Đề thi HSG cấp huyện môn Sinh học 8 năm 2020 phòng GD & ĐT Phù Ninh có đáp án

 

PHÒNG GD & ĐT PHÙ NINH

ĐỀ THI HSG CẤP HUYỆN

Môn: SINH HỌC 8

Năm học: 2020 – 2021

Tổng thời gian làm bài: 120 phút

 

ĐỀ BÀI

Câu 1.

a. Ở người có mấy nhóm máu? Nêu đặc điểm của từng nhóm máu?

b. Người chồng có nhóm máu O, người vợ có nhóm máu B. Huyết thanh của một bệnh nhân làm ngưng kết máu của người chồng mà không làm ngưng kết máu của người vợ. Bệnh nhân có nhóm máu gì? Giải thích?

Câu 2.

a) Nêu các đặc điểm cấu tạo và chức năng của đại não người để chứng tỏ sự tiến hóa của người so với các động vật khác trong lớp Thú.

b) Cơ quan phân tích thị giác gồm những bộ phận nào? Vì sao ảnh của vật hiện trên điểm vàng lại nhìn rõ nhất? Ở tuổi các em, trong học tập và sinh hoạt cần chú ý những gì để mắt không bị cận thị?

Câu 3.

a) Sự tạo thành nước tiểu gồm những quá trình nào? Chúng diễn ra ở đâu?

b) Thành phần nước tiểu đầu khác với máu ở chỗ nào? Vì sao có sự khác nhau đó?

Câu 4.

Chứng minh rằng đồng hoá và dị hoá là hai quá trình mâu thuẫn nhưng thống nhất trong cùng một cơ thể sống?

Câu 5.

Hãy chứng minh “Tế bào vừa là đơn vị cấu tạo cơ bản của cơ thể, vừa là một cơ thể sống hoàn chỉnh”?

Câu 6.

Tại sao những người làm việc ở nơi không khí có nhiều khí cacbon ôxit (khí CO) lại bị ngộ độc?

ĐÁP ÁN

Câu 1.

a. Ở người có 4 nhóm máu A, B, AB, O

- Nhóm máu A: Hồng cầu có kháng nguyên A, huyết tương có kháng thể b.

- Nhóm máu B: Hồng cầu có kháng nguyên B, huyết tương có kháng thể a.

- Nhóm máu AB: Hồng cầu có cả kháng nguyên A và B, huyết tương không có cả a lẫn b.

- Nhóm máu O: Hồng cầu không có cả kháng nguyên A và B, huyết tương có cả a lẫn b.

- Trong đó a  là kháng thể tương ứng của kháng nguyên A, b là kháng thể tương ứng của kháng nguyên B

b.

- Nguyên tắc khi truyền máu là “không cho kháng nguyên kháng thể tương ứng gặp nhau”.

- Ta có sơ đồ nguyên tắc truyền máu như sau:

Theo sơ đồ nguyên tắc truyền máu và bài ra rõ ràng người bệnh có nhóm máu B vì nhóm máu này khi truyền sẽ làm ngưng kết người có nhóm máu O (người chồng) nhưng không làm ngưng kết nhóm máu B (người vợ).

Câu 2.

Các đặc điểm cấu tạo và chức năng của đại não người:

- Đại não ở người rất phát triển, che lấp các phần khác của não bộ.

- Bề mặt đại não là vỏ não có nhiều nếp gấp với các khe và rãnh, chia mỗi nửa thành 4 thùy => làm tăng diện tích bề mặt vỏ não.

- Đại não chiếm tới 85% khối lượng não bộ và chứa khoảng 75% số nơron trong tổng số 100 tỉ nơron của não bộ; chiều dài mạch máu rất dài (560 km), lượng máu cung cấp rất lớn.

- Đại não có nhiều vùng phụ trách nhiều chức năng khác nhau, trong đó có các vùng hiểu tiếng nói, chữ viết, vùng vận động ngôn ngữ; là trung ương của các phản xạ có điều kiện.

- Cơ quan phân tích thị giác gồm: Các tế bào thụ cảm thị giác (tế bào nón, tế bào que) nằm trong màng lưới cầu mắt; dây thần kinh thị giác (dây số II); vùng thị giác ở thùy chẩm.

- Ảnh của vật hiện trên điểm vàng lại nhìn rõ nhất vì: Điểm vàng là nơi tập trung chủ yếu của tế bào nón, mà tế bào nón có khả năng tiếp nhận kích thích ánh sáng mạnh và màu sắc. Mặt khác, một tế bào nón liên hệ với một tế bào thần kinh thị giác qua tế bào 2 cực. Nên ảnh của vật hiện trên điểm vàng sẽ giúp ta nhìn rõ nhất.

- Trong học tập và sinh hoạt cần chú ý để mắt không bị cận thị:

+ Viết và đọc cần giữ đúng khoảng cách hợp lí.

+ Không xem ti vi quá gần, ngồi với máy vi tính quá lâu.

+ Học tập nơi có đủ ánh sáng, không đọc sách báo trên tàu xe bị xóc nhiều.

+ Giữ cho môi trường luôn sach sẽ, tránh các tác nhân gây bệnh cho mắt...

Câu 3.

a. Sự tạo thành nước tiểu gồm các quá trình:

- Quá trình lọc máu ở cầu thận tạo nước tiểu đầu.

- Quá trình hấp thụ lại các chất dinh dưỡng, chất cần thiết ở ống thận.

- Quá trình bài tiết tiếp các chất độc, chất không cần thiết ở ống thận tạo nước tiểu chính thức.

b. Nước tiểu đầu khác với máu ở chỗ: Nước tiểu đầu không có các tế bào máu và protein.

Vì: các tế bào máu và protein có kích thước lớn hơn lỗ lọc nên vẫn ở lại trong máu.

Câu 4.

- Mâu thuẫn:

+ Đồng hoá tổng hợp chất hữu cơ, dị hoá phân huỷ chất hữu cơ

+ Đồng hoá tích luỹ năng lượng, dị hoá giải phóng năng lượng.

- Thống nhất:

+ Đồng hoá cung cấp nguyên liệu cho dị hoá, dị hoá cung cấp năng lượng cho đồng hóa.

+ Đồng hoá và dị hoá cùng tồn tại trong một cơ thể sống, nếu thiếu một trong hai quá trình thì sự sống không tồn tại.

Câu 5.

- Tế bào là đơn vị cấu tạo cơ bản của cơ thể:

+ Cơ thể là tập hợp các hệ cơ quan, hệ cơ quan tập hợp các cơ quan, các cơ quan tập hợp các mô, mô tập hợp nhiều tế bào giông nhau cùng thực hiên một chức năng.

+ Mọi tế bào trong cơ thể đều có cấu tạo giông nhau gồm: Màng, chất tế bào và nhân.

- Tế bào là cơ thể sống hoàn chỉnh :Tế bào có sinh trưởng và phát triển, có trao đổi chất với môi trường trong cơ thể, có sinh sản (Chấm điểm tối đa nếu có phân tích)

Câu 6.

- Trong hồng cầu của người có Hêmôglôbin (Hb), Hb thực hiện chức năng kết hợp lỏng lẻo với ôxi để vận chuyển ôxi cho các tế bào; kết hợp lỏng lẻo với khí cacbonic (CO2) để chuyển về phổi và thải ra ngoài.

- Trong môi trường không khí có khí độc cacbon ôxit (CO), chất khí này (CO) kết hợp rất chặt chẽ với Hb nên việc giải phóng CO của Hb diễn ra rất chậm, làm cho hồng cầu mất tác dụng vận chuyển ôxi và thải khí CO2. Do đó gây độc cho cơ thể: không cung cấp đủ ôxi cho não gây hoa mắt và gất xỉu, không thoát hết lượng CO2 ra khỏi cơ thể → ngộ độc

---

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề thi HSG cấp huyện môn Sinh học 8 năm 2020 phòng GD & ĐT Phù Ninh có đáp án. Để xem thêm các tài liệu khác các em vui lòng đăng nhập vào trang Chúng tôi để tham khảo và tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số tài liệu cùng chuyên mục tại đây:

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?