Qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia, giúp các em rèn luyện kĩ năng kể lại được bằng lời một câu chuyện đã được chứng kiến hoặc tham gia có nội dung kể về một việc làm của người công dân.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Các bước tiến hành
Chọn một trong các đề bài sau:
1. Kể một việc làm của những công dân nhỏ thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hoá.
2. Kể một việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
3. Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ.
Gợi ý:
a) Đề 1
- Thế nào là công trình công cộng và di tích lịch sử - văn hoá?
- Công trình công cộng là những nơi được xây dựng để mọi người dùng chung như cung văn hóa, viện bảo tàng, rạp hát, công viên,...
- Di tích lịch sử - văn hoá là những công trình hoặc những vật đời trước để lại, gắn với những sự kiện, những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hoặc có ý nghĩa, giá trị cao về văn hoá.
- Những việc làm thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hoá: giữ vệ sinh; không hái hoa; không leo trèo, nghịch ngợm; không viết, vẽ lên tường; phát hiện và ngăn chặn các hành vi phá hoại công trình,...
b) Đề 2
- Luật Giao thông đường bộ gồm các quy định mà mỗi người dân phải tuân theo khi đi lại trên đường để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tai nạn.
- Những việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ: đi bộ trên vỉa hè; không chạy nhảy, nô đùa dưới lòng đường; đi xe ở bên phải đường; không đi xe hàng ba, hàng bốn trên đường; không vượt đèn đỏ; đấu tranh, ngăn chặn các hiện tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
c) Đề 3
- Liệt sĩ và thương binh là những người đã dũng cảm hi sinh tính mạng hoặc một phần thân thể để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và cuộc sống của nhân dân.
- Các việc làm thể hiện lòng biết ơn thương binh, liệt sĩ: chăm sóc mộ liệt sĩ, thăm nom giúp đỡ các gia đinh liệt sĩ neo đơn, giúp đỡ các cô, chú thương binh gặp khó khăn,...
2. Nhớ lại câu chuyện. nhớ lại sự việc mà em đã chứng kiến hoặc tham gia.
3. Kể chuyện trong tổ, trong lớp .
- Giới thiệu câu chuyện.
- Kể diễn biến của câu chuyện.
- Bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của em về câu chuyện đó.
4. Trao đổi, thảo luận về nội dung, ý nghĩa của câu chuyện.
1.2. Bài kể mẫu
Để thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ, Liên đội trường em thường tổ chức đến những gia đình thương binh liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để thăm hỏi sức khỏe và làm những việc vừa với sức của mình.
Chi đội của em được Liên đội phân công chăm sóc, giúp đỡ chú Thắng bị cụt hau chân hồi đánh Mĩ. Chú đi lại bằng xe lăn hoặc hai cái nạng kẹp hai bên nách. Ngoài tiền trợ cấp hàng tháng, chú còn phải đi bán thêm vé số để có thêm thu nhập nuôi hai con ăn học cấp II và cấp III. Vợ của chú đi làm thuê làm mướn, ai kêu gì làm nấy.
Hàng tuần, vào ngày chủ nhật, chúng em gồm mười bạn đến nhà chú Thắng làm những công việc : quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn rau đủ các loại, kéo nước từ giếng khơi đủ đầy các lu, khạp. Việc làm của chúng em tuy nhỏ nhưng đủ làm chú Thắng ấm lòng. Chú khen chúng em ngoan, biết giúp đỡ người khác và chú thường nhắc nhở chúng em phải cố gắng học hành cho giỏi.
- Thông qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia, các em cần nắm và rèn luyện được những nội dung kiến thức, kĩ năng cơ bản và trọng tâm nhất. Đồng thời, có thái độ học tập và thái độ sống đúng đắn như:
- Kĩ năng
- Kể lại được bằng lời một câu chuyện đã được chứng kiến hoặc tham gia có nội dung kể về một việc làm của người công dân, kèm cử chỉ, điệu bộ.
- Kiến thức
- Hiểu được ý nghĩa, nội dung những câu chuyện bạn kể.
- Đánh giá lời kể của bạn theo các tiêu chí đã nêu.
- Thái độ
- Có ý thức rèn luyện bản thân thành một công dân tốt và thói quen ham đọc sách.
- Kĩ năng
- Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tập đọc: Tiếng rao đêm để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.