Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc, giúp các em rèn luyện kĩ năng kể lại được bằng lời một câu chuyện đã nghe, đã đọc có nội dung về một người có nghị lực. Đồng thời, hiểu được ý nghĩa, nội dung những câu chuyện em và bạn kể.

Tóm tắt lý thuyết

1.1. Các bước tiến hành

Đề bài: Hãy kể một câu chuyện mà em đã nghe hoặc được đọc về một người có nghị lực.

Câu 1 (trang 119 sgk Tiếng Việt 4): Nhớ lại những truyện em đã học về người có nghị lực:

- Trong cách mạng và chiến đấu: Bác Hồ bất chấp mọi khó khăn, nguy hiểm, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước (Hai bàn tay).

- Trong lao động: Bạch Thái Bưởi từ một cậu bé nghèo, mồ côi cha trở thành "vua tàu thủy" ("Vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi); Đặng Văn Ngữ không quản ngại gian khổ, hi sinh, phục vụ kháng chiến (Người trí thức yêu nước - Tiếng Việt 3, tập hai) ; Lương Định Của tạo giống lúa mới (Nâng niu từng hạt giống - Tiếng Việt 3, tập hai ).

- Trong học tập: truyện Có công mài sắt, có ngày nên kim (Tiếng Việt 2, tập một), gương vượt khó của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Nguyễn Hiền, ông Trạng Nồi) hay những học sinh khuyết tật (Nguyễn Ngọc Ký).

- Trong những lĩnh vực khác: Ngu Công với quyết tâm dời núi; vận động viên đua xe đạp Am-xtơ-rông bị ung thư, sau khi mổ vẫn kiên trì luyện tập, nhiều lần đoạt giải vô địch Vòng đua nước Pháp (Tiếng Việt 3, tập hai).

Câu 2 (trang 120 sgk Tiếng Việt 4): Tìm trong sách báo những truyện tương tự các truyện đã học:

- Truyện về gương người tốt xưa và nay, truyện về các anh hùng danh nhân.

- Sách Truyện đọc lớp 4.

- Các truyện hoặc tin tức đăng trên các báo thiếu nhi (Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong, Mực tím, Hoa học trò,..).

Câu 3 (trang 120 sgk Tiếng Việt 4): Kể chuyện trong nhóm, lớp:

- Giới thiệu câu chuyện:

+ Nêu tên câu chuyện.

+ Nêu tên các nhân vật trong câu chuyện.

- Kể chuyện:

+ Mở đầu câu chuyện.

+ Diễn biến câu chuyện (nêu các sự việc theo đúng thứ tự).

+ Kết thúc câu chuyện.

4. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.

1.2. Bài kể mẫu 

Sức mạnh của ý chí

Một cậu bé nọ được giao nhiệm vụ đến sớm để đốt lò sưởi ấm phòng học trước khi thầy giáo và các bạn đến. Buổi sáng nọ, mọi người bàng hoàng khi thấy trường bị cháy và họ kéo cậu bé ra khỏi đám cháy trong tình trạng bị bỏng rất nặng. Cậu được đưa đến bệnh viện gần đó. Bác sĩ nói với mẹ cậu là có lẽ cậu sẽ chết vì phần dưới cơ thể của cậu đã bị huỷ hoại. Thoáng nghe trong lúc nửa tỉnh nửa mê, cậu bé rơi nước mắt nhưng rồi cậu quyết chí sống cho tới cùng.

Và cậu đã vượt qua cái chết một cách thần kỳ trước sự kinh ngạc của mọi người. Nhưng bác sĩ lại cho hay phần dưới cơ thể cậu bị tổn hại đến mức suốt đời sẽ bị tàn phế, thành kẻ vô dụng. Một lần nữa, cậu bé quyết chí thế nào mình cũng sẽ đi lại được mạnh mẽ như trước. Dù đôi chân tong teo kia không có cảm giác, không điều khiển được, không còn sức sống, nhưng cậu vẫn không nản lòng, cứ giam mình suốt ngày trên xe lăn và không ngừng tìm cách vận động.

Một buổi sáng nọ, bất chợt cậu phóng mình ra khỏi xe lăn, lết người ra bãi cỏ và kéo lê hai chân theo sau. Mẹ cậu cũng không ngờ cậu đến được hàng rào và đu mình đứng lên dựa hàng rào. Cứ thế, mỗi ngày cậu lê mình từ cọc rào này sang cọc rào khác và vẫn luôn nhủ thầm mình sẽ đi được. Cuối cùng nhờ bàn tay tình thương của mẹ và ý chí kiên cường mà cậu đã tự đứng dậy, rồi đi cà nhắc từng bước, rồi đi một mình và có thể chạy. Cậu bắt đầu đi bộ đến trường, rồi chạy đến trường, rồi chạy luôn tới khung trời đại học đã ước mơ bấy lâu và đặc biệt tham gia vào đội điền kinh của trường.

Chàng thanh niên mà ai cũng nghĩ rằng không thể sống nổi, không bao giờ bước được, không bao giờ chạy được chính là vị bác sĩ Glenn Cunningham – người chạy nhanh nhất thế giới trong cự ly một dặm.

Ý nghĩa: Khi ta có ý muốn làm một việc gì đó và tin tường chắc chắn vào khả năng của mình trước sau gì cũng làm được, thì nó sẽ lập tức biến thành nguồn năng lực mạnh mẽ thúc đẩy ta vượt qua mọi trở ngại để đi tới, đó chính là ý chí.

  • Thông qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc, các em cần nắm và rèn luyện được những nội dung kiến thức, kĩ năng cơ bản và trọng tâm nhất. Đồng thời, có thái độ học tập và thái độ sống đúng đắn như:
    • Kĩ năng
      • Kể lại được bằng lời một câu chuyện đã nghe, đã đọc có nội dung về một một người có nghị lực, kèm cử chỉ, điệu bộ.
    • Kiến thức
      • Hiểu được ý nghĩa, nội dung những câu chuyện bạn kể.
      • Đánh giá lời kể của bạn theo các tiêu chí đã nêu.
    • Thái độ
      • Có ý thức rèn luyện ý chí, nghị lực cho bản thân và thói quen ham đọc sách.
  • Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tập đọc: Vẽ trứng để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?