Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc  giúp các em kể lại tự nhiên bằng lời kể của mình 1 câu chuyện đã nghe, đã đọc về một người có tài. Đồng thời, giúp các em hiểu được câu chuyện phải có cốt truyện, nhân vật, ý nghĩa về một người có tài. Hiểu được ý nghĩa của truyện các bạn kể.

Tóm tắt lý thuyết

1.1. Hướng dẫn kể chuyện

a. Yêu cầu của bài tập làm văn kể chuyện

  • Trình bày chuyện kể bằng lời văn của các em theo dàn bài cơ bản văn kể chuyện.
    • Mở bài: Mở đầu câu chuyện
    • Thân bài: Diễn biến câu chuyện
    • Kết luận: Kết thúc câu chuyện.
  • Các em kể lại đúng thứ tự diễn biến câu chuyện theo trình tự không gian hoặc thời gian. Trong khi kể, các em tả ngoại hình nhân vật, tính cách nhân vật và cần mô tả sinh động, hấp dẫn các tình tiết diễn ra trong truyện.
  • Các em kể chuyện bằng lời văn của mình thể hiện nhận thức, cảm xúc của các em về câu chuyện chứ không sao chép nguyên văn truyện kể.
  • Cần viết câu ngắn gọn, mạch lạc, chấm câu đúng và viết đúng chính tả.
  • Bám sát yêu cầu đề bài, tránh lan man, lạc đề.

b. Gợi ý

Đề bài: Kể một câu chuyện mà em đã được nghe hoặc được đọc về một người có tài.

  • Nhớ lại những bài học về tài năng của con người:
    • Các nhà khoa học có tài: Ác-si-mét, Lê Qúy Đôn, Trương Vĩnh Ký, Ê-đi-xơn, Lương Định Của, Đặng Văn Ngữ,...
    • Các văn nghệ sĩ có tài: Cao Bá Quát, Pu-skin, Vương Hi Chi,...
    • Các vận động viên có tài như Nguyễn Thúy Hiền,...
  • Tìm thêm những truyện tương tự trong sách báo.
  • Kể chuyện:
    • Giới thiệu câu chuyện: tên truyện, kể về ai, kể về tài năng gì đặc biệt.
    • Kể diễn biến câu chuyện, chú ý nhấn mạnh những tình tiết nói lên tài năng, trí tuệ của nhân vật đang được kể đến.
    • Kết thúc câu chuyện: đánh giá chung về nhân vật và bày tỏ cảm xúc.

1.2. Thực hành kể chuyện

Đề bài: Kể một câu chuyện mà em đã được nghe hoặc được đọc về một người có tài.

Gợi ý:

Tôi xin kể cho các bạn nghe câu chuyện "Người bán quạt may mắn".

Chuyện kể rằng: Thuở xưa ở Trung Quốc có ông Vương Hi Chi viết chữ đẹp nổi tiếng. Một hôm, ông ngồi nghỉ dưới một góc cây bên vệ đường. Tình cờ, có một bà lão đi bán quạt cũng gánh hàng đến nghỉ ở gốc cây ấy. Bà lão tâm sự với ông rằng từ sáng đến giờ chưa bán được cái nào, ế quá. Chiều nay, chắc cả nhà phải nhịn đói. Nói xong bà mệt quá ngủ thiếp đi. Trong thời gian bà ngủ, Vương Hi Chi liền lấy bút mực ra, viết chữ đề thơ vào tất cả gánh quạt của bà. Khi tỉnh dậy, bà thấy gánh quạt trắng của mình bị ông Vương bôi đen lên cả. Bà tức giận bắt ông phải bồi thường. Ông Vương không nói gì, chỉ mỉm cười, rồi lặng lặng bỏ đi. Nào ngờ gánh quạt của bà, chỉ trong một thời gian ngắn đã được bán rất chạy. Có người còn hỏi mua giá đến ngàn vàng. Bà lão tiếc đứt ruột không có mà bán. Trên đường trở về, bà thầm nghĩ chắc là trời thương mình nên mới sai tiên ông đến giúp mình quạt mới bán nhanh như thế.

Câu chuyện không chỉ khiến mình cảm phục tài năng viết chữ đẹp của ông Vương Hi Chi mà còn thấy được ông là một người rất nhân hậu và bao dung.

  • Thông qua bài giảng Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc các em cần nắm được những nội dung kiến thức trọng tâm và rèn luyện những kĩ năng cần thiết như:
    • Kĩ năng
      • Kể lại tự nhiên bằng lời kể của mình 1 câu chuyện đã nghe, đã đọc về một người có tài.
      • Rèn luyện thói quen ham đọc sách.
      • Nghe và biết nhận xét đánh giá lời kể và ý nghĩa câu truyện bạn vừa kể.
    • Kiến thức
      • Câu chuyện phải có cốt truyện, nhân vật, ý nghĩa về một người có tài.
      • Hiểu được ý nghĩa của truyện các bạn kể.
  • Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tập đọc: Trống đồng Đông Sơn để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?