CÁC NHÂN TỐ TIẾN HÓA TRONG HỌC THUYẾT TIẾN HÓA HIỆN ĐẠI
I. Lý thuyết
a. Đột biến
Vai trò của quá trình đột biến trong tiến hóa
+ Đột biến là nguồn nguyên liệu sơ cấp của tiến hóa. Quá trình phát sinh đột biến đã gây ra một áp lực làm biến đổi cấu trúc di truyền của quần thể. Áp lực của quá trình đột biến biểu hiện ở tốc độ biến đổi tần số tương đối của alen bị đột biến. Tần số đột biến với từng gen thường rất thấp và đột biến có tính thuận nghịch nên áp lực của quá trình đột biến là không đáng kể, nhất là đối với các quần thể lớn.
+ Vai trò chính của quá trình đột biến là tạo ra nguồn nguyên liệu sơ cấp cho quá trình tiến hóa. Đột biến gây ra những biến dị di truyền ở các đặc tính hình thái, sinh lý, hóa sinh, tập tính sinh học, gây ra những sai khác nhỏ hoặc những biến đổi lớn của cơ thể.
Đột biến là nguồn nguyên liệu của tiến hóa
Tuy đột biến thường có hại nhưng phần lớn alen đột biến là alen lặn. Ban đầu alen lặn thường tồn tại ở thể dị hợp nên không biểu hiện ở kiểu hình. Qua quá trình giao phối, alen lặn có thể đi vào thể đồng hợp và được biểu hiện. Giá trị thích nghi của thể đột biến phụ thuộc môi trường sống và tổ hợp đột biến.
Giá trị thích nghi của thể đột biến có thể thay đổi khi môi trường sống thay đổi
+ Phần lớn các đột biến tự nhiên là có hại cho cơ thể vì chúng phá vỡ mối quan hệ hài hòa trong kiểu gen, trong nội bộ cơ thể, giữa cơ thể với môi trường được hình thành qua chọn lọc tự nhiên lâu đời. Trong môi trường quen thuộc, thể đột biến thường tỏ ra có sức sống kém hoặc kém thích nghi so với dạng gốc. Nhưng đặt vào điều kiện mới, nó có thể tỏ ra thích nghi hơn, có sức sống cao hơn.
+ Bài tập: Ruồi mang đột biến kháng DDT sinh trưởng chậm trong môi trường bình thường, nhưng lại sinh trưởng nhanh trong môi trường có DDT.
Giá trị thích nghi của thể đột biến có thể thay đổi tùy tổ hợp đột biến
+ Một đột biến nằm trong tổ hợp này là có hại nhưng đặt trong sự tương tác với các gen trong một tổ hợp khác nó có thể trở nên có lợi.
+ Bài tập: Sâu bọ có màu sắc sặc sỡ là các thể đột biến thường nổi bật trên nền lá xanh so với sâu màu xanh. Chúng thường có mùi hôi, nọc độc gây nguy hiểm cho chim ăn sâu. Nhờ có màu sắc sặc sỡ nên chúng kịp báo hiệu cho các loài chim tránh tấn công chúng. Như vậy màu sắc sặc sỡ trở thành đặc điểm thích nghi theo hướng "báo hiệu".
Đột biến gen là nguồn nguyên liệu chủ yếu vì:
Đột biến được xem là nguồn nguyên liệu của quá trình tiến hóa, nhưng trong đó đột biến gen là nguồn nguyên liệu chủ yếu, vì so với đột biến NST thì:
+ Đột biến gen phổ biến hơn. Tuy tần số đột biến của từng gen là thấp, nhưng tần số đột biến chung của tất cả các gen trong mỗi quần thể là khá lớn, do ở mỗi loài có hàng vạn gen khác nhau.
+ Đột biến gen ít ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức sống và sự sinh sản của cơ thể.
LƯU Ý Các nghiên cứu thực nghiệm chứng tỏ các nòi, các loài phân biệt nhau thường không phải bằng một vài đột biến lớn mà bằng sự tích lũy nhiều đột biến nhỏ. |
b. Di - nhập gen
Sự lan truyền gen từ quần thể này sang quần thể khác được gọi là di - nhập gen hay dòng gen.
Vai trò của di - nhập gen đối với tiến hóa
+ Di nhập gen là nhân tố làm thay đổi vốn gen của quần thể. Các cá thể nhập cư mang đến những alen mới hoàn toàn mà trước đó quần thể không có làm phong phú vốn gen của quần thể nhận.
+ Đây cũng là nhân tố làm thay đổi tần số alen của quần thể nhưng không theo một chiều hướng xác định. Di - nhập gen có thể chỉ làm tăng hay giảm tần số alen vốn có sẵn trong quần thể. Mức độ ảnh hưởng của nhân tố này đến tần số alen phụ thuộc vào số lượng cá thể ra hoặc vào quần thể. Di nhập gen cũng có thể biểu hiện dưới hình thức đơn giản như truyền hạt phấn nhờ sâu bọ hoặc gió giữa các quần thể thực vật.
LƯU Ý Di - nhập gen còn được gọi là dòng gen nhằm chỉ sự trao đổi gen giữa các quần thể. |
c. Các yếu tô ngẫu nhiên
Kích thước quần thể giảm mạnh thì tần số alen thay đổi nhanh chóng: Kích thước quần thể giảm mạnh tức là số lượng cá thể của quần thể là rất ít thì các yếu tố ngẫu nhiên có thể làm thay đổi tần số alen và tần số
kiểu gen một cách nhanh chóng. Một alen nào đó dù có lợi có thể nhanh chóng bị loại bỏ khỏi quần thể, ngược lại, gen có hại lại có thể trở nên phổ biến trong quần thể.
d. Giao phối không ngẫu nhiên
- Vai trò của giao phối không ngẫu nhiên và giao phối ngẫu nhiên đối với tiến hóa:
Giao phối không ngẫu nhiên (tự phối, tự thụ phấn, giao phối cận huyết và giao phối có lựa chọn) không làm thay đổi tần số alen nhưng làm thay đổi tần số kiểu gen của quần thể theo hướng làm tăng tần số kiểu gen đồng hợp, giảm tần số kiểu gen dị hợp. Do vậy, giao phối không ngẫu nhiên làm giảm sự đa dạng di truyền của quần thể. Tuy nhiên giao phối không ngẫu nhiên là nhân tố tiến hóa.
Quá trình giao phối ngẫu nhiên (ngẫu phối) có vai trò cung cấp nguồn nguyên liệu thứ cấp là biến dị tổ hợp cho tiến hóa. Ngẫu phối còn làm trung hòa tính có hại của đột biến và góp phần tạo ra những tổ hợp gen thích nghi. Tuy vậy, ngẫu phối không phải là nhân tố của quá trình tiến hóa, vì ngẫu phối tạo ra trạng thái cân bằng di truyền của quần thể, trong đó tần số alen và tần số kiêu gen của quần thể đều không thay đổi.
- Quần thể ngẫu phối giúp cung cấp biến dị di truyền
+ Mỗi quần thể có số gen rất lớn, nên tần số đột biến chung của tất cả các gen trong mỗi quần thể là khá lớn.
+ Ngẫu phối làm cho đột biến được phát tán trong quần thể tạo ra sự đa hình về kiểu gen và kiểu hình, hình thành nên vô số biến dị tổ hợp.
LƯU Ý Hai quá trình đột biến và ngẫu phối đã tạo cho quần thể trở thành một kho biến dị di truyền vô cùng phong phú. Sự tiến hóa không chỉ sử dụng các đột biến mới xuất hiện mà còn huy động kho dự trữ các gen đột biến đã phát sinh từ lâu nhung tiềm ẩn ở trạng thái dị hợp. |
e. Chọn lọc tự nhiên
Tác động của CLTN theo quan niệm hiện đại
+ Tác động chủ yếu của CLTN là sự phân hóa khả năng sinh sản của những kiểu gen khác nhau trong quần thể, làm cho tần số tương đối của các alen trong môi gen biến đổi theo hướng xác định và các quần thể có vốn gen thích nghi hơn sẽ thay thế những quần thể kém thích nghi.
+ Chọn lọc tự nhiên không những là nhân tố quy định nhịp điệu biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể mà còn định hướng quá trình tiến hóa thông qua các hình thức chọn lọc: ổn định, vận động và phân hóa.
Các alen trội bị tác động của chọn lọc nhanh hơn các alen lặn
Ở các sinh vật lưỡng bội, các alen trội chịu tác động chọn lọc nhanh hơn nhiều so với các alen lặn vì alen trội ở thể đồng hợp hay dị hợp đều biểu hiện thành kiểu hình, trong khi đó alen lặn ở trạng thái dị hợp không biểu hiện kiểu hình. Do chọn lọc tác động vào kiểu gen hay alen thông qua tác động vào kiểu hình nên toàn bộ các alen trội có hại đều bị đào thải.
Chọn lọc tự nhiên là nhân tố chính của quá trình tiến hóa
+ Trong một quần thể đa hình thì chọn lọc tự nhiên đảm bảo sự sống sót và sinh sản ưu thế của những cá thể mang nhiều đặc điểm có lợi hơn. Chọn lọc tự nhiên tác động trực tiếp lên kiểu hình của cá thể qua nhiều thế hệ dẫn tới hệ quả là chọn lọc kiểu gen. Điều này khẳng định vai trò của thường biến trong quá trình tiến hóa.
+ Chọn lọc tự nhiên là nhân tố quy định chiều hướng và nhịp điệu thay đổi tần số tương đối của các alen, tạo ra những tổ hợp gen đảm bảo sự thích nghi với môi trường, là nhân tố định hướng quá trình tiến hóa.
Chọn lọc tự nhiên làm cho tần số của các alen biến đổi theo hướng xác định. Dưới tác động cùa chọn lọc tự nhiên, tần số của các alen có lợi được tăng lên trong quần thể. Bài tập: Nếu những cá thể mang kiểu hình của alen A tỏ ra thích nghi hơn những cá thể mang kiểu hình của alen a thì dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên tần số của alen A ngày càng tăng, trái lại tần số của alen a ngày càng giảm.
Áp lực của chọn lọc tự nhiên lớn hơn nhiều so với áp lực của quá trình đột biến, chẳng hạn để giảm tần số ban đầu của một alen đi một nua dưới tác động của chọn lọc tự nhiên chỉ cần số ít thế hệ.
II. Bài tập
Câu 1: Đối với tiến hóa:
A. Đột biến tự nhiên được xem là nguồn nguyên liệu sơ cấp, trong đó đột biến gen là nguồn nguyên liệu chủ yếu.
B. Đột biến tự nhiên được xem là nguồn nguyên liệu sơ cấp, trong đó đột biến NST là nguồn nguyên liệu chủ yếu.
C. Đột biến tự nhiên được xem là nguồn nguyên liệu sơ cấp, trong đó đột biến trung tính là nguồn nguyên liệu chủ yếu.
D. Đột biến tự nhiên được xem là nguồn nguyên liệu thứ cấp, trong đó đột biến gen là nguồn nguyên liệu chủ yếu.
Đáp án:
Đối với tiến hóa,đột biến tự nhiên được xem là nguồn nguyên liệu sơ cấp, trong đó đột biến gen là nguồn nguyên liệu chủ yếu.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 2: Đối với tiến hoá, đột biến gen có vai trò tạo ra các
A. Kiểu gen mới cung cấp nguyên liệu cho chọn lọc tự nhiên.
B. Kiểu hình mới cung cấp nguyên liệu cho chọn lọc tự nhiên,
C. Gen mới cung cấp nguyên liệu cho chọn-lọc tự nhiên.
D. Alen mới, qua giao phối tạo ra các biến dị cung cấp cho chọn lọc.
Đáp án:
Đột biến gen tạo ra các alen mới, qua giao phối tạo ra các biến dị cung cấp nguyên liệu sơ cấp cho tiến hóa.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 3: Phát biểu nào dưới đây không đúng về vai trò của đột biến đối với tiến hóa?
A. Đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể góp phần hình thành loài mới.
B. Đột biến nhiễm sắc thể thường gây chết cho thể đột biến, do đó không có ý nghĩa đối với tiến hóa.
C. Đột biến đa bội đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa, vì nó góp phần hình thành loài mới.
D. Đột biến gen cung cấp nguyên liệu cho quá trình tiến hóa của sinh vật.
Đáp án:
B sai, đột biến có ý nghĩa với tiến hóa.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 4: Theo quan niệm hiện đại, nhân tố cung cấp nguồn biến dị sơ cấp cho quá trình tiến hóa là:
A. Các yếu tố ngẫu nhiên
B. Chọn lọc tự nhiên
C. Giao phối không ngẫu nhiên
D. Đột biến
Đáp án:
Theo quan niệm hiện đại, nhân tố cung cấp nguồn biến dị sơ cấp cho quá trình tiến hóa là đột biến.
Đáp án cần chọn là: D
Câu 5: Cho các thông tin về vai tròn của các nhân tố tiến hóa như sau:
(1) Làm thay đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể theo một hướng xác định.
(2) Làm phát sinh các biến dị di truyền cung cấp nguồn nguyên liệu biến dị sơ cấp cho quá trình tiến hóa
(3) Có thể loại bỏ hoàn toàn một alen nào đó ra khỏi quần thể cho dù alen đó là có lợi.
(4) Không làm thay đổi tần số alen nhưng làm thay đổi thành phần kiểu gen của quần thể
(5) Làm thay đổi tần số alen và thành phần kiểu gen của quần thể rất chậm.
Có bao nhiêu thông tin nói về vai trò của đột biến gen?
A. 2 và 5 B. 3 và 4 C. 1 và 4 D. 1 và 3
Đáp án:
Các thông tin nói về đột biến gen là 2 và 5.
1 là đặc điểm của chọn lọc tự nhiên
3 là đặc điểm của các yếu tố ngẫu nhiên
4 là đặc điểm của giao phối không ngẫu nhiên
Đáp án cần chọn là: A
Câu 6: Biến dị di truyền là rất quan trọng đối với các quần thể sinh vật. Vì
A. Nhờ đó mà các con đực và con cái của loài trinh sản có thể phân biết được nhau.
B. Nhờ đó sự tiến hóa được định hưởng.
C. Chúng cung cấp nguồn nguyên liệu cho quá trình chọn lọc.
D. Nhờ đó chúng ta mới phân loại được các loài sinh vật
Đáp án:
Biến dị di truyền là rất quan trọng đối với các quần thể sinh vật vì chúng cung cấp nguồn nguyên liệu cho quá trình chọn lọc, do đó giúp quần thể có khả năng thích nghi với sự biến đổi của môi trường.
Đáp án cần chọn là: C
Câu 7: Theo quan niệm hiện đại, nguồn nguyên liệu cung cấp cho quá trình tiến hóa của sinh giới là?
A. Thường biến.
B. Biến dị di truyền.
C. Đột biến.
D. Chọn lọc tự nhiên.
Đáp án:
Biến dị di truyền là rất quan trọng đối với các quần thể sinh vật vì chúng cung cấp nguồn nguyên liệu cho quá trình chọn lọc, do đó giúp quần thể có khả năng thích nghi với sự biến đổi của môi trường.
Đáp án cần chọn là: B
Câu 8: Tại sao phần lớn đột biến gen là có hại nhưng nó vẫn có vai trò trong quá trình tiến hóa?
A. Gen đột biến có thể có hại trong tổ hợp gen này nhưng lại có lợi hoặc trung tính trong tổ hợp gen khác.
B. Tần số đột biến gen tự nhiên là rất nhỏ nên tác hại của đột biến gen là không đáng kể.
C. Chọn lọc tự nhiên luôn đào thải được các gen lặn có hại.
D. Đột biến gen luôn tạo được ra kiểu hình mới.
Đáp án:
Mức độ gây hại của một alen đột biến còn phụ thuộc vào môi trường và tổ hợp mang gen đó. Gen đột biến có thể có hại trong tổ hợp gen này nhưng lại có lợi hoặc trung tính trong tổ hợp gen khác.
B sai vì, tuy tần số đột biến của 1 gen thấp nhưng hệ gen có rất nhiều gen, nên tần số xảy ra đột biến cao.
C sai vì CLTN không thể đào thải alen lặn có hại ra khỏi quần thể vì alen lặn tồn tại trong cơ thể dị hợp tử.
D sai vì không phải lúc nào đột biến cũng tạo ra kiểu hình mới, VD: đột biến hình thành alen lặn, cơ thể phải ở trạng thái đồng hợp lặn mới biểu hiện ra kiểu hình.
Đáp án cần chọn là: A
Câu 9: Vì sao nói đột biến là nhân tố tiến hoá cơ bản?
A. Vì tạo ra một áp lực làm thay đổi tần số các alen trong quần thể.
B. Vì là cơ sở để tạo biến dị tổ hợp.
C. Vì cung cấp nguyên liệu sơ cấp trong tiến hoá.
D. Vì tần số đột biến của vốn gen khá lớn.
Đáp án:
Đột biến là nhân tố tiến hóa cơ bản vì: đột biến cung cấp các nguyên liệu sơ cấp trong tiến hóa. Ở đây là các alen đột biến
Từ đó, qua quá trình giao phối, các alen đột biến được phát tán trong quần thể và tổ hợp lại thành rất nhiều các kiểu gen (qui định kiểu hình) – nguyên liệu thứ cấp của tiến hóa
Đáp án cần chọn là: C
Câu 10: Vì sao tần số đột biến gen tự nhiên rất thấp nhưng ở thực vật, động vật, tỉ lệ giao tử mang đột biến về gen này hay gen khác là khá lớn?
A. Vì những giao tử mang đột biến gen có sức sống cao hơn dạng bình thường.
B. Vì chọn lọc tự nhiên luôn giữ lại những giao tử mang đột biến gen có lợi.
C. Vì cơ thể mang đột biến gen thích nghi cao với sự thay đổi của môi trường.
D. Vì thực vật, động vật có hàng vạn gen.
Đáp án:
Tần số đột biến gen tự nhiên là rất thấp nhưng ở thực vật, động vật, tỉ lệ giao tử mang đột biến về gen này hay gen khác là khá lớn là do: động thực vật có hàng vạn gen.
→ Do đó nhân tần số đột biến với số lượng gen, ta có thể thấy tần số đột biến chung là tương đối đáng kể.
Đáp án cần chọn là: D
{-- Nội dung đề và đáp án từ câu 11-15 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc Tải về--}
Trên đây là trích dẫn một phần nội dung tài liệu Lý thuyết và bài tập Các nhân tố tiến hóa trong Thuyết tiến hóa hiện đại Sinh học 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
Chúc các em học tập tốt !