I- CƠ SỞ CỦA PHƯƠNG PHÁP
Áp dụng định luật bảo toàn khối lượng (BTKL):
“Tổng khối lượng các chất tham gia phản ứng bằng tổng khối lượng các sản phẩm”
Xét phản ứng : A + B → C + D
Ta luôn có: mA + mB = mC + mD
Lưu ý: Điều quan trọng khi áp dụng phương pháp này là việc phải xác định đúng lượng chất (khối lượng) tham gia phản ứng và tạo thành (có chú ý các chất kết tủa, bay hơi, đặc biệt là khối lượng dung dịch)
1- Hệ quả thứ nhất
Trong các phản ứng hóa học, tổng khối lượng của các chất tham gia phản ứng bằng tổng khối lượng các sản phẩm tạo thành (không tính khối lượng của phần không tham gia phản ứng)
Xét phản ứng :
A + B → C + D + E
Thì luôn có:
mA (pư) + mB(pư) = mC + mD + mE
Thí dụ 1:
Đốt cháy hoàn toàn m (g) chất hữu cơ A cần a (g) O2 thu được b(g) CO2 và c (g) H2O… thì luôn có: m + a = b + c
2- Hệ quả thứ hai
Nếu gọi mT là tổng khối lượng các chất trước phản ứng, và mS là tổng khối lượng các chất sau phản ứng thì luôn có : mT = mS
Như vậy hệ quả thứ hai mở rộng hơn hệ quả thứ nhất ở chỗ: dù các chất phản ứng có hết hay không, hiệu suất phản ứng là bao nhiêu, thậm chí chỉ cần xét riêng cho một trạng thái nào đó thì luôn có nhận xét trên.
Thí dụ 2:
Xét phản ứng :
2Al + Fe2O3 → Al2O3 + 2Fe
Thì luôn có: m(Al) + m(Fe2O3) = khối lượng chất rắn sau phản ứng (dù chất rắn phản ứng có thể chứa cả 4 chất)
Hệ quả thứ 2 cũng cho phép ta xét khối lượng cho một trạng thái cụ thể nào đó mà không cần quan tâm đến các chất( hoặc lượng chất phản ứng còn dư) khác trạng thái với nó.
Thí dụ 3:
“ Cho m gam hh 2 kim loại Fe, Zn tác dụng với dd HCl … tính khối lượng chất rắn thu được sau khi cô cạn dd sau phản ứng”.
Ta được quyền viết : m(KL) + m (HCl) = m(chất rắn) + m(H2)
Trong đó m(HCl) là khối lượng HCl nguyên chất đã phản ứng, dù không biết hh Kl đã hết hay HCl hết, hiệu suất phản ứng là bao nhiêu!
3- Hệ quả thứ ba
Khi cho các cation kim loại ( hoặc NH4+) kết hợp với anion (phi kim, gốc axit, hidroxit) ta luôn có:
Khối lượng sản phẩm thu được = khối lượng cation + khối lượng anion
Vì khối lượng electron không đáng kể, nên có thể viết :
Khối lượng sản phẩm thu được = khối lượng kim loại + khối lượng anion
Thí dụ 4:
Hòa tan 6,2 g hh 2 kim loại kiềm vào dd HCl dư thu được 2,24 lít H2(đktc). Cô cạn dd sau phản ứng sẽ thu được bao nhiêu gam chất rắn?
Ta nhận thấy ngay rằng: Nếu giải theo cách lập hệ thông thường sẽ khá dài dòng, nhưng vận dụng hệ quả thứ 2 và thứ 3 nhận xét thì :
nCl- = 2.n(H2) = 2 x 0,1 = 0,2 mol
Ta có : m muối = m KL + mCl- = 6,2 + 0,2 x 35,5 = 13,3 g
4- Hệ quả thứ bốn
Trong phản ứng có n chất tham gia, nếu biết khối lượng của (n – 1) chất thì ta dễ dàng tính được khối lượng của chất còn lại
5- Hệ quả thứ năm
Bài toán khử hỗn hợp oxit bởi các chất khí H2, CO
Sơ đồ: Oxit + (CO , H2) → Chất rắn + hỗn hợp khí ( CO, H2, CO2, H2O)
Bản chất là các phản ứng :
CO + [ O ] → CO2 và H2 + [O] → H2O
→ n[O] = n[CO2] = n[H2O] → mrắn = moxit – m[O]
II. CÁC BƯỚC GIẢI
+ Lập sơ đồ biến đổi các chất trước và sau quá trình phản ứng.
+ Từ giả thiết của bài toán tìm khối lượng trước và khối lượng sau (không cần biết phản ứng là hoàn toàn hay không hoàn toàn ).
+ Vận dụng ĐLBTKL để lập phương trình toán học, kết hợp với các dữ kiện khác lập được hệ phương trình
+ Giải hệ phương trình.
III. BÀI TẬP MINH HỌA
Bài 1: Trộn 5,4 gam Al với 6 gam Fe2O3 rồi nung nóng để thực hiện phản ứng nhiệt nhôm. Sau phản ứng ta thu được m gam hỗn hợp chất rắn. Giá trị m là:
A. 2,24 g B. 9,4g C. 10,20g D. 11,4g
Hướng dẫn giải
Sơ đồ phản ứng:
Al + Fe2O3 → rắn
Theo định luật bảo toàn khối lượng :
m(hỗn hợp sau) = m(hỗn hợp trước) = 5,4 + 6 = 11,4 (gam)
→ Đáp án D
Bài 2: Cho 22,4 gam hỗn hợp Na2CO3, K2CO3 tác dụng vừa đủ với dung dịch BaCl2. Sau phản ứng thu được 39,4 gam kết tủa. Lọc tách kết tủa, cô cạn dung dịch thu được m gam muối clorua. m có giá trị là:
A. 2,66
B. 22,6
C. 26,6
D. 6,26
Hướng dẫn giải
Cách 1: Thông thường các em HS giải bằng cách viết 2 phương trình và dựa vào dữ kiện đã cho lập hệ pt để giải:
BaCl2 + Na2CO3 → BaCO3 + 2NaCl
x x(mol) 2x
BaCl2 + K2CO3 → BaCO3 + 2KCl
y y(mol) 2y
Ta lập 2 pt: 106x + 138y = 24,4 (1)
197x + 197y = 39,4 (2)
Giải hệ trên được: x = 0,1 và y = 0,1
Khối lượng muối thu được là NaCl và KCl: 2.0,1.58,5 + 2.0,1.74,5 = 26,6 gam
Cách 2: Cách giải khác là dựa vào định luật bảo toàn khối lượng:
\({{\text{n}}_{{\text{BaC}}{{\text{l}}_{\text{2}}}}}{\text{ = }}{{\text{n}}_{{\text{BaC}}{{\text{O}}_{\text{3}}}}}{\text{ = }}\frac{{{\text{39,4}}}}{{{\text{197}}}} = 0,2({\text{mol)}}\)
Theo ĐLBTKL: m(hỗn hợp ) + m(BaCl2) = m(kết tủa) + m
→ m = 24,4 + 0,2.208 - 39,4 = 26,6 (gam)
Cách 3: Phương pháp tăng giảm khối lượng:
Cứ 1 mol muối cacbonat tạo 1 mol BaCO3 và 2 mol muối clorua tăng 11 gam
Đề bài: 0,2 mol → 2,2 gam
→ m(clorua) = 24,4 + 2,2 = 26,6 (g)
→ Đáp án C
Bài 3: Hòa tan hoàn toàn 2,81 gam hỗn hợp gồm Fe2O3, MgO, ZnO trong 500 ml dung dịch axit H2SO4 0,1M( vừa đủ). Sau phản ứng, hỗn hợp muối sunfat khan thu được khi cô cạn dung dịch có khối lượng là:
A. 6,81g
B. 4,81g
C. 3,81g
D. 5,81g
Hướng dẫn giải
Ta thấy số mol axit tham gia phản ứng = số mol nước sinh ra = 0,5.0,1 = 0,05
Theo ĐLBTKL:
m(oxit) + m(axit) = m(muối) + m(H2O)
→ m(muối) = 2,81 + 98.0,05 – 18.0,05 = 6,81 (g)
Nếu HS thông minh thì có thể nhận thấy từ oxit ban đầu sau pư tạo muối sunfat có sự thay thế O2- thành SO42- và dĩ nhiên là theo tỉ lệ 1:1 và bằng 0,05 mol
Do đó: mmuối = mKL – mO2- + mSO42-
= 2,81 – 16.0,05 + 0,05.96 = 6,81g
→ Đáp án A
Bài 4: Hòa tan hoàn toàn 3,22 gam hỗn hợp X gồm Fe, Mg và Zn bằng một lượng vừa đủ dung dịch H2SO4 loãng, thu được 1,344 lít hiđro (ở đktc) và dung dịch chứa m gam muối. Giá trị của m là:
A. 9,52.
B. 10,27.
C. 8,98.
D. 7,25.
Hướng dẫn giải
\(\begin{gathered}
X(Fe, Mg, Zn) + {H_2}S{O_4} \to muoi + {H_2} \uparrow \hfill \\
Theo PTP: {n_{{H_2}S{O_4}}} = {n_{{H_2}}} = \frac{{1,344}}{{22,4}} = 0,06 mol \hfill \\
Theo BTKL : {m_X} + {m_{{H_2}S{O_4}}} = {m_{muoi}} + {m_{{H_2}}} \hfill \\
\Rightarrow {m_{muoi}} = {m_X} + {m_{{H_2}S{O_4}}} - {m_{{H_2}}} \hfill \\
\Rightarrow {m_{muoi}} = 3,22 + 0,06.98 - 0,06.2 = 8,98 (gam) \hfill \\
\end{gathered} \)
→ Đáp án C
Bài 5: Hòa tan hoàn toàn 5,2 gam hỗn hợp Mg và Fe trong dung dịch HCl dư thấy tạo ra 3,36 lit khí H2( đktc). Cô cạn dung dịch sau phản ứng thu được m gam muối khan. m có giá trị là:
A. 16,85g
B. 15,85g
C. 3,42g
D. 34,2g
Hướng dẫn giải
Các em HS có thể viết 2 phương trình, đặt ẩn sau đó giải hệ phương trình → khối lượng muối → kết quả [ quá dài]
Nhận xét: muối thu được là muối clorua nên khối lượng muối là bằng :
m(KL) + m(gốc Cl-)
theo phương trình:
2H+ + 2e → H2
n(H+) = 2n(H2) = 0,3 (mol)
mà n(Cl-) = n(H+) = 0,3 (mol) → m(muối) = 5,2 + 0,3.35,5 = 15,85 (g)
→ Đáp án B
Bài 6: Hòa tan hoàn toàn 10,14 gam hợp kim Cu, Mg, Al bằng một lượng vừa đủ dung dịch HCl thu được 7,84 lit khí A(đktc) và 1,54 gam rắn B và dung dịch C. Cô cạn dung dịch C thu được m gam muối, m có giá trị là:
A. 33,45g
B. 33,25g
C. 32,99g
D. 35,58g
Hướng dẫn giải
Chất rắn B chính là Cu và dung dịch C chứa m gam muối mà ta cần tìm
n(H+) = 2n(H2) = \(\frac{{2*7,84}}{{22,4}} = 0,7(mol)\) (mol)
mà n(Cl-) = n(H+) = 0,7(mol) → m(muối) = (10,14-1,54) + 0,7.35,5 = 33,45 (g)
→ Đáp án A
Bài 7: Hòa tan hoàn toàn 3,34 gam hỗn hợp hai muối cacbonat kim loại hóa trị II và III bằng dung dịch HCl dư ta thu được dung dịch A và 0,896 lit khí bay ra (đktc). Tính khối lượng muối có trong dung dịch A:
A. 3,78g
B. 3,87g
C. 7,38g
D. 8,37g
Hướng dẫn giải
Gọi 2 muối cacbonat là: XCO3 và Y2(CO3)3. Các phương trình phản ứng xảy ra:
XCO3 + 2HCl → XCl2 + CO2 + H2O
Y2(CO3)3 + 6HCl → 2YCl3 + 3CO2 + 3H2O
Ta thấy n(HCl) = 2n(CO2) = \(\frac{{2*0,896}}{{22,4}} = 0,08(mol)\)
Theo ĐLBTKL:
m(muối cacbonat) + m(HCl) = m(muối clorua) + m(CO2) + m(H2O)
→ m(muối clorua) = (3,34 + 0.08.36,5) – (0,04.44 + 0,04.18) = 3,78 (gam)
→ Đáp án A
Bài 8: Thổi một luồng khí CO dư qua ống sứ đựng m gam hỗn hợp gồm CuO, Fe2O3, FeO, Al2O3 nung nóng thu được 2,5 gam chất rắn. Toàn bộ khí thoát ra sục vào nước vôi trong dư thấy có 15 gam kết tủa trắng. Khối lượng của hỗn hợp oxit kim loại ban đầu là:
A. 7,4g
B. 4,9g
C. 9,8g
D. 23g
Hướng dẫn giải
Nhận xét: Đây là một dạng bài tập rất quen thuộc về phản ứng khử oxit kim loại bằng khí CO hoặc H2. Các em lưu ý: “ Khi khử oxit kim loại, CO hoặc H2 lấy oxi ra khỏi oxit kim loại. Khi đó ta có:
nO(trong oxit) = n(CO) = n(CO2) = n(H2O)
vận dụng ĐLBTKL tính khối lượng hỗn hợp oxit ban đầu hoặc khối lượng kim loại thu được sau phản ứng
Với bài toán trên ta có:
CO2 + Ca(OH)2 → CaCO3 + H2O
n(CO2) = n(CaCO3) = \(\frac{{15}}{{100}} = 0,15({\text{mol)}}\)
ta có: nO(trong oxit) = n(CO2) = 0,15 (mol)
moxit = mkim loại + moxi = 2,5 + 0,15.16 = 4,9 (g)
→ Đáp án B
Bài 9: Thổi 8,96 lit CO(đktc) qua 16 gam FexOy nung nóng. Dẫn toàn bộ lượng khí sau phản ứng qua dung dịch Ca(OH)2 dư thấy tạo 30 gam kết tủa. Khối lượng sắt thu được là:
A. 9,2g
B. 6,4g
C. 9,6g
D. 11,2g
Hướng dẫn giải
Ta có: \(nCO = \frac{{8,96}}{{22,4}} = 0,4({\text{mol)}}\)
n(O trong oxit) = n(CO2) = n(CaCO3) = \(\frac{{30}}{{100}} = 0,3({\text{mol)}}\)
→ n(CO) > n(CO2) → CO dư hay oxit sắt bị khử hết
Áp dụng ĐLBTKL có:
m(oxit) + m(CO) = m(Fe) + m(CO2)
m(Fe) = 16 + 0,3.28 – 0,3.44 = 11,2 (g)
→ Đáp án D
Hoặc : m(Fe) = m(oxit) – m(O) = 16 – 0,3.16 = 11,2 (g)
Bài 10: Hỗn hợp X gồm Fe, FeO và Fe2O3. Cho một luồng CO đi qua ống sứ đựng m gam hỗn hợp X nung nóng. Sau khi kết thúc thí nghiệm thu được 64 gam chất rắn A trong ống sứ và 11,2 lít khí B (đktc) có tỉ khối so với H2 là 20,4. Tính giá trị m.
A. 105,6 gam.
B. 35,2 gam.
C. 70,4 gam.
D. 140,8 gam.
Hướng dẫn giải
Các phản ứng khử sắt oxit có thể có:
3Fe2O3 + CO → 2Fe3O4 + CO2 (1)
Fe3O4 + CO → 3FeO + CO2 (2)
FeO + CO → Fe + CO2 (3)
Như vậy chất rắn A có thể gồm 3 chất Fe, FeO, Fe3O4 hoặc ít hơn, điều đó không quan trọng và việc cân bằng các phương trình trên cũng không cần thiết, quan trọng là số mol CO phản ứng bao giờ cũng bằng số mol CO2 tạo thành.
\({n_B} = \frac{{11,2}}{{22,5}} = 0,5\) mol.
Gọi x là số mol của CO2 ta có phương trình về khối lượng của B:
44x + 28(0,5 - x) = 0,5.20,4.2 = 20,4
nhận được x = 0,4 mol và đó cũng chính là số mol CO tham gia phản ứng.
Theo ĐLBTKL ta có:
mX + mCO = mA +
⇒ m = 64 + 0,4.44 - 0,4.28 = 70,4 (gam)
→ Đáp án C
IV. LUYỆN TẬP
Câu 1: Tiến hành phản ứng crackinh butan một thời gian thu được hỗn hợp khí X. Cho X qua bình nước vôi trong dư thấy khối lượng bình tăng 4,9 gam, hỗn hợp khí Y đi ra khỏi bình có thể tích 3,36 lít (đktc) và tỉ khối của Y so với H2 là 38/3. Khối lượng butan đã sử dụng là:
A. 8,7 gam.
B. 6,8 gam
C. 15,5 gam
D. 13,6 gam
Câu 2: Hỗn hợp A gồm 0,1 mol etilenglicol C2H6O2 và 0,2 mol chất X. Để đốt cháy hoàn toàn hỗn hợp A cần 21,28 lit O2(đktc) và thu được 35,2 gam CO2 và 19,8 gam H2O. Tính khối lượng phân tử X, biết X chứa C,H,O.
Câu 3: Đun 132,8 gam hỗn hợp 3 rượu no, đơn chức với H2SO4 đặc ở 140oC thu được hỗn hợp các ete có số mol bằng nhau và có khối lượng là 111,2 gam. Số mol của mỗi ete trong hỗn hợp là bao nhiêu?
A. 0,1 mol.
B. 0,15 mol.
C. 0,4 mol.
D. 0,2 mol.
Câu 4: Cho 12 gam hỗn hợp hai kim loại Fe, Cu tác dụng vừa đủ với dung dịch HNO3 63%. Sau phản ứng thu được dung dịch A và 11,2 lít khí NO2 duy nhất (đktc). Tính nồng độ % các chất có trong dung dịch A.
A. 36,66% và 28,48%.
B. 27,19% và 21,12%.
C. 27,19% và 72,81%.
D. 78,88% và 21,12%.
Câu 5: Hỗn hợp A gồm KClO3, Ca(ClO2)2, Ca(ClO3)2, CaCl2 và KCl nặng 83,68 gam. Nhiệt phân hoàn toàn A ta thu được chất rắn B gồm CaCl2, KCl và 17,472 lít khí (ở đktc). Cho chất rắn B tác dụng với 360 ml dung dịch K2CO3 0,5M (vừa đủ) thu được kết tủa C và dung dịch D. Lượng KCl trong dung dịch D nhiều gấp 22/3 lần lượng KCl có trong A. % khối lượng KClO3 có trong A là
A. 47,83%.
B. 56,72%.
C. 54,67%.
D. 58,55%.
Câu 6: Đốt cháy hoàn toàn 1,88 gam chất hữu cơ A (chứa C, H, O) cần 1,904 lít O2 (đktc) thu được CO2 và hơi nước theo tỉ lệ thể tích 4:3. Hãy xác định công thức phân tử của A. Biết tỉ khối của A so với không khí nhỏ hơn 7.
A. C8H12O5.
B. C4H8O2.
C. C8H12O3.
D. C6H12O6.
Câu 7: Cho 0,1 mol este tạo bởi 2 lần axit và rượu một lần rượu tác dụng hoàn toàn với NaOH thu được 6,4 gam rượu và một lượng mưối có khối lượng nhiều hơn lượng este là 13,56% (so với lượng este). Xác định công thức cấu tạo của este.
A. CH3-COO- CH3.
B. CH3OCO-COO-CH3.
C. CH3COO-COOCH3.
D. CH3COO-CH2-COOCH3
Câu 8: Thuỷ phân hoàn toàn 11,44 gam hỗn hợp 2 este đơn chức là đồng phân của nhau bằng dung dịch NaOH thu được 11,08 gam hỗn hợp muối và 5,56 gam hỗn hợp rượu. Xác định công thức cấu tạo của 2 este.
A. HCOOCH3 và C2H5COOCH3
B. C2H5COOCH3 và CH3COOC2H5.
C. HCOOC3H7 và C2H5COOCH3.
D. Cả B, C đều đúng.
Câu 9: Chia hỗn hợp gồm hai anđehit no đơn chức làm hai phần bằng nhau:
- Phần 1: Đem đốt cháy hoàn toàn thu được 1,08 gam H2O.
- Phần 2: Tác dụng với H2 dư (Ni, to) thì thu được hỗn hợp A. Đem đốt cháy hoàn toàn thì thể tích khí CO2 (đktc) thu được là
A. 1,434 lít.
B. 1,443 lít.
C. 1,344 lít.
D. 0,672 lít.
Câu 10: Cho một luồng CO đi qua ống sứ đựng 0,04 mol hỗn hợp A gồm FeO và Fe2O3 đốt nóng. Sau khi kết thúc thí nghiệm thu được B gồm 4 chất nặng 4,784 gam. Khí đi ra khỏi ống sứ cho hấp thụ vào dung dịch Ba(OH)2 dư thì thu được 9,062 gam kết tủa. Phần trăm khối lượng Fe2O3 trong hỗn hợp A là
A. 86,96%.
B. 16,04%.
C. 13,04%.
D. 6,01%.
---(Nội dung đầy đủ, chi tiết từ vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là phần trích dẫn Giải bài toán bằng phương pháp bảo toàn khối lượng môn Hóa học 12 năm 2021, để xem toàn bộ nội dung chi tiết, mời các bạn cùng quý thầy cô vui lòng đăng nhập để tải về máy.
Chúc các em đạt điểm số thật cao trong kì thi sắp đến!