Bộ 5 đề ôn tập hè Địa Lí 9 năm 2021 Trường THCS Nguyễn Văn Luông

TRƯỜNG THCS NGUYỄN VĂN LUÔNG

ĐỀ ÔN TẬP HÈ NĂM 2021

MÔN ĐỊA LÍ 9

Thời gian 45 phút

 

1. ĐỀ SỐ 1

I. TRẮC NGHIỆM (2 điểm)

Chọn ý đúng trong các câu sau.

Câu 1. Các tỉnh nào dưới đây không thuộc vùng Bắc Trung Bộ?

A. Thanh Hoá, Nghệ An.

C. Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

B. Hà Tĩnh, Quảng Bình.

D. Đà Nẵng, Ọuảng Nam.

Câu 2. Trung tâm kinh tế nào sau đây không thuộc vùng Bắc Trung Bộ?

A. Đà Nẵng.

C. Vinh.

B. Thanh Hoá.

D. Huế.

Câu 3. Trung tâm công nghiệp, đào tạo và nghiên cứu khoa học của vùng Tây Nguyên là

A. Đà Lạt.

C. Buôn Ma Thuột.

B. Plây Ku.

D. Kon Tum.

Câu 4. Tỉnh nào không thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung?

A. Thừa Thiên - Huế.

C. Quảng Ngãi.

B. Đà Nẵng.

D. Khánh Hòa.

II. TỰ LUẬN (8 điểm)

Câu 1. (4 điểm)

Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam (trang Địa chất khoáng sản, trang Giao thông) và kiến thức đã học:

a) Kể tên một số khoáng sản chính ở vùng biển nước ta và sự phân bố của chúng. Trong các khoáng sản đó, loại nào có vai trò quan trọng nhất?

b) Cho biết nước ta có những điều kiện nào để phát triển giao thông vận tải biển? Hãy xác định một số cảng biển lớn và một số tuyến giao thông đường biển ở nước ta.

Câu 2. (2 điểm)

Tài nguyên đất của tỉnh (thành phố) em có những đặc điểm gì và giá trị kinh tế như thế nào? Hãy cho biết hiện trạng sử dụng tài nguyên đất của tỉnh (thành phố) em.

Câu 3. (2 điểm)

Trình bày đặc điểm chung về kinh tế của tỉnh (thành phố) em .

ĐÁP ÁN

I. TRẮC NGHIỆM .

1 - D

2 - A

3 - C

4 - D

 

II. TỰ LUẬN (8 điểm)

Câu 1. 

a) Kể tên một số khoáng sản chính ở vùng biển nước ta và sự phân bố của chúng.

- Titan: có nhiều ở ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Khánh Hòa.

- Cát trắng ở đảo Vân Hải (Quảng Ninh) và Cam Ranh (Nha Trang) là nguyên liệu cho công nghiệp thuỷ tinh pha lê.

- Dầu mỏ: có nhiều ở thềm lục địa phía Nam.

- Khí tự nhiên: Tiền Hải (Thái Bình).

- Nguồn muối vô tận trong nước biển.

- Trong các khoáng sản đó, dầu mỏ và khí tự nhiên là tài nguyên quan trọng nhất.

b) Những điều kiện để phát triển giao thông vận tải biển. Xác định một số cảng biển lớn và tuyến giao thông đường biển ở nước ta.

- Những điều kiện để phát triển giao thông vận tải biển.

+ Đường bờ biển dài, vùng biển rộng, ven biển có nhiều vũng, vịnh, cửa sông để xây dựng cảng biển, nhất là cảng biển nước sâu.

+ Nước ta nằm gần nhiều tuyến đường biển quốc tế quan trọng.

- Một số cảng biển lớn: cần nêu được 5 cảng biển lớn như Cái Lân, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Sài Gòn.

- Một số tuyến giao thông đường biển.

+ Nội địa: TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng, Hải Phòng - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Quy Nhơn, Cửa Lò - Đà Nẵng,...

+ Quốc tế: Hải Phòng - Hồng Công, Hải Phòng - Tô-ki-ô, Hải Phòng - Vla-đi- vô-xtôc, TP. Hồ Chí Minh - Vla-đi-vô-xtôc, TP. Hồ Chí Minh - Xin-ga-po,...

Câu 2.

Đặc điểm và hiện trạng sử dụng tài nguyên đất của tỉnh (thành phố):

- Các loại đất chính, phân bố đất và giá trị kinh tế.

- Hiện trạng sử dụng đất.

Câu 3.

- Nhận định chung về trình độ phát triển kinh tế của tỉnh (thành phố) so với cả nước.

- Tình hình phát triển kinh tế trong những năm gần đây, đặc biệt là trong thời kì Đổi mới. Sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế. Thế mạnh kinh tế của tỉnh (thành phố).

 

2. ĐỀ SỐ 2

Câu 1. (2 điểm)

Hoàn thành bảng sau:

STT

Tên đảo, quần đảo

Thuộc tỉnh (thành phố)

1

Cát Bà

 

2

Cái Bầu

 

3

Bạch Long Vĩ

 

4

Cồn Cỏ

 

5

Lý Sơn

 

6

Côn Đảo

 

7

Phú Quý

 

8

Phú Quốc

9

Thổ Chu

 

10

Quần đảo Hoàng Sa

 

11

Quần đảo Trường Sa

 

 

Câu 2. (3 điểm)

Biển, đảo có ý nghĩa như thế nào trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng của nước ta?

Câu 3. (2 điểm)

Hãy cho biết vị trí địa lí, giới hạn lãnh thổ của Bắc Trung Bộ và ý nghĩa của chúng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Câu 4. (1,5 điểm)

Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam, cho biết:

a) Duyên hải Nam Trung Bộ có các trung tâm công nghiệp nào? Những trung tâm nào lớn hơn cả?

b) Cơ cấu công nghiệp của Duyên hải Nam Trung Bộ có đặc điểm gì? Nêu tên các ngành công nghiệp phát triển mạnh của vùng.

Câu 5. (2 điểm)

Vì sao nói Tây Nguyên có thế mạnh về du lịch?

ĐÁP ÁN

Câu 1.

Hoàn thành bảng sau:

STT

Tên đảo, quần đảo

Thuộc tỉnh (thành phố)

1

Cát Bà

Hải Phòng

2

Cái Bầu

Quảng Ninh

3

Bạch Long Vĩ

Hải Phòng

4

Cồn Cỏ

Quảng Trị

5

Lý Sơn

Quảng Ngãi

6

Côn Đảo

Bà Rịa - Vũng Tàu

7

Phú Quý

Bình Thuận

8

Phú Quốc

Kiên Giang

9

Thổ Chu

Kiên Giang

10

Quần đảo Hoàng Sa

Đà Nẵng

11

Quần đảo Trường Sa

Khánh Hòa

 

Câu 2. 

Ý nghĩa của biển, đảo đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng:

a) Ý nghĩa về phát triển kinh tế

- Biển, đảo là kho tài nguyên dồi dào để phát triển nhiều ngành kinh tế làm giàu cho đất nước như:

+ Khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản.

+ Du lịch biển - đảo.

+ Khai thác và chế biến khoáng sản biển.

+ Giao thông vận tải biển.

- Biển, đảo là cửa ngõ để nước ta mở rộng giao lưu với các nước trên thế giới.

b) Ý nghĩa an ninh quốc phòng

- Các đảo và quần đảo tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương.

- Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo là cơ sở để khẳng định chủ quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo.

Câu 3. (2 điểm)

-  Vị trí địa lí, giới hạn lãnh thổ: lãnh thổ kéo dài, hẹp ngang, giáp Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Lào, Biển Đông.

-  Ý nghĩa của vị trí địa lí và giới hạn lãnh thổ: cầu nối giữa miền Bắc và miền Nam, cửa ngõ của các nước láng giềng ra Biển Đông và ngược lại, cửa ngõ hành lang đông - tây của Tiểu vùng sông Mê Công, có khả năng phát triển kinh tế đa ngành.

Câu 4. (1,5 điểm)

a) Các trung tâm công nghiệp: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết. Các trung tâm lớn: Đà Nẵng, Nha Trang.

b) Cơ cấu công nghiệp khá đa dạng. Các ngành công nghiệp phát triển mạnh: chế biến nông sản, dệt may, cơ khí, sản xuất giấy,...

Câu 5. (2 điểm)

- Tây Nguyên giàu tiềm năng phát triển du lịch: khí hậu cận xích đạo có sự phân hóa theo độ cao địa hình, khí hậu ở các cao nguyên cao mát mẻ kết hợp với thiên nhiên phong cảnh đẹp của thành phố Đà Lạt, hồ Lắk, Biển Hồ, núi Lang Biang huyền thoại, các vườn quốc gia tạo nên thế mạnh phát triển du lịch sinh thái.

- Tây Nguyên là địa bàn cư trú của nhiều thành phần dân tộc Gia-rai, Ê-đê, Ba-na, Mnông, Cơ-ho,... có truyền thống đoàn kết, có ban sắc văn hóa đa dạng, phong phú và góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú.

- Vùng có nhiều thành phố là những trung tâm du lịch nổi tiếng: Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Plây Ku,…

 

3. ĐỀ SỐ 3

Câu 1. (2 điểm)

Việc khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản ở nước ta trong thời gian qua đã đạt những thành tựu gì, còn những hạn chế nào cần khắc phục?

Câu 2. (3 điểm)

Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam, cho biết các đảo và quần đảo: Cát Bà, Cái Bầu, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc, Thổ Chu; quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc vùng biển nào (Bắc, Trung, Nam) và thuộc tỉnh (thành phố) nào?

Câu 3. (2 điểm)

Trình bày những thành tựu trong sản xuất công nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ.

Câu 4. (3 điểm)

Hãy cho biết vị trí địa lí, giới hạn lãnh thổ của Duyên hải Nam Trung Bộ và ý nghĩa của chúng đối với phát triển kinh tế - xã hội.

ĐÁP ÁN

Câu 1.

Thực trạng khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản:

- Thành tựu

+ Sản lượng hải sản không ngừng tăng. Các hoạt động đánh bắt xa bờ được đẩy mạnh, tuy sản lượng còn thấp mới chỉ bằng 1/5 khả năng cho phép.

+ Phong trào nuôi tôm hùm, tôm sú cũng rất phát triển.

+ Công nghiệp chế biến sản phẩm có nhiều bước tiến mới.

- Hạn chế

Hoạt động đánh bắt xa bờ chưa tương xứng với tiềm năng, hải sản nuôi trồng vẫn còn chiếm tỉ lệ nhỏ trong sản lượng toàn ngành.

Câu 2.

Vị trí một số đảo, quần đảo ở nước ta:

- Các đảo ở Bắc Bộ

+ Cái Bầu (Quảng Ninh).

+ Cát Bà và Bạch Long Vĩ (Hải Phòng).

- Các đảo và quần đảo ở biển miền Trung

+ Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).

+ Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

+ Đảo Phú Quý (Bình Thuận).

+ Quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng).

+ Quần đào Trường Sa (Khánh Hòa)

- Các đảo và quần đảo ở Nam Bộ

+ Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu).

+ Đảo Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang)

Câu 3. 

Thành tựu trong sản xuất công nghiệp của Bắc Trung Bộ:

- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh, đặc biệt là trong những năm 1998 - 2002 (tăng hơn hai lần).

- Phát triển các ngành dựa trên nguồn khoáng sản của vùng như: khai khoáng (thiếc, crôm, titan,...), sản xuất vật liệu xây dựng.

- Các ngành phát triển hầu khắp các địa phương: chế biến gỗ, cơ khí công cụ. dệt kim, may mặc, chế biến thực phẩm có quy mô vừa và nhỏ.

- Cơ sở hạ tầng kĩ thuật và công nghệ, cũng như việc cung ứng nhiên liệu, năng lượng của vùng đang được cải thiện.

Câu 4.

- Vị trí địa lí, giới hạn lãnh thổ: lãnh thổ kéo dài, hẹp ngang; giáp Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Biển Đông; có nhiều đảo, quần đảo trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

- Ý nghĩa: cầu nối Bắc - Nam, nối Tây Nguyên với biển; thuận lợi cho lưu thông và trao đổi hàng hóa; biển, các đảo và quần đảo có tầm quan trọng về kinh tế và quốc phòng đối với cả nước.

 

4. ĐỀ SỐ 4

Câu 1. (2 điểm)

Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam, cho biết Trung du và miền núi Bắc Bộ có những khoáng sản chủ yếu nào? Phân bố ở đâu? Các khoáng sản này là điều kiện để phát triển những ngành công nghiệp nào?

Câu 2. (2 điểm)

Sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng có những đặc điểm gì nổi bật?

Câu 3. (2 điểm)

Hãy cho biết tỉnh (thành phố) em có diện tích là bao nhiêu km2; thuộc loại lớn, trung bình hay nhỏ so với các tỉnh (thành phố) khác của cả nước. Tỉnh (thành phố) em có các đơn vị hành chính nào? Ở đâu? Đơn vị nào có diện tích lớn nhất, nhỏ nhất? Kể tên trung tâm chính trị của tỉnh (thành phố) em.

Câu 4. (2 điểm)

Trình bày tình hình phát triển và phân bố của ngành kinh tế có nhiều người tham gia nhất của tỉnh (thành phố) em. Giải thích về sự phân bố của ngành sản xuất đó.

Câu 5. (2 điểm)

Căn cứ vào bảng số liệu dưới đây và kiến thức đã học:

TỈ TRỌNG DIỆN TÍCH GIEO TRỒNG CÀ PHÊ CỦA TÂY NGUYÊN SO VỚI CẢ NƯỚC

(Đơn vị: %)

Năm

1990

1995

2000

2005

Cả nước

100

100

100

100

Tây Nguyên

32,2

79,0

83,4

89,5

 

a) Nhận xét về vai trò của Tây Nguyên trong việc phát triển cây cà phê đối với cả nước.

b) Cho biết Tây Nguyên có những thuận lợi nào về tự nhiên để phát triển cây cà phê.

ĐÁP ÁN

Câu 1.

- Các khoáng sản chủ yếu và phân bố: than (Quảng Ninh), sắt (Thái Nguyên), thiếc, mangan (Cao Bằng), bôxit (Tuyên Quang), apatit (Lào Cai), đồng (Lào Cai, Sơn La), chì, kẽm (Bắc Kạn).

- Các khoáng sản này là điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp: khai thác khoáng sản, luyện kim đen và luyện kim màu, nhiệt điện, hóa chất, phân bón,...

Câu 2.

Đặc điểm sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Hồng:

- Trồng trọt: đứng thứ hai cả nước về diện tích và tổng sản lượng lương thực; đứng đầu cả nước về năng suất lúa. Phát triển một số cây ưa lạnh đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

- Chăn nuôi: đàn lợn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước; chăn nuôi bò (đặc biệt là bò sữa), gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản đang phát triển.

Câu 3.

- Diện tích của tỉnh (thành phố).

- Các đơn vị hành chính và trung tâm chính trị của tỉnh (thành phố).

Câu 4. 

Trình bày về ngành sản xuất có nhiều người tham gia nhất của tỉnh (thành phố):

- Tình hình phát triển: vị trí của ngành trong nền kinh tế của tỉnh (thành phố), cơ cấu, tình hình tăng trưởng, sản phẩm chủ yếu... 

- Phân bố: những nơi tập trung nhiều.

- Giải thích về phân bố của ngành sản xuất: thuận lợi về tự nhiên, dân cư, lao động, cơ sở hạ tầng,...

Câu 5.

a) Nhận xét: Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây cà phê lớn nhất cả nước, tỉ trọng diện tích cà phê so với cả nước rất cao (năm 1995: 79,0%, năm 2000: 83,4%, năm 2005: 89,5%).

b) Thuận lợi về tự nhiên: khí hậu cận xích đạo, đất badan nhiều nhất cả nước phân bố trên những mặt bằng rộng lớn thuận lợi cho phát triển vùng chuyên canh quy mô lớn.

 

5. ĐỀ SỐ 5

Câu 1. (2 điểm)

Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam (trang Thực vật, Động vật) và kiến thức đã học, cho biết nước ta có những điều kiện thuận lợi nào để phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản?

Câu 2. (2 điểm)

Trình bày các phương hướng chính để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo của nước ta.

Câu 3. (2 điểm)

Căn cứ vào bảng số liệu dưới đây, nhận xét về tình hình dân cư, xã hội ở Tây Nguyên so với cả nước (năm 1999).

Tiêu chí

Đơn vị tính

Tây

Nguyên

Cả

nước

Mật độ dân số

Người/km2

75

233

Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên của dân số

%

2,1

1,4

Tỉ lệ hộ nghèo

%

21,2

13,3

Thu nhập bình quân đầu người một tháng

Nghìn đồng

344,7

295,0

Tỉ lệ người lớn biết chữ

%

83,3

90,3

Tuổi thọ trung bình

Năm

63,5

70,9

Tỉ lệ dân số thành thị

%

26,8

23,6

 

Câu 4. (2 điểm)

Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của Duyên hải Nam Trung Bộ có thuận lợi gì cho phát triển kinh tế biển?

Câu 5. (2 điểm)

Dựa vào Atlát Địa lí Việt Nam trình bày về cơ cấu và phân bố công nghiệp của Đồng bằng sông Hồng.

ĐÁP ÁN

Câu 1.

Những điều kiện thuận lợi để phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản:

- Nước ta có đường bờ biển dài, vùng biển rộng lớn, giàu tiềm năng đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Vùng biển nước ta có hơn 2000 loài cá, trong đó có 110 loài có giá trị kinh tế cao như cá nục, cá trích, cá thu, cá ngừ,...Có trên 100 loài tôm như tôm hùm, tôm he, tôm rồng,...Ngoài ra, còn có nhiều loại hải sản quý khác: hải sâm, bào ngư, sò huyết, rùa, đồi mồi...

- Tống trữ lượng hải sản khoảng 4 triệu tấn (trong đó 95,5% là cá biển), cho phép khai thác hằng năm khoảng 1,9 triệu tấn.

Câu 2.

Những phương hướng chính để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển - đảo:

- Điều tra, đánh giá tiềm năng sinh vật tại các vùng biển sâu. Đầu tư để chuyển hướng khai thác hai sản từ vùng biển ven bờ sang vùng nước sâu xa bờ.

- Bảo vệ rừng ngập mặn hiện có, đồng thời đẩy mạnh các chương trình trồng rừng ngập mặn.

- Bảo vệ rạn san hô ngầm ven biển và cấm khai thác san hô dưới mọi hình thức.

- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

- Phòng chống ô nhiễm biển bởi các yếu tố hoá học, đặc biệt là dầu mỏ.

Câu 3. (2 điểm)

- Tây Nguyên có mật độ dân số xấp xỉ bằng 1/3 mật độ dân số của cả nước; ti lệ gia tăng dân số cao hơn nhiều; thu nhập bình quân đầu người, tỉ lệ hộ nghèo, tỉ lệ dân số đô thị cao hơn của cả nước.

- Các chỉ tiêu thấp hơn của cả nước: tỉ lệ người lớn biết chữ, tuổi thọ trung bình.

Câu 4. (2 điểm)

- Bờ biển khúc khuỷu có nhiều vũng, vịnh thuận lợi cho xây dựng cảng biển nước sâu (vịnh Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh), có nhiều bãi tắm và điểm du lịch nổi tiếng.

- Vùng nước mặn, nước lợ ven bờ thích hợp cho nghề nuôi trồng thuỷ sản (tôm hùm, tôm sú), biển có nhiều hải sản.

- Trên một số đảo ven bờ từ Quảng Nam đến Khánh Hoà có nghề khai thác chim yến.

- Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông của nước ta có ý nghĩa lớn về kinh tế, quốc phòng.

Câu 5. (2 điểm)

Cơ cấu và phân bố công nghiệp của Đồng bằng sông Hồng:

- Cơ cấu ngành công nghiệp đa dạng. Các ngành công nghiệp trọng điểm là: công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí.

- Phân bố: công nghiệp phân bố ở hầu hết các tỉnh nhưng phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng.

 

---(Hết)---

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Bộ 5 đề ôn tập hè Địa Lí 9 năm 2021 Trường THCS Văn Thân. Để xem thêm nhiều tư liệu hữu ích khác, các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?