ĐIỀU HÒA HOOCMÔN ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH SINH TINH VÀ SINH TRỨNG
a. Điều hoà sinh tinh
Vùng dưới đồi tiết ra GnRH kích thích tuyến yên tiết FSH và LH.
FSH kích thích ống sinh tinh, sản sinh tinh trùng.
LH kích thích tế bào kẽ tiết ra hoocmon testosteron, có tác dụng kích thích sự sinh tinh trùng, đồng thời hoạt hoá tuyến sinh dục phụ sản sinh tinh dịch và hình thành đặc điểm sinh dục phụ thức cấp. Khi nồng độ testosteron cao sẽ ức chế ngược lên vùng dưới đồi và tuyến yên làm giảm GnRH, FSH và LH.
Sơ đồ điều hòa hoocmôn đối với quá trình sinh tinh
*Sự điều hoà sinh tinh được thực hiện theo cơ chế liên hệ ngược:
- Đầu tiên, vùng dưới đồi tiết ra GnRH (nhân tố gây chế tiết FSH) kích thích thuỳ trước tuyến yên tiết ra FSH để kích thích sự phát triển của ống sinh tinh và tạo thành tinh trùng; và tiết ra LH có tác dụng lên tế bào kẽ để gây tiết hoocmôn testostêron.
- Khi LH gây hưng phấn các tế bào kẽ tiết ra quá nhiều testostêron, chất này sẽ tác động ngược lên tuyến yên, gây ức chế tiết ra LH. Tuy nhiên toàn bộ testostêron chỉ đủ để ức chế được LH mà vẫn chưa thể ức chế được sự tiết FSH. Có một loại hoocmôn khác do các tế bào sinh tinh tiết ra có thể gây ức chế được FSH đó là inhibin.
b. Điều hoà sinh trứng
Sự điều hoà sinh trứng là nhờ tác động của hoocmon sinh dục. Nồng độ của các chất biến động theo chu kỳ vì vậy quá trình phát triển và rụng trứng diễn ra theo chu kỳ.
Các loài động vật khác nhau có chu kỳ trứng chín và rụng khác nhau, ở người trứng chín và rụng theo chu kỳ tháng, cứ trung bình sau 28 ngày lại có một trứng chín và rụng tạo nên chu kỳ kinh nguyệt.
Sơ đồ điều hòa hoocmôn đối với quá trình sinh trứng
Chu kỳ kinh nguyệt có thể chia làm 2 pha: pha nang và pha thể vàng.
*Pha nang trứng:
Vùng dưới đồi tiết ra GnRH kích thích tuyến yên tiết FSH (hoocmon kích thích nang trứng và LH hoocmon tạo thể vàng. FSH làm noãn chín, LH làm cho trứng chín và rụng nồng độ FSH và LH tăng cao nhất ở khoảng ngày thứ 14. Sự phối hợp của 3 loại hoocmon này làm cho nang trứng phát triển và gây rụng trứng ở ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt.
Nồng độ ostrogen tăng kích thích sự phát triển của cơ trơn thành tử cung, tăng cường lớp biểu mô tuyến của tử cung (niêm mạc tử cung) để chuẩn bị tiếp nhận phôi.
Sơ đồ các hiện tượng trong chu kì kinh nguyệt và chu kì buồng trứng
*Pha thể vàng:
Sau khi rụng trứng, các nang bào còn lại trở thành thể vàng tiết progesteron. Progesteron phối hợp với ơstrogen có tác dụng ức chế ngược vùng dưới đồi và tuyến yên làm giảm GnRH, FSH và LH. Vì vậy không có nang trứng phát triển khi thể vàng tiếp tục tiết progesteron. Nếu trứng không được thụ tinh thể vàng sẽ teo đi trong vòng 10 ngày kể từ sau khi trứng rụng và chu kỳ kinh nguyệt có thể lặp lại.
Đồng thời sau khi trứng rụng, progesteron làm cho niêm mạc tử cung phát triển nhanh, nó tổng hợp, tích trữ glycogen, làm tăng sinh mạch máu nhanh sẵn sàng cho việc đón trứng làm tổ.
Trong điều kiện bình thường, khi không có thai, nồng độ progesteron và ơstrogen giảm xuống rất nhanh làm cho cơ tử cung và niêm mạc tử cung co lại trong những ngày cuối chu kỳ 28 ngày gây chảy máu (kinh nguyệt).
Ơstrogen kích thích các tế bào sản xuất chất nhày để bôi trơn âm đạo, nhưng prgesteron lại làm chất nhày đặc quánh tạo nút chất nhày bảo vệ âm đạo, vì vậy bảo vệ phôi phát triển.
*Những khác nhau cơ bản giữa chu kì kinh nguyệt và chu kì buồng trứng:
Điểm khác | Chu kì kinh nguyệt | Chu kì buồng trứng |
Định nghĩa | CK kinh nguyệt là sự bong ra theo chu kì của lớp tế bào niêm mạc tử cung kèm theo máu của tử cung, hỗn hợp tế bào niêm mạc và máu này đi qua âm đạo ra ngoài cơ thể. | CK buồng trứng là sự phát triển nang trứng, rụng trứng và hình thành thể vàng theo chu kì và được điều hòa bởi hoocmon. |
Đối tượng | Chỉ có ở người và khỉ dạng người. Các loài thú không có chu kì kinh nguyệt mà chỉ có chu kì động dục. |
Có ở các loài thú và người. |
Vị trí | Diễn ra ở tử cung | Diễn ra ở buồng trứng |
Phân chia thời gian | 2 giai đoạn: tăng sinh và tiết | 2 pha: pha nang trứng và pha thể vàng. |
Biến đổi trong chu kì | Niêm mạc tử cung phát triển, dày lên, giàu mạch máu, giàu tuyến tiết chất dinh dưỡng, chuẩn bị cho hợp tử làm tổ. Sau đó các mạch máu ở niêm mạc tử cung bị đứt và lớp niêm mạc tử cung không được nuôi dưỡng bong ra, máu và lớp niêm mạc tử cung đi qua âm đạo ra ngoài gây hiện tượng kinh nguyệt. | Nang trứng phát triển và gây ra hiện tượng trứng rụng vào loa vòi trứng, các tế bào còn lại của nang trứng phát triển thành tuyến nội tiết tạm thời gọi là thể vàng, sau đó thể vàng thoái hóa dẫn đến nang trứng mới lại phát triển. |
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Kiến thức trọng tâm ôn tập Quá trình điều hòa hoocmon đối với quá trình sinh tinh và sinh trứng Sinh học 11. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
- Bài tập trắc nghiệm ôn tập Cảm ứng ở động vật Sinh học 11 có đáp án
- Kiến thức trọng tâm chuyên đề: Sinh sản ở động vật Sinh học 11
Chúc các em học tập tốt !