CHỦ ĐỀ: ĐỊA LÝ CÁC VÙNG KINH TẾ
Câu 1. Dựa vào Atlat địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, phân tích những thế mạnh và hạn chế trong khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Câu 2. Dựa vào Atlat địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, phân tích ảnh hưởng của vị trí địa lí đến sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Câu 3. Dựa vào kiến thức đã học, giải thích vì sao nói "việc phát huy các thế mạnh của Trung du và miền núi Bắc Bộ có ý nghĩa kinh tế lớn và chính trị, xã hội sâu sắc" ?
Câu 4. Dựa vào kiến thức đã học, hãy trình bày các định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở Đồng bằng sông Hồng. Việc chuyển dịch theo định hướng đó có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế của vùng ?
Câu 5. Dựa vào kiến thức đã học, hãy phân tích các thế mạnh về vị trí địa lí, tự nhiên và kinh tế – xã hội đối với việc phát triển kinh tế ở Đồng bằng sông Hồng.
Câu 6. Dựa vào kiến thức đã học, hãy cho biết Đồng bằng sông Hồng có những điều kiện thuận lợi nào để trở thành vựa lúa lớn thứ hai của cả nước ?
Câu 7. Dựa vào kiến thức đã học, giải thích tại sao Hà Nội, Hải Phòng là hai trung tâm công nghiệp lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Câu 8. Dựa vào hình dưới đây, phân tích các điều kiện để hình cơ cấu kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp của vùng Bắc Trung Bộ.
Câu 9. Dựa vào kiến thức đã học, giải thích tại sao nói "phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hình thành cơ cấu kinh tế vùng Bắc Trung Bộ" ?
Câu 10. “Biển miền trung lắm tôm, cá và các hải sản khác. Tỉnh nào cũng có bãi tôm, bãi cá, nhưng các bãi tôm, bãi cá lớn nhất là ở cực Nam Trung Bộ và ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa. Sản lượng thủy sản của vùng năm 2005 đã vượt 624 nghìn tấn. Trong đó, riêng sản lượng cá biển đã là 420 nghìn tấn với nhiều loài cá quý như cá thu, cá ngừ, cá trích, cá nục, cá hồng, cá phèn, nhiều loài tôm, mực… Bờ biển có nhiều vụng, đầm phá thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Việc nuôi tôm hùm, tôm sú đang được phát triển ở nhiều tỉnh, nhất là ở Phú Yên, Khánh Hòa. Hoạt động chế biến hải sản ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nước mắm Phan Thiết ngon nổi tiếng. Trong tương lai, ngành thủy sản sẽ có vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề thực phẩm của vùng và tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, vấn đề khai thác hợp lí và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa rất cấp bách”. (Theo SGK Địa Lí 12)
a. Qua đoạn văn trên, kết hợp với Atlat Địa lí Việt Nam, em hãy nêu tiềm năng và thực trạng phát triển nghề cá ở duyên hải Nam Trung Bộ?
b. Biến đổi khí hậu hiện nay đã tác động như thế nào đến việc phát triển nghề cá ở duyên hải Nam Trung Bộ?
ĐÁP ÁN
Câu 1.
*Khai thác và chế biến khoảng sản:
- Thế mạnh: là vùng giàu tài nguyên khoáng sản bậc nhất nước ta; tài nguyên khoáng sản của vùng rất phong phú, bao gồm:
+Than đá tập trung chủ yếu ở Đông Bắc (đọc atlat), chủ yếu làm nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện và xuất khẩu.
+Khoáng sản kim loại: sắt, thiếc, bôxit, kẽm, chì, đồng,... (đọc atlat), làm nguyên liệu cho các ngành CN luyện kim, cơ khí,...
+Khoáng sản phi kim loại: apatít, đá vôi,... (đọc atlat), làm nguyên liệu cho các ngành CN hóa chất, vật liệu XD,...
- Hạn chế: phần lớn là các mỏ nhỏ, nằm phân tán, trữ lượng không lớn, giao thông vận tải chưa phát triển nên việc khai thác đòi hỏi chi phí cao.
*Thủy điện:
- Thế mạnh: trữ năng thủy điện lớn nhất nước ta. Dẫn chứng: sông Hồng khoảng 11 triệu kw, sông Đà khoảng 6 triệu kw...
- Hạn chế: thủy chế sông ngòi trong vùng phân hóa theo mùa...
Câu 2.
- Thuận lợi:
+Có đường biên giới dài giáp Trung Quốc, Lào; mạng lưới giao thông vận tải đang được đầu tư, nâng cấp à thuận lợi cho việc giao lưu với các nước và các vùng khác trong nước, xây dựng nền kinh tế mở; thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
+Nằm tiếp giáp vùng biển giàu tiềm năng thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế biển (du lịch, giao thông, nuôi trồng, đánh bắt hải sản...) và mở rộng giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng trong nước và giữa vùng với các nước láng giềng, các nước trong khu vực.
- Khó khăn:
+Lãnh thổ có diện tích rộng lớn, việc đẩy mạnh quan hệ trao đổi sản phẩm hàng hoá giữa các tỉnh trong vùng và với vùng khác phần nào còn khó khăn vì mạng lưới giao thông vận tải của vùng còn nhiều hạn chế.
+Vùng có đường biên giới dài cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế -xã hội, vấn đề quốc phòng an ninh luôn luôn phải đề cao.
Câu 3.
Việc phát huy các thế mạnh của vùng TD-MNBB có ý nghĩa quan trọng:
* Về mặt kinh tế:
- Thúc đẩy kinh tế của vùng phát triển.
- Cung cấp nguồn năng lượng, khoáng sản, nông sản…cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
* Về mặt chính trị, xã hội:
- Việc phát huy các thế mạnh về kinh tế sẽ dần dần xóa bỏ sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa miền ngược và miền xuôi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc.
- Phát huy các thế mạnh của vùng để phát triển kinh tế góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thu hút nguồn lao động từ các vùng khác đến, giúp định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số.
- Có đường biên giới với TQ, Lào và các tuyến giao thông (quốc lộ 1A, quốc lộ 6, 18…), cửa khẩu quốc tế quan trọng (Hà Khẩu, Móng Cái, Hữu Nghị, Tây Trang,...) góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế trao đổi hàng hóa với các nước trong khu vực, góp phần tăng cường sức mạnh về an ninh, quốc phòng.
Câu 4.
a) Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở ĐBSH
- Chuyển dịch giữa các khu vực của nền kinh tế: giảm tỉ trọng của khu vực I (nông, lâm, ngư nghiệp), tăng tỉ trọng của khu vực II (công nghiệp, xây dựng) và khu vực III (dịch vụ).
- Chuyển dịch trong nội bộ ngành:
+Phương hướng chung: trọng tâm là phát triển và hiện đại hoá CN chế biến, các ngành CN khác và dịch vụ gắn liền với nhu cầu phát triển NN hàng hoá.
+Khu vực I: giảm tỉ trọng trồng trọt, tăng tỉ trọng chăn nuôi và thủy sản; trong trồng trọt giảm tỉ trọng cây lương thực, tăng tỉ trọng cây công nghiệp, cây thực phẩm, cây ăn quả.
+Khu vực II: chuyển dịch gắn với hình thành các ngành CN trọng điểm (lương thực, thực phẩm, dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, kĩ thuật điện,...).
+ Khu vực III: khai thác tiềm năng đẩy mạnh phát triển du lịch và các ngành dịch vụ khác (tài chính, ngân hàng, giáo dục-đào tạo,…).
b) Ý nghĩa của việc chuyển dịch đối với sự phát triển kinh tế của vùng
- Về kinh tế: cho phép khai thác tốt hơn các lợi thế, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng.
- Về xã hội: tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống,…
- Ý nghĩa đối với tài nguyên môi trường: cho phép khai thác và sử dụng hợp lí các nguồn lực tự nhiên, bảo vệ môi trường tạo sự phát triển bền vững.
Câu 5.
a) Vị trí địa lí:
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; giáp các vùng TD-MNBB, Bắc Trung Bộ và vịnh Bắc Bộ.
b) Về tự nhiên
- Đất: là tài nguyên quan trọng hàng đầu. Đất nông nghiệp chiếm 51,2% diện tích đồng bằng, trong đó 70% là đất phù sa màu mỡ.
- Nước: phong phú (nước mặt, nước dưới đất, nước nóng, nước khoáng).
- Biển: bờ biển dài 400 km. Hầu hết vùng bờ biển có điều kiện để làm muối và nuôi trồng thủy sản; bên cạnh đó là khả năng phát triển giao thông vận tải biển và du lịch.
- Khoáng sản: có giá trị nhất là đá vôi, sét, cao lanh. Ngoài ra còn có than nâu và tiềm năng về dầu khí.
c) Về kinh tế – xã hội
- Dân cư – lao động: lao động dồi dào, có kinh nghiệm và trình độ.
- Cơ sở hạ tầng có chất lượng vào loại hàng đầu của cả nước.
- Cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ sản xuất, đời sống ngày càng được hoàn thiện.
- Thế mạnh khác: thị trường tiêu thụ lớn, lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời,…
Câu 6.
a) Tự nhiên
- Đất nông nghiệp chiếm 51,2% diện tích đồng bằng, trong đó 70% là đất phù sa màu mỡ.
- Nguồn nước tưới dồi dào do hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình cùng các nhánh của nó cung cấp.
b) Kinh tế – xã hội
- Lực lượng lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn.
- Người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất lúa.
- Sự phát triển của nền kinh tế cùng với các chính sách mới của nhà nước,…
- Hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh.
Câu 7.
* Hà Nội là trung tâm công nghiệp lớn nhất vùng vì:
+ Là thủ đô của cả nước, lại có vị trí địa lí thuận lợi nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, nối với cảng Hải Phòng qua quốc lộ 5 và là đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế.
+ Nằm trong vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm với nguồn nguyên liệu từ nông, thuỷ sản phẩm phong phú.
+ Lực lượng lao động đông, có trình độ, thị trường tiêu thụ tại chỗ rộng lớn.
+ Là đầu mối giao thông quan trọng của các tỉnh phía Bắc, có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật phát triển mạnh.
+ Thu hút nhiều đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp.
* Hải Phòng là trung tâm công nghiệp lớn của vùng vì:
+ Vị trí địa lí thuận lợi là giáp biển, có cảng biển lớn, cửa ngõ xuất nhập khẩu của các tỉnh phía Bắc, là đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế.
+ Nằm trong vùng trọng điểm lương thực, thực phẩm nên có nguồn nguyên liệu dồi dào cho công nghiệp chế biến.
+ Lực lượng lao động khá dồi dào, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật khá hoàn thiện.
+ Thu hút được đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp.
Câu 8.
- Lãnh thổ theo chiều đông – tây có 3 dạng địa hình phổ biến: vùng biển đảo, đồng bằng ven biển và vùng đồi núi.
- Tài nguyên thiên nhiên:
+ Đất: dãy đồng bằng ven biển kéo dài từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp hàng năm và cây lúa. Vùng đồi trung du có đất feralit cho phép phát triển cây công nghiệp lâu năm. Các đồng cỏ trước núi có điều kiện phát triển chăn nuôi đại gia súc.
+ Khí hậu nhiệt đới gió mùa cho phép phát triển ngành nông lâm ngư nghiệp.
+ Có diện tích rừng là 2,46 triệu ha (độ che phủ 47,8% năm 2006) đứng sau Tây Nguyên. Trong rừng có nhiều loại gỗ quí và lâm sản có giá trị.
+ Vùng có đường bờ biển dài thuận lợi phát triển nghề cá biển..
- Điều kiện kinh tế - xã hội:
+ Nhân dân trong vùng có kinh nghiệm phát triển nông lâm ngư nghiệp..
+ Chính sách của nhà nước…
Câu 9.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hình thành cơ cấu kinh tế vùng vì:
- Cho phép khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên để hình thành cơ cấu kinh tế của vùng.
+ Tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng (một số loại khoáng sản, tài nguyên lâm nghiệp, nông nghiệp và thuỷ sản...) cho phép phát triển cơ cấu kinh tế nhiều ngành.
+ Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải còn nhiều hạn chế (do chiến tranh, do thiên tai, phân bố không đều) làm ảnh hưởng đến sự hình thành cơ cấu kinh tế theo ngành và theo lãnh thổ.
- Cho phép khai thác các thế mạnh nổi bật về kinh tế của vùng, thúc đẩy các mối liên hệ kinh tế với các vùng khác trong nước và với quốc tế.
+ Các tuyến đường: Quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất, đường hầm ô tô qua Hoành Sơn, Hải Vân, đường Hồ Chí Minh đang hoàn thành đã góp phần làm tăng đáng kể khả năng vận chuyển Bắc - Nam trên tuyến đường huyết mạch này, đồng thời sẽ tạo sức hút lớn cho các luồng vận tải theo quốc lộ 9 tới cảng Đà Nẵng, mở rộng quan hệ với các vùng phía bắc và phía nam.
+ Cùng với phát triển giao thông đông - tây và các tuyến đường ngang là đường 7, đường 8 và đường 9, hàng loạt cửa khẩu đã mở ra để phát triển giao thương với các nước láng giềng.
+ Một số cảng nước sâu đang được đầu tư xây dựng, hoàn thiện (như cảng Nghi Sơn, Vũng áng, Chân Mây) và gắn liền với sự hình thành các khu kinh tế cảng biển. Sân bay Vinh, Huế được nâng cấp giúp tăng cường thu hút khách du lịch.
Câu 10.
a. Tiềm năng và thực trạng phát triển nghề cá ở DHNTB:
- Tiềm năng:
+ Biển lắm tôm, cá và các loại hải sản khác
+ Tỉnh nào cũng có bãi tôm, cá nhưng lớn nhất ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ và ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa
+ Bờ biển có nhiều vụng, đầm phá thuận lợi nuôi trồng thủy sản
- Thực trạng phát triển nghề cá:
+ Sản lượng thủy sản của DHNTB 2005: vượt 624 nghìn tấn:
- Thủy sản khai thác lớn ở các tỉnh Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa (dẫn chứng từ Atlat)
- Thủy sản nuôi trồng: tôm hùm, tôm sú phát triển mạnh ở các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên (dẫn chứng từ Atlat)
+ Hoạt động chế biến thủy sản ngày càng đa dạng, phong phú, nổi tiếng với nước mắm Phan Thiết
+ Trong tương lai, ngành thủy sản sẽ có vai trò lớn hơn trong việc giải quyết vấn đề thực phẩm của vùng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa.
b. Tác động của biến đổi khí hậu đến việc phát triển nghề cá ở DHNTB:
- Biến đổi khí hậu làm gia tăng thiên tai như:
+ Bão lũ ở các tỉnh phía Bắc
+ Khô hạn ở các tỉnh phía Nam
- Biến đổi khí hậu tác động đến các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của sinh vật biển.
- Cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng, đặc biệt vấn đề khai thác hợp lí và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa rất cấp bách.
{-- Để xem tiếp nội dung đề từ câu 11-13 của tài liệu các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc Tải về--}
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục: