Đề kiểm tra giữa HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 11 - Trường THPT Lục Ngạn Số 1

        SỞ GD&ĐT BẮC GIANG                                                                ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2
 TRƯỜNG THPT LỤC NGẠN SỐ 1                                                              NĂM HỌC: 2018-2019
                                                                                                                            MÔN: Ngữ Văn 11

                                                                                                                          ( Đề gồm 02 trang )

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

 Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi:

Viết cho con mùa thi đại học

(Trích)

 Con thương yêu của Mẹ!   

 (1) Mẹ đã đọc nhiều dòng tâm sự của các sĩ tử đã, đang và sắp thi đại học, đặc biệt là của những sĩ tử thi trượt đại học. Mẹ thấy nỗi buồn của sự thất bại đầu đời đối với các con thật là khó khăn để vượt qua. Mẹ thấy sự tuyệt vọng của không ít bạn trẻ khi gặp phải “cú trượt chân” này cùng không ít lời chỉ trích, nỗi thất vọng của người thân từng kỳ vọng vào họ. Mẹ cũng nhận thấy nghị lực, lòng quyết tâm của không ít các bạn mong muốn làm lại từ đầu. 

 (2) Con gái yêu, cuộc sống của các con mới chỉ bắt đầu ở ngưỡng cửa cuộc đời. Những vấp ngã, nếu có, sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu để các con trưởng thành hơn. ...

 (3) Con có thể thi đỗ, trượt đại học, không quan trọng bằng việc con biết vượt qua thất bại như thế nào, không quan trọng bằng nghị lực và lòng quyết tâm của con. Mẹ sẽ không thất vọng với những vấp ngã của con mà mẹ chỉ thất vọng khi con không vượt qua được chính bản thân mình. Hãy biết vượt lên chính mình, con ạ. Mẹ luôn trân trọng những người biết tự đứng lên sau những vấp ngã. 

(4) Con yêu, hãy cứ hy vọng, cứ biết ước mơ. Hạnh phúc thuộc về những người dám ước mơ và biết cách biến mơ ước thành sự thật. Con đã có: một người luôn yêu thương con, dù ở bất cứ đâu, dù bất cứ khi nào. Con hãy chọn những việc mình làm có ý nghĩa, bắt đầu từ những nỗ lực và nghị lực từ hành trình đầu đời của con. Như thế, con sẽ là người hạnh phúc.

                 (Dẫn theo: Kênh 14.vn – Kênh giải trí, xã hội).

  Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên (0.5 điểm).

  Câu 2: Theo tác giả bài viết, hạnh phúc thuộc về những ai? (0.5 điểm).

  Câu 3 :Chỉ ra và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (1) (1.0 điểm)       

  Câu 4: Anh/chị có đồng ý với quan điểm cho rằng: “Những vấp ngã, nếu có, sẽ là bài học kinh nghiệm” để con người trưởng thành hơn không? Vì sao? (1.0 điểm).

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm).

Câu 1 (2.0 điểm):

Từ nội dung đoạn trích phần Đọc – hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ suy nghĩ về thái độ cần phải có trước những thất bại của bản thân.

Câu 2 (5,0 điểm):

Trình bày cảm nhận của anh/chị về hai đoạn trích sau trong bài thơ “Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu:

 (1)      Tôi muốn tắt nắng đi

 Cho màu đừng nhạt mất;

 Tôi muốn buộc gió lại

  Cho hương đừng bay đi

(Trích: “Vội vàng”, Xuân Diệu – Dẫn theo Ngữ Văn 11, tập hai, tr.22)

(2)      Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

          Ta muốn ôm

           Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

           Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

          Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

           Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

           Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

           Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

           Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

          - Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

(Trích: “Vội vàng”, Xuân Diệu – Dẫn theo Ngữ văn 11, tập hai, tr.23)

...........HẾT............

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

Câu 2: Theo tác giả, hạnh phúc sẽ thuộc về những người dám ước mơ và biết cách biến ước mơ thành hiện thực

Câu 3:

- Biện pháp tu từ: liệt kê, đối, ẩn dụ (0.5 điểm)

 + Ẩn dụ: cú trượt chân ( thất bại, trượt Đaị học)

 + Liệt kê: những phản ứng khác nhau của các sĩ tử và người thân khi các sĩ tử thất bại trong kỳ thi Đại học (tuyệt vọng, thất vọng, quyết tâm muốn làm lại từ đầu…. .)

 + Đối lập: Thái độ tiêu cực (tuyệt vọng, thất vọng…) và thái độ tích cực (nghị lực, quyết tâm, muốn làm lại từ đầu…)   

- Hiệu quả: Làm rõ những biểu hiện khác nhau (đối lập) của các sĩ tử và cả những người thân khi các sĩ tử thất bại trong kỳ thi Đại học / Kể ra những biểu hiện tiêu cực và tích cực của các sĩ tử và người thân khi các sĩ tử trượt Đại học….

Câu 4:

HS có thể đồng tình hoặc không đồng tình nhưng yêu cầu phải có những kiến giải hợp lý.

- Đồng tình: Sau khi “vấp ngã”, thất bại mỗi người sẽ tự thấy được những điểm mạnh, điểm yếu, những tồn tại, hạn chế của bản thân từ đó có thể điều chỉnh hành vi, thái độ cho phù hợp. Đó chính là bài học kinh nghiệm quan trọng giúp con người trưởng thành hơn trong cuộc sống.

- Không đồng tình: Có những thất bại “vấp ngã” làm mất đi cơ hội của con người khiến con người dù có thêm một bài học mới cũng khó có cơ hội làm lại, không có cơ hội cống hiến, làm việc…vì thế con người khó có thể trưởng thành…

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm).

Câu 1:

a. Đảm bảo về hình thức đoạn văn

   Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích hoặc song hành

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

   Thái độ cần phải có khi gặp thất bại

c. Triển khai vấn đề nghị luận

   Trên cơ sở những hiểu biết về đoạn trích ở phần Đọc hiểu, thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận và trình bày suy nghĩ theo nhiều cách nhưng với điều kiện lập luận phải chặt chẽ, thuyết phục và phải làm rõ được vấn đề nghị luận: Thái độ cần phải có trước những thất bại của bản thân. Dưới đây là một số gợi ý định hướng chấm bài:

- Trình bày cách hiểu về thất bại: Thất bại là không hoàn thành được mục tiêu đề ra, không đạt được kết quả như ý muốn…

- Chỉ ra được những thái độ cần phải có khi bản thân gặp thất bại:

+ Chủ động đón nhận thất bại, coi thất bại là một thử thách tất yếu của cuộc sống.

+ Bình tĩnh đối diện với thất bại để có thể sáng suốt lựa chọn cho mình một quyết định hợp lý nhất.

+ Dũng cảm vượt qua thất bại, biến thất bại hiện tại thành động lực để hướng tới thành công trong tương lai….

 - Phê phán những biểu hiên tiêu cực khi gặp thất bại.

d. Sáng tạo: Có quan điểm riêng, suy nghĩ mới mẻ, diễn đạt sáng tạo, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

e. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.

Câu 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

   Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

   Phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật trong đoạn trích mở đầu và đoạn trích cuối cùng trong tác phẩm “ Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu từ đó đánh giá khái quát về điểm thống nhất và sự vận động trong mạch tư tưởng ở hai trích đoạn.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

   Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Xuân Diệu và tác phẩm   “Vội vàng”, học sinh có thể cảm nhận về hai đoạn trích theo những cách khác nhau nhưng phải hợp lý và diễn đạt phải có sức thuyết phục. Dưới đây là một số gợi ý:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận

* Cảm nhận về hai đoạn trích

 - Đoạn thứ nhất

  + Vị trí: Đoạn mở đầu của tác phẩm.

  + Nội dung: Thông qua ước muốn mạnh mẽ, táo bạo (muốn đoạt quyền của tạo hóa, hãm lại vòng quay của đất trời để vĩnh cửu hóa cái đẹp), thi nhân muốn bộc lộ tình yêu và niềm say mê cuộc sống .+ Nghệ thuật: Điệp từ “Tôi muốn”, điệp cấu trúc câu “i muốn….Cho”: Nhấn mạnh, khẳng định khao khát mãnh liệt của thi nhân.

   Giọng thơ dứt khoát, mạnh mẽ cùng sự xuất hiện trực tiếp của chủ thể trữ tình đã thể hiện thái độ tự tin của cái “tôi” thơ mới…

- Đoạn thứ hai

   + Vị trí: Đoạn thơ kết thúc tác phẩm.

   + Nội dung: Lời giục giã của thi nhân – hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy tận hưởng cuộc sống để thỏa mãn tận cùng khát vọng, tình yêu.

   + Nghệ thuật: Điệp từ “Ta muốn”; nhịp thơ nhanh, mạnh, dồn dập; các động từ mạnh ở mức độ tăng cấp cùng các tính từ được sử dụng…đã thể hiện ước muốn mãnh liệt, cuồng nhiệt của thi nhân.

* Nhận xét đánh giá

- Giống nhau: Ở cả hai trích đoạn, tác giả, thông qua việc trực tiếp thể hiện khát vọng mạnh mẽ, táo bạo của mình đã thể hiện tình yêu đời, yêu cuộc sống tới say mê, cuồng nhiệt.

 - Khác nhau:

   + Đoạn 1: Tình yêu đời, yêu cuộc sống được tác giả thể hiện thông qua ước muốn táo bạo, phi hiện thực.

   + Đoạn 2: Tác giả đã vẽ ra một con đường thiết thực để hiện thực hóa ước mơ của chính mình, để thỏa mãn tận cùng tình yêu niềm say mê với cuộc đời; từ đó nhà thơ muốn thể hiện một quan niệm sống mới mẻ, tích cực, tiến bộ: phải chạy đua với thời gian để kịp tận hưởng cuộc sống, sống một cuộc sống có ý nghĩa – nhất là với tuổi trẻ.

d. Chính tả và ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả và ngữ pháp Tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

 

Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề kiểm tra giữa HK2 môn Ngữ Văn lớp 11 của Trường THPT Lục Ngạn Số 1 . Để xem được đầy đủ nội dung đề kiểm tra, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì kiểm tra sắp tới. 

                                       ---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?