Qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc , giúp các em rèn luyện kĩ năng kể lại được bằng lời một câu chuyện đã nghe, đã đọc có nội dung về những tấm gương sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh. Đồng thời, hiểu được ý nghĩa, nội dung những câu chuyện em và bạn kể.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Các bước tiến hành
Đề bài: Kể một câu chuyện em đã nghe hoặc đã đọc về những tấm gương sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh.
Gợi ý:
1. Thế nào là sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh?
a) Thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy ước của cộng đồng, ví dụ: anh cảnh vệ Lý Phúc Nha hỏi giấy tờ của Bác Hồ (Bảo vệ như thế là rất tốt - Tiếng Việt 2, tập hai); thiếu nhi giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi công cộng, chấp hành luật lệ giao thông.
b) Yêu chuộng công lí, đấu tranh thực hiện công lí, ví dụ: nhân vật Mồ Côi xử kiện, đem lại sự công bằng cho người dân (Mồ Côi xử kiện - Tiếng Việt 3, tập một).
c) Đấu tranh chống vi phạm pháp luật, ví dụ: nhân vật chú bé gác rừng đã phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng cùa kẻ xấu (Người gác rừng tí hon - Tiếng việt 5, tập một); thiếu nhi tham gia bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hoá, bảo vệ môi trường.
2. Cách kể chuyện:
- Giới thiệu câu chuyện:
- Nêu tên câu chuyện.
- Nêu tên nhân vật.
- Kể diễn biến của câu chuyện, nhấn mạnh vào các suy nghĩ, hành động của nhân vật thể hiện ý thức sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh.
3. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.
1.2. Bài kể mẫu
Ngày nào đi học, chúng em cũng đi qua chiếc cầu gỗ bắc qua ngòi Thia. Ngòi Thia chỉ rộng độ 15 mét, sâu hơn 2 mét, nhưng về mùa lũ nước cuồn cuộn đục ngầu.
Tháng 9 năm 2000, mưa to, lũ lụt lớn. Chiếc cầu gỗ bắc qua ngòi Thia, chỉ một đêm bị lũ cuốn gần như hết sạch các mảnh ván gỗ và lan can trên cầu.
Sáng thứ hai hôm ấy, mưa đã tạnh, nước ngòi dâng đầy cuốn băng băng. Cầu đã bị trôi hết ván. Hàng mấy chục học sinh tiểu học thôn Hạ và xóm Chùa đứng ngơ ngác nhìn ngòi, nhìn cầu. Bước vào năm học mới được hai tuần, thế là bọn chúng em phải quay trở về nhà.
Bác Chính sĩ quan công binh về hưu, là Hội trưởng Hội cựu chiến binh xã Hồng Phong đã ra tay làm sống lại cây cầu. Bác đã vận động thanh niên và các cán bộ về hưu toàn xã đốn mấy chục cây bạch đàn to, dài trong vườn bác tập kết tại chân cầu. Mấy tay thợ mộc xóm Chùa được điều động đến giúp bác một tay. Mọi thứ vật liệu khác như đinh, móc sắt, dây thép và dây cáp chằng cầu bác đều tự bỏ tiền ra mua sắm. Là kĩ sư công binh thời chiến tranh, nên mọi khâu kĩ thuật bác đảm đương hết. Các cô giáo trường tiểu học xã phục vụ nước uống và cơm trưa. Đến nửa đêm, cây cầu bắc qua ngòi Thia đã hoàn thành. Năm đó, em là học sinh lớp Một.
Đến nay, chiếc cầu đã trải qua năm năm trời sương gió nắng mưa, được thử thách qua ba cơn lũ lớn. Xe kéo công nông vẫn qua lại bình thường. Ủy ban xã trả bác Chính 5 triệu đồng gọi là tiền gỗ bạch đàn, nhưng bác Chính nói là chiếc cầu tình nghĩa có là bao!
Từ đấy đến nay, chiếc cầu bắc qua ngòi Thia từ làng Hạ, xóm Chùa đi sang làng Thượng, làng Trung của quê em, bà con gọi một cách thân mật là cầu Ông Chính.
- Thông qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc, các em cần nắm và rèn luyện được những nội dung kiến thức, kĩ năng cơ bản và trọng tâm nhất. Đồng thời, có thái độ học tập và thái độ sống đúng đắn như:
- Kĩ năng
- Kể lại được bằng lời một câu chuyện đã nghe, đã đọc có nội dung về những tấm gương sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh.
- Kiến thức
- Hiểu được ý nghĩa, nội dung những câu chuyện bạn kể.
- Đánh giá lời kể của bạn theo các tiêu chí đã nêu.
- Thái độ
- Có ý thức rèn luyện cách sống, làm việc theo pháp luật, theo nếp sống văn minh cho bản thân và thói quen ham đọc sách.
- Kĩ năng
- Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tập đọc: Người tài trợ đặc biệt của Cách Mạng để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.