Đề thi giữa HK2 môn Ngữ văn lớp 11 năm 2017-2018, Trường THPT Lý Thái Tổ

                                                                                   ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2017-2018

TRƯỜNG THPT LÝ THÁI TỔ                                                    NGỮ VĂN LỚP 11

                                                                                                         

Câu 1 (3 điểm):

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Chúng ta đang sống trong một thế giới số, nơi mọi hoạt động từ những sinh hoạt thường ngày đến những sự kiện đặc biệt, từ công việc đến vui chơi giải trí, chúng ta đều tự gắn chặt với thế giới số.

F.A (Forever Alone) là một khái niệm ám chỉ những người hướng nội, ít hoặc không có bạn bè, thích tận hưởng cảm giác cô đơn một mình.

Bởi vì rất dễ hiểu, tự thoả hiệp với bản thân bao giờ cũng dễ hơn thoả hiệp với những người khác. Biểu hiện của những người F.A là luôn kêu ca về tình trạng độc thân của mình nhưng lại luôn gắn chặt cuộc sống với môi trường “ảo” internet, bất kể ngày hay đêm, bất kể ngày thường hay lễ tết.

Cuộc sống của chúng ta đang diễn ra trên Facebook, Twitter, Youtube… chúng ta đang tự cô lập mình với thế giới thực, chúng ta đang tự biến mình thành F.A.

Trung bình, hằng ngày mỗi người Việt Nam tiêu tốn 2h đồng hồ vào mạng xã hội, nhưng có lẽ phải nhiều hơn như vậy. Tôi đã từng tự thách thức mình không sử dụng điện thoại, máy tính, internet trong một tuần, và tôi thất bại ở ngày thứ năm. Dường như tôi đã bị phụ thuộc quá nhiều vào những tin nhắn, vào những cuộc gọi, vào những cập nhật về bạn bè, xã hội xung quanh tôi. Tôi “phát điên” khi không biết mọi việc đang diễn ra xung quanh mình như thế nào, ai cần đang cần liên lạc với mình và hơn hết, tôi có cảm giác mình đang bị “lãng quên” khi tôi tách mình ra khỏi thế giới số. Còn bạn thì sao?

Một người bạn Nhật Bản nói với tôi: “Ở Nhật Bản, hầu hết mọi người giao tiếp qua smart-phone, từ văn phòng xuống tàu điện ngầm, và thậm chí là ở trong nhà”. Việc này có vẻ như không chỉ xảy ra ở riêng Nhật Bản.

Ở Việt Nam hiện nay, vợ gọi chồng xuống ăn cơm qua Facebook, hai người hẹn nhau đi ăn tối, mỗi người dán mắt vào một cái smartphone, bạn bè hội họp, lại mỗi người ôm khư khư một cái smartphone.

Chúng ta mất dần nhu cầu giao tiếp thực tế. Nếu trẻ con lớn lên trong một môi trường mà nơi đó người ta không có nhu cầu giao tiếp thực tế, chúng sẽ trở thành những người lớn không còn khả năng giao tiếp thực tế.

Điều này đang xảy ra. Càng ngày chúng ta càng giấu mình đằng sau bàn phím và tự đánh mất khả năng giao tiếp của mình. Hằng ngày, thiên hạ kết bạn, tán chuyện với nhau qua các trang mạng xã hội, nhưng lại không thể nói chuyện khi gặp mặt nhau. […]

Khái niệm F.A đã dịch chuyển từ những người cô đơn sang cả những người có đôi, có cặp. Với tình trạng hai người hẹn hò nhau mà mỗi người tự nói chuyện với cái smartphone của mình thì thực ra cũng chẳng khác nào F.A.

Nguy hiểm hơn nữa là khi chính người lớn chúng ta làm lây lan tình trạng này sang cho trẻ em. Khi các bậc phụ huynh còn đang mải mê với thế giới riêng của mình và bỏ mặc con cái với những chiếc máy tính bảng thì hoàn toàn dễ hiểu khi con trẻ cũng tự thu mình vào thế giới riêng của chúng. Và điều sau đây hoàn toàn có thể xảy ra: Một thế hệ F.A mới sẽ ra đời thừa kế lại chính hội chứng F.A của cha mẹ chúng.

Vì vậy, các thanh niên hãy thôi phàn nàn hay đề cập đến tình trạng F.A của mình. Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại. Các bạn sẽ hết F.A.

(Dẫn theo http://www.vnexpress.net)

1. Văn bản trên đề cập đến vấn đề gì trong xã hội hiện đại? Đặt tên cho văn bản.

2. Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản?

3. Người viết cho rằng: “Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại. Các bạn sẽ hết F.A”. Ý kiến của anh chị?

Câu 2 (7 điểm): Cái mới của thơ Xuân Diệu qua đoạn trích:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”

(Trích Vội Vàng - Xuân Diệu)

----------HẾT----------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. Hướng dẫn chung

  • Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
  • Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có tư duy khoa học, lập luận sắc sảo, có khả năng cảm thụ văn học và tính sáng tạo cao.

II. Đáp án và thang điểm

Câu 1 (3 điểm)

1. (1,0 điểm) Văn bản trên đề cập đến vấn đề:

  • Trong xã hội hiện đại, tình trạng lạm dụng công nghệ khiến con người ngày càng trở nên cô đơn, mất đi nhu cầu giao tiếp trong cuộc sống thực.
  • Có thể đặt tên cho văn bản dựa trên nội dung được trình bày:
    • Công nghệ số và tình trạng F.A của con người
    • Những vấn đề nảy sinh trong thời đại công nghệ

2. Xác định các phương thức biểu đạt sử dụng trong văn bản: (0,5 điểm)

  • Thuyết minh
  • Nghị luận

3. Người viết cho rằng: “Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại. Các bạn sẽ hết F.A”. HS có thể có các ý kiến khác nhau: (1,5 điểm)

  • Đồng ý vì: cuộc sống thực sinh động, hấp dẫn hơn thế giới ảo.
  • Phản đối vì: xã hội hiện đại không thể thiếu công nghệ. Phát minh công nghệ nâng cao chất lượng sống.
  • Phân tích lí giải cụ thể hơn, cuộc sống hiện đại cần công nghệ nhưng không nên lạm dụng mà cần có thời gian và cách thức sử dụng hợp lí, hài hòa.
  • Khi học sinh đưa ý kiến và bảo vệ được ý kiến thì vẫn cho điểm kĩ năng (0,5đ) nhưng chỉ ý kiến 3 mới cho điểm tối đa.

Câu 2 (7,0 điểm)

  • Giới thiệu về Xuân Diệu, bài thơ Vội Vàng và vấn đề cần nghị luận: (0,5 điểm)
    • Cái mới của thơ Xuân Diệu qua đoạn thơ thứ hai trong Vội Vàng.
  • Giải quyết vấn đề
    • Giải thích sơ lược: “Cái mới trong thơ”: Những cách tân trong thơ trên hai phương diện nội dung và hình thức (0,5 điểm)
      • Cái nhìn mới về thế giới: (1,5 điểm)
        • Người xưa chỉ nhìn thiên nhiên để “xúc cảnh sinh tình”.
        • Thế giới mùa xuân không mới nhưng Xuân Diệu đã phát hiện mùa xuân với cái nhìn mới: “Cái nhìn của Xuân Diệu về thiên nhiên là cái nhìn tình tứ nên thiên nhiên thường hiện ra với vẻ đẹp xuân tình” (SGV Ngữ văn 11 Nâng cao, NXB Giáo dục 2007), thế giới thiên nhiên quen thuộc trở nên mới lại, hấp dẫn, mời gọi.
      • Cảm nhận mới về thế giới (1,5 điểm)
        • Thơ xưa chủ yếu cảm nhận thế giới bằng thị giác, thính giác, từ đó gợi hứng làm thơ.
        • Xuân Diệu cảm nhận thế giới mùa xuân khi “thức nhọn giác quan” thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác… khiến cho mùa xuân hiện lên tràn ngập sắc màu, thanh âm, tràn trề ánh sáng, hương thơm: “của ong bướm này đây tuần tháng mật… lá của cành tơ phơ phất… Yến anh, khúc tình si… tháng giêng ngon như một cặp môi gần”…
      • Quan điểm thẩm mĩ mới (1,0 điểm)
        • Thơ cổ lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp của con người.
        • Xuân Diệu lấy sự sống của con người giữa tuổi trẻ và tình yêu làm chuẩn mực cho mọi vẻ đẹp trên thế gian này: “Ánh sáng chớp hàng mi, tháng giêng ngon như một cặp môi gần…”.
      • Nghệ thuật thơ có sự cách tân (1,0 điểm)
        • Hình ảnh táo bạo: “Ánh sáng chớp hàng mi, tháng giêng ngon như một cặp môi gần…”.
        • Thể thơ tự do với những câu thơ vắt dòng, cách biểu đạt táo bạo tạo nhịp thơ hăm hở, sôi trào mãnh liệt
  • Kết thúc vấn đề: (0,5 điểm)
    • Đoạn thơ hay trong bài thơ, bày tỏ tình yêu say đắm của Xuân Diệu với cuộc đời, con người
    • Cái mới mà Xuân Diệu mang đến qua những vần thơ của mình đã góp phần thay đổi hẳn diện mạo của thơ ca dân tộc.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?