SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 1
TRƯỜNG THPT YÊN LẠC NĂM HỌC: 2019 – 2020
MÔN: NGỮ VĂN 11
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và trả lời câu hỏi:
Tôi từng nghe kể về một người. Một người bình thường. Anh xuýt mất mạng khi nhảy xuống sông cứu hàng chục người lớn và trẻ em bị lật thuyền giữa dòng nước xiết. Bạn nghĩ người ấy làm điều đó vì ai? Vì những nạn nhân ư? Hay là vì tình yêu con người? Phải chăng anh đã hoàn toàn quên mình trong khoảnh khắc ấy? Khi mọi người xúm lại trầm trồ thán phục người đàn ông ấy thì anh làu bàu: “Có chi đâu mà nói. Nếu như dưới đó có cái thằng trộm đồ nhà tui thì tui cũng phải nhảy xuống cứu nó lên. Chớ không thì làm sao tui sống nổi với mình?”.
Vậy đó. Đột nhiên tôi nhận ra rằng, rất nhiều người làm việc thiện nguyện hay một hành động dũng cảm đơn giản là vì chính họ. Và tôi mong tất cả chúng ta đều vậy. Chúng ta phải mang đến điều tốt đẹp cho người khác trước hết là vì sự thôi thúc của trái tim mình, thứ sâu kín thiêng liêng, ở bên ngoài danh tiếng và những lời hoa mỹ. Vì chúng ta không thể kìm lòng được, vì nếu không đến và xoa dịu nỗi đau của người khác, không đưa tay cứu lấy người khác trong lúc ngặt nghèo thì trái tim ta không thể nào thanh thản.
[…] Chúng ta không thể mang lại hạnh phúc cho người khác, nếu chính bản thân chúng ta luôn hoang mang và hối tiếc. Chúng ta không thể thanh thản và hạnh phúc thật sự nếu chỉ sống, làm việc, học hành vì người khác – dù đó là những người ta vô cùng yêu quý – thay vì sống theo mong muốn của chính mình. Bởi thế, bạn thân mến, hãy luôn sống vì mình, hãy sống vì mình một cách khôn ngoan.
(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn…, NXB Hội nhà văn, 2015)
Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt trong đoạn trích trên.
Câu 2. Anh/ chị hiểu thế nào về câu nói của người đàn ông cứu người chết đuối: “Chớ không thì làm sao tui sống nổi với mình?”
Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng: “Chúng ta không thể mang lại hạnh phúc cho người khác, nếu chính bản thân chúng ta luôn hoang mang và hối tiếc.”
Câu 4. Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh/ chị? Vì sao?
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: hãy luôn sống vì mình, hãy sống vì mình một cách khôn ngoan.
Câu 2: ( 5,0 điểm)
Anh/chị hãy cảm nhận bài thơ sau:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
(Trích Thương vợ - Trần Tế Xương, SGK Ngữ Văn 11– Tập 1, trang 29, 30-NXBGD 2016).
Từ đó nhận xét về vẻ đẹp nhân cách của Tú Xương qua bài thơ.
.......HẾT.........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1.
Phương thức biểu đạt: tự sự , nghị luận….
Câu 2.
Người đàn ông hành động dũng cảm cứu người là vì bản thân mình. Vì nếu ông không làm điều đó, ông sẽ không được thanh thản
Câu 3.
Nếu bản thân mình cảm thấy việc mình làm không thể khiến mình hạnh phúc thì sao điều đó có thể mang lại hạnh phúc cho người khác. Vậy nên hãy sống vì mình rồi hãy sống cho người. Như vậy mới thấy mình sống trên đời này có nghĩa lý.
Câu 4.
- Đây là câu hỏi mở, HS có thể chọn thông điệp tùy theo suy nghĩ của cá nhân mình nhưng lí giải phải hợp lí.
- Gợi ý thông điệp:
- Hãy đem những điều tốt đẹp đến cho người khác từ sự thôi thúc của trái tim mình.
- Biết yêu thương đồng loại….
- Lý giải một cách thuyết phục vì sao thông điệp có ý nghĩa sâu sắc nhất.
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
a. Đảm bảo hình thức, cấu trúc 1 đoạn văn
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hãy luôn sống vì mình, hãy sống vì mình một cách khôn ngoan.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Đoạn văn có thể triển khai theo các ý sau:
Giải thích:
- Sống vì mình: Suy nghĩ, làm việc theo nhu cầu của bản thân mình, xuất phát từ lợi ích của chính mình.
- Sống vì mình một cách khôn ngoan: biết làm thế nào để hài hòa giữa quyền lợi của bản thân và cuả người khác, từ đó đem lại hạnh phúc cho mình và mọi người.
=> Ý kiến đề cập đến một cách sống, một lối sống tích cực trong xã hội hiện đại
Bàn luận, mở rộng vấn đề :
- Hành trình sống của con người là một quá trình đấu tranh không mệt mỏi để kiếm tìm hạnh phúc. Khi những nhu cầu của bản thân được thỏa mãn, con người sẽ cảm thấy hạnh phúc. Bởì vậy, việc sống vì mình để đem lại hạnh phúc cho chính mình là một quy luật tất yếu.
- Khi chúng ta làm được những việc tốt để giúp đỡ cho người khác khiến cho người khác được hạnh phúc thì chúng ta cũng cảm thấy hạnh phúc. Vậy việc giúp người khác cũng là giúp chính mình, để bản thân mình được thanh thản, không hổ thẹn với lòng mình. Đó cũng là sống vì mình một cách khôn ngoan .
- Sống vì mình ở đây không phải là việc chà đạp lên người khác, chỉ biết quyền lợi riêng của bản thân; cũng không phải là việc giúp người để đánh bóng tên tuổi, để mưu lợi riêng mà phải xuất phát từ trái tim biết yêu thương, đồng cảm, sẻ chia với số phận con người.
- Phê phán một bộ phận người trong xã hội sống yếu mềm, thụ động, hèn nhát, chỉ biết ngồi chờ vận may và sự thuận lợi…
------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy---------
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm Đề KSCL lần 1 năm 2020 môn Ngữ Văn 11 - Trường THPT Yên Lạc. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Chúc các em đạt kết quả tốt.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
- Đề KSCL HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 11 lần 2 - Trường THPT Lê Xoay
- Đề kiểm tra KSCL Ngữ văn lớp 11 Trường THPT Nông Cống 1
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---