PHÒNG GD&ĐT DẦU TIẾNG ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI
TRƯỜNG THCS MINH THẠNH NĂM HỌC: 2019 - 2020
MÔN: Ngữ Văn 9
( Đề gồm 02 trang)
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của
một đại châu, sóng dựng trùng trùng;
Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to
Như những mạch máu khổng lồ
Trên thân hình trái đất
Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói,
Có những ngã ba là nơi gặp gỡ của những dòng
văn minh lớn, đông, tây, kim cổ....
Tất cả những ngã ba trên, con có thể học biết
(trong sách địa dư, trên những bản đồ),
Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh nữa...
Xong rồi, con có thể quên
Nhưng con ơi, con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc.
Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định,
Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba
Những ngã ba vận mệnh
Những cái nút trên dặm dài lịch sử
Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc …
(Trích Ngã ba Đồng Lộc – Huy Cận, NXB Chính trị Quốc gia, 2009)
Câu 1. Văn bản trên được viết theo thể thơ gì? Căn cứ vào đâu để xác định thể thơ đó?
Câu 2. Chỉ ra và phân tích giá trị nghệ thuật của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to
Như những mạch máu khổng lồ
Trên thân hình trái đất
Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói,
Câu 3. Xác định nội dung chính của văn bản.
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với lời khuyên của người cha trong hai câu thơ: Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi - Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc? Vì sao?
II. LÀM VĂN (17.0 điểm)
Câu 1 (5.0 điểm)
Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu thơ được trích trong văn bản phần Đọc hiểu: Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định.
Câu 2: ( 12 điểm): Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Dữ qua tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương (SGK Ngữ văn 9 – Tập 1)
..........HẾT........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1:
Thể thơ: Tự do
Căn cứ để xác định thể thơ: Số tiếng dài ngắn khác nhau.
Câu 2:
Biện pháp tu từ: So sánh như những mạch máu khổng lồ, nhân hóa thân hình trái đất, ẩn dụ hạt hồng cầu đỏ chói.
Giá trị nghệ thuật: Cách diễn đạt sinh động, cho thấy vai trò, tầm quan trọng lớn lao của những ngã ba đường đối với sự lưu thông, nối liền giữa các nước trên trái đất. Qua đó bộc lộ niềm tự hào của tác giả.
Câu 3:
Nội dung chính của văn bản: Lời khuyên đối với con: Đừng quên ngã ba Đồng Lộc, đừng quên những người đã ngã xuống để bảo vệ đất nước. Đồng thời khẳng định vai trò to lớn của ngã ba Đồng Lộc đối với mỗi người và toàn dân tộc.
Câu 4:
Học sinh trình bày được suy nghĩ riêng của mình theo hướng đồng tình hoặc không đồng tình với lời khuyên của người cha:
- Nếu lập luận theo hướng đồng tình, học sinh cần nhấn mạnh:
Ngã ba Đồng Lộc là nơi gắn liền với sự hi sinh anh dũng của 10 cô gái trẻ. Con đường mà các cô đã chọn là lí tưởng sống cao đẹp của cả một dân tộc trong mọi thời đại. Vì thế nhớ về ngã ba Đồng Lộc cũng là củng cố và hun đúc cho bản thân lí tưởng sống cao đẹp, con đường đi đúng đắn vì lợi ích của bản thân và dân tộc.
- Nếu lập luận theo hướng không đồng tình, cần nhấn mạnh: Việc tìm đúng hướng đi từ những tấm gương ở hiện tại sẽ giúp chúng ta rút ra cho mình những kinh nghiệm bổ ích hơn và dễ dàng gặt hái được thành công trong cuộc sống.
- Nếu lập luận cả theo hướng vừa khẳng định vừa phủ định ý kiến thì cần kết hợp cả hai nội dung trên.
II. LÀM VĂN (17.0 điểm)
Câu 1:
a.Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vai trò, ý nghĩa của sự lựa chọn đúng đắn hướng đi trước những bước ngoặc, ngã rẽ trong cuộc đời mỗi người.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo các ý chính sau:
- Giải thích ý nghĩa câu thơ: Nhấn mạnh, khẳng định trong cuộc đời của mỗi con người luôn có những ngã rẽ quan trọng mà bản thân phải đưa ra sự lựa chọn đúng đắn.
- Bình luận:
+ Trong cuộc đời của mỗi người không ai là không trải qua những ngã rẽ, những bước ngoặt quan trọng.
+ Sự lựa chọn hướng đi đúng đắn trước những ngã rẽ của cuộc đời giúp chúng ta thành công trong cuộc sống.
+ Phê phán những con người sống không có chủ kiến, không có mục đích sống cao đẹp.
- Bài học: Mỗi người cần sáng suốt, bản lĩnh trong lựa chọn hướng đi trước những ngã rẽ của cuộc đời, phải luôn học tập, rèn luyện để nâng cao trí tuệ và bản lĩnh của bản thân, đồng thời tham khảo ý kiến của những người đi trước để có sự lựa chọn đúng đắn.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
e. Sáng tạo
Câu 2:
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
* Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm
* Cảm nhận giá trị nhân đạo trong tác phẩm: Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách khác nhau nhưng đáp ứng các yêu cầu sau:
- Về nội dung: Phân tích làm rõ các vẻ đẹp của Vũ Nương
.Ngợi ca trân trọng vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ việt Nam ( qua nhân vật Vũ Nương):
- Nhan sắc, tư dung tốt đẹp
- Hiền thục, đoan trang, đảm đang, tháo vát
- Hiếu thảo, thủy chung, yêu chồng, thương con
- Trọng danh dự, khao khát hạnh phúc gia đình, được sống trong sạch
- Vị tha, bao dung, nặng tình với cuộc đời
2. Thể hiện niềm thương cảm sâu sắc đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến:)
- Hóa thân vào nỗi đau oan khuất của Vũ nương để cùng thổn thức xót xa với nỗi niềm của nhân vật
+ Mô tả một cách cảm động nỗi niểm của vũ Nương khi xa chồng, phải gánh vác vất vả lo toan; để cho nhân vật được bộc bạch tâm tình (3 lời thoại).
+ Đi vào lòng người đọc nỗi chua xót về số phận mỏng manh và bi thảm của người phụ nữ trong xã hội đầy rẫy bất công oan trái (qua việc xây dựng chi tiết chiếc bóng quyết định số phận Vũ Nương)
- Bày tỏ tình cảm thương yêu mến trọng dành cho nhân vật, muốn nhân vật được sống trong yêu thương và sự chở che tôn trọng (xây dựng màn truyền kì cuối truyện)
3. Lên án, tố cáo xã hội phong kiến đã không đảm bảo quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người; lên tiếng bảo vệ phẩm giá và danh dự của người phụ nữ: ( 2 đ)
- Chiến tranh phong kiến đã gián tiếp tước đoạt cuộc sống hạnh phúc của người phụ nữ
- Tư tưởng nam quyền (hiện thân là Trương Sinh độc đoán, vũ phu) đã đẩy người phụ nữ đến cái chết oan uổng, bi thảm.
- Về nghệ thuật:
+ Xây dựng chi tiết thắt , mở nút
+ Chi tiết kì ảo
+ Điển tích, ước lệ
Liên hệ với vẻ đẹp của người phụ nữ ngày nay.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
e. Sáng tạo: có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận
Trên đây là trích dẫn một phần Đề thi HSG năm 2020 môn Ngữ Văn 9 của Trường THCS Minh Thạnh. Để xem được đầy đủ nội dung, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi sắp tới.
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---