15 câu lý thuyết ôn tập nội dung Học kì 1 môn Vật lý 7 năm học 2019-2020

15 CÂU LÝ THUYẾT ÔN TẬP NỘI DUNG HK1 MÔN VẬT LÝ 7 NĂM HỌC 2019-2020

Câu 1: Khi nào ta nhận biết được ánh sáng? Khi nào ta nhìn thấy một vật? Nguồn sáng là gì? Vật sáng là gì? Mặt Trăng có phải là nguồn sáng không?

- Ta nhận biết được ánh sáng khi có ánh sáng truyền vào mắt ta.

- Ta nhìn thấy một vật khi có ánh sáng truyền từ vật đó vào mắt ta.

Lưu ý:( Vật đen là vật không tự phát ra ánh sáng và cũng không hắt lại ánh sáng chiếu vào nó. Sở dĩ ta nhận ra vật đen vì nó được đặt bên cạnh những vật sáng khác).

- Nguồn sáng là vật tự nó phát ra ánh sáng.

- Vật sáng gồm nguồn sáng và những vật hắt lại ánh sáng chiếu vào nó.

- Mặt trăng không phải nguồn sáng, chỉ là vật hắt lại ánh sáng từ Mặt Trời

Câu 2:  Phát biểu định luật truyền thẳng ánh sáng?  Tía sáng là gì? Chùm sáng là gì? Có mấy loại chùm sáng?

- Định luật truyền thẳng ánh sángTrong môi trường trong suốt và đồng tính ánh sáng truyền đi theo đường thẳng.

* Tia sáng : Đường truyền của ánh sáng được biểu diễn bằng một đường thẳng có hướng gọi tia sáng

* Chùm sáng là gì? Có mấy loại chùm sáng?

  • Chùm sáng gồm nhiều tia sáng hợp thành. Có 3 loại chùm sáng:
  • Chùm sáng song song: Gồm các tia sáng không giao nhau trên đường truyền của chúng.
  • Chùm sáng hội tụ: Gồm các tia sáng giao nhau trên đường truyền của chúng.
  • Chùm sáng phân kỳ: Gồm các tia sáng loe rộng ra trên đường truyền của chúng.

Câu 3: Bóng tối là gì? Bóng nửa tối là gì? Nhật thực là gì? Nguyệt thực xảy ra khi nào?

Bóng tối: Nằm phía sau vật cản, không nhận được ánh sáng từ nguồn sáng truyền tới.

Bóng nửa tối: Nằm phía sau vật cản, chỉ nhận được 1 phần ánh sáng từ nguồn sáng truyền tới.

- Nhật thực toàn phần (hay một phần) quan sát được ở chỗ có bóng tối (hay bóng nữa tối) của Mặt Trăng trên Trái Đất.

- Nguyệt Thực xảy ra khi Mặt Trăng bị Trái Đất che khuất không được Mặt Trời chiếu sáng.

Câu 4: Phát biểu định luật phản xạ ánh sáng?

- Tia phản xạ nằm trong cùng mặt phẳng chứa tia tới và đường pháp tuyến của gương ở điểm tới.

Góc phản xạ bằng góc tới.

Câu 5: Tính chất ảnh của vật tạo bởi gương phẳng?

- Ảnh ảo tạo bởi gương phẳng không hứng được trên màn chắn và lớn bằng vật.

- Khoảng cách từ một điểm của vật đến gương bằng khoảng cách từ ảnh của điểm đó đến gương.

- Các tia sáng từ điểm sáng S tới gương phẳng cho tia phản xạ có đường kéo dài đi qua ảnh ảo S’.

Câu 6: Tính chất ảnh của một vật tạo bởi gương cầu lồi? So sánh vùng nhìn thấy của gương cầu lồi và vùng nhìn thấy của gương phẳng có cùng kích thước.

- Ảnh ảo tạo bởi gương cầu lồi không hứng được trên màn chắn và nhỏ hơn vật.

- Vùng nhìn thấy của gương cầu lồi rộng hơn vùng nhìn thấy của gương phẳng có cùng kích thước.

 * Áp dụng: Trên xe ô tô, xe máy người ta lắp một gương cầu lồi phía trước người lái xe để quan sát phía sau mà không lắp một gương phẳng. Làm như thế có lợi gì?

- Vì vùng nhìn thấy của trong gương cầu lồi rộng hơn vùng nhìn thấy trong gương phẳng có cùng kích thước giúp người lái xe nhìn được khoảng rộng hơn ở đằng sau.

Câu 7: Tính chất ảnh của một vật tạo bởi gương cầu lõm? Gương cầu lõm có tác dụng gì?

- Ảnh ảo tạo bởi gương cầu lõm không hứng được trên màn chắn và lớn hơn vật.

- Gương cầu lõm có tác dụng biến đổi một chùm tia tới song song thành một chùm tia phản xạ hội tụ vào một điểm và ngược lại, biến đổi một chùm tia tới phân kì thích hợp thành một chùm tia phản xạ song song. 

Câu 8: Nguồn âm là gì? Các nguồn âm có chung đặc điểm gì?

  • Những vật phát ra âm thanh gọi là nguồn âm.
  • Các vật phát ra âm (nguồn âm) đều dao động.

Câu 9: Tần số dao động là gì? Đơn vị tần số là gì? Khi nào vật phát ra âm phát ra cao (âm bổng)? khi nào vật phát ra âm thấp (âm trầm)?

  • Số dao động trong một giây gọi là tân số. Đơn vị tần số là héc, ký hiêu Hz.
  • Khi tần số dao động càng lớn thí âm phát ra càng cao.
  • Khi tần số dao động càng nhỏ thí âm phát ra càng thấp.

Lưu ý: (Quan trọng)

Thông thường tai người có thể nghe được âm có tần số trong khoảng từ 20Hz đến 20000Hz.

Những âm có tần số dưới 20Hz gọi là hạ âm. Những âm có tần số lớn hơn 20000Hz gọi là siêu âm.

Con chó và một số động vật khác có thể nghe được âm có tần số thấp hơn 20Hz, cao hơn 20000Hz.

* Cách tính tần số : Ví dụ  : Một vật trong 2 phút thực hiện được 1200 dao dao động. Tính tần số dao động đó và cho biết vật đó có phát ra âm không và tai người nghe được không ?

Giải :         2’ = 120s          →      1200 dao động

                              1s        →     1200.1/120 = 10 dao động.

Vậy tần số của dao động trên là 10Hz.

- Vật có dao động nên phát ra âm. Âm này có tần số 10Hz < 20 Hz nên tai người không thể nghe được.

Câu 10: Khi nào âm phát ra to? Khi nào âm phát ra nhỏ? Độ to của âm được đo bằng đơn vị gì?

  • Biên độ dao động càng lớn thì âm phát ra càng to.
  • Biên độ dao động càng nhỏ thì âm phát ra càng nhỏ.
  • Độ to của âm được đo bằng đơn vị dêxiben (dB)

Câu 11: Âm thanh có thể truyền được trong những môi trường nào? Âm thanh không truyền được trong môi trường nào?

  • Âm thanh có thể truyền được trong môi trường rắn, lỏng và khí.
  • Âm thanh không thể truyền được trong chân không.

Câu 12: Trong 3 môi trường rắn, lỏng, khí. Vận tốc truyền âm trong môi trường nào lớn nhất, môi trường nào nhỏ nhất?

  • Vận tốc truyền âm trong chất rắn lớn nhất, trong chất khí nhỏ nhất

Câu 13: Các vật như thế nào thì phản xạ âm tốt? Các vật như thế nào thì phản xạ âm kém?

  • Những vật có bề mặt cứng, nhẵn là những vật phản xạ âm tốt.( hấp thụ âm kém)
  • Những vật có bề mặt mềm, gồ ghề là những vật phản xạ âm kém. ( hấp thụ âm tốt)

 Câu 14: Nêu một số biện pháp có thể chống ô nhiễm tiếng ồn?

  • Giảm độ to của tiếng ồn phát ra
  • Ngăn chặn đường truyền của tiếng ồn.
  • Làm cho âm truyền theo hướng khác.

Câu 15 : Giải thích tại sao trong phòng có cửa gỗ đóng kín không bật đèn ta không nhìn thấy mảnh giấy trắng đặt trên bàn  

Vì khi không bật đèn thì không có ánh sáng chiếu tới mảnh giấy trắng và như vậy sẽ không có ánh sáng phản chiếu lại vào mắt ta, nên ta không nhìn thấy mảnh giấy trắng được.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung 15 câu lý thuyết ôn tập nội dung Học kì 1 môn Vật lý 7 năm học 2019-2020. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong kì thi  sắp tới.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?