Đề thi HSG môn Ngữ văn lớp 11 năm 2019, Trường THPT Liễn Sơn

    SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC                                       ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11

TRƯỜNG THPT LIỄN SƠN                                                   NĂM HỌC 2018-2019

                                                                                                   Môn thi: Ngữ văn

                                                                                  Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1 (6.0 điểm)

Một niềm vui một nỗi buồn

Nếu phải giữ một mình suốt đời

Bạn có thể chết vì nó

 

Một điều hiểu một ý nghĩ

Nếu phải giữ một mình suốt đời

Có thể làm bạn điên

 

Cái gánh nặng

Nhìn - nghĩ - yêu thương

 

Mối hy vọng

Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác

(Một niềm vui một nỗi buồn - Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Thi - NXB Văn học 1994, tr.175)

Suy nghĩ của anh/chị về vấn đề đặt ra trong bài thơ trên.

Câu 2: (14,0 điểm)

Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.

(Trích Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ điều đó qua tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao và  bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu.

----------HẾT----------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. LƯU Ý CHUNG:

Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây chỉ là những yêu cầu kiến thức cơ bản. Giám khảo cần vận dụng đáp án cho linh hoạt, khuyến khích những bài viết có tính sáng tạo, có cảm xúc.

II. ĐÁP ÁN:

Câu 1. (6.0 điểm)

  • Yêu cầu về kĩ năng:
    • Có kĩ năng làm kiểu bài nghị luận xã hội, lí lẽ rõ ràng, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, dẫn chứng hợp lí. Bài viết đảm bảo kết cấu 3 phần: Mở - Thân - Kết.
  • Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể tự do bày tỏ quan điểm của cá nhân song cần đưa ra được những lí lẽ thuyết phục.
  • Sau đây là một vài gợi ý:
    • Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
    • Thân bài
      • Giải thích
        • Một niềm vui một nỗi buồn/ Nếu phải giữ một mình suốt đời/ Bạn có thể chết vì nó... Có thể làm bạn điên...Niềm vui hay nỗi buồn cần được chia sẻ với những người xung quanh. Nếu phải giữ một mình suốt đời, không sẻ chia với người khác, con người có thể chết vì nó... trở nên cô đơn trong thế giới của chính mình.
        • Mối hy vọng/Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác: Hai câu thơ khẳng định con người cần có những tâm hồn đồng điệu để chia sẻ những buồn vui, yêu thương, lo lắng... trong cuộc đời
        • → Bài thơ đặt ra vấn đề về lối sống gắn kết, sẻ chia, yêu thương giữa người với người.
      • Bàn luận
        • Bài thơ trên thể hiện một quan niệm đúng đắn và sâu sắc về lối sống đẹp của con người.
          • Vì sao giữ niềm vui, nỗi buồn, điều hiểu, ý nghĩ một mình suốt đời con người có thể chết vì nó? Bởi lẽ:
            • Khi con người không biết sẻ chia, cảm thông với người khác, với cuộc sống xung quanh thì họ sẽ trở nên cô đơn trong thế giới của chính mình.
            • Sống khép kín, không chia sẻ cũng là nguyên nhân khiến cho con người không tìm thấy điểm tựa, mất niềm tin vào cuộc sống.
          • Vì sao Mối hi vọng/Mỗi tâm hồn cần có tâm hồn khác?
            • Để có một cuộc sống bình thường, con người phải đặt mình trong những mối quan hệ xã hội: quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc, gia đình, quan hệ với những người xung quanh. Nếu tách mình khỏi những quan hệ xã hội, nếu không chia sẻ, con người sẽ cô đơn và không tìm được ý nghĩa cuộc sống.
            • Khi biết chia sẻ, con người sẽ tạo nên được sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự gắn kết với mọi người xung quanh sẽ giúp con người vượt lên nỗi cô đơn và chiến thắng nỗi sợ hãi.
        • Mở rộng, nâng cao vấn đề:
          • Đôi khi, con người cũng cần những khoảng trời riêng, những phút cô đơn rất cần cho sự sáng tạo, nhưng cô đơn không có nghĩa là tự cô lập, tự tách mình ra khỏi cuộc sống.
          • Lối sống sẻ chia để gắn kết với xung quanh là cần thiết nhưng cũng cần có sự lựa chọn, tránh những kết nối xô bồ thiếu chọn lọc có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của mình.
          • Phê phán những người sống thu mình, ích kỉ, thờ ơ, vô cảm với những người xung quanh.
      • Rút ra bài học, liên hệ bản thân
        • HS chia sẻ những trải nghiệm của bản thân và bài học sâu sắc rút ra được từ vấn đề đã bàn luận. HS tự liên hệ bản thân để chọn cho mình một lối sống đúng đắn.
  • Kết luận: Khái quát lại vấn đề

Câu 2 (7,0 điểm):

Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.

(Trích “Tiếng nói của văn nghệ” - Nguyễn Đình Thi)

Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên? Hãy làm sáng tỏ điều đó qua tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao và  bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu. (14 điểm)

  • Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học nghệ thuật và yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.
  • Giải thích:
    • Tác phẩm: đứa con tinh thần, sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ.
    • Nghệ sĩ: người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.
    • Vật liệu mượn ở thực tại: hiện thực là chất liệu để xây dựng nên tác phẩm.
    • Ghi lại cái đã có rồi: sao chép y nguyên cuộc sống như nó vốn có.
    • Muốn nói một điều gì mới mẻ: tác phẩm thể hiện cách nhìn và cách khám phá riêng về hiện thực đồng thời gửi gắm những thông điệp của người nghệ sĩ.
    • Cặp quan hệ từ: không những….mà còn….: chỉ quan hệ bổ sung.
    • ⇒ Ý kiến khẳng định vai trò của hiện thực đời sống đối với văn học và đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ.
  • Lí giải vấn đề:
    • Vì sao tác phẩm nào cũng xây dựng bằng chất liệu mượn ở thực tại?
      • Thực tại đời sống là cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó có sáng tác văn chương. Không có cuộc sống sẽ không có sáng tạo nghệ thuật.
      • Thực tại đời sống là đề tài vô tận cho văn chương khai thác và phản ánh, là nguồn chất liệu vô cùng phong phú sinh động cho nhà văn lựa chọn và sử dụng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Nó còn là cái nôi nuôi dưỡng nhà văn, là mảnh đất nhà văn sống và hình thành cảm xúc.
      • Văn học trở thành tấm gương phản chiếu thực tại đời sống để qua tác phẩm, người đọc có thể hình dung được “sự sống muôn hình vạn trạng”. Không bám sát đời sống, nhà văn sẽ không thể cho ra đời những tác phẩm văn học giàu “chất sống”. Nếu thoát li thực tại văn chương sẽ rơi vào siêu hình, thần bí.
    • Vì sao nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ?
      • Không thể đánh đồng thực tại đời sống với văn chương vì làm như vậy là hạ thấp văn chương và không hiểu về giá trị của những sáng tạo nghệ thuật.
      • Nếu chỉ ghi lại những cái đã có rồi sẽ không thỏa mãn được nhu cầu lí giải những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Người đọc sẽ chỉ thấy trong tác phẩm văn học những điều họ đã thấy được ở ngoài cuộc đời, khi đó văn chương sẽ không còn cần thiết, người đọc chỉ cần sống với cuộc đời thực là đủ. Vì thế tác phẩm văn học sẽ nhạt nhẽo, vô vị thiếu sức cuốn hút.
      • Thực tại đời sống được cảm nhận dưới con mắt của người nghệ sĩ bao gồm những điều mà mọi người đều thấy và cả vấn đề mà người khác chưa thấy - những điều sâu sắc và mới mẻ luôn phát sinh từ cuộc sống.
      • Những chất liệu thực tại cần sự sắp xếp và tái hiện, sáng tạo trên cơ sở những gì đã có để từ những mảng rời rạc của đời sống tạo thành một chỉnh thể nghệ thuật. Đó là nhờ tài năng và công phu lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.
      • Sáng tạo nghệ thuật thuộc lĩnh vực tinh thần mà đặc trưng của nó là tính cá thể hóa cao độ, đòi hỏi nhà văn phải đem đến cho văn chương một tiếng nói riêng, phong cách riêng, nếu không tác phẩm sẽ rơi vào quên lãng.
      • Thực tại đời sống được người nghệ sĩ ghi lại không phải là sự phản ánh một cách máy móc, rập khuôn mà được phản chiếu qua tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc mãnh liệt của tác giả trước hiện thực. Người nghệ sĩ không chỉ phản ánh cuộc sống mà còn gửi gắm, kí thác những ước mơ khát vọng về cuộc đời. Qua tác phẩm ta thấy được thông điệp tinh thần người nghệ sĩ gửi vào tác phẩm.
    • Chứng minh qua tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao)
      • Chất liệu từ thực tại đời sống.
        • Bức tranh nông thôn Việt Nam trước Cách mạng ngột ngạt, đen tối với nhiều mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, địa chủ với địa chủ.
        • Cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh và những thành kiến nặng nề ở nông thôn, những người nông dân lạnh lùng xa cách nhau.
      • Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:
        • Khám phá hiện thực ở bề sâu: Viết về cuộc sống của những người nông dân Nam Cao không chỉ đề cập đến nỗi khổ đau về vật chất mà xoáy sâu vào bi kịch tinh thần đau đớn: bi kịch tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người. Khái quát hiện tượng mang tính quy luật: chừng nào xã hội còn những áp bức bất công thì những người nông dân bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người sẽ không chấm dứt.
        • Tiếng nói nhân đạo sâu sắc và mới mẻ: Nam Cao vẫn thể hiện niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người ngay cả khi họ bị hủy hoại cả nhân hình và nhân tính. Khẳng định tình thương có sức cảm hóa lớn, khơi dậy, đánh thức phần người bị vùi lấp, chà đạp. Trân trọng, đề cao khát vọng được làm người đúng nghĩa.
      • Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ: Kết cấu vòng tròn, trần thuật theo mạch tâm lí, điểm nhìn trần thuật linh hoạt, tình huống truyện độc đáo, xây dựng nhân vật điển hình, kiểu nhân vật đa diện, miêu tả sâu sắc diễn biến tâm lí nhân vật; chi tiết nghệ thuật độc đáo; ngôn ngữ đa thanh; có sự kết hợp hài hòa giữa đối thoại và độc thoại, giữa lời gián tiếp với lời nửa trực tiếp. Nam Cao đã góp phần cách tân văn xuôi Việt Nam.
    • Chứng minh qua Vội vàng (Xuân Diệu)
      • Chất liệu mượn từ thực tại đời sống.
        • Bức tranh mùa xuân tràn đầy sự sống, sức xuân (ong bướm, hoa, lá, đồng nội, yến anh, ánh sáng…); bức tranh hoàng hôn buồn….
        • Thời gian một đi không trở lại, trong cái tồn tại đã có cái mất đi, trong cái thắm tươi đã có dấu hiệu của sự phai tàn, rơi rụng.
      • Cách nhìn, cách cảm riêng về cuộc sống:
        • Cuộc sống hiện lên thật đẹp qua con mắt “xanh non” của nhà thơ. Ông đã phát hiện ra “thiên đường trên mặt đất”, bữa tiệc dưới trần gian, thiên nhiên rạo rực trong tình yêu đôi lứa.
        • Quan niệm thẩm mĩ mới mẻ: Con người giữa mùa xuân và tuổi trẻ giữa cuộc đời là chuẩn mực, thước đo của mọi vẻ đẹp (ánh sáng chớp hàng mi; tháng giêng ngon như cặp môi gần).
        • Khẳng định bản sắc của cái tôi cá nhân: đó là người khổng lồ của khát vọng muốn đoạt quyền tạo hóa; cái tôi gắn bó với cuộc sống trần gian, thèm yêu, khát sống, muốn thâu vào mình mọi hương sắc, mật nhụy của cuộc đời; cái tôi đòi hưởng thụ. Cách hưởng thụ cuộc sống như tận hưởng tình yêu và thi sĩ là tình nhân của cuộc đời.
        • Quan niệm nhân sinh mới mẻ: hạnh phúc là được tận hưởng cuộc sống tối đa, chạy đua với thời gian, sống tích cực, sống cao độ để tận hưởng từng giây phút của cuộc đời. Tác phẩm truyền đến người đọc thông điệp hãy trân trọng mỗi phút giây của mùa xuân và tuổi trẻ, đừng sống hoài, sống phí.
      • Sáng tạo nghệ thuật mới mẻ:
        • Thể thơ tự do, cấu trúc câu thơ hiện đại (câu vắt dòng, kiểu câu định nghĩa mang tính triết lí…). Nhịp hành khúc, giọng quyền uy; sử dụng các biện pháp điệp từ, điệp cấu trúc, liệt kê; nhiều động từ, tính từ mạnh (ôm, riết, say, thâu, hôn, cắn; chuếnh choáng, đã đầy, no nê…), tất cả tạo nên chất nhạc tươi trẻ, sôi nổi, rạo rực, cuống quýt, vội vàng. Nhạc điệu của thơ là nhạc của “nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này”. Xuân Diệu xứng đáng là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới.
  • Bàn luận:
    • Nhận định đã đề cập đến mối quan hệ mật thiết giữa cuộc sống và nghệ thuật, đồng thời khẳng định vị trí, tài năng của tác giả và giá trị, sức sống lâu bền của tác phẩm qua sự sáng tạo riêng mới mẻ, độc đáo của mỗi tác phẩm.
    • Người nghệ sĩ phải gắn bó với cuộc đời và cảm nhận cuộc sống ở bề sâu mới có thể phát hiện ra những điều mới mẻ nằm trong những chất liệu quen thuộc của thực tại. Người nghệ sĩ cũng cần phải có cá tính sáng tạo thể hiện bản sắc riêng của mình vào tác phẩm từ đó đóng góp cho văn chương những điều mới mẻ. Để làm được điều đó người nghệ sĩ phải có tài năng, lương tâm trách nhiệm nghề nghiệp.
    • Qua tác phẩm người đọc nắm bắt được hiện thực đời sống, khám phá cái nhìn, cách cảm mới mẻ mang phong cách riêng của người nghệ sĩ.
    • Tiêu chí đánh giá tác phẩm nghệ thuật không chỉ là phản ánh chân thực, thấu đáo bản chất của hiện thực cuộc sống mà còn ở những điều mới mẻ người nghệ sĩ gửi gắm, kí thác vào tác phẩm nghệ thuật của mình.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?