SỞ GD&ĐT ĐỒNG NAI KIỂM TRA GIỮA KÌ I NĂM HỌC 2017-2018
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG THẾ VINH Môn: Ngữ văn – Lớp: 12
(Đề chính thức) (Thời gian làm bài: 90 phút)
I. Đọc hiểu (5.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Từ nhận xét đến phán xét là một khoảng cách rất gần. Nhận xét dù vẫn dựa trên nhận thức và cảm xúc của riêng mình, nhưng vẫn chưa có tính chất ấn định lời nhận xét ấy là không thể thay đổi được nữa như phán xét. Nhận xét có đúng sai thì phán xét cũng có đúng sai. Và cũng như nhận xét, những lời phán xét thường để lên án hay buộc tội kẻ khác chứ ít khi để nâng đỡ. Đối với những người được giao quyền đại diện cho công lý, cho pháp luật thì bắt buộc họ phải đưa ra lời phán xét đúng hay sai để giải quyết vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng đó cũng là việc làm bất đắc dĩ để điều hợp xã hội, ngăn ngừa cái sai lấn át cái đúng. Bởi sự thật, không ai có đủ tư cách làm đại diện cho sự thanh cao hay chân lý để phán xét ai cả. Ai cũng có những sai trái và ai cũng có tố chất thánh thiện.
Khi ta phán xét người kia, tức là ta chỉ thấy được một mặt của họ và ấn định con người họ chỉ là như vậy mãi mãi. Dù hôm qua họ không dễ thương, họ đã gây ra những vụng về hay lầm lỗi, nhưng đứng trước mặt ta hôm nay là một con người mới, một tâm hồn đã lành lặn, một cơ chế tâm thức đã chuyển hóa, thì lời phán xét kia không có giá trị đúng đắn nữa. Dù ta cố tình không nhìn ra và không chấp nhận thì sự thật vẫn là như thế. Càng cố chấp vào thành kiến hay định kiến cũ kỹ của mình thì ta càng tụt lại phía sau của đời sống, ta sẽ không nắm bắt được giá trị mầu nhiệm của sự sống.
(Trích Hiểu về trái tim - Minh Niệm, NXB Trẻ, 2013, tr.161)
1. Xác định nội dung chính của văn bản. (0.5 điểm)
2. Nêu hai thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản. (1.0 điểm)
3. Theo tác giả, tại sao không ai có đủ tư cách làm đại diện cho sự thanh cao hay chân lý để phán xét ai cả? (0.5 điểm)
4. Giải thích ý nghĩa của các từ ngữ sau: Chân lí, thành kiến, phán xét, nhận xét. (1.0 điểm)
5. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 15 dòng) theo hình thức diễn dịch với câu chủ đề: Chúng ta không nên phán xét người khác một cách phiến diện. (2.0 điểm)
II. Làm văn (5.0 điểm)
Cảm nhận bức tranh thiên nhiên miền Tây và vẻ đẹp của người lính Tây Tiến qua đoạn thơ:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
(Trích Tây Tiến - Quang Dũng, SGK Ngữ văn 12 Cơ bản, tập I, NXB Giáo dục, 2007, tr88)
---- HẾT ----
GỢI Ý ĐÁP ÁN
I. Đọc hiểu
1. Nội dung của văn bản: So sánh lời phán xét và lời nhận xét; mặt trái của lời phán xét. 0.5
2. Hai thao tác lập luận chính: Học sinh nêu được hai trong ba thao tác sau: 1.0
- Thao tác lập luận so sánh
- Thao tác lập luận bình luận
- Thao tác lập luận phân tích.
3. Theo tác giả "Không ai có đủ tư cách làm đại diện cho sự thanh cao hay chân lý để phán xét ai cả", vì: "Ai cũng có những sai trái và ai cũng có tố chất thánh thiện." 0.5
4. Giải thích ý nghĩa của các từ ngữ sau: Chân lí, thành kiến, phán xét, nhận xét. 1.0
- Chân lí: Sự thật khách quan được thừa nhận.
- Thành kiến: Ý kiến nhận xét không hay về ai hoặc vấn đề nào đó đã ăn sâu, khó thay đổi.
- Phán xét: Xem xét, đánh giá có tính chất quyết định.
- Nhận xét: Đưa ra ý kiến đánh giá về đối tượng nào đó.
5. Học sinh viết được đoạn văn:
a. Yêu cầu về kĩ năng: 0.5
- Biết cách viết đoạn văn; đoạn văn hoàn chỉnh theo lối diễn dịch, chặt chẽ.
- Diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.
- Đảm bảo dung lượng như yêu cầu đề.
b. Yêu cầu về kiến thức: 1.5
- Nêu luận đề: Trích dẫn nguyên văn câu chủ đề: "Chúng ta không nên phán xét người khác một cách phiến diện"
- Giải thích: Phán xét phiến diện là nhìn nhận vấn đề một chiều mà không thấy được sự bao quát, không hiểu được bản chất.
- Hậu quả của lời phán xét phiến diện:
+ Đem đến cái nhìn lệch lạc, thiếu chính xác về con người, sự việc
+ Phủ nhận mặt tích cực của đối tượng.
+ Hình thành định kiến rất khó thay đổi.
- Bài học cho bản thân:
+ Nhìn nhận con người và sự việc một cách toàn diện.
+ Sống nhân hậu, bao dung với cuộc đời.
+ Thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải nhưng phải hợp lí, thuyết phục; Giáo viên linh hoạt trong đánh giá.
II. Làm văn
1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận. 0.25
2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bức tranh thiên nhiên miền Tây và vẻ đẹp của người lính Tây Tiến. 0.25
3. Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. 4.0
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
- Cảm nhận bức tranh thiên nhiên miền Tây:
- Thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt với địa hình đèo dốc hiểm trở, vắng lặng, mênh mông.
- Núi rừng miền Tây còn thơ mộng qua cái nhìn lãng mạn của người lính Tây Tiến.
- Trên cái nền hành quân là thiên nhiên miền Tây, hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên với:
- Tư thế hiên ngang, bản lĩnh khi chinh phục thành công địa hình núi non hiểm trở.
- Phong cách tinh nghịch, hóm hỉnh; tâm hồn lãng mạn, yêu đời.
- Nghệ thuật: Ngôn ngữ thơ giàu chất họa và chất nhạc; hình ảnh thơ đối lập, tương phản; giọng thơ vừa gân guốc, khỏe khoắn vừa mềm mại, thơ mộng.
- Đánh giá: Đoạn thơ cho thấy:
+ Những gian khổ trên con đường hành quân của những người lính Tây Tiến.
+ Bản lĩnh anh hùng và tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính.
+ Đoạn thơ thể hiện phong cách thơ tài hoa của Quang Dũng.
- Thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải nhưng phải hợp lí, thuyết phục; Giáo viên linh hoạt trong đánh giá.
4. Sáng tạo. 0.25
- Có cách diễn đạt sáng tạo.
- Có suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ.
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu 0.25
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Tài liệu Đề thi giữa HK 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017-2018 - THPT Chuyên Lương Thế Vinh, tỉnh Đồng Nai. Để tham khảo thêm nội dung của Đề thi giữa HKI môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017-2018 - THPT Chuyên Lương Thế Vinh, tỉnh Đồng Nai các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.