Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia

Qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia, giúp các em rèn luyện kĩ năng kể lại được bằng lời một câu chuyện đã được chứng kiến hoặc tham gia có nội dung thể hiện tinh thần kiên trì vượt khó. Đồng thời, hiểu được ý nghĩa, nội dung những câu chuyện em và bạn kể.

Tóm tắt lý thuyết

1.1. Các bước tiến hành

Đề bài: Kể một câu chuyện em được chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia thể hiện tinh thân kiên trì vượt khó.

Gợi ý:

a. Yêu cầu của đề bài:

  • Kể chuyện thể hiện tinh thần kiên trì vượt khó.
  • Chuyện đó là chuyện có thực, của em hoặc của bạn bè, người thân.

b. Các hướng xây dựng cốt truyện:

Gợi ý:

  • Tìm ví dụ về tinh thần kiên trì vượt khó:
    • Tìm mọi cách để giải bài toán khó.
    • Luyện tập để viết chữ đẹp.
    • Vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tập hoặc rèn luyện.
    • Nhà nghèo, phải làm nhiều việc giúp gia đình nhưng vẫn học tập tốt.
    • Có bệnh tật nhưng vẫn học tập tốt hoặc rèn luyện thành vận động với thể thao, thành thợ giỏi.
  • Lập dàn ý câu chuyện định kể:
    • Mở đầu câu chuyện: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.
    • Diễn biến câu chuyện: Trình bày các khó khăn mà nhân vật gặp phải và lòng kiên trì vượt khó của nhân vật.
    • Kết thúc câu chuyện: Nêu kết quả mà nhân vật đạt được hoặc nêu nhận xét về nhân vật, về ý nghĩa câu chuyện.
  • Dựa vào dàn ý, nói thành lời. Chú ý:
    • Lựa chọn từ ngữ phù hợp với nhân vật, sự việc.
    • Kết hợp giọng kể với điệu bộ, cử chỉ để diễn tả câu chuyện, hấp dẫn người nghe.

c. Đặt tên cho câu chuyện:

  • Tên câu chuyện có thể là: Ý chí, Nghị lực, Sự kiên trì,...

1.2. Kể lại câu chuyện trong nhóm, trong lớp

  • Trình tự kể
    • Giới thiệu câu chuyện
      • Nêu tên câu chuyện
      • Nêu tên các nhân vật trong câu chuyện.
    • Kể diễn biến câu chuyện:
      • Mở đầu câu chuyện.
      • Diễn biến câu chuyện (kể các sự việc theo đúng thứ tự).
      • Kết thúc câu chuyện.
  • Chú ý: Nhấn mạnh những chi tiết thể hiện tinh thần kiên trì vượt khó.

1.3. Tiêu chí đánh giá

  • Nội dung câu chuyện: Nội dung câu chuyện có hay, có mới không
  • Giọng kể
  • Cử chỉ, điệu bộ
  • Khả năng hiểu chuyện

1.4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện

1.5. Bài kể mẫu

Nam là một học sinh trường miền núi. Đầu học kì hai lớp bốn, cậu đạt điểm tuyển vào đội tuyển học sinh giỏi và được triệu tập học tập trung tại lớp bồi dưỡng của huyện để chuẩn bị kì thi học sinh giỏi tỉnh: Khó khăn mà Nam vượt qua không phải là nhỏ.

Nhà Nam rất nghèo. Mờ sáng, ba mẹ cậu đã vác cuốc lên rẫy, tối mịt mới về. Nam học buổi sáng theo chương trình bình thường ở trường Tiểu học miền núi. Buổi chiều Nam học lớp bồi dưỡng của huyện. Huyện cách nhà Nam hai mươi mốt ki-lô-mét. Không một ai đưa đón cậu vì nhà cậu không có phương tiện, xe cộ gì cả. May thay, có một tuyến xe buýt từ xã cậu ở về huyện, mỗi ngày xe chỉ chạy bốn chuyến. Thế là vượt qua tất cả trở ngại vì thiếu thốn mọi phương tiện, Nam học xong chương trình ở trường, cậu về nhà ăn nhanh bữa cơm trưa rồi chạy vội ra bến xe buýt. Một giờ trưa, cậu đã có mặt tại lớp học. Cậu phải đến sớm như vậy vì không có chuyến xe nào khác cả. Thời gian chờ đến giờ học, cậu ngồi ôn bài. Buổi học kết thúc, Nam vội vã chạy ra bến xe buýt. Cậu trở về nhà bằng chuyến xe lúc mười bảy giờ của phố huyện. Không chỉ khó khăn về mặt xe cộ. Nam còn thiếu thốn rất nhiều thứ: sách vở, giấy bút... Nam tiết kiệm và tận dụng từng mảnh giấy, dù chỉ bé bằng bàn tay. Lớp học bồi dưỡng của huyện kéo dài hơn hai tháng. Nam đã có kết quả kì thi tỉnh của cậu: Nam đạt giải ba học sinh giỏi tỉnh. Tinh thần vượt khó và thành tích của Nam trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy thật đáng khâm phục.

Tổng kết năm học, bạn Hồ Kì Nam, học sinh trường Tiểu học miền núi huyện em nhận hai phần thưởng: phần thưởng học sinh giỏi ở lớp và phần thưởng học sinh giỏi tỉnh. Cậu nhận được học bổng một năm do một công ty ở quê em tài trợ. Nam là tấm gương sáng cho tất cả học sinh chúng em noi theo. Buổi phát thưởng được tổ chức long trọng tại hội trường Ban giáo dục huyện. Ra về, em vẫn nhớ mãi khuôn mặt rám nắng, vầng trán cao và đôi mắt sáng của Nam rạng rỡ trong cờ, sao, hoa, bằng khen và đèn màu lễ đài.

  • Thông qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện được chứng kiến hoặc tham gia, các em cần nắm và rèn luyện được những nội dung kiến thức, kĩ năng cơ bản và trọng tâm nhất. Đồng thời, có thái độ học tập và thái độ sống đúng đắn như:
    • Kĩ năng
      • Kể lại được bằng lời một câu chuyện đã được chứng kiến hoặc tham gia, kèm cử chỉ, điệu bộ.
    • Kiến thức
      • Hiểu được ý nghĩa, nội dung những câu chuyện bạn kể.
      • Đánh giá lời kể của bạn theo các tiêu chí đã nêu.
    • Thái độ
      • Có ý thức rèn luyện tinh thần kiên trì vượt khó và thói quen ham đọc sách.
  • Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tập đọc: Văn hay chữ tốt để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?