Đề thi giữa HKI môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017 - THPT Lê Hồng Phong

       SỞ GD&ĐT ĐĂK LĂK                                         KIỂM TRA GIỮA KÌ I NĂM HỌC 2017-2018

TRƯỜNG THPT LÊ HỒNG PHONG                                    Môn: Ngữ văn – Lớp: 12

              (Đề chính thức)                                                       (Thời gian làm bài: 90 phút)

Phần I: Đọc - hiểu (3.0 điểm)

Đọc kĩ đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 3:

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không...

(Trích Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)

Câu 1: Tư tưởng chủ đạo của đoạn thơ trên là gì? (0.75 điểm)

Câu 2: Trong đoạn thơ có mấy lần hình ảnh người mẹ xuất hiện, đó là những lần nào, có ý nghĩa gì? (1.5 điểm)

Câu 3: Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 đến 6 dòng) để trình bày suy nghĩ của anh (chị) về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. (0.75 điểm)

Phần II: Làm văn (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:

Ta về, mình có nhớ ta

Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung

                                                                                             (Trích Việt Bắc – Tố Hữu)

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1: (0.75 điểm)

Tư tưởng chủ đạo của đoạn thơ: Hình ảnh Tổ quốc Việt Nam trong một góc nhìn mới – nhìn từ biển đảo quê hương. Trong góc nhìn đó Tổ quốc hiện lên với bao đau thương mất mát không chỉ bởi thiên nhiên dữ dội mà cả những kẻ thù đang lăm le bờ cõi. Tổ quốc gắn bó với con người từ truyền thuyết xa xưa của dân tộc khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con lên rừng xuống biển và cả ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Câu 2: (1.5 điểm)

- Trong đoạn thơ có 3 lần hình ảnh người mẹ xuất hiện:

+ Lần 1: Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

+ Lần 3: Mẹ Âu Cơ không hẳn đã yên lòng

+ Lần 1 và lần 3 là hình ảnh mẹ Âu Cơ, người mẹ đầu tiên của dân tộc xuất hiện trong truyền thuyết sinh ra đàn con trong bọc trứng, chia nhau lên rừng xuống biển, một hình ảnh giàu sức gợi về vẻ đẹp cao cả vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam...

+ Lần 2: Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

+ Là hình ảnh người mẹ trong hiện thực, xuất hiện gián tiếp qua hình ảnh chiếc áo bạc màu với bao vất vả lo toan, sự so sánh liên tưởng giữa mẹ và biển cả.

Câu 3: (0.75 điểm)

- Đảm bảo yêu cầu của một đoạn văn về hình thức cũng như nội dung.

- Đoạn văn viết có chủ đề, trình bày được suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với chủ quyền biển đảo

- Lưu ý: Tuỳ theo mức độ câu trả lời của học sinh mà giáo viên có thể ghi điểm, nhưng không quá số điểm tối đa đã được ghi theo từng câu.

Phần II. Làm văn

1. Yêu cầu về kiến thức: Hiểu đúng nội dung của phần văn bản (Vẻ đẹp của Việt Bắc trong dòng hồi tưởng của tác giả thông qua hình ảnh hoa và người)

2. Yêu cầu về kĩ năng: Nắm được kĩ năng của một bài nghị luận theo đúng đặc trưng của thể loại (trữ tình). Có thể diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau, nhưng phải thể hiện những nội dung cơ bản sau đây:

- Lời bộc bạch tình cảm luyến nhớ về hoa và người trong bức tranh tứ bình tuyệt đẹp.

- Nổi nhớ không theo thứ tự thời gian, không ngừng lặng mà sống mãi trong lòng người. Thời gian trong đoạn thơ là hoài niệm của nhà thơ từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến nó không theo qui luật của thời gian mà tuân theo qui luật của tâm trạng.

- Cụ thể: Vẻ đẹp từng mùa trong từng cặp câu thơ, đặc biệt cứ mỗi câu tả cảnh lại xen với một câu tả người tất cả tạo nên một bức tranh với hình ảnh, màu sắc, đường nét riêng, trong đó thiên nhiên gắn bó với con người, thiên nhiên không hoang vắng mà trở nên sinh động gần gũi nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ.

3. Biểu điểm

- Điểm 6 - 7: Cho các bài viết đúng về kĩ năng và kiến thức, văn viết có cảm xúc, ít mắc lỗi diễn đạt.

- Điểm 4 - 5: Cho các bài viết đạt 2/3 yêu cầu trên. Mắc một số lỗi diễn đạt nhưng không ảnh hưởng nội dung.

- Điểm 2 - 3: Cho các bài sai về kĩ năng (nghị luận) nhưng có hiểu nội dung văn bản, mắc một số lỗi diễn đạt.

- Điểm 0 - 1: Cho các bài bỏ giấy trắng hoặc lạc đề, sai ý.

(Giáo viên chấm có thể linh động cho điểm trong các bài viết cụ thể, ưu tiên cho các bài viết có sáng tạo)

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Tài liệu Đề thi giữa HK 1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017-2018 - THPT  Lê Hồng Phong, Tỉnh Đăk Lăk. Để tham khảo thêm nội dung của Đề thi giữa HKI môn Ngữ văn lớp 12 năm 2017-2018 - THPT  Lê Hồng Phong, Tỉnh Đăk Lăk các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?