SỞ GD&ĐT NAM ĐỊNH KIỂM TRA GIỮA KÌ I NĂM HỌC 2017-2018
TRƯỜNG THPT NAM TRỰC Môn: Ngữ văn – Lớp: 12
(Đề chính thức) (Thời gian làm bài: 90 phút)
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
(Chân quê, Nguyễn Bính)
Câu 1: Xác định thể thơ của bài thơ trên. Nêu tác dụng của việc sử dụng thể thơ đó? ( 0.5 điểm)
Câu 2: Trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã sử dụng các biện pháp tu từ nào? Nêu hiệu quả nghệ thuật của các biện pháp tu từ đó? (1.0 điểm)
Câu 3: Qua bài thơ trên anh(chị) hiểu nghĩa của từ chân quê như thế nào? (1.0 điểm)
Câu 4: Anh(chị) có đồng tình với quan điểm của nhà thơ được thể hiện trong các câu thơ:
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hay không? Vì sao? (Học sinh trình bày một đoạn văn từ 6-8 dòng) (0.5 điểm)
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió”. (Trích Đường đến ngày vinh quang – nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập)
Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nhận định trên
Câu 2 (5.0 điểm)
Về đoạn thơ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.”
(Trích Tây Tiến – Quang Dũng – SGK Ngữ Văn 12, tập 1 – Trang 88)
Có ý kiến cho rằng: Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt. Ý kiến khác lại khẳng định: Đoạn thơ vẽ nên bức tượng đài về người chiến sĩ Tây Tiến gian khổ, hi sinh song cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa.
Từ cảm nhận của mình về đoạn thơ, anh (chị) suy nghĩ như thế nào về hai ý kiến trên.
GỢI Ý ĐÁP ÁN
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1: Mục đích của câu hỏi nhằm đánh giá khả năng nhận biết về thể thơ của văn bản.(0.5 điểm)
- Mức đầy đủ:
+ Thể thơ lục bát / lục bát (0.25điểm).
+ Tác dụng: giọng điệu bài thơ trở nên tâm tình, tha thiết, thể hiện thành công tâm trạng của nhân vật trữ tình. ( 0.25 điểm) .
- Mức không tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 2:
- Mức đầy đủ:
+ Nêu được hai trong ba biện pháp nghệ thuật: câu hỏi tu từ, điệp ngữ “nào đâu”, liệt kê trang phục của cô gái: cái yếm lụa sồi, cái dây lưng đũi…) (0.5 điểm).
+ Tác dụng: Hình ảnh thơ trở nên sinh đông, gợi hình, biểu cảm; Nhấn mạnh sự thay đổi trong cách ăn mặc của cô gái, làm mất đi cái gốc gác, đằm thắm của chốn thôn quê và tâm trạng của nhân vật trữ tình – trách móc, xót xa, nuối tiếc trước sự thay đổi đó. (0.5 điểm).
- Mức không đầy đủ:
+ Nêu được biện pháp nghệ thuật mà không lấy dẫn chứng (0.25 điểm).
+ Nêu một trong hai biểu hiện về tác dụng (0.25 điểm)
- Mức không tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 3:
- Mức đầy đủ: Có thể hiểu “Chân quê” là hồn quê đích thực; là tính cách, vẻ đẹp mộc mạc đằm thắm của quê hương (1.0 điểm)
- Mức không đầy đủ: chỉ trả lời một ý hoặc nêu là vẻ đẹp giản dị mộc mạc (0.5 điểm).
- Mức không tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 4: Đây là câu hỏi mở thí sinh có thể bày tỏ sự đồng tình hoặc phản đối quan niệm của nhà thơ trong các câu thơ đã cho nhưng lí lẽ phải thuyết phục. Nội dung trả lời phải hợp lí.
Có thể trả lời theo định hướng sau: Qua quan niệm của mình nhà muốn thể hiện sự trân trọng với vẻ đẹp mộc mạc giản dị, khẳng định ý thức giữ gìn truyền thống của cha ông. Đặc biệt là cách nói tế nhị, ý tứ, nhẹ nhàng vẫn thể hiện được tình yêu tha thiết, mộc mạc của nhân vật “anh” với người mình yêu.
- Mức đầy đủ: Thí sinh thể hiện được quan điểm của mình, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc…(0.5 điểm)
- Mức không đầy đủ: Học sinh trình bày sơ sài, chung chung chưa thuyết phục.(0.25 điểm)
- Mức không tính điểm: không trả lời hoặc có câu trả lời khác.
II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
1. Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
2. Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0.25 điểm)
- Điểm 0.25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25 điểm)
- Điểm 0.25: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: những hạnh phúc có được trong cuộc sống đều là thành quả của việc bước qua những khó khăn. Vượt qua những giông tố cuộc đời, dù vất vả hay nhọc nhằn niềm vui và thành công đến với con người mới mang ý nghĩa đích thực và vẹn toàn.
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1.0 điểm):
- Điểm 1.0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
* Giải thích ý nghĩa thông điệp của tác giả
+ “Hoa hồng” là loại hoa có hương thơm nồng nàn, có màu sắc rực rỡ, một loại hoa đẹp luôn là biểu tượng cao nhất của tình yêu trong cuộc sống con người. Ở đây hoa hồng là chỉ thành công và hạnh phúc mà con người đạt được.
+ “Mũi gai” được hiểu là những sóng gió những thử thách khó khăn trong cuộc đời. Trong cuộc sống, để có thành công và hạnh phúc ta phải biết vượt qua những sóng gió và thử thách trong cuộc đời.
Muốn có hạnh phúc và thành công trên đường vinh quang mỗi người bắt buộc phải biết “chịu đau” khi gặp những “mũi gai” và “đi qua muôn ngàn sóng gió”.
* Bàn luận
+ Hạnh phúc, vui sướng… luôn là ước mơ cũng là mục tiêu của mọi con người. Nhưng nghịch lí cuộc đời vẫn để khó khăn vất vả chiếm đa phần trong đời mỗi chúng ta. Phải đi qua, thoát ra khỏi đau khổ, con người mới có thành công.
+ Mọi sự thành công đều bao gồm sự hi sinh mất mát và những nỗi đau, nỗi buồn. Biết chấp nhận đau thương, vất vả cũng là biết cố gắng để đi tới đích trên đường vinh quang.
+ Đường vinh quang là đi qua muôn trùng sóng gió - Lời bài hát như khẳng định thêm về ý chí của một con người luôn hiên ngang bước qua mọi gian nan ở đời.
Đó là một bài học ý nghĩa về cách sống mà Trần Lập muốn gửi gắm đến mỗi con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sống tốt đẹp là phải biết đối mặt với thử thách, đối mặt với phong ba bão táp và chiến thắng nó. Thành công sẽ đến với những người không bao giờ chùn bước và run sợ trước khó khăn.
Dẫn chứng:
* Phê phán
+ Trái ngược với những tấm gương luôn sống đương đầu với thử thách thì không ít bạn trẻ ngày nay có lối sống nhút nhát, gặp khó khăn là nản chí, nhụt chí và dễ dàng bỏ cuộc.
+ Cũng không ít người không chịu chấp nhận những thất bại, buồn đau mà khó khăn của mình gây ra, mà tìm cách đi đến thành công bất chấp mọi thủ đoạn.
- Điểm 0.75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
- Điểm 0.5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0.25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo (0.25 điểm)
- Điểm 0.25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm):
- Điểm 0.25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Câu 2 (5.0 điểm):
* Yêu cầu chung : Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng ; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt ; Diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết ; Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
*Yêu cầu cụ thể:
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0.5 điểm):
- Điểm 0.5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề ; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề ; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
- Điểm 0.25: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề ; phần Thân bài biết tổ chức thành 1 đoạn văn.
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận ; Thân bài chỉ có một đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có một đoạn văn
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm) :
- Điểm 0.5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc và vẻ đẹp người lính Tây Tiến qua đoạn thơ)
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận
c) Chia vấn đề nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận, biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và dẫn chứng (3.25 điểm)
- Điểm 3.25 đảm bảo các yêu cầu trên, Có thể trình bày theo định hướng sau:
* Giới thiệu: tác giả, tác phẩm, đoạn trích, trích lời nhận định.
* Giải thích lời nhận định.
* Phân tích:
- Đoạn thơ là bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng song cũng đầy dữ dội, khắc nghiệt:
+ Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng:
Các hình ảnh sương mờ bao phủ cả vùng Tây Bắc rộng lớn, hoa về trong đêm hơi, những ngôi nhà bồng bềnh trong biển sương mờ,...
Không gian núi rừng bao la cứ trải ra mênh mông, vô tận trước mắt người lính.
Những câu thơ nhiều thanh bằng, ...tạo nên bức tranh riêng biệt về thiên nhiên Tây Bắc huyền ảo, thơ mộng.
Thiên nhiên Tây Bắc có những khung cảnh rất đầm ấm là khi người lính được hào mình vào cuộc sống gia đình, quây quần bên bếp lửa, bên nồi xôi nếp đầu mùa. Điều đó đã tạo nên cảm giác êm dịu, ấm áp tình quân dân.
+ Thiên nhiên cũng rất dữ dội, khắc nghiệt:
Các địa danh xa xôi, heo hút: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu.
Là những đường nét đầy gân guốc, chắc khỏe mở ra bức tranh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, hiểm trở vơi những: núi cao, vực sâu, đèo dốc, sương rừng, mưa núi, thác gầm, cọp dữ...-> Khiến cho sự dữ dội của thiên nhiên được đẩy lên cao đến cực độ.
Vẻ hoang dại, dữ dội đầy bí ẩn của núi rừng miền Tây được nhà thơ khai thác theo chiều thời gian. Núi rừng hoang vu luôn là mối đe dọa khủng khiếp đối với con người.
Những câu thơ nhiều thanh trắc, nghệ thuật đối, lặp từ, lặp cấu trúc, ngắt nhịp câu thơ, ...
Với con mắt thi, nhạc, họa kết hợp với cảm hứng bi tráng, lãng mạn Quang Dũng đã tái hiện sinh động một bức tranh nghệ thuật ngôn từ về thiên nhiên Tây Bắc.
- Nhận định thứ hai: Đoạn thơ vẽ nên bức tượng đài về người chiến sĩ Tây Tiến gian khổ, hi sinh song cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa.
+ Họ phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách, mất mát, hi sinh
Ấn tượng đầu tiên của Quang Dũng về người lính Tây Tiến trên đường hành quân là những bước đi mệt mỏi lẩn khuất như chìm đi trong sương dày đặc…
Người lính Tây Tiến phải đối mặt, vượt qua những dốc núi vô cùng hiểm trở với bao gian lao, vất vả: những dốc núi cao như chạm trời xanh, những vực sâu thăm thẳm, những sườn đèo dốc….
Cái hoang dại, dữ dội của núi rừng thường trực, đeo bám người lính Tây Tiến như một định mệnh, luôn hiện hình để hù doạ và hành hạ họ….
Dù can trường trong dãi dầu nhưng có khi gian khổ đã quá sức chịu đựng đã khiến cho người lính gục ngã. Họ hi sinh trong tư thế vẫn hành quân, vẫn chắc tay súng, vẫn ôm lấy và gục lên quân trang….
+ Tâm hồn vẫn rất lãng mạn, hào hoa:
Vẻ tinh nghịch, tếu táo, chất lính ngang tàng như thách thách cùng hiểm nguy, gian khổ của người lính Tây Tiến….
Trên đường hành quân vất vả, họ thả hồn mình vào thiên nhiên, để trút bỏ hết mọi nhọc nhằn khỏi thân xác, phục tâm, phục sức….
Có lúc họ được dừng chân ở một bản giữa rừng sâu, quây quần bên những bữa cơm thắm tình quân dân cá nước. Tình cảm đầm ấm xua tan đi vẻ mệt mỏi trên gương mặt, khiến họ tươi tỉnh hẳn lên
Cái nhìn lãng mạn đã nâng đỡ cho ngòi bút Quang Dũng, tạo nên màu sắc bi tráng khi nói tới sự hi sinh của người lính Tây Tiến.
Nét đẹp trong tâm hồn lãng mạn, hào hoa của những chàng lính thủ đô giúp họ vượt qua được khó khăn, thử thách để tiếp bước
Đánh giá chung:
- Hai nhận định đều khái quát được nội dung cơ bản của đoạn thơ.
- Cả hai đã cho thấy cái nhìn đầy đủ, rõ nét về thiên nhiên Tây Bắc và người lính Tây Tiến hiện về trong nỗi “nhớ chơi vơi” của nhà thơ khi ông đã rời xa Tây Tiến, rời xa con sông Mã.
- Đoạn thơ không chỉ là thiên nhiên Tây Bắc, người chiến sĩ Tây Tiến mà còn là tình yêu, sự gắn bó máu thịt của nhà thơ với Tây Bắc, với Tây Tiến.
- Đoạn thơ là sự phối hợp hài hoà giữa yếu tố hiện thực và bút pháp lãng mạn. Cả đoạn thơ như một bức tranh thuỷ mặc cổ điển được phác thảo theo lối tạo hình phương đông. (so sánh với bút pháp miêu tả người lính trong các sáng tác khác)
* Khái quát lại vấn đề và đánh giá về thành công của tác giả, tác phẩm trong Văn học Việt Nam
- Điểm 2.75 – 3.25: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa chặt chẽ.
- Điểm 2.0 – 2.5: Đáp ứng 2/3 cơ bản các yêu cầu trên còn mắc một số lỗi về dùng từ, đặt câu.
- Điểm 1.5 – dưới 2.0: Đáp ứng 1/2 các yêu cầu trên
- Điểm 0.5 – 1.25: Đáp ứng 1/3 các yêu cầu trên
- Điểm 0.25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
d) Sáng tạo
- Điểm 0.5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ,hình ảnh và các yếu tố biểu cảm…) ; văn viết giàu cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt ; biết so sánh mở rộng, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc, đúng đắn
- Điểm 0.25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, thể hiện được một số suy nghĩ riêng, sâu sắc, đúng đắn
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo, không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm)
- Điểm 0.25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Tài liệu Đề thi giữa HK 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017-2018 - THPT Nam Trực, Tỉnh Nam Định. Để tham khảo thêm nội dung của Đề thi giữa HKI môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017-2018 - THPT Nam Trực, Tỉnh Nam Định các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.