LÍ THUYẾT VÀ BÀI TẬP ÔN TẬP CHUYÊN ĐỀ HỆ THẦN KINH GIÁC QUAN
SINH HỌC 8 NĂM 2020
A. NỘI DUNG LÍ THUYẾT
1. Cơ quan phân tích thị giác
- Cơ quan thị giác gồm:
+ Tế bào thụ cảm thị giác (trong màng lưới của cầu mắt)
+ Dây thần kinh thị giác (dây số II)
+ Vùng thị giác (ở thùy chẩm)
a. Cấu tạo của cầu mắt
- Cầu mắt được bảo vệ bởi các mi mắt, lông mày và lông mi. Cầu mắt vận động được là nhờ các cơ vận động mắt
Cầu mắt phải trong hốc mắt
- Cấu tạo gồm 3 lớp:
+ Màng cứng.
+ Màng mạch.
+ Màng lưới.
- Chức năng:
+ Tạo ảnh trên màng lưới.
+ Điều tiết ánh sáng.
b. Cấu tạo của màng lưới
- Màng lưới gồm:
+ Các tế bào nón: tiếp nhận kích thích ánh sáng mạnh và màu sắc.
+ Tế bào que: tiếp nhận kích thích ánh sáng yếu.
+ Điểm vàng (trên trục mắt) là nơi tập trung các tế bào nón, mỗi tế bào nón liên hệ với một tế bào thần kinh thị giác qua 1 tế bào 2 cực giúp ta tiếp nhận hình ảnh của vật rõ nhất.
+ Điểm mù: là nơi đi ra của các sợi trục các TBTK cảm giác thị giác, không có tế bào thụ cảm thị giác nên rơi vào đây bạn sẽ không thấy gì.
Sơ đồ cấu tạo của màng lười
c. Sự tạo thành ở màng lưới
- Ta nhìn được là nhờ tia sáng phản chiếu từ vật đến mắt đi qua thể thủy tinh tới màng lưới sẽ kích thích các tế bào ở đây và truyền về trung ương, cho ta nhận biết về hình dạng, độ lớn và màu sắc của vật.
- Thí nghiệm:
- Vai trò của thể thủy tinh trong cầu mắt:
+ Nhờ sự điểu tiết của thể thủy tinh (như một thấu kính hội tụ) cho ảnh rõ nét hơn trên màng lưới tại điểm vàng.
+ Ta nhìn thấy vật là nhờ các tia sáng phản chiếu từ vật tới mắt đi qua thể thủy tinh tới màng lưới sẽ kích thích các tế bào thụ cảm ở đây và truyền về trung ương, cho ta nhận biết về hình dạng, độ lớn và màu sắc của vật.
2. Cơ quan phân tích thính giác
a. Cấu tạo
- Tai được chia ra: tai ngoài, tai giữa và tai trong.
+ Tai ngoài:
- Vành tai: có nhiệm vụ hứng sóng âm.
- Ống tai: hướng sóng âm.
- Tai ngoài được giới hạn bởi màng nhĩ có đường kính khoảng 1cm.
+Tai giữa là 1 khoang xương gồm:
- Chuỗi xương tai bao gồm xương búa, xương đe và xương bàn đạp khớp với nhau.
- Xương búa được gắn vào màng nhĩ, xương bàn đạp áp vào 1 màng giới hạn tai giữa và tai trong (gọi là màng cửa bầu dục – có diện tích nhỏ hơn màng nhĩ 18 – 20 lần).
- Khoảng tai giữa thông với nhau nhờ có vòi nhĩ nên bảo đảm áp suất hai bên màng nhĩ được cân bằng.
+ Tai trong:
- Bộ phận tiền đình và các ống bán khuyên: thu nhận các thông tin về vị trí và sự chuyển động của cơ thể trong không gian
- Ốc tai: thu nhận các kích thích của sóng âm. Gồm: ốc xương tai bên trong có ốc tai màng.
+ Ốc tai màng là 1 ống màng chạy dọc ốc tai xương và cuốn quang trụ ốc hai vòng rưỡi gồm: màng tiền đình (phía trên), màng cơ sở (phía dưới) và màng bên.
+ Trên màng cơ cở có cơ quan coocti: chứa tế bào thụ cảm thính giác.
b. Chức năng
- Sóng âm từ nguồn âm phát ra được vành tai hứng lấy, truyền qua ống tai vào làm rung màng nhĩ, tới chuỗi xương tai vào tai trong ( làm rung màng “cửa bầu”) => làm chuyển động ngoại dịch rồi nội dịch trong ốc tai màng => tác động lên cơ quan Coocti kích thích tế bào thụ cảm thính giác nằm trên màng cơ sở ở vùng tương ứng với tần số và cường độ của sóng âm => làm các tế bào này hưng phấn chuyển thành xung thần kinh truyền về vùng thính giác ở thùy thái dương cho ta nhận biết về âm thanh đã phát ra.
B. BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM
Câu 1. Cơ quan phân tích thị giác gồm có 3 thành phần chính, đó là
A. Các tế bào thụ cảm thị giác ở màng lưới, dây thần kinh thị giác và vùng thị giác ở thùy chẩm.
B. Các tế bào thụ cảm thị giác ở màng mạch, dây thần kinh thính giác và vùng thị giác ở thùy đỉnh.
C. Các tế bào thụ cảm thị giác ở màng cứng, dây thần kinh thị giác và vùng thị giác ở thùy trán.
D. Các tế bào thụ cảm thị giác ở màng lưới, dây thần kinh vị giác và vùng vị giác ở thùy chẩm.
Câu 2. Dây thần kinh thị giác là
A. Dây số I.
B. Dây số IX.
C. Dây số II.
D. Dây số VIII.
Câu 3. Cầu mắt cấu tạo gồm mấy lớp?
A. 5 lớp B. 4 lớp
C. 2 lớp D. 3 lớp
Câu 4. Loại tế bào nào dưới đây không phải là tế bào thụ cảm thị giác?
A. Tất cả các phương án còn lại
B. Tế bào nón
C. Tế bào que
D. Tế bào hạch
Câu 5. Ở màng lưới, điểm vàng là nơi tập trung chủ yếu của
A. Tế bào que.
B. Tế bào nón.
C. Tế bào hạch.
D. Tế bào hai cực.
Câu 6. Tế bào nón tiếp nhận dạng kích thích nào dưới đây?
A. Ánh sáng yếu và ánh sáng mạnh
B. Ánh sáng mạnh và màu sắc
C. Ánh sáng yếu và màu sắc
D. Cả ánh sáng mạnh, ánh sáng yếu và màu sắc
Câu 7. Ở mắt người, điểm mù là nơi
A. Đi ra của các sợi trục tế bào thần kinh thị giác.
B. Nơi tập trung tế bào nón.
C. Nơi tập trung tế bào que.
D. Nơi đi ra của các sợi trục tế bào liên lạc ngang.
Câu 8. Trong cầu mắt người, thành phần nào dưới đây có thể tích lớn nhất?
A. Màng giác
B. Thủy dịch
C. Dịch thủy tinh
D. Thể thủy tinh
Câu 9. Mống mắt còn có tên gọi khác là
A. Lòng đen.
B. Lỗ đồng tử.
C. Điểm vàng.
D. Điểm mù.
Câu 10. Chọn cụm từ thích hợp để điền vào chỗ chấm trong câu sau: Nhờ khả năng điều tiết của … mà ta có thể nhìn rõ vật ở xa cũng như khi tiến lại gần.
A. Thể thủy tinh
B. Thủy dịch
C. Dịch thủy tinh
D. Màng giác
Câu 11. Ngăn cách giữa tai ngoài và tai giữa là
A. Màng cơ sở.
B. Màng tiền đình.
C. Màng nhĩ.
D. Màng cửa bầu dục.
Câu 12. Ở người, loại xương nào dưới đây được gắn trực tiếp với màng nhĩ?
A. Xương bàn đạp
B. Xương đe
C. Xương búa
D. Xương đòn
Câu 13. Ở tai giữa của chúng ta tồn tại mấy loại xương?
A. 5 B. 4
C. 2 D. 3
Câu 14. Trong tai người, xương bàn đạp nằm áp sát với bộ phận nào dưới đây?
A. Màng nhĩ
B. Màng cửa bầu dục
C. Màng tiền đình
D. Ống bán khuyên
Câu 15. Ở tai trong, bộ phận nào có nhiệm vụ thu nhận các thông tin về vị trí và sự chuyển động của cơ thể trong không gian?
A. Ốc tai và ống bán khuyên
B. Bộ phận tiền đình và ốc tai
C. Bộ phận tiền đình và ống bán khuyên
D. Bộ phận tiền đình, ốc tai và ống bán khuyên
Câu 16. Các tế bào thụ cảm thính giác nằm ở
A. Màng bên.
B. Màng cơ sở.
C. Màng tiền đình.
D. Màng cửa bầu dục.
Câu 17. Vì sao trẻ bị viêm họng thường dễ dẫn đến viêm tai giữa?
A. Vì vi sinh vật gây viêm họng và vi sinh vật gây viêm tai giữa luôn cùng chủng loại với nhau.
B. Vì vi sinh vật gây viêm họng có thể theo vòi nhĩ tới khoang tai giữa và gây viêm tại vị trí này.
C. Vì vi sinh vật gây viêm họng có thể biến đổi về cấu trúc và theo thời gian sẽ gây viêm tai giữa.
D. Tất cả các phương án còn lại.
Câu 18. Tai ngoài có vai trò gì đối với khả năng nghe của con người?
A. Hứng sóng âm và hướng sóng âm
B. Xử lí các kích thích về sóng âm
C. Thu nhận các thông tin về sự chuyển động của cơ thể trong không gian
D. Truyền sóng âm về não bộ
Câu 19. Mỗi bên tai người có bao nhiêu ống bán khuyên?
A. 1 B. 2
C. 3 D. 4
Câu 20. Để bảo vệ tai, chúng ta cần lưu ý điều nào sau đây?
A. Tất cả các phương án còn lại.
B. Vệ sinh tai sạch sẽ bằng tăm bông, tránh dùng vật sắc nhọn vì có thể gây tổn thương màng nhĩ.
C. Tránh nơi có tiếng ồn hoặc sử dụng các biện pháp chống ồn (dùng bịt tai, xây tường cách âm…).
D. Súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên để phòng ngừa viêm họng, từ đó giảm thiếu nguy cơ viêm tai giữa.
ĐÁP ÁN
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
A | C | D | D | B | B | A | C | A | A |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 |
C | C | D | B | C | B | B | A | C | A |
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục: