Bộ 5 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 Trường THPT Nguyễn Thái Bình có đáp án

TRƯỜNG THPT NGUYỄN THÁI BÌNH

ĐỀ THI HK1

MÔN NGỮ VĂN 11

NĂM HỌC 2020-2021

 

1. ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoan trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sa

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn Người có ngọn sóng nào không

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

Lời cha dặn phải giữ từng thước đất

Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi …

(Trích "Tổ quốc nhìn từ biển" - Nguyễn Việt Chiến)

Câu 1. Xác định hai phương thức biểu đạt chính trong đoạn văn bản trên? (0.5 điểm)

Câu 2. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng ở câu thơ: "Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn" (0,5 điểm)

Câu 3. Nêu ý nghĩa của sự kết hợp những từ ngữ "Tổ quốc", "Biển", " Hoàng Sa",

"Trường Sa", "thềm lục địa", "quần đảo", …có trong đoạn thơ? (1.0 điểm).

Câu 4. Từ nội dung đoạn thơ trên, anh/ chị hãy nêu suy nghĩ của mình về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam? (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo (trong Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao) kể từ khi gặp Thị Nở cho đến khi hắn đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình.

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1.

- Phương thức biểu đạt: biểu cảm và nghị luận.

Câu 2.

- Phép tu từ được sử dụng trong câu thơ: so sánh.

Câu 3.

- Ý nghĩa của sự kết hợp những từ ngữ "Tổ quốc", "Biển", "Hoàng Sa", "Trường Sa", "thềm lục địa", "quần đảo", trong đoạn thơ: thể hiện ý thức sâu sắc và tình cảm của mỗi người Việt Nam về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ rất thiêng liêng của Tổ quốc mình.

Câu 4.

Học sinh có những cách diễn đạt khác nhau nhưng cần có các ý như sau:

- Biển đảo là phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.

- Tình cảm và trách nhiệm của mỗi người trong việc gìn giữ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

II. LÀM VĂN (7 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận; Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo kể từ khi gặp Thị Nở cho đến khi hắn đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình.

c. Triến khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng đảm bảo được các ý chính sau đây:

Giới thiệu tác giả Nam Cao, truyện ngắn Chí Phèo và vấn đề cần nghị luận.

- Về nội dung:

- Đây là thời điểm Chí Phèo đã bị tha hóa, bị tước đoạt quyền làm người lương thiện, bị khinh bỉ; cô độc,... Chí Phèo gặp Thị Nở một cách tình cờ.

- Sau cuộc đối ẩm ở vườn chuối, đặc biệt là sự chăm sóc ân tình của thị vào ngày hôm sau làm cho Chí từ tỉnh rượu đến tỉnh ngộ, Chí Phèo đã thay đổi:

+ Chí thức dậy và thấy “bâng khuâng”, lòng “mơ hồ buồn”; âm thanh của buổi sáng mai nhắc nhớ Chí về quá khứ, về giấc mơ xưa...

+ Trở lại với thực tại, Chí cảm nhận về sự cô độc, về tuổi già...

+ Thị Nở với những cử chỉ ân tình, với bát cháo hành khiến Chí xúc động. Chí thấy mình vẫn là người, Chí hạnh phúc, muốn “làm hòa với mọi người”, muốn làm lại cuộc đời. Chí khao khát làm người lương thiện, và hắn tràn ngập niềm hi vọng...

- Nhưng bà cô Thị Nở, Thị Nở, và thực chất là định kiến từ chối, Chí đã:

+ Hốt hoảng, níu kéo Thị Nở, hơi cháo hành - hương vị hạnh phúc ám ảnh, Chí ôm mặt khóc rưng rức...

+ Khi biết mình không thể gắn bó với Thị Nở, không được trở lại làm người lương thiện, Chí đã quyết định trừng phạt Thị Nở và bà cô Thị.

Nở, nhưng bước chân định mệnh lại đưa Chí đến nhà Bá Kiến, Chí dõng dạc đòi làm người lương thiện, rồi chính Chí lại nhận ra không ai cho Chí làm người lương thiện. Hắn đã đâm chết Bá kiến rồi tự vẫn...

- Bi kịch chồng chất bi kịch, dù chết Chí vẫn không thay đổi được bi kịch đau đớn của mình.

→ Trái tim Chí lại đã biết rung lên những nhịp đập yêu thương, mong ước. Khao khát được hoàn lương, sống một cuộc đời bình thường như bao người. Nhưng vừa nhen nhóm đã bị dập tắt. Chí đã phải chết trên ngưỡng cửa trở về với đời sống con người.

=> Nam Cao đã thể hiện sự bế tắc, khát vọng, nỗi khổ đau tột cùng của người nông dân, đồng thời khẳng định nét đẹp không thể mất của họ.

- Về nghệ thuật:

+ Lối văn xuôi hiện đại.

+ Diễn biến tâm lí nhân vật lôgic, sắc sảo, gây xúc động...

+ Ngôn ngữ trần thuật sống động, phong phú về điểm nhìn, giọng điệu...

+ Chọn lựa chi tiết đắt giá...

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

2. ĐỀ SỐ 2

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc kĩ văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

…“Xe bus chỉ có duy nhất một người phục vụ hành khách với rất nhiều vali hành lý. Anh vừa là lái xe vừa là người bán vé vừa là người phục vụ. Khi xe tới anh xuống xe nhận từng vali hành lý của khách, xếp gọn gàng vào hầm chứa đồ của xe một cách cực kỳ cẩn trọng nhưng cũng rất nhanh chóng. Thái độ làm việc đầy trách nhiệm này chắc chắn là bắt nguồn từ tinh thần kỷ luật rất cao đối với cá nhân khi thực hiện công việc của mình.

Sau khi nhận hành lý của hành khách, anh lên xe để thực hiện việc bán vé tuyến Ikebukuro - sân bay Hadena cho từng khách với một thái độ ân cần và kính cẩn, luôn miệng cảm ơn từng người và cần mẫn trả tiền thừa cho mọi người, nhất là khi có rất nhiều du khách dùng tiền xu còn sót lại của mình để thanh toán cho tiền vé 1.200 yên cho hành trình này.

Khi xe tới sân bay anh lại một mình dỡ và gửi từng vali cho hành khách cũng nhẹ nhàng và cẩn trọng như chính hành lý của mình vậy, và luôn miệng cảm ơn hành khách chúng tôi.

Tôi kính phục anh, kính phục tinh thần kỷ luật cá nhân của anh cũng như của người Nhật trong công việc. Nếu không có tinh thần kỷ luật cá nhân, người Nhật không bao giờ có thể làm công việc của mình một cách cần mẫn, chu đáo và chi tiết tới mức tỉ mỉ đến vậy”

(Theo Fanpage Câu chuyện Nhật Bản)

Câu 1 (1,0 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Chỉ ra một phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn đầu tiên.

Câu 2 (1,0 điểm): Nêu nội dung của đoạn trích.

Câu 3 (1,0 điểm): Anh/chị rút ra bài học gì từ câu chuyện trên? Lí giải ngắn gọn trong 5-7 dòng

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm):

Câu 1 (2,0 điểm):

Từ đoạn trích trên, hãy viết một đoạn văn (khoảng 12-15 dòng) trình bày suy nghĩ của anh/chị về giá trị của tính kỷ luật trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm):

Phân tích cảnh cho chữ và lời khuyên của nhân vật Huấn Cao đối với viên Quản ngục trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” để cảm nhận quan niệm về cái Đẹp của nhà văn Nguyễn Tuân.

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng:

Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản;

Diễn đạt rõ ràng, chính xác, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp

2. Yêu cầu về kiến thức:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: tự sự (0,5 điểm)

- Phép liên kết được sử dụng ở đoạn đầu là: phép thế (người phục vụ hành khách/anh) hoặc phép lặp (lặp từ anh) (0,5 điểm).

Câu 2: Câu chuyện kể một anh lái xe bus người Nhật đã làm tốt công việc của mình với thái độ niềm nở, dễ mến, tác phong chuyên nghiệp và tinh thần kỉ luật cao; để lại sự nể phục ở tác giả. (1,0 điểm)

Câu 3: Học sinh chỉ ra bài học mình rút ra được (0,25 điểm) và lí giải (0,75 điểm). Giám khảo căn cứ vào tình hình bài làm của học sinh để cho điểm.

PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

a) Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết viết đoạn văn nghị luận xã hội, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc.

- Yêu cầu hình thức:

Không tách dòng (Tách dòng: - 0.5đ).

Số dòng theo quy định, được phép ± 3 dòng).

- Yêu cầu về nội dung: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng phải phù hợp với chuẩn mực, biết cách nêu những suy nghĩ riêng:

Gợi ý: Khẳng định tầm quan trọng của tính kỉ luật và sự cần thiết của nó trong đời sống của con người. Nhờ có tính kỉ luật mà cá nhân biết tuân thủ những nguyên tắc trong công việc và trong đời sống. Qua đó giữ được nề nếp kỉ cương và trật tự xã hội. Tính kỉ luật giúp ta hoàn thành tốt công việc được giao không bỏ dở giữa chừng khi gặp khó khăn. Kỉ luật đi đôi với tinh thần trách nhiệm và sự say mê sẽ khiến ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Những kẻ không khép mình vào kỉ luật sẽ sống tùy hứng thậm chí tùy tiện, cao hơn nữa dễ bị sa ngã cám dỗ bởi thói xấu. Một xã hội văn minh phát triển cần có những cá nhân ý thức sâu sắc về tinh thần này nhưng vẫn giữ được bản sắc cá nhân và cá tính sáng tạo.

b) Biểu điểm:

Điểm 2: Văn viết lưu loát, mạch lạc, từ dùng chính xác, ấn tượng sử dụng được các thao tác lập luận .

Điểm 1: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản của đề nhưng chưa có chiều sâu, diễn đạt có chỗ chưa thật lưu loát.

Điểm 0: Để giấy trắng, lạc đề.

-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

3. ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Tại thế vận hội đặc biệt Seatte (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương nặng nề về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua 100m. Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ vấp té liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé: - Như thế này, em sẽ thấy tốt hơn. Cô gái nói xong, cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích. Khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy. Tiếng vỗ tay hoan hô vang dội nhiều phút liền. Mãi về sau, những người chứng kiến vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động này. Tận trong sâu thẳm, chúng ta luôn ý thức chiến thắng không phải là tất cả, ý nghĩa thật sự của cuộc sống là ở chỗ ta giúp đỡ người khác cùng chiến thắng, dù ta có phải chậm một bước.

(Theo Quà tặng cuộc sống)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn bản.

Câu 2. Đặt tiêu đề cho văn bản.

Câu 3. Chỉ ra những câu đặc biệt được sử dụng trong văn bản và nêu ngắn gọn tác dụng.

Câu 4. Thông điệp rút ra từ văn bản trên là gì?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm) 

Phân tích cảnh đám ma gương mẫu trong đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” (Trích “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng).

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

 Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.

Cách giải:

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự.

Câu 2:

Phương pháp: Căn cứ vào nội dung của văn bản.

Cách giải:

- Học sinh đặt tiêu đề phù hợp với nội dung của văn bản.

- Có thể đặt tiêu đề như sau: Sức mạnh của tình yêu thương, Trao gửi yêu thương,…

Câu 3:

Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm của câu đặc biệt.

Cách giải:

Các câu đặc biệt:

- Trừ một cậu bé.

=> Tác dụng: Thông báo về sự việc vừa xảy ra.

- Tất cả, không trừ một ai!

=> Tác dụng: Bộc lộ cảm xúc của người viết.

Câu 4:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

Cách giải:

- Thông điệp rút ra từ đoạn trích: Tình yêu giữa con người với con người trong cuộc sống là điều cốt lõi và quan trọng nhất. Nhờ tình yêu thương mà con người có thể chiến thắng mọi hoàn cảnh.

-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

4. ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội

Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao

Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng

Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông.”

(Trích Khát vọng – Phạm Minh Tuấn)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2. Nêu chủ đề của đoạn trích trên.

Câu 3. Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 4. Đoạn trích đem đến cho anh/chị cảm xúc gì?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Bằng một đoạn văn (khoảng 100 chữ), anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm sống được nêu trong đoạn trích phần Đọc hiểu “sống để biết yêu nguồn cội”.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng bà Tú trong bài thơ Thương vợ  của Tú Xương.

“Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ âu đành phận,

Năm nắng mười mưa dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,

Có chồng hờ hững cũng như không”

(Thương vợ, Tú Xương, SGK Ngữ văn 11, Tập 1, NXB Giáo dục, 2007,tr.29,30)

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm các phong cách ngôn ngữ đã học: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, hành chính – công vụ.

Cách giải:

- Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

Câu 2:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

- Chủ đề của đoạn trích trên: Khát vọng sống đẹp.

Câu 3:

Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp tu từ đã học.

Cách giải:

- Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích:

+ Điệp cấu trúc “hãy sống như…”

+ Nghệ thuật so sánh

Câu 4:

Phương pháp: Căn cứ vào nội dung văn bản

Cách giải:

- Học sinh có thể trình bày cảm xúc của cá nhân khi đọc văn bản. 

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)

Cách giải:

Yêu cầu về hình thức:

- Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.

- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận.

Yêu cầu về nội dung:

Nêu vấn đề

Giải thích vấn đề

- Nguồn cội: nơi nảy sinh vạn vật.

- Sống để biết yêu nguồn cội nghĩa là sống để biết ý nghĩa của nơi mình sinh ra và được sinh ra.

Phân tích, bàn luận vấn đề

- Tại sao sống để biết yêu nguồn cội?

+ Khi sống ta mới có thể cảm nhận được hết ý nghĩa của cuộc đời này

+ Khi sống cũng là khi ta tiếp nối cho sự phát triển của nguồn cội

- Phê phán những người sống một cách phung phí, vô tâm

Liên hệ bản thân

-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

5. ĐỀ SỐ 5

I. Phần đọc – hiểu: (2,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 2:

Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: "Chắc nó trừ mình ra!". Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào lại đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nổi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết...

(Chí Phèo – Nam Cao)

1. Hãy phân tích ngắn gọn ý nghĩa tiếng chửi của nhân vật Chí Phèo trong đoạn văn trên?

2. Qua đoạn văn trên, anh (chị) có nhận xét gì về môi trường xã hội mà Chí Phèo sống?

II. Phần làm văn: (8,0 điểm)

Câu 1 – Nghị luận xã hội: (3,0 điểm)

Viết bài văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về tâm sự của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng".

Câu 2 – Nghị luận văn học: (5,0 điểm)

Anh (chị) hãy phân tích bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đàicủa nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

I. Đọc – hiểu: (2,0 điểm)

1. Ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo: (1,0 điểm)

Chí vừa đi vừa chửi: Lạ ở chổ Chí chửi, nhưng không ai nghe chửi. Chửi (đời, trời, cả làng Vũ Đại). Sau khi chửi hết đối tượng này đến đối tượng khác, mà chẳng ai có phản ứng gì, hắn đành chửi chính đứa nào đẻ ra hắn.

Sự phản ứng của Chí với xã hội, cuộc đời...(tâm trạng bất mãn của một con người ít nhiều ý thức được mình đã bị xã hội phi nhân tính gạt khỏi thế giới loài người).

Nỗi cô độc của con người đã bị tha hóa, không được làm người trong xã hội cũ.

2. Môi trường xã hội mà Chí Phèo sống: (1,0 điểm)

Môi trường sống thiếu tình thương, đầy thành kiến...đã đẩy Chí dấn sâu vào con đường tha hóa, lưu manh hóa.

Môi trường (xã hội) có thể cứu vớt con người song cũng có thể vùi lấp con người.

II. Làm văn: (8,0 điểm)

Câu 1: (3,0 điểm)

Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội. Biết vận dụng các thao tác lập luận vào bài viết. Bố cục chặt chẽ, diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả.

Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể có nhiều cách làm bài khác nhau, nhưng cần đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau đây:

1) Mở bài: (0,5 điểm). Dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề cần nghị luận.

2) Thân bài: (2,0 điểm) Cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

a) Giải thích sự cần thiết và giá trị quý báu của một tấm lòng trong cuộc sống (tình cảm con người: Yêu thương, sự đồng cảm, bao dung, đức hi sinh). (0,5 điểm)

b) Những biểu hiện phong phú của những tấm lòng trong đời sống: (0,75 điểm)

Một trái tim sẵn sàng rung động trước mọi vẻ đẹp của cuộc đời, một trái tim yêu thương, đồng cảm, biết chia sẻ niềm vui nỗi buồn.

Một đôi tay sẵn sàng hành động: Giúp đỡ những người hoạn nạn, khó khăn,...xây dựng mái ấm tình thương.

Một khối óc biết vì mình, vì người khác mà làm việc.

c) Bàn luận mở rộng: (0,75 điểm)

Đó là biểu hiện của nhân cách tốt, lối sống cao đẹp, giúp con người tránh xa mọi điều xấu xa, tội lỗi, tránh sống tàn nhẫn, ích kỉ.

Góp phần tạo dựng một xã hội nhân ái, văn minh.

Bồi đắp tâm hồn tình cảm, giúp ta trở nên đáng yêu, đáng trọng hơn, đem ta đến gần người hơn.

3) Kết bài: (0,5 điểm)

Khẳng định ý nghĩa của vấn đề.

Liên hệ bản thân và thực tế cuộc sống một cách hợp lí.

-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 Trường THPT Nguyễn Thái Bình. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm các tài liệu khác cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?