Đề thi HSG cấp huyện môn Sinh học 8 năm 2020 phòng GD & ĐT huyện Thái Hòa có đáp án

 

PHÒNG GD & ĐT THÁI HÒA

ĐỀ THI HSG CẤP TRƯỜNG

Môn: SINH HỌC 8

Năm học: 2020 – 2021

Tổng thời gian làm bài: 90 phút

 

ĐỀ BÀI

Câu 1 (6.0 điểm):

a. Miễn dịch là gì? Cơ thể có những loại miễn dịch chủ yếu nào?

b. Có quan niệm cho rằng: “ Tiêm văc xin cũng giống như tiêm thuốc kháng sinh cho cơ thể nhanh khỏi bệnh” điều đó có đúng không?  Vì sao?

c. Hãy mô tả đường đi của máu từ đầu tới tay phải?

Câu 2 (5.0 điểm):

a. Vào ban đêm, khi ánh sáng yếu vì sao ta không nhìn rõ màu sắc của vật ?

b. Chứng minh tế bào là đơn vị chức năng của cơ thể.

Câu 3 (3.0 điểm):

a. Trình bày quá trình tiêu hoá và hấp thụ lipit trong cơ thể?

b. Thành phần nước tiểu đầu khác với máu ở đặc điểm nào, vì sao có sự khác nhau đó?

Câu 4 (6.0 điểm):

a. Nêu đặc điểm cấu tạo của xương dài phù hợp với chức năng của nó?

b. Khi phân tích thành phần hoá học trong khẩu phần ăn một ngày của một học sinh lớp 8 có 400g thức ăn thành phần Gluxit, 490 mg canxi, 88mg Vitamin C ..... Do sai sót nên người phân tích không ghi lại khối lượng của thành phần thức ăn Prôtêin và Lipit. Hãy xác định khối lượng các chất Prôtêin và Lipit có trong thức ăn trong ngày của học sinh đó.

Biết tỷ lệ năng lượng cung cấp cho cơ thể của các chất Gluxit: Prôtêin: Lipit là 6:2:1; tỷ lệ tiêu hoá Gluxit, Prôtêin, Lipit lần lượt là 90%, 80%, 60% và tỷ lệ hấp thụ các chất đều đạt 100%.

ĐÁP ÁN

Câu 1:

a.

- Khái niệm: Miễn dịch là khả năng cơ thể không mắc một số bệnh nào đó.

- Các loại miễn dịch chính: 2 loại

+ Miễn dịch tự nhiên: Cơ thể không bao giờ mắc một số bệnh của động vật khác (MD bẩm sinh) hoặc đã một lần bị bệnh và không mắc lại bệnh đó nữa (MD tập nhiễm).

+ Miễn dịch nhân tạo: Cơ thể được tiêm phòng văc xin của một bệnh nào đó sẽ miễn dịch với bệnh đó.

b.

- Ý kiến đó sai.

- Vì:

+ Tiêm văc xin là tiêm các loại vi khuẩn, virut gây bệnh đã được làm yếu hoặc chất độc do VK, VR tiết ra để kích thích cơ thể tạo ra kháng thể để chống lại bệnh đó ( chủ động).

+ Tiêm kháng sinh là tiêm trực tiếp kháng thể kháng bệnh vào cơ thể giúp cơ thể khỏi bị bệnh ( bị động)

c.

- Đường đi của máu từ đầu tới tay phải:

Máu đi theo con đường: từ đầu qua tĩnh mạch chủ trên → tâm nhĩ phải → Tâm thất phải  → Động mạch phổi → Phổi → Tĩnh mạch phổi → tâm nhĩ trái → Tâm thất trái → động mạch chủ → động mạch nhỏ  hơn → Tay phải.

Câu 2.

a. Ban đêm ta không nhìn rõ màu sắc của vật vì:

- Khi ánh sáng yếu chỉ có tế bào que hoạt động;

- Tế bào que không có khả năng tiếp nhận kích thích về màu sắc.

b.

- TB là đơn vị chức năng của cơ thể vì tất cả các hoạt động sống của cơ thể đều xảy ra ở tế bào.

- Màng sinh chất: Thực hiện chức năng trao đổi chất giữa tế bào với môi trường trong cơ thể.

- Chất tế bào: Là nơi xảy ra các hoạt động sống của tế bào, do có các bào quan thực hiện các chức năng sống khác nhau như:

+ Ti thể: Tham gia hoạt động hô hấp giải phóng năng lượng.

+ Ribôxôm: Là nơi tổng hợp prôtêin.

+ Bộ máy gôngi: Có vai trò thu nhận, hoàn thiện và phân phối các sản phẩm.

+ Trung thể: Tham gia quá trình phân chia và sinh sản tế bào.

+ Lưới nội chất: Tổng hợp vận chuyển các chất.

- Nhân tế bào: Là nơi điều khiển các hoạt động sống của tế bào

+ NST: Là cấu trúc quy định sự hình thành prôtêin có vai trò quyết định trong sự di truyền.

+ Nhân con: Chứa rARN cấu tạo nên ribôxôm

- Tất cả các hoạt động nói trên xảy ra trong tế bào làm cơ sở cho sự sống, sự lớn lên và sinh sản của cơ thể, đồng thời giúp cơ thể phản ứng chính xác các tác động của môi trường sống.

Câu 3.

a. Trình bày quá trình tiêu hoá và hấp thụ lipit trong cơ thể?

- Quá trình tiêu hoá lipit:

+ Lipit được dịch mật do gan tiết ra làm nhũ tương hoá thành các giọt nhỏ trong ruột non.

+ Dưới tác dụng của enzim lipaza do dịch ruột và tuỵ tiết ra, lipit được phân thành axit béo và glixerin.

- Quá trình hấp thụ lipit: axit béo và glixerin được hấp thụ vào tế bào niêm mạc ruột tại đây chúng kết hợp lại thành lipit và được đưa vào mạch bạch huyết để đổ về tim rồi phân phối đi các nơi.

b.

- Nước tiểu đầu khác với máu ở chỗ: nước tiểu đầu không có tế bào máu và protein.

- Vì: các tế bào máu và protien có kích thước lớn hơn lỗ lọc nên vẫn ở lại trong máu

Câu 4. Đặc điểm cấu tạo của xương dài phù hợp với chức năng của nó?

- Thân xương:

+ Màng xương: có các tế bào có khả năng phân chia → hóa xương → giúp xương to ra.

+ Mô xương cứng → chịu lực, đảm bảo vững chắc

+ Khoang xương: chứa tủy đỏ ở trẻ em → sinh hồng cầu, chứa tủy vàng ở người lớn.

- Hai đầu xương:

+ Sụn có các tế bào có khả năng phân chia, hóa xương → giúp xương dài ra.

+ Mô xương xốp xếp hình cung → Phân tán lực, tạo ô chứa tủy.

+ Khối lượng Gluxit được tiêu hoá: 400 x 90% = 360g.

Năng lượng do Gluxit cung cấp cho cơ thể là: 360 x 4,3 = 1548 (Kcal).

+ Tính khối lượng Prôtêin có trong thức ăn

Năng lượng do Prôtêin cung cấp cho cơ thể : (1548:6)x 2 = 516 (Kcal).

Khối lượng Prôtêin được tiêu hoá: (516: 4,1) ≈ 126g.

Khối lượng Prôtêin có trong thức ăn:126 x(100:80) ≈ 157,5 ( g).

+ Tính khối lượng Lipit có trong thức ăn

Năng lượng do Lipit cung cấp cho cơ thể là:1548: 6 = 258(Kcal).

Khối lượng Lipit được tiêu hoá (258: 9,3) ≈ 27,7g.

Khối lượng Lipit có trong thức ăn: 27,7 x(100:60) ≈ 16,2 ( g).

---

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Đề thi HSG cấp huyện môn Sinh học 8 năm 2020 phòng GD & ĐT huyện Thái Hòa có đáp án. Để xem thêm các tài liệu khác các em vui lòng đăng nhập vào trang Chúng tôi để tham khảo và tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Ngoài ra các em có thể tham khảo thêm một số tài liệu cùng chuyên mục tại đây:

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?