NGÀNH NGOẠI THƯƠNG VIỆT NAM
1. Tình hình phát triển và phân bố ngành ngoại thương
Công cuộc Đổi mới, mở cửa nền kinh tế được khởi xướng từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986) . Từ đó đến nay đất nước ta đã có những biến đổi sâu sắc, hoạt động ngoại thương có những bước tiến vượt bậc. Nhờ việc thực hiện chính sách mở cửa, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, nước ta đã có quan hệ buôn bán với hàng trăm nước và lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Đó là điều kiện thuận lợi để nước ta đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, mở rộng buôn bán và hợp tác kinh tế với các nước trên thế giới và trong khu vực với những thành quả chủ yếu sau:
1.1. Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu tăng liên tục qua các năm
Trước đây giá trị xuất – nhập khẩu của nước ta có quy mô nhỏ bé nhưng hiện nay đã tăng lên rất nhanh, từ 31,2 tỉ USD năm 2001 lên 156,9 tỉ USD năm 2010. Trong đó giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu đều tăng nhưng giá trị nhập khẩu tăng nhanh hơn giá trị xuất khẩu (giá trị nhập khẩu tăng 5,2 lần, giá trị xuất khẩu tăng 4,8 lần).
Bảng: Giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2001 – 2010
(đơn vị: triệu USD)
Năm | Tổng số | Xuất khẩu | Nhập khẩu |
2001 | 31.247,1 | 15.029,2 | 16.217,9 |
2003 | 45.405,1 | 20.149,3 | 25.255,8 |
2005 | 69.208,2 | 32.447,1 | 36.761,1 |
2007 | 111.326,1 | 48.561,4 | 62.764,7 |
2010 | 156.933,1 | 72.191,9 | 84.801,2 |
Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam các năm
Giá trị nhập khẩu tăng liên tục với tốc độ cao, bình quân hàng năm tăng 25,8% trong giai đoạn 2001-2008. Nhập khẩu tăng nhanh chủ yếu là do nước ta đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên đòi hỏi một lượng lớn máy móc, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó, nước ta còn nhập cả một số mặt hàng tiêu dùng do trong nước chưa sản xuất được.
Quy mô kim ngạch xuất khẩu tuy không ngừng gia tăng với tốc độ cao (trung bình 18,2%/năm, giai đoạn 2001-2009) nhưng hiện nay vẫn chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của nước ta xếp thứ 5 trong số các nước ASEAN, nhưng khoảng cách với các nước xếp trên, đặc biệt với nước dẫn đầu Xingapore vẫn còn rất lớn (chỉ bằng 21% của Xingapore và 49% so với nước xếp ngay trên nước ta là Inđônêxia).
1.2. Cán cân xuất – nhập khẩu
Cán cân xuất – nhập khẩu đang dần tiến tới cân bằng, năm 1992 nước ta lần đầu xuất siêu; sau đó đến nay tiếp tục nhập siêu song bản chất nhập siêu khác xa thời kỳ trước. Trước đây nước ta nhập siêu là do nền kinh tế còn nhiều yếu kém. Hiện nay, nhập siêu chủ yếu là nhập khẩu máy móc thiết bị để công nghiệp hóa, hiện đại hóa và do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước ta.
Nhìn chung, tình trạng nhập siêu thường kéo dài tương đối phổ biến đối với các nước đang phát triển trong quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam, bởi vì nhu cầu nhập khẩu tư liệu phục vụ sản xuất và đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại ở nước ta là các mặt hàng nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp chiếm tỉ trọng cao. Vì thế, hiệu quả kinh tế thấp dẫn tới tình trạng xuất khẩu càng tăng thì nhập khẩu cũng tăng nhanh không kém.
1.3. Cơ cấu hàng xuất – nhập khẩu đa dạng và có sự thay đổi.
- Cơ cấu xuất khẩu phân theo nhóm hàng :
- Cơ cấu hàng hóa theo Bảng phân loại tiêu chuẩn ngoại thương của nước ta chủ yếu gồm hai nhóm hàng : hàng thô hoặc mới sơ chế và hàng chế biến hoặc đã tinh chế.
Bảng : Cơ cấu giá trị xuất khẩu theo nhóm hàng
(đơn vị : %)
| 1986-1990 | 1991-1995 | 1996-2000 | 2001 | 2005 | 2009 |
Hàng thô hay mới sơ chế | 70,1 | 74,6 | 54,8 | 53,3 | 49,6 | 39,0 |
Hàng chế biến hay tinh chế | 29,9 | 25,4 | 45,2 | 46,7 | 50,4 | 61,0 |
Tổng số | 100,0 | 100,0 | 100,0 | 100,0 | 100,0 | 100,0 |
Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam các năm
Trong cơ cấu, tỉ trọng hàng thô còn khá cao, nhưng đang có xu hướng giảm dần qua từng giai đoạn và từng năm. Nâng cao tỉ trọng của nhóm hàng chế biến hoặc đã tinh chế trong cơ cấu giá trị xuất khẩu là mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển ngoại thương của nước ta nhằm khai thác tốt hơn các nguồn lực hiện có. Tỉ trọng của các mặt hàng chế biến hoặc đã tinh chế trong những năm qua có xu hướng tăng dần nhưng tốc độ tăng còn chậm và chưa thật ổn định.
- Cơ cấu nhập khẩu phân theo nhóm hàng :
Cùng với chủ trương khuyến khích xuất khẩu, nhập khẩu cũng có vai trò hết sức quan trọng nhằm phục vụ cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như đẩy nhanh quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới. Chính vì mục tiêu cho sự phát triển của đất nước, cơ cấu hàng nhập khẩu có sự thay đổi tích cực.
Bảng : Các mặt hàng nhập khẩu phân theo nhóm hàng giai đoạn 2001-2009
(đơn vị : %)
Năm | 2001 | 2005 | 2009 |
Tổng số | 100,0 | 100,0 | 100,0 |
1. Tư liệu sản xuất |
|
|
|
- Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng | 30,5 | 25,3 | 31,6 |
- Nguyên, nhiên, vật liệu | 61,5 | 64,4 | 58,6 |
2. Hàng tiêu dùng |
|
|
|
- Lương thực | - | - | 0,1 |
- Thực phẩm | 3,0 | 3,0 | 3,0 |
- Hàng y tế | 2,0 | 1,4 | 1,6 |
- Hàng khác | 3,0 | 3,7 | 4,6 |
3. Vàng phi tiền tệ | - | 2,2 | 0,5 |
Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam các năm
Trong cơ cấu hàng nhập khẩu, tư liệu sản xuất chiếm ưu thế tuyệt đối, trong đó nguyên, nhiên, vật liệu chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu hàng nhập khẩu của nước ta. Có nhiều nguyên nhân khiến cho nguyên, nhiên, vật liệu chiếm tỉ trọng cao, trong đó nguyên nhân nổi bật là do những hạn chế về sản xuất trong nước. Hiện nay nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như may mặc, da giày, sản phẩm gỗ muốn tăng xuất khẩu thì buộc phải nhập nguyên liệu. Trong số này có khá nhiều sản phẩm trong nước có thể sản xuất được. Kết quả này dẫn đến một mặt hạn chế nguồn ngoại tệ dùng để nhập khẩu máy móc, thiết bị nhằm hiện đại hóa, nâng cao năng lực sản xuất; mặt khác xuất khẩu nước ta phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, công nghệ chậm được thay đổi. Xuất khẩu tuy tăng nhanh nhưng hiệu quả thấp do phải chi phí quá nhiều cho nhập khẩu đầu vào.
Trong cơ cấu hàng nhập khẩu, tỉ trọng hàng tiêu dùng có xu hướng giảm từ 13,4% năm 1986 xuống còn 9,2% năm 2009. Điều đó phù hợp với chủ trương hạn chế việc nhập khẩu hàng tiêu dùng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta, tuy nhiên tốc độ giảm còn rất chậm.
1.4. Thị trường xuất – nhập khẩu ngày càng được mở rộng
Ngoài thị trường truyền thống trước đây, hiện nay đã hình thành thị trường trọng điểm như Châu Á, Tây Âu, Bắc Mỹ.
Các bạn hàng xuất khẩu lớn là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Xingapore; bạn hàng nhập khẩu lớn là Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Xingapore.
Hiện nay cơ chế chính sách cũng có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng quyền xuất – nhập khẩu cho các ngành, các địa phương; tăng cường sự quản lý thống nhất của Nhà nước bằng pháp luật.
1.5. Phân bố hoạt động ngoại thương theo lãnh thổ
Hoạt động ngoại thương có sự phân hóa rõ rệt giữa các vùng: Hoạt động ngoại thương phát triển sôi động nhất ở ba vùng: Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và phụ cận, Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng còn lại kim ngạch xuất – nhập khẩu không đáng kể.
Hoạt động ngoại thương còn có sự phân hóa sâu sắc giữa các tỉnh (thành phố). Địa phương có hoạt động ngoại thương phát triển nhất là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương...
2. Định hướng phát triển ngành ngoại thương
{-- Để xem tiếp nội dung về cơ hội và thách thức ngành ngoại thương của tài liệu các bạn vui lòng xem ở phần xem online hoặc Tải về--}
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
- Những điều cần lưu ý khi sử dụng Atlat địa lí Việt Nam trang “thương mại“ (tr.24) Địa lí 12
- Lý thuyết và bài tập trắc nghiệm ôn tập chủ đề Vấn đề phát triển giao thông vận tải và thông tin liên lạc Địa lí 12
Chúc các em học tập tốt !