ĐỀ THI HỌC KÌ I NĂM HỌC 2018-2019
TRƯỜNG THPT LƯƠNG VĂN CAN NGỮ VĂN LỚP 11
I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
- Con ơi
trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
(Lời mẹ dặn - Phùng Quán)
Câu 1: (1.0 điểm)
Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?
Câu 2: (1.0 điểm)
Chỉ ra và nêu hiệu quả của các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 3: (1.0 điểm)
Anh/Chị hiểu thế nào về cụm từ: “ngon ngọt nuông chiều” trong câu “Dù ai ngon ngọt nuông chiều. Cũng không nói yêu thành ghét”?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về quan niệm sống là một người chân thật.
Câu 2: (5.0 điểm)
Phân tích nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân.
----------HẾT----------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)
Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2. Các biện pháp nghệ thuật:
- Liệt kê, điệp từ: vui, yêu, ghét
- Đối lập: cười - khóc; yêu - ghét; ngon ngọt nuông chiều - cầm dao dọa giết.
- Điệp cấu trúc: Dù… cũng không…
- Tác dụng: Làm cho đoạn thơ trở nên sinh động, gợi cảm, nhấn mạnh và làm rõ quan niệm sống làm người chân thật.
Câu 3. Hiểu cụm từ: “ngon ngọt nuông chiều”:
- Dùng những lời đường mật, những hứa hẹn, nịnh nọt… để dụ dỗ, cám dỗ, lôi kéo người khác.
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc thay đổi chính mình được gợi ở phần Đọc hiểu.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của quan niệm sống là một người chân thật.
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể từ phương châm sống thể hiện trong phần Đọc hiểu) để nêu vấn đề cần nghị luận.
- Các câu phát triển đoạn:
- Giải thích: Người chân thật là người sống chân thật chính, sống có sự nhất quán giữa bên ngoài và bên trong. Sự nhất quán thể hiện trong suy nghĩ và hành động, không hề che lấp bất cứ thứ gì.
- Phân tích, chứng minh, bàn luận về thay đổi chính mình:
- Sống chân thật là một phẩm chất đáng quý của con người, là một lối sống đẹp. Người sống chân thật, không lừa dối người khác sẽ luôn nhận được sự tin yêu của tất cả mọi người xung quanh.
- Đây là thước đo giá trị đạo đức của một con người. Sống biết trước biết sau không gian dối.
- Nhưng trong cuộc sống này mấy ai sống chân thật với nhau. Ai cũng chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình mà sống giả dối với mọi người.
- Dẫn chứng: cấp dưới thấy cấp trên nói sai sẽ không dám nói lại, học sinh thấy bạn bè, thầy cô sai cũng không dám lê tiếng,…
- Đôi khi chúng ta phải buộc buông bỏ đi cái tôi cá nhân để sống phù hợp với môi trường xung quanh.
- Có những lúc, trong một số trường hợp thì chúng ta cần phải sống không thật với lòng mình nhưng chỉ trong phạm vi cho phép mà thôi. Những người như vậy không hẳn là họ sống không chân thật, nhiều lúc do hoàn cảnh bắt buộc nên chúng ta phải chấp nhận điều này nhưng không có nghĩa là chúng ta mãi mãi sống giả dối
- Phê phán những kẻ có lối sống gian dối, giả tạo,…
- Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: hiểu được lối sống là một người chân thật, từ đó tích cực học tập và rèn luyện nhân cách, đạo đức, lối sống chuẩn mực.
- Sáng tạo
- Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu
- Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2: (5,0 điểm)
- Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
- Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật Huấn Cao
- Biết cách làm bài nghị luận về một đoạn thơ trong tác phẩm văn học
- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
- Nội dung:
- Mở bài
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, và nhân vật
- Thân bài
- Nguyên mẫu: Cao Bá Quát - một người văn võ song toàn
- Người có khí phách hiên ngang bất khuất:
- Thủ lĩnh đứng đầu tổ chức cách mạng, có tài “bẻ khóa vượt ngục”, “văn võ đều có tài”, “chọc trời quấy nước”, coi thường tiền bạc và bạo lực.
- Coi thường cái chết, sắp bị tử hình vẫn hiên ngang “Huấn Cao, lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”, hành động của người tự do, tuy thất bại nhưng vẫn hiên ngang.
- Không khuất phục trước cường quyền, không vì tiền bạc, danh lợi mà cho chữ và cả đời mới chỉ viết tặng ba người bạn thân.
- Ung dung tự tại, bình thản “thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”.
- Khinh bạc, mắng đuổi viên quản ngục “ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.
- Con người tài hoa nghệ sĩ:
- Giới thiệu nghệ thuật viết thư pháp.
- Huấn Cao có tài viết chữ đẹp “chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm”, “cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?”, “có được chữ ông Huấn mà treo là có một vật báu trên đời”.
- Nét chữ thể hiện khí phách ngang tàn của một anh hung “nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”.
- Huấn Cao ý thức được tài viết chữ của mình “chữ ta thì đẹp thật, quý thật”.
- Người có thiên lương cao cả, trong sáng:
- Coi khinh tiền tài danh vọng “chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”.
- Không dùng tài để tìm kiếm danh lợi, phục vụ phi nghĩa “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”.
- Trước khi nhận rõ tấm lòng viên quản ngục, Huấn Cao chỉ coi y là loại cặn bã, tiểu lại giữ tù nên đối xử rất cao ngạo, coi thường.
- Khi nhận rõ tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của người chọn nhầm nghề, Huấn Cao ngạc nhiên, băn khoăn, tìm cách “báo đáp một tấm lòng trong thiên hạ”, coi quản ngục là tri âm, tri kỷ, trân trọng người có thiên lương, yêu cái đẹp, cái thiện.
- Nghệ thuật thể hiện:
- Nguyễn Tuân đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo.
- Nghệ thuật tạo không khí cổ xưa cho tác phẩm.
- Sử dụng triệt để thủ pháp tương phản đối lập, cách khắc họa nhân vật theo bút pháp lãng mạn, làm nổi bật gay gắt giữa cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác, lí tưởng và hiện thực.
- …
- Kết bài:
- Đánh giá lại đặc sắc của hình tượng Huấn Cao nói riêng và tác phẩm nói chung.
- Mở bài
- Sáng tạo
- Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu
- Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm: