Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2018-2019, Trường THPT Nguyễn Khuyến

                                                                                ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2018-2019

TRƯỜNG THPT NGUYỄN KHUYẾN                                          NGỮ VĂN LỚP 12

                                                                                                         

I. ĐỌC HIỂU: (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Làm được một việc tốt quả là không dễ dàng, vì vậy cả đời làm việc tốt chứ không làm việc xấu, điều đó thật càng khó khăn. Một con người có thể làm được điều đó hay không còn tuỳ thuộc vào tố chất tổng hợp của cá nhân con người đó. Con người có tri thức, có kĩ năng sống cơ bản là sẽ làm được việc, nhưng không phải vì thế mà sẽ làm được việc tốt. Một người có thể làm được những việc tốt, những việc có lợi cho mọi người hay không, điều quan trọng là phải xem người đó có lí tưởng, có phẩm chất đạo đức tốt và thói quen hành vi tốt hay không. Vì thế, gốc rễ của chân lí làm việc tốt chứ không làm việc xấu là ở việc biết sống làm người.

(Cha mẹ tốt, con cái tốt, Dương Minh Hào, NXB GD Việt Nam, 2010)

1. Tìm câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản trên. (0,5 điểm)

2. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)

3. Theo tác giả của đoạn trích trên, một người làm được những việc tốt sẽ được đánh giá là con người như thế nào? (1,0 điểm).

4. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 đến 7 câu) trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm: biết sống làm người là biết làm việc tốt. (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN: (7 điểm)

Phân tích vẻ đẹp lãng mạn và tinh thần bi tráng của người lính Tây Tiến qua đoạn thơ sau:

...Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành...

(Trích Tây Tiến, Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD, 2008)

----------HẾT----------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. ĐỌC HIỂU: (3 điểm)

1. Câu chủ đề của đoạn trích: Vì thế, gốc rễ của chân lí làm việc tốt chứ không làm việc xấu là ở việc biết sống làm người.

2. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

3. Theo tác giả, một người làm được những việc tốt sẽ được đánh giá là con người có lý tưởng, có phẩm chất đạo đức tốt và có thói quen hành vi tốt.

4. Viết đoạn văn (1 điểm)

  • Yêu cầu về kĩ năng:
    • Nắm vững kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội.
    • Biết vận dụng nhiều thao tác nghị luận (giải thích, chứng minh, bình luận, rút ra bài học cho bản thân…)
    • Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, ít mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
  • Yêu cầu về kiến thức: HS có thể trình bày nhiều cách, nhưng phải hướng vào các ý cơ bản sau đây:
    • Đây là quan niệm sống đúng đắn. Khi làm việc tốt, chúng ta sẽ trở thành những người có ích cho cộng đồng, cho xã hội và nhận được sự yêu mến của mọi người.
    • Nhiều người có ý thức làm việc tốt sẽ tạo dựng nên một không khí tích cực, tiến bộ cho cuộc sống.
    • Bài học nhận thức và hành động của bản thân.

II. LÀM VĂN: (7 điểm)

  • Yêu cầu kĩ năng:
    • Nắm vững kĩ năng viết một bài văn nghị luận văn học để làm sáng tỏ một vấn đề.
    • Bố cục mạch lạc, luận cứ, luận chứng rõ ràng, thuyết phục.
    • Hành văn khúc chiết, có sức truyền cảm.
  • Yêu cầu về kiến thức:
    • Về nội dụng:
      • Giới thuyết cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng: cảm hứng lãng mạn avf tinh thần bi tráng là một trong những đặc điểm nổi bật của dòng văn cách mạng giai đoạn 1945-1975.
      • Cảm hứng lãng mạn:
        • Cảm hứng lãng mạn chủ yếu được thể hiện trong việc khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp của con người mới.
        • Ca ngợi chủ nghĩa anh hùng Cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
      • Cảm hứng lãng mạn gắn liền với khuynh hướng sử thi.
        • Tinh thần bi tráng: “bi – đau thương”, “tráng – hùng tráng”. Đó là vẻ đẹp của những con người mặc dù chịu nhiều gian khổ, đau thương mất mát nhưng vẫn anh hùng bất khuất, hiên ngang xonng pha trận mạc.
      • Những biểu hiện của cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong đoạn thơ:
        • Cảm hứng lãng mạn:
          • Thể hiện cái tôi đầy cảm xúc và phát huy cao độ trí tưởng tượng. Bức chân dung kiêu hùng của người lính được dệt nên từ cái nhìn riêng của chất thơ lãng mạn Quang Dũng.
          • Cảm hứng lãng mạn còn thể hiện ở sự vươn lên theo lí tưởng: dám xả thân, dám hi sinh, dâng hiến cho lí tưởng cho lẽ sống chung của cộng đồng dân tộc: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
          • Cảm hứng lãng mạn còn thể hiện ở chỗ: đoạn thơ viết về chiến tranh mà không có một chữ nào đề cập đến trận đánh, súng nổ, lửa cháy, máu đổ hay kẻ thù. Nhưng người đọc vẫn hình dung rất rõ gương mặt và không khí sôi động của chiến tranh.
        • Tinh thần bi tráng:
          • Người chiến sĩ Tây Tiến hiên ngang, bất khuất mặc dù chịu nhiều mất mát, đau buồn. Trên cái nền thiên nhiên hùng vĩ tráng lệ, người lính xuất hiện với tầm vóc bi tráng khác thường.
          • Không lẫn tránh cái bi mà còn đề cập đến cái chết nhưng không để người đọc có cái nhìn bi quan tiêu cực mà tràn đầy âm hưởng tráng lệ hào hùng. Ông có nói cái buồn, cái chết nhưng đó chỉ là chất liệu thẩm mĩ tạo nên cái đẹp mang chất bi hùng.
          • Các câu thơ nói về cái chết lẫn cái lẫm liệt, kiêu hùng. Cái chết cũng được tác giả bao bọc trong không khí hoành tráng, âm hưởng thơ trầm hùng.
          • Chính cái lãng mạn đã tạo ra ở Quang Dũng cái nhìn mang tính ánh hùng ca trước cái chết của người lính - một quan niệm về anh hùng mang màu sắc lãng mạn rất riêng của văn học.
        • → Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng tạo nên chất sử thi đặc biệt của đoạn thơ.
    • Về nghệ thuật:
      • Lời thơ vừa hùng hồn vừa trang nhã, khi gân guốc, mạnh mẽ, khi thì mềm mại, tình tứ.
      • Đoạn thơ giàu chất họa, chất nhạc, sử dụng khéo léo các từ Hán Việt.
  • THANG ĐIỂM
    • Điểm 6-7: Làm rõ được những yêu cầu trên, hành văn mạch lạc, có cảm xúc.
    • Điểm 4-5: Phân tích kết hợp chứng minh khá tốt đoạn thơ (làm rõ nội dung nghệ thuật đoạn thơ nhưng thiếu cảm xúc, chưa làm nổi bật được yêu cầu của đề: 4 điểm).
    • Điểm 2-3: Bài viết còn sơ sài, chưa khai thác nghệ thuật.
    • Điểm 1: Bài viết lan man hoặc diễn xuôi đoạn thơ vụng về, lủng củng.
    • Điểm 0: Lạc đề hoặc để giấy trắng.

Ngoài ra, các em có thể làm bài thi Online tại đây:

Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn lớp 12 năm 2018-2019, Trường THPT Nguyễn Khuyến

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?