Đề thi HSG môn Ngữ văn lớp 11 năm 2019, Sở GD&ĐT ĐăkLăk

     SỞ GD&ĐT ĐĂK LĂK                                              ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11

                                                                                                  NĂM HỌC 2018-2019

                                                                                                     Môn thi: Ngữ văn

                                                                                  Thời gian: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về câu chuyện sau:   

Bạn có biết rằng một con đại bàng biết trước một cơn bão sắp đến từ rất lâu? Đại bàng không chạy trốn bão nhưng bạn có biết nó sẽ làm gì khi bão đến?

Con đại bàng sẽ bay lên một điểm rất cao và chờ gió. Khi bão đến, nó mở rộng đôi cánh để nâng gió lên cao hơn bão. Khi cơn bão đang dữ tợn bên dưới thì đại bàng lại vút lên trên cao.

Đại bàng không tránh bão, nó chỉ nhờ bão tố nâng nó lên cao hơn. Nó bay lên cao hơn những cơn gió mang bão đến.

(Theo http://www.giaoducthoidai.vn)

Câu hỏi 2 (12,0 điểm)

Trong tác phẩm Theo giòng, nhà văn Thạch Lam viết: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”.

Qua một vài truyện ngắn đã học trong chương trình Ngữ văn THPT, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

----------HẾT----------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

Câu 1. (8 điểm)

  • Giải thích
    • Cơn bão: Ẩn dụ cho những khó khăn, gian khổ của cuộc đời.
    • Nhiều con thú tránh bão: bản năng né tránh những khó khăn.
    • → Ý nghĩa câu chuyện: Đại bàng đối mặt với bão và dựa vào đó mà bay lên cao hơn: đối mặt với những khó khăn của cuộc sống sẽ giúp ta không chỉ vượt qua mà còn gặt hái nhiều thành tựu lớn lao hơn.
  • Bàn luận
    • Câu chuyện đại bàng đón bão gợi lên bài học quý về cách ứng xử trước những khó khăn trong cuộc sống.
    • Cuộc sống vốn dĩ ẩn chứa nhiều khó khăn, trở ngại, như cơn bão lớn, có thể vùi dập, tàn phá bất cứ ai. Nhưng nếu ta đối mặt với nó, thì chính những cơn bão ấy sẽ nâng cánh cho ta bay cao, bay xa hơn đến những thành công. (Dẫn chứng)
    • Nhưng không phải lúc nào con người chúng ta cũng đối mặt với khó khăn thử thách và gặt hái được thành công mà cần phải linh hoạt, cần thiết vẫn phải lùi một bước để tiến ba bước.(Dẫn chứng)
    • Phê phán những kẻ thấy khó khăn, trở ngại thì sợ hãi, nản chí, né tránh.
  • Bài học nhận thức và hành động

Câu 2: (6.0 điểm)

Trong tác phẩm Theo giòng, nhà văn Thạch Lam viết: “ Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”.

Qua một vài truyện ngắn đã học trong chương trình Ngữ văn THPT, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

  • Yêu cầu về kĩ năng
    • Biết cách làm bài văn nghị luận văn học.
    • Biết huy động vốn hiểu biết về tác phẩm văn chương, về đời sống có liên quan đến vấn đề cần nghị luận và vận dụng tốt các thao tác lập luận để viết bài văn theo yêu cầu của đề.
    • Diễn đạt trong sáng, mạch lạc; có những cách viết sáng tạo, độc đáo.
    • Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, diễn đạt,…
  • Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể có nhiều cách trình bày những suy nghĩ của mình nhưng cần đảm bảo những yêu cầu sau.
    • Giải thích: “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”
      • Sứ mệnh của nhà văn là đi tìm và phát hiện cái đẹp cái khuất lấp ở những nơi tưởng như không thể tồn tại cái đẹp để giúp người đọc có cách nhìn nhận, đánh giá về cuộc sống, con người và thưởng thức tác phẩm một cách đúng đắn và có ý nghĩa nhất.
      • Thí sinh cần xác định được thế nào là cái đẹp tiềm ẩn và thế nào là nơi không ai ngờ tới.
        • Cái đẹp kín đáo, che lấp là cái đẹp ẩn đằng sau vẻ bề ngoài xù xì, gai góc, thô kệch, tầm thường… Đó thường là vẻ đẹp của nhân cách, của tình người, khát vọng, sức sống, tài năng…
        • Nơi không ai ngờ tới chính là hoàn cảnh, là môi trường không phù hợp, thuận lợi cho cái đẹp.
    • Chứng minh và bình luận
      • Vận dụng kiến thức về truyện ngắn đã học, đã đọc trong chương trình THPT để chứng minh và bình luận về ý kiến của Thạch Lam.
        • Bình luận: Ý kiến của Thạch Lam rất xác đáng:
          • Một trong những chức năng của văn học là chức năng thẩm mỹ vì vậy đi tìm và phát hiện cái đẹp chính là công việc, là sứ mệnh của nhà văn.
          • Cái đẹp hiện rõ giữa cuộc đời thì ai cũng có thể cảm nhận được nên không nhất thiết phải cần đến vai trò của nhà văn.
          • Nhà văn phải là người không ngừng tìm tòi, phát hiện để phản ánh hiện thực một cách sâu sắc, toàn diện và đóng góp cho văn học những giá trị mới nên phải đi tìm, phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của đối tượng ở nơi tưởng chừng như không thể tồn tại cái đẹp.
          • Công việc ấy của nhà văn giúp người đọc thêm tin tưởng, có cái nhìn tinh tế nhạy cảm với cuộc sống, con người và thấy bất ngờ, thú vị khi thưởng thức tác phẩm, thưởng thức vẻ đẹp cuộc sống.
          • Muốn làm tốt công việc ấy nhà văn cần phải gắn bó với cuộc sống, con người, có cái nhìn sâu sắc, tinh tế và có tài trong việc thể hiện cái đẹp tiềm ẩn.
        • Chứng minh: Làm sáng tỏ nhận định qua một vài tác phẩm truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn THPT
          • Thí sinh cần lựa chọn được những tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Chí Phèo…  trong chương trình có khả năng làm sáng tỏ nhận định để phân tích.
          • Khi phân tích, thí sinh cần:
            • Nhận diện và làm nổi bật được cái đẹp tiềm ẩn nơi tưởng như không thể có cái đẹp mà tác giả đã phát hiện, tìm kiếm trong tác phẩm.
            • Rút ra bài học về nhận thức, đánh giá cuộc sống, con người và thưởng thức mà tác phẩm đem lại.
            • Đánh giá về tấm lòng và tài năng của nhà văn qua tác phẩm.
          • Trong truyện Hai đứa trẻ: cái Đẹp thầm kín là trái tim nhân hậu, chan chứa yêu thương trong tâm hồn cô bé Liên: Cái Đẹp hiền hòa của những con người nghèo khổ mà sống với nhau tình nghĩa, thân ái, yêu thương,…
          • Trong truyện ngắn Chữ người tử tù: Cái Đẹp lí tưởng tài năng - thiên lương và khí phách trong sự đối nghịch cảnh ngộ. Cái Đẹp là sự gặp gỡ, hội tụ, tỏa sáng và bất tử trong chốn lao tù - nơi mà thông thường chỉ có cái xấu, cái ác ngự trị…
          • Trong truyện ngắn Chí Phèo: cái Đẹp là bản tính lương thiện của con người, là tình yêu thương con người, khát vọng cuộc sống đời thường…
    • Đánh giá, nâng cao     
      • Ý kiến của Thạch Lam đã thể hiện tiêu chuẩn để đánh giá vai trò, sứ mệnh của nhà văn; mối quan hệ giữa nhà văn và người đọc trong việc phát hiện cái Đẹp chìm khuất đằng sau sự vật, sự việc, hoàn cảnh… hướng người đọc đến chân trời của cái Đẹp trong cuộc sống và con người.
  • Lưu ý: 
    • Bài làm đầy đủ bố cục ba phần, không mắc chính tả, từ ngữ...
    • Bài làm với giọng văn mượt mà, trong sáng; diễn đạt chặt chẽ, trôi chảy; dẫn chứng phù hợp, sáng tạo.
    • Giám khảo cần có cái nhìn tổng thế về bài viết, không đếm ý cho điểm, đánh giá cao những bài viết sáng tạo, lí giải hợp lí, chặt chẽ, thuyết phục.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm;

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?