TRƯỜNG THCS ĐÀO DUY ANH | ĐỀ THI HSG CẤP TRƯỜNG Môn: SINH HỌC 8 Năm học: 2020 – 2021 Tổng thời gian làm bài: 90 phút |
ĐỀ BÀI
Câu 1: Máu có chức năng gì? Trình bày cơ chế cầm máu?
Câu 2: Một người bình thường, hô hấp thường 18 nhịp/phút, người này hô hấp sâu là 12 nhịp/phút, biết rằng mỗi nhịp của hô hấp thường cần 400 ml không khí/phút; người hô hấp sâu cần 600 ml/phút.
a) Hãy tính lưu lượng khí lưu thông, khí vô ích và hữu ích tới phế nang, cho biết khí vô ích ở khoảng chết của mỗi nhịp hô hấp thường và hô hấp sâu là 150 ml.
b) Phân biệt hô hấp thường và hô hấp sâu.
Câu 3: Nêu cấu tạo và chức năng của các dây thần kinh tủy? Tại sao nói dây thần kinh tủy là dây pha? Giải thích.
Câu 4: Hoocmôn tuyến tụy có vai trò gì? Từ hiểu biết trên hãy trình bày nguyên nhân, biểu hiện và hậu quả của bệnh tiểu đường?
Câu 5:
a. Tế bào trong cơ thể có những hình dạng nào? Vì sao tế bào có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau? Tính chất sống của tế bào thể hiện như thế nào?
b. Phân tích những đặc điểm tiến hoá của hệ cơ người so với hệ cơ thú?
Câu 6:
a. Gan đóng vai trò gì đối với tiêu hóa, hấp thụ thức ăn? Tại sao người bị bệnh gan không nên ăn mỡ động vật?
b. Khi nuốt ta có thở không? Vì sao? Giải thích tại sao vừa ăn vừa cười nói lại bị sặc?
Câu 7: Cấu tạo của đường dẫn khí phù hợp với chức năng làm ấm, ẩm và lọc sạch không khí trước khi vào phổi như thế nào? Vì sao không nên thở bằng miệng?
ĐÁP ÁN
Câu 1: Chức năng của máu:
- Vận chuyển O2, chất dinh dưỡng đến tế bào và mang CO2, chất độc thải ra ngoài.
- Điều hòa nhiệt độ, bảo vệ cơ thể.
- Điều hòa, liên lạc các cơ quan bằng con đường thể dịch.
Cơ chế cầm máu có 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Mạch máu co lại: tạo điều kiện cho sự hàn kín vết rách trên mạch. Sự co lại của mạch máu thực ra do nhiều yếu tố tham gia, nhưng vai trò chủ yếu là chất gây co mạch do tiểu cầu tiết ra.
+ Giai đoạn 2: Hình thành nút tiểu cầu bịt tạm thời vết rách do các tiểu cầu bám vào vách mạch và bám vào nhau.
+ Giai đoạn 3: Hình thành khối máu đông hàn chắc vết rách: Khối máu đông này sẽ tồn tại cho tới khi các tế bào vách mạch được tái sinh và liên kết vững chắc. Sự hình thành khối máu đông cũng do nhiều yếu tố tham gia, nhưng yếu tố có vai trò khởi đầu và chủ yếu vẫn là tiểu cầu.
Câu 2:
a. - Một người thở bình thường 18 nhịp/phút, mỗi nhịp hít vào 400ml không khí:
+ Khí lưu thông /phút là: 18 x 400ml = 7200 (ml)
+ Khí vô ích ở khoảng chết là: 150ml . 18 = 2700 (ml).
+ Khí hữu ích vào đến phế nang là: 7200ml – 2700ml = 4500 (ml).
Khi người đó thở sâu 12 nhịp/phút mỗi nhịp hít vào 600ml
+ Khí lưu thông /phút là: 600ml.12 = 7200 (ml)
+ Khí vô ích ở khoảng chết là: 150ml . 12 = 1800 (ml)
+ Khí hữu ích vào đến phế nang là : 7200ml – 1800ml = 5400 (ml)
b. Sự khác nhau giữu hô hấp thường và hô hấp sâu:
Hô hấp thường | Hô hấp sâu |
- Diễn ra một cách tự nhiên, không ý thức. - Số cơ tham gia vào hoạt động hô hấp ít hơn (chỉ có sự tham gia của 3 cơ: Cơ nâng sườn, cơ giữa sườn ngoài và cơ hoành). - Lưu lượng khí được trao đổi ít hơn | - Là một hoạt động có ý thức. - Số cơ tham gia vào hoạt dộng hô hấp nhiều hơn (ngoài 3 cơ tham gia trong hô hấp thường còn có sự tham gia của cơ ức đòn chũm, cơ giữa sườn trong, cơ hạ sường. - Lưu lượng khí được trao đổi nhiều hơn. |
Câu 3:
- Cấu tạo: Tủy sống có 31 đôi dây thần kinh gọi là các dây thần kinh tủy. Mỗi dây thần kinh tủy bao gồm các nhóm sợi thần kinh cảm giác nối với tủy sống qua rễ sau (còn gọi là rễ cảm giác) và nhóm sợi thần kinh vận động, nối với tủy sống bằng các rễ trước (còn gọi là rễ vận động). Chính các nhóm sợi liên quan đến các rễ này sau khi đi qua khe giữa hai đốt sống liên tiếp đã nhập lại thành dây thần kinh tủy.
- Chức năng: Dây thần kinh tủy thuộc loại dây thần kinh pha, tức vừa dẫn truyền xung thần kinh cảm giác, vừa dẫn truyền xung thần kinh vận động.
- Giải thích: Gọi dây thần kinh tủy là dây pha vì nó do các bó sợi cảm giác và vận động nhập lại tạo thành, vừa dẫn truyền xung li tâm, vừa dẫn truyền xung hướng tâm.
Câu 4:
- Tuyến tụy có 2 loại hoocmôn chính là: glucagôn vầ insulin do các tế bào ở đảo tụy tiết ra.
+ Insulin có tác dụng biến đổi glucôzơ thành glicôgen; ngược lại glucagôn có tác dụng chuyển hóa glicôgen thành glucôzơ. Nhờ tác dụng đối lập của 2 loại hoocmôn này mà tỉ lệ đường trong máu (glucôzơ huyết) giữ được tương đối ổn định (0,12%).
- Bệnh tiểu đường thường xảy ra khi tỉ lệ đường trong máu liên tục vượt quá mức bình thường, quá ngưỡng thận, nên bị lọc thải ra ngoài theo nước tiểu. Có thể có 2 nguyên nhân:
+ Do các tế bào → của đảo tụy tiết không đủ lượng insulin cần thiết đã hạn chế quá trình chuyển hóa glucôzơ thành glicôgen làm lượng đường huyết tăng cao.
+ Do các tế bào không tiếp nhận insulin, mặc dù các tế bào → của đảo tụy vẫn hoạt động bình thường, làm cản trở sự hấp thu glucôzơ để chuyển hóa thành glicôgen trong té bào, cũng làm lượng đường huyết tăng cao và bị thải ra ngoài theo nước tiểu.
- Biểu hiện và hậu quả: Người bị bệnh tiểu đường thường đi tiểu nhiều (Lượng nước tiểu thải hằng ngày gấp khoảng 10 lần so với người bình thường), khát và uống nhiều nước, ăn nhiều mà vẫn đói. Bệnh nặng có thể dẫn tới tổn thương động mạch vành tim (viêm tắc), động mạch màng lưới dẫn tới mù, ảnh hưởng tới chức năng thận...khong chữa trị kịp thời có thể tử vong.
Câu 5:
a.
+ TB có nhiều hình dạng khác nhau: Hình cầu, hình đĩa, hình sao, thoi, trụ..........
+ TB có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau để thực hiện các chức năng khác nhau.
+ Tính chất sống:
- Tế bào luôn trao đổi chất với môi trường, nhờ đó mà tế bào có khả năng tích lũy vật chất, lớn lên, phân chia giúp cơ thể lớn lên và sinh sản.
- Tế bào còn có khả năng cảm ứng với các kích thích của môi trường.
b. Những đặc điểm tiến hoá của hệ cơ người so với thú là:
- Cơ chi trên phân hoá → cử động linh hoạt, đặc biệt là cơ ngón cái rất phát triển.
- Cơ chi dưới tập trung thành nhóm cơ lớn, khoẻ (cơ mông, đùi) ® di chuyển, nâng đỡ …
- Cơ vận động lưỡi phát triển giúp cho vận động ngôn ngữ nói.
- Cơ nét mặt mặt phân hoá giúp biểu hiện tình cảm qua nét mặt.
Câu 6:
a. Vai trò của gan:
- Tiết dịch mật để giúp tiêu hóa thức ăn.
- Dự trữ các chất (glicogen, các vitamin: A,D,E,B12).
- Khử độc các chất trước khi chúng được phân phối cho cơ thể.
- Điều hoà nồng độ protein trong máu như fibrinogen, albumin...
* Người bị bệnh gan không nên ăn mỡ động vật vì khi gan bị bệnh, dịch mật ít. Nếu ăn mỡ thì khó tiêu và làm bệnh gan nặng thêm.
b.
- Khi nuốt thì ta không thở: Vì lúc đó khẩu cái mềm (lưỡi gà) cong lên đậy hốc mũi, nắp thanh quản (tiểu thiệt) hạ xuống đạy kín khí quản nên không khí không ra vào được.
- Vừa ăn vừa cười đùa bị sặc: Vì Dựa vào cơ chế của phản xạ nuốt thức ăn. Khi nuốt vừa cười vừa nói, thì nắp thanh không đạy kín khí quản ® thức ăn có thể lọt vào đường dẫn khí làm ta bị sặc.
Câu 7:
- Làm ẩm là do các lớp niêm mạc tiết chất nhày bên trong đường dẫn khí
- Làm ấm là do có mao mạch dày, căng máu và ấm nóng dưới lớp niêm mạc.
- Làm sạch không khí có:
+ Lông mũi giữ lại các hạt bụi lớn, chất nhày do lớp niêm mạc tiết ra giữ lại các hạt bụi nhỏ, lớp lông rung chuyển động liên tục quét chúng ra khỏi khí quản
+ Các tế bào limpho ở các hạch amidan, VA có tác dụng tiết kháng thể để vô hiệu hóa các tác nhân gây bệnh
- Thở bằng miệng không có các cơ quan làm ấm, ẩm và lọc sạch không khí như thở bằng mũi do đó dễ bị mắc các bệnh về hô hấp
---
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề thi HSG cấp trường môn Sinh học 8 năm 2020 trường THCS Đào Duy Anh có đáp án. Để xem thêm các tài liệu khác các em vui lòng đăng nhập vào trang Chúng tôi để tham khảo và tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !
Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số tài liệu cùng chuyên mục tại đây: