ĐỀ KSCL LẦN 3 NĂM 2020 - TRƯỜNG THPT NGUYỄN VIẾT XUÂN NGỮ VĂN 11
I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Bạn ơi, nếu bạn muốn sống một đời mà không phạm chút sai lầm nào, làm gì được nấy, thì đó hoặc là bạn ảo tưởng, hoặc là bạn hèn nhát trước cuộc đời. Một người mà lúc nào cũng sợ thất bại, làm gì cũng sợ sai lầm là một người sợ hãi thực tế, trốn tránh thực tế, và suốt đời không bao giờ có thể tự lập được. Bạn sợ sặc nước thì bạn không biết bơi; bạn sợ nói sai thì bạn không nói được ngoại ngữ. Một người mà không chịu mất gì thì sẽ không được gì. Sai lầm cũng có hai mặt. Tuy nó đem lại tổn thất, nhưng nó cũng đem đến bài học cho đời.
(Theo Ngữ văn 7, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2015)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2 (0.5 điểm). Anh/Chị hiểu như thế nào về quan niệm: Một người mà không chịu mất gì thì sẽ không được gì?
Câu 3 (1,0 điểm). Theo anh/chị, sai lầm đem đến những tổn thất và bài học gì cho đời?
Câu 4 (1,0 điểm). Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất với anh/chị?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm của tác giả trong đoạn trích phần Đọc hiểu: Nếu bạn muốn sống một đời mà không phạm chút sai lầm nào, làm gì được nấy, thì đó hoặc là bạn ảo tưởng, hoặc là bạn hèn nhát trước cuộc đời.
Câu 2 (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh thiên nhiên và cái tôi trữ tình trong đoạn thơ sau:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
(Vội vàng - Xuân Diệu; Ngữ văn 11, tập 2, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2016)
............HẾT..............
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I.ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1.
Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.
Câu 2.
- Một người mà không chịu mất gì nghĩa là không chấp nhận mất mát về thời gian, công sức, tiền bạc, trí tuệ…
- Thì sẽ không được gì nghĩa là không đạt được thành công, không rút ra được những bài học kinh nghiệm, không có sức mạnh, bản lĩnh ý chí vươn lên… và không thể trưởng thành trong cuộc đời.
Câu 3.
Sai lầm đem đến những tổn thất và bài học quý giá cho đời:
- Sai lầm đem đến những tổn thất về vật chất và tinh thần (tổn thất tiền bạc, nỗi buồn, sự chán nản…).
- Sai lầm cũng đem đến những bài học kinh nghiệm, bài học về ý chí, nghị lực; bài học về cách đối nhân xử thế, cách sống, cách làm người…
Câu 4. Chỉ ra thông điệp có ý nghĩa và giải thích.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Yêu cầu chung:
- Viết đúng yêu cầu một đoạn văn nghị luận ngắn khoảng 200 chữ. Yêu cầu trình bày rõ ràng mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu….
- Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ xác đáng.
Yêu cầu cụ thể:
1. Giải thích:
Không phạm chút sai lầm nào là không mắc những sai trái trong nhận thức và hành động. Ảo tưởng là không có thật. Hèn nhát là không có dũng khí vượt qua khó khăn. =>Muốn sống một đời không mắc những sai trái, lầm lạc là đang xa rời thực tiễn đời sống hoặc sợ đối mặt gian khổ.
2. Bàn luận:
a. Tại sao Muốn sống một đời mà không phạm chút sai lầm nào là ảo tưởng? Cuộc đời vốn không bằng phẳng, dễ dàng; con người thường xuyên phải đối mặt khó khăn, gian khổ, trong khi đó, năng lực của con người có giới hạn. Sai lầm là một điều tất yếu không thể tránh khỏi. Chỉ có những kẻ ảo tưởng mới nghĩ rằng mình không mắc một sai lầm nào.
b. Tại sao Muốn sống một đời mà không phạm chút sai lầm nào là hèn nhát? Khi con người sợ phạm sai lầm thì sẽ không dám xông pha, mạo hiểm, không có ý chí phấn đấu, vươn lên, sống thu mình trong vỏ bọc bình yên, cách xa với thế giới bên ngoài. Những kẻ đó sẽ dần tự đánh mất ý chí, nghị lực, dũng khí, trở thành kẻ hèn nhát.
Phê phán những kẻ hèn nhát, sợ đối mặt với khó khăn, gian khổ; ảo tưởng, viển vông, xa rời thực tế dẫn đến thất bại .
3. Bài học nhận thức và hành động:
- Nhận thức được tính chất hai mặt của sai lầm.
- Luôn tự tin, dũng cảm, dám trải nghiệm, dấn thân trên con đường đi đến thành công.
-------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy---------
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm Đề KSCL Lần 3 năm 2020 môn Ngữ Văn 11 - Trường THPT Nguyễn Viết Xuân . Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Chúc các em đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---