = ½ × 20/27 = 10/27.
Câu 2: Ở người, bệnh điếc bẩm sinh do gen lặn nằm trên NST thường quy định, bệnh mù màu do gen lặn nằm trên vùng không tương đồng của NST giới tính X quy định. Ở một cặp vợ chồng, bên phía người vợ có bố và anh trai bị mù màu, có bà ngoại và mẹ bị điếc bẩm sinh. Bên phía người chồng có có em gái bị điếc bẩm sinh. Những người khác trong hai gia đình không bị hai bệnh này.
a. Xác suất để người con đầu lòng của cặp vợ chồng này không bị bệnh là bao nhiêu?
b. Xác suất để người con đầu lòng của cặp vợ chồng này là con trai và không bị bệnh là bao nhiêu?
c. Cặp vợ chồng này dự định sinh 2 con, xác suất để cả hai người con đều không bị bệnh là bao nhiêu?
Hướng dẫn giải
Bước 1: Tìm xác suất kiểu gen của cặp vợ chồng.
Theo điều kiện bài toán, ta có: a bị điếc bẩm sinh, b bị bệnh mù màu.
Các gen trội A và B quy định bình thường.
- Về bệnh điếc bẩm sinh:
Vợ không bị điếc nhưng mẹ của vợ bị điếc bẩm sinh nên xác suất kiểu gen của vợ là Aa.
Bố mẹ của chồng không bị điếc nhưng em gái của chồng bị điếc chứng tỏ bố mẹ chồng đều có kiểu gen dị hợp về bệnh điếc (Aa).
Bố mẹ của chồng đều có kiểu gen Aa, chồng không bị điếc nên xác suất kiểu gen của chồng là \(\frac{1}{3}AA:\frac{2}{3}Aa\).
- Về bệnh mù màu:
Vợ không bị mù màu nhưng có bố bị bệnh nên kiểu gen của vợ là XBXb.
Chồng không bị mù màu nên kiểu gen của chồng là XBY.
- Kiểu gen đầy đủ của cặp vợ chồng này là:
Vợ là Aa XBXb Chồng là \(\frac{1}{3}AA{X^B}Y:\frac{2}{3}Aa{X^B}Y\).
Bước 2: Tiến hành các phép tính theo yêu cầu của bài toán.
a. Xác suất để người con đầu lòng của cặp vợ chồng này không bị bệnh
- Xác suất không bị bệnh = Xác suất không bị bệnh mù màu × Xác suất không bị bệnh điếc bẩm sinh.
- Về bệnh điếc bẩm sinh, kiểu gen của vợ chồng là Aa × \(\frac{1}{3}AA:\frac{2}{3}Aa\) nên xác suất sinh con bị bệnh điếc bẩm sinh = 2/3 × ¼ = 1/6
→ Xác suất sinh con không bị điếc bẩm sinh = 1 – 1/6 = 5/6
- Về bệnh mù màu, kiểu gen của vợ chồng là XBXb × XBY nên xác suất sinh con bị bệnh mù màu = 1/4
→ Xác suất sinh con không bị mù màu = 1 – ¼ = 3/4
→ Xác suất sinh con không bị bệnh = 5/6 × ¾ = 5/8
b. Xác suất sinh con trai và không bị bệnh
- Vì bệnh mù màu liên kết giới tính cho nên xác suất con trai và không bị bệnh mù màu trở thành một cụm liên kết với nhau. Do đó, phải tính xác suất chung của hai tính trạng này.
- Kiểu gen của vợ chồng là XBXb × XBY nên xác suất sinh con trai không bị bệnh mù màu = 1/4
- Xác suất sinh con không bị điếc bẩm sinh = 5/6
- Xác suất sinh con trai không bị bệnh = 5/6 × ¼ = 5/24
c. Xác suất để cả hai người con đều không bị bệnh
- Về bệnh điếc bẩm sinh, kiểu gen của vợ chồng là Aa × \(\frac{1}{3}AA:\frac{2}{3}Aa\) nên xác suất sinh con đều không bị bệnh điếc bẩm sinh
\(= \frac{1}{3} + \frac{2}{3} \times {\left( {\frac{3}{4}} \right)^2} = \frac{1}{3} + \frac{3}{8} = \frac{7}{{24}}\)
- Về bệnh mù màu, kiểu gen của vợ chồng là XBXb × XBY nên xác suất sinh con không bị bệnh mù màu \(= {\left( {\frac{3}{4}} \right)^2} = \frac{9}{{16}}\)
- Xác suất sinh 2 con không bị bệnh \(\frac{{17}}{{24}} \times \frac{9}{{16}} = \frac{{51}}{{128}}\)
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Phương pháp giải nhanh Bài tập Di truyền tư vấn hai bệnh Sinh học 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
Chúc các em học tập tốt !