PHÒNG GD&ĐT HUYỆN TÂN CHÂU ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2
NĂM HỌC: 2018-2019
MÔN: Ngữ Văn 9 ( Đề gồm 01 trang)
I.Văn –Tiếng Việt (4đ)
Câu 1 (2đ):
a) Đọc câu thơ sau:
“ Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ…”
Hãy chép 2 câu thơ tiếp theo để hoàn chỉnh khổ thơ và cho biết khổ thơ trên trích trong bài thơ nào, tác giả là ai?
b) Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ trên là gì?
Câu 2 (2đ)
a)Khởi ngữ là gì? Tìm khởi ngữ trong đoạn văn sau:
“ Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động.
(Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng).
b) Từ “tròn” thuộc từ loại nào? Từ “tròn” trong đoạn văn trên được dùng như từ loại nào
II. Làm Văn (6đ)
Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong đoạn trích Những ngôi sao xa xôi của nhà văn văn Lê Minh Khuê.
............HẾT...........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I.Văn –Tiếng việt
Câu 1:
a) Học sinh chép hai câu thơ tiếp theo:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”.
Đoạn thơ trích trong bài Viếng lăng Bác, tác giả Viễn Phương.
b) Nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ:
+ Đoạn thơ thể hiện niềm kính yêu chân thành của tác giả, của nhân dân Việt Nam khi vào viếng lăng Bác; qua đó ca ngợi sự vĩ đại, lớn lao, cao cả của Người.
+ Sử dụng ẩn dụ đặc sắc “mặt trời trong lăng” – Bác; “bảy mươi chín mùa xuân”- Bác bảy mươi chín tuổi, nhằm nhấn mạnh Bác vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Câu 2:
a) Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.
Khởi ngữ trong đoạn văn : từ “anh” thứ nhất là khởi ngữ - có từ “còn” phía trước ( từ “anh” thứ hai là chủ ngữ).
b) Từ “tròn” thuộc từ loại tính từ.
Từ “tròn” trong đoạn văn trên được dùng như động từ (vì nó thể hiện, miêu tả động tác mở to mắt của nhân vật).
II.Tập Làm Văn:
Mở bài:
Giới thiệu khái quát về đoạn trích Những ngôi sao xa xôi và tác giả Lê Minh Khuê:
+ Tác phẩm ra đời trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, Phương Định là nhân vật tiêu biểu cho thế hệ thanh niên xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc.
+ Lê Minh Khuê là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, chuyên viết truyện ngắn, viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ trong chiến tranh.
Thân bài:
Phân tích, chứng minh làm rõ cảm nhận về nhân vật Phương Định: vẻ đẹp ngoại hình, tính cách, tâm hồn trong sáng; sự dũng cảm, ngoan cường, bình tĩnh trước những hiểm nguy của bom đạn chiến tranh.
+ Phương Định là cô gái Hà Nội trẻ trung xinh đẹp “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá…”
+ Công việc của cô là đếm bom, phá bom để bảo vệ tuyến đường Trường Sơn, góp
phần vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ “Việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên…”
+ Tính cách dũng cảm, kiên cường, bình tĩnh vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm “Quả bom nằm lạnh lùng trên một bụi cây khô, một đầu vùi xuống đất… Vỏ quả bom nóng…”
+ Dù hoàn cảnh khó khăn gian khổ trong chiến tranh ác liệt nhưng Phương Định rất lạc quan, hồn nhiên, thích hát, thích ngắm xem mưa đá; có một thời học sinh vô tư, hồn nhiên bên mẹ ở phố Hà Nội.
+ Giàu tình cảm đồng chí, đồng đội cùng chăm lo, san sẻ khó khăn trong chiến đấu; giàu lòng yêu quê hương đất nước “Những người đẹp nhất, thông minh, can đảm…có ngôi sao trên mũ”…
+ Phương Định là nhân vật tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam sẵn sang hy sinh hạnh phúc cá nhân, không tiếc tuổi thanh xuân lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.
+ Tác giả xây dựng thành công vẻ đẹp tính cách, tâm hồn và ngoại hình nhân vật qua lối kể chuyện tự nhiên, tinh tế, giàu cảm xúc.
Kết bài:
Khẳng định lại những nội dung đã phân tích, chứng minh trong phần thân bài; khẳng định giá trị ý nghĩa của tác phẩm ca ngợi chủ nghĩa yêu nước, nhiệt huyết của tuổi trẻ Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả để lên đường bảo vệ Tổ quốc- Phương Định là nhân vật tiêu biểu.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm đề kiểm tra HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn - Phòng GD&ĐT Ba Đình
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---