TRƯỜNG THCS CẨM SƠN | ĐỀ THI THỬ HSG CẤP TRƯỜNG Môn: SINH HỌC 8 Năm học: 2020 – 2021 Tổng thời gian làm bài: 120 phút |
ĐỀ BÀI
Câu 1 (4,5 điểm):
Phân tích những đặc điểm chứng minh bộ xương người thích nghi với lao động và đi đứng thẳng? Nêu các biện pháp vệ sinh hệ vận động?
Câu 2 (4,25 điểm):
Hồng cầu có những đặc điểm gì để phù hợp với chức năng mà nó đảm nhận? Sự phân loại các nhóm máu được căn cứ vào những yếu tố nào, giải thích?
Câu 3 (3,0 điểm): Thế nào là hô hấp trong, quá trình đó diễn ra như thế nào?
Câu 4 (3,75 điểm):
Tại sao nói "Nhai kỹ lại no lâu", bằng kiến thức sinh học hãy giải thích câu nói đó? Kể tên những chức năng cơ bản của gan?
Câu 5 (4,5 điểm):
a. Thế nào là tuyến nội tiết, tuyến ngoại tiết, cho ví dụ?
b. Điểm khác nhau giữa phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện, cho ví dụ?
ĐÁP ÁN
Câu 1:
- Người có nguồn gốc từ động vật thuộc lớp thú. Tổ tiên loài người chuyển từ lối sống trên cây xuống mặt đất, dáng đứng thẳng có mầm mống từ lối sống trên cây được củng cố giúp phát hiện kẻ thù từ xa.
- Sự củng cố dáng đi, đứng thẳng kéo theo những biến đổi hình thái của cột sống, lồng ngực và xương chậu, đồng thời hai chi trước được giải phóng khỏi chức năng di chuyển để thực hiện chức năng cầm nắm dụng cụ lao động.
- Quá trình lao động thúc đẩy sự biến đổi hình thái mạnh mẽ dẫn tới những khác biệt lớn về bộ xương và hệ cơ.
+ Những biến đổi ở xương đầu: Hộp sọ phát triển chứa não với thể tích lớn, sọ lớn hơn mặt, trán rô, không có gờ mày trên hốc mắt, xương hàm nhỏ, hình thành lồi cằm nơi bám cơ vận động lưỡi, góc quai hàm bé, răng bớt thô, răng nanh ít phát triển, xương mặt nhỏ, xương đỉnh và xương chẩm phát triển dẫn tới vị trí đính của sọ trên cột sống đẩy dần về phía trước đảm bảo cân đối và thuận lợi cho sự vận động của đầu về bốn phía.
+ Cột sống: cong ở 4 chỗ tạo thành 2 hình chữ S nối với nhau giúp cơ thể có tư thế đứng thẳng. lồng ngực dẹp theo hướng trước sau và nở sang hai bên.
+ Sự phân hóa của xương, khớp tay khác xa động vật chính là kết quả lao động và đứng thẳng trong lịch sử tiến hóa; ở người tay dài hơn chân. Khớp vai linh động, xương cổ tay nhỏ, các ngón linh hoạt phù hợp với lao động, khớp chậu đùi có hố khớp sâu vì vậy đảm bảo vững chắc, nhưng hạn chế vận động của đùi.
+ Các khớp cổ chân, bàn chân khá chặt chẽ, xương chậu nở rộng, xương đùi lớn, bàn chân có các ngón ngắn, xương gót lớn và kéo dài về phía sau, bàn chân hình vòm thích nghi đi đứng thẳng.
+ Dáng đi đứng thẳng và lao động làm cho hệ cơ cũng biến đổi, cơ mặt phân hóa có khả năng biểu lộ tình cảm; cơ nhai có tác dụng đưa hàm lên xuống qua lại để nghiền thức ăn và không phát triển như đông vật.
- Các cơ mông, cơ đùi, cơ cẳng chân lớn khỏe, cử động chân chủ yếu là gập duỗi; các cơ tay phân hóa nhiều cùng với khớp ở xương cổ tay và bàn tay linh hoạt làm cho cử động tay phong phú như quay cánh tay, gập duỗi và xoay cổ tay... vì vậy sự cử động của bàn tay linh hoạt và thuận lợi cho sử dụng công cụ lao động...
Biện pháp vệ sinh hệ vận động.
- Thường xuyên rèn luyện thân thể và luyện tập TDTT hợp lí.
- Lao động vừa sức, không mang vác các vật nặng quá sức để tránh cong vẹo cột sống.
- Ngồi học, làm việc đúng tư thế, không ngồi lệch người, gò lưng...
- Cần tắm nắng vào buổi sáng cho trẻ em để tăng lượng vitamin D có lợi cho xương...
- Ăn uống đủ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lí...
Câu 2:
- Hồng cầu trưởng thành chứa chủ yếu là hêmôglôbin (huyết cầu tố hay huyết sắc tố-Hb) thực hiện chức năng vận chuyển khí.
- Số lượng: Hồng cầu trung bình trong 1mm3 của nam là 4,5 triệu, ở nữ 4,2 triệu; một người trung bình có khoảng 4,5 lít máu, và khoảng 20 ngàn tỉ hồng cầu, tổng diện tích hồng cầu lên tới 2500-3000m2.
- Hình dạng: Dẹt, hình đĩa tròn, lõm hai mặt, dày khoảng 1,8- 2,3µm (micrômet), đường kính là 7,5µm.
- Kích thước: Nhỏ làm cho số lượng hồng cầu tăng lên trong cùng một thể tích dẫn đến tăng diện tích tiếp xúc với các khí, đồng thời hình dạng dẹt lõm 2 mặt làm cho phân tử hêmôglôbin không nơi nào nằm cách xa màng nên có thể thực hiện tốt chức năng của mình.
- Hồng cầu trưởng thành mất nhân nên ít tiêu hao năng lượng cho bản thân, lại có chỗ để chứa Hb nhiều hơn; ngoài ra, cấu tạo lõm 2 mặt làm cho hồng cầu có thể tiếp nhận nước một cách chừng mực nào đó khi nồng độ muối trong máu dao động mà không bị vỡ.
- Chức năng: Hb của hồng cầu kết hợp được với ôxi và khí cácbonic, giúp hồng cầu thực hiện chức năng mang khí ôxi cung cấp cho tế bào và mang khí cacbonic rời khởi tế bào.
* Sự phân loại nhóm máu căn cứ vào 2 yếu tố:
- Yếu tố kháng nguyên có trong hồng cầu người là A và B.
- Yếu tố kháng thể có trong huyết tương là α và β. Thực chất α gây kết dính A và β gây kết dính B nên trên cùng một cơ thể α và A không cùng tồn tại cũng như β và B cũng không cùng tồn tại.
+ Do vậy 4 nhóm máu có thành phần kháng nguyên, kháng thể như sau:
Nhóm | Kháng nguyên (trong hồng cầu) | Kháng thể ( trong huyết tương) |
A | có A | có β |
B | có B | có α |
AB | có A và B | không có α và β |
O | không có A và B | có cả α và β |
Câu 3:
Hô hấp trong: Là quá trình trao đổi khí giữa máu với các tế bào.
- Quá trình hô hấp trong:
+ Máu đỏ tươi, giàu ôxi được tim chuyển đến các tế bào. Tế bào luôn tiêu dùng ôxi trong quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ để giải phóng năng lượng cần cho mọi hoạt động sống của tế bào (dị hóa) nên nồng độ ôxi luôn luôn thấp hơn so với nồng độ ôxi trong máu từ tim chuyển tới, trong khi đó nồng độ khí CO2 do quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ tạo ra, luôn luôn cao.
+ Kết quả là xảy ra quá trình trao đổi khí giữa máu với các tế bào thông qua nước mô nhờ hiện tượng khuếch tán: ôxi từ máu chuyển sang tế bào để thực hiện sự hô hấp trong (thực chất là quá trình dị hóa); sản phẩm của quá trình này là CO2 và H2O. CO2 do tế bào sinh ra được chuyển sang máu, máu nhiễm khí CO2 trở thành máu đỏ thẫm và được chuyển về tim để đưa lên phổi, thực hiện trao đổi khí ở phổi.
* Tóm lại: Hô hấp ngoài tạo điều kiện cho hô hấp trong, thực chất là quá trình dị hóa, trong đó có sự phân giải các chất hữu cơ nhờ ôxi, tạo năng lượng cho mọi hoạt động sống của tế bào, đồng thời tạo ra các sản phẩm phân hủy trong đó có CO2. Ôxi được lấy từ trong không khí hít vào và CO2 được đưa ra ngoài cơ thể trong không khí thở ra.
Câu 4:
- Cơ thể thường xuyên lấy chất các chất dinh dưỡng để xây dựng cơ thể, đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng và phát triển thông qua thức ăn.\
- Thức ăn bao gồm nhiều loại hợp chất hữu cơ phức tạp như gluxit, lipit, prôtêin...nhưng cơ thể không sử dụng trực tiếp được mà phải qua quá trình chế biến thành những hợp chất đơn giản nhờ các cơ quan tiêu hóa như ( miệng, dạ dày, ruột, gan, tụy...).
- Nhai là công việc đầu tiên của cơ quan tiêu hóa giúp nghiền nhỏ thức ăn, đây là mặt biến đổi quan trọng của quá trình biến đổi cơ học, tạo điều kiện cho sự biến đổi hóa học được tiến hành thuận lợi với sự tham gia của các enzim có trong tiêu hóa (nước bọt, dịch vị, dịch tụy, dịch ruột...).
- Nhai càng kỹ, thức ăn càng nhỏ, diện tích tiếp xúc với dịch tiêu hóa càng lớn, tiêu hóa càng nhanh và thức ăn càng được biến đổi triệt để, cơ thể càng hấp thụ được nhiều dinh dưỡng hơn so với nhai qua loa, chếu cháo, do đó nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể được đáp ứng tốt hơn, no lâu hơn.
- No đây là no về mặt sinh lí, chứ không phải "no căng bụng" nghĩa là cơ thể tiếp nhận được nhiều dinh dưỡng hơn khi nhai kỹ.
* Các chức năng của gan:
- Chức năng tiêu hóa: Mật gồm muối mật và và cacbônat axit natri (NaHCO3), muối mật giúp nhũ tương hóa và tạo điều kiện cho lipaza hoạt động.
- Chức năng điều hòa: gồm điều hòa lượng Glucozơ trong máu...
+ Điều hòa các axit amin, prôtêin huyết tương (fibrinôgen, anbumin, glôbulin đều do gan sản xuất ra).
+ Điều hòa li pit.
+ Điều hòa thân nhiệt.
- Chức năng bài tiết: như khử độc; gan còn là nơi phá hủy hồng cầu già..
Câu 5:
a. Tuyến Ngoại tiết: là tuyến có ống dẫn, chất tiết của tuyến đến cơ quan gây tác dụng.
Ví dụ: Tuyến nước bọt, tuyến tụy, tuyến nhờn, tuyến mồ hôi.
- Tuyến Nội tiết: là tuyến tiết không có ống dẫn, chất tiết của nó là hoocmôn ngấm thẳng vào máu để đến các tế bào và cơ quan, làm ảnh hưởng tới quá trình sinh lí, trao đổi chất của các cơ quan và cơ thể.
Ví dụ: Tuyến yên, tuyến giáp, tuyến phó giáp, tuyến trên thận.
b. Điểm khác nhau giữa phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện.
Nội dung | Phản xạ không điều kiện | Phản xạ có điều kiện |
Nguồn gốc | - mang tính bẩm sinh VD: phản xạ co khi chạm tay vào nước nóng | - hình thành trong cuộc sống VD: thói quen đánh răng buổi sáng |
Cơ sở thần kinh | - Trung ương thần kinh nằm ở các bộ phận dưới vở não. VD: phản xạ tiết nước bọt | - Trung ương thần kinh nằm ở vỏ não. VD: bồ câu bị phá hủy vỏ não thì không nhận ra được thức ăn hàng ngày |
Tính chất và khả năng di truyền | - Có tính chủng loài và di truyền được | - Mang tính cá thể, không di truyền được. |
Về thời gian tồn tại | - Tồn tại lâu và bền vững VD: phản xạ tiết mồ hôi khi trời nóng | - Không bền vững, dễ mất đi nếu không được củng cố. VD: học bài |
Mối tương quan giữa kích thích và phản xạ | - Biểu hiện tương ứng với kích thích. VD: Trời nóng cơ thể luôn tiết mồ hội | - Biểu hiện không tương ứng với kích tích, cùng một kích thích có thể gây ra nhiều phản ứng khác nhau |
---
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề thi thử HSG cấp trường môn Sinh học 8 năm 2020 trường THCS Cẩm Sơn có đáp án. Để xem thêm các tài liệu khác các em vui lòng đăng nhập vào trang Chúng tôi để tham khảo và tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !
Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số tài liệu cùng chuyên mục tại đây: