Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc  giúp các em biết kể bằng lời của mình một câu chuyện về quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Đồng thời, giúp các em hiểu chuyện, biết trao đổi với các bạn nội dung, ý nghĩa câu chuyện.

Tóm tắt lý thuyết

1.1. Đề bài

Đề bài: Kể một câu chuyện em đã được nghe hay đã đọc nói về quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

Gợi ý:

1. Nội dung:

a) Những truyện cổ tích giải thích nguồn gốc các hiện tượng hoặc sự vậ trong thiên nhiên, ví dụ: Cóc kiện Trời, Sự tích chú Cuội cung trăng (Tiếng Việt 3, tập hai).

b) Những truyện kể về tình cảm thân thiết, gắn bó giữa con người với thiên nhiên:

- Tình cảm con người với những vật nuôi trong nhà, ví dụ: Tìm ngọc, Con chó nhà hàng xóm (Tiếng Việt 2, tập một).

- Con người làm bạn với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để cải thiện cuộc sống của mình, ví dụ: Ông Mạnh thắng Thần Gió (Tiếng Việt 5, tập hai).

- Thiên nhiên giúp đỡ con người, ví dụ: Những người bạn tốt (Tiếng Việt 5, tập một).

2. Cách kể chuyện

a) Giới thiệu câu chuyện sẽ kể.

b) Kể diễn biến câu chuyện.

c) Có thể nêu cảm nghĩ của bản thân về câu chuyện.

3. Thảo luận: Con người cần làm gì để thiên nhiên mãi tươi đẹp.

1.2. Bài kể mẫu

    Hôm sinh nhật, Hùng nhận được rất nhiều quà. Nhưng cậu ta thích nhất là chiếc lồng bẫy chim của người anh họ gửi cho. Chiếc lồng làm bằng những thanh tre vuốt tròn. Phía trên có một cái lưới và miếng gỗ nhỏ, rắc thức ăn lên đó để ngoài sân, hễ chim đậu vào mổ thóc là miếng gỗ bật lên, lưới ụp xuống. Hùng mừng quá, chạy khoe với bố. Bố bảo :

- Thứ đồ chơi này không tốt. Con không nên bắt chim làm gì !

- Con sẽ nhốt chim vào lồng và nuôi cho chim hót.

    Rồi Hùng lấy thóc rắc lên miếng gỗ, đem bẫy đặt ngoài vườn. Hùng nấp vào gốc cây, chờ mãi vẫn không thấy con chim nào bay tới. Hùng để bẫy ở đó đi ăn cơm trưa. Sau bữa ăn, cậu vui mừng thấy lưới đã sập. Một chú chim nhỏ đang giãy giụa trong lưới. Hùng bắt chim bỏ vào lồng và chạy vào khoe với bố:

- Bố ơi, bố xem này, con bẫy được một chú họa mi.

- Đây là chim sâu, đừng làm tội nó con ạ! Tốt hơn thì con thả nó ra...

    Hùng thưa lại bố:

- Bố yên tâm, con sẽ chăm sóc nó chu đáo !

   Mấy hôm đầu, Hùng đều rắc thóc cho chim, thay nước, rửa lồng... Đến ngày thứ năm, Hùng quên mất. Bố Hùng bảo :

- Đấy, con quên chim rồi. Cứ thả nó ra là hơn.

- Con sẽ không quên nữa! Con đi lấy thóc và thay nước ngay bây giờ. Tội nghiệp chú chim nhỏ của tôi!

   Hùng mở cửa lồng lau chùi. Chú chim sợ hãi, cuống cuồng đập cánh bay khắp lồng. Hùng dọn sạch lồng xong, bỏ đi lấy thóc và nước mà quên đóng cửa lồng. Hùng vừa bước đi, chú chim nhỏ vội bay qua cửa sổ thoát thân. Không ngờ, chim đập đầu vào cửa kính ngã lăn xuống nền nhà. Hùng vội chạy đến bắt chim bỏ vào lồng. Chú chim nhỏ nằm bẹp xuống, sải cánh và thở mệt nhọc. Hùng nhìn chim rồi nước mắt chảy :

- Bố ơi, con làm thế nào bây giờ hả bố ?

    Bố nhìn con lắc đầu :

- Biết làm thế nào được nữa !

    Suốt ngày, Hùng không rời chiếc lồng. Con chim nhỏ vẫn nằm thở dồn dập. Sáng hôm sau, Hùng lại gần lồng chim. Con chim nhỏ đã nằm ngửa, chân duỗi thẳng cứng đờ. Từ đấy, Hùng không bao giờ bẫy chim nữa.

    Câu chuyện có ý nghĩa thật sâu sắc. Chim chóc cũng như con người phải được sống tự do và sống cùng đồng loại. Nếu cô đơn và mất tự do, chim cũng vô cùng đau đớn và khó bề sông nổi.

  • Thông qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc các em cần:
    • Chọn được một truyện viết về quan hệ giữa con người với thiên nhiên và kể lại được rõ ràng, đủ ý.
    • Hiểu được nội dung câu chuyện. Biết trao đổi về ý nghĩa câu chuyện.
    • Rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đặc biệt là kĩ năng nói, kể chuyện trước đám đông.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?