Kiến thức trọng tâm các vấn đề kinh tế ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng Địa lí 12

CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ THEO NGÀNH Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

A. Lý thuyết

1. Các thế mạnh và hạn chế của vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư, cơ sở vật chất -  kĩ thuật tới sự phát triển kinh tế ; những vấ đề cần giải quyết trong phát triển kinh tế xã hội

a) Thế mạnh

* Vị trí địa lí  

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, giáp với Trung du và miền núi Bắc Bộ, giáp với Bắc Trung Bộ và vịnh Bắc Bộ

*  Tự nhiên

- Đất: Đất nông nghiệp chiếm 51,2% diện tích đồng bằng. Trong đó 70% là đất phù sa màu mỡ.

- Nước: tài nguyên phong phú bao gồm nước mặt, nước ngầm, nước khoáng, nước nóng.

- Biển: có khả năng phát triển cảng biển, du lịch, thủy sản.

- Khoáng sản: đá vôi, sét, cao lanh, than nâu, khí tự nhiên.

*  Kinh tế-xã hội:

- Dân cư-lao động: lao động dồi dào, có kinh nghiệm và trình độ

- Cơ sở hạ tầng: mạng lưới giao thông phát triển mạnh, khả năng cung cấp điện nước được đảm bảo tốt.

- Các thế mạnh khác: thị trường rộng, có lịch sử khai thác lãnh thổ từ rất sớm

b) Các hạn chế

- Số dân đông, mật độ cao (trên 1225 người/km2, gấp 4,8 mật độ trung bình cả nước), khó khăn cho giải quyết việc làm.

- Chịu ảnh hưởng của nhiều tai như bão, lũ lụt, hạn hán ... Một số tài nguyên bị suy thoái

- Là vùng thiếu nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, phần lớn đưa từ vùng khác đến.

- Sự chuyển dịch còn chậm, chưa phát huy hết thế mạnh của vùng.

c) Vấn đề cần giải quyết

Quỹ đất nông nghiệp đang bị thu hẹp, sức ép việc làm...

2. Tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành và các định hướng chính.

a) Lí do phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành

- Vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội.

- Cơ cấu kinh tế theo ngành có nhiều hạn chế không phù hợp với tình hình phát triển hiện nay.

- Số dân đông, mật độ cao, việc phát triển kinh tế với cơ cấu cũ không đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống.

- Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm khai thác có hiệu quả những thế mạnh vốn có, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

b) Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành

- Tỉ trọng khu vực nông-lâm-ngư nghiệp trong cơ cấu GDP giảm, tỉ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực dịch vụ tăng.

- Chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường

- Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, chưa phát huy hết thế mạnh của vùng.

c) Các hướng chính về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và nội bộ từng ngành

- Xu hướng là tiếp tục giảm tỉ trọng nông-lâm-ngư nghiệp, tăng trọng khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực dịch vụ trên cơ sở tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường.

- Trong nội bộ ngành:

+ Đối với khu vực nông-lâm-ngư nghiệp: giảm tỉ trọng trồng trọt, tăng chăn nuôi và thủy sản.

+ Đối với khu vực công nghiệp-xây dựng: chuyển dịch gắn với hình thành các ngành công nghiệp trọng điểm.

+ Đối với khu vực dịch vụ: phát triển nhanh các ngành du lịch, tài chính, ngân hàng, giáo dục-đào tạo, …

B. Bài tập

Câu 1: Tỉnh nào sau đây không thuộc vùng đồng bằng sông Hồng?

A. Bắc Giang.             B. Ninh Bình.              C. Hải Dương.            D. Hưng Yên.

Đáp án: Đồng bằng sông Hồng gồm 10 tỉnh  và  thành phố: TP Hà Nội, TP Hải Phòng,  các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

⇒ Tỉnh Bắc Giang không thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ).

Đáp án cần chọn là: A

Câu 2: Loại đất có diện tích lớn nhất ở đồng bằng sông Hồng là:

A. Đất mặn.     B. Đất xám phù sa cổ.             C. Đất phù sa.             D. Đất cát biển.

Đáp án: Vùng Đồng bằng sông Hồng chủ yếu là đất phù sa (70%),  màu mỡ nhất là đất phù sa thuộc châu thổ sông Hồng.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 3: Đồng bằng sông Hồng không tiếp giáp với với vùng nào dưới đây?

A. Trung du và miền núi Bắc Bộ.

B. Bắc Trung Bộ.

C. Vịnh Bắc Bộ.

D. Duyên hải Nam Trung Bộ.

Đáp án: * Vị trí địa lí đồng bằng sông Hồng:

- Giáp vịnh Bắc Bộ giàu tiềm năng kinh tế.

-  Cầu nối giữa vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

⇒ Đồng bằng sông Hồng không tiếp giáp với với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Đáp án cần chọn là: D

Câu 4: Thế mạnh về tự nhiên cho Đồng bằng sông Hồng có khả năng phát triển mạnh cây vụ đông là:

A. đất đai màu mỡ.

B. nguồn nước phong phú.

C. có một mùa đông lạnh, kéo dài.

D. ít có thiên tai.

Đáp án: Đồng bằng sông Hồng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc → đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh

⇒ thuận lợi cho phát triển rau quả vụ đông.

Đáp án cần chọn là: C

Câu 5: Đặc điểm nổi bật về mặt dân cư – lao động của Đồng bằng sông Hồng là:

A. dân số đông, nguồn lao động dồi dào và có trình độ.

B. nguồn lao động lớn nhất cả nước.

C. lao động có trình độ cao nhất cả nước.

D. lao động tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn.

Đáp án: Xác định từ khóa

Câu hỏi “dân cư và lao động”

Đồng bằng sông Hồng có đặc điểm:

- Dân cư: đông dân (21,6% cả nước)

- Lao động: dồi dào, có trình độ, kinh nghiệm sản xuất.

⇒ A đúng

- Các đáp án B, C, D mới chỉ thể hiện đặc điểm lao động, thiếu đặc điểm dân cư

⇒ Loại B,C, D

Đáp án cần chọn là: A

Câu 6: Định hướng chung trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở đồng bằng sông Hồng là:

A. giảm tỉ trọng khu vực III, tăng nhanh tỉ trọng khu vực II và khu vực I.

B. giảm tỉ trọng khu vực II, tăng nhanh tỉ trọng khu vực I và khu vực III.

C. giảm tỉ trọng khu vực I, tăng dần tỉ trọng khu vực II và III.

D. tăng tỉ trọng khu vực I, tăng nhanh tỉ trọng khu vực II và khu vực III.

Đáp án: Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung ở đồng bằng sông Hồng là:

+ Khu vực  I  (nông -  lâm  - ngư nghiệp): Giảm tỉ trọng.

+ Khu vực  II  (công nghiệp  - xây dựng): Tăng dần tỉ trọng.

+ Khu vực  III  (dịch vụ): Chiếm tỉ trọng cao và tăng dần .

Đáp án cần chọn là: C

Câu 7: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 26, hãy cho biết tỉnh nào sau đây của đồng bằng sông Hồng không giáp biển?

A. Hưng Yên, Hải Phòng.

B. Hà Nam, Bắc Ninh.

C. Hà Nam, Ninh Bình.

D. Nam Định, Bắc Ninh.

Đáp án: Căn cứ vào Atlat ĐLVN trang 26, các tỉnh thuộc ĐBSH không giáp biển là: Hà Nam, Bắc Ninh.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 8: Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam trang 26, hãy cho biết trung tâm công nghiệp nào sau đây ở đồng bằng sông Hồng có giá trị sản xuất công nghiệp từ 40  đến 120 nghìn tỉ đồng?

A. Hà Nội.                   B. Hải Phòng.             C. Phúc Yên.               D. Bắc Ninh.

Đáp án: B1. Xác định kí hiệu phân cấp quy mô các Trung tâm công nghiệp ở Atlat trang 3 (Kí hiệu chung)

⇒ có 4 cấp độ

B2. Căn cứ vào Atlat trang 26, xác định được:

- Hải Phòng là trung tâm công nghiệp lớn ⇒ có giá trị sản xuất công nghiệp từ  40 – 120 nghìn tỉ đồng (vòng tròn lớn thứ 2)

Chọn đáp án B

- Hà Nội là TTCN rất lớn (quy mô trên 120 nghìn tỉ đồng).

- Phúc Yên, Bắc Ninh là các TTCN trung bình ⇒ có giá trị sản xuất công nghiệp 9 – 40 nghìn tỉ đồng (vòng tròn lớn thứ 3)

⇒ Loại đáp án A, C, D

Đáp án cần chọn là: B

Câu 9: Xu hướng chuyển dịch cơ cấu trong khu vực I của đồng bằng sông Hồng là:

A. Giảm tỉ trọng của ngành trồng trọt, tăng tỉ trọng của ngành chăn nuôi và thủy sản.

 B. Giảm tỉ trọng ngành trổng trọt, tăng tỉ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỉ trọng ngành thủy sản.

C. Tăng tỉ trọng ngành trồng trọt, giảm tỉ trọng ngành chăn nuôi và thủy sản.

D. Tăng tỉ trọng ngành trồng trọt và chăn nuôi, giảm tỉ trọng ngành thủy sản.

Đáp án: Chuyển dịch trong nội bộ khu vực I: Giảm tỉ trọng ngành trồng trọt.   Tăng tỉ trọng  ngành  chăn nuôi, thuỷ sản.

Đáp án cần chọn là: A

Câu 10: Tại sao việc làm là một trong những vấn đề nan giải ở Đồng bằng sông Hồng nhất là ở khu vực thành thị?

A. Do dân nhập cư đông.

B. Do dân số đông, kết cấu dân số trẻ.

C. Do nền kinh tế còn chậm phát triển.

D. Do dân số đông, kết cấu dân số trẻ trong điều kiện kinh tế chậm

Đáp án: ĐBSH có dân số đông,mật độ dân số đô thị cao, kết cấu dân số trẻ ⇒ số người trong độ tuổi lao động lớn

⇒ nhu cầu việc làm lớn, đặc biệt là hoạt động kinh tế phi nông nghiệp (công nghiệp, dịch vụ) ở khu vực thành thị

Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng còn chậm, chưa đáp ứng đủ nhu cầu việc làm

⇒ Việc làm là một trong những vấn đề nan giải ở Đồng bằng sông Hồng nhất là ở khu vực thành thị.

Đáp án cần chọn là: D

{-- Nội dung đề và đáp án từ câu 11-20 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc Tải về--}

Trên đây là trích dẫn một phần nội dung tài liệu Kiến thức trọng tâm các vấn đề kinh tế ở khu vực Đồng bằng Sông Hồng Địa lí 12. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

​Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?